Vấn đề nước Đức của khu vực đồng euro

article-0-0E8E9E9B00000578-157_634x376

Nguồn: Philippe Legrain, “The Eurozone’s German Problem,” Project Syndicate, 23/07/2015.

Biên dịch: Phan Huy Đạt | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Khu vực đồng tiền chung châu Âu có một vấn đề liên quan đến nước Đức. Những chính sách “lợi mình hại người” của Đức và cách phản ứng với khủng hoảng rộng hơn mà nước này chủ trương đã được chứng minh là thảm họa. Bảy năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế khu vực đồng euro đang ở trong tình trạng tồi tệ hơn so với châu Âu trong thời kỳ Đại Suy thoái những năm 1930. Những nỗ lực của chính phủ Đức để đè bẹp Hy Lạp và buộc nước này từ bỏ đồng tiền chung đã làm mất ổn định liên minh tiền tệ. Chừng nào chính quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel còn tiếp tục lạm dụng vị thế thống trị là chủ nợ chính để thúc đẩy những lợi ích hẹp hòi của mình thì khu vực đồng tiền chung euro còn không thể phát triển – và có thể là không tồn tại được.

Thặng dư tài khoản vãng lai khổng lồ của Đức – khoản tiết kiệm dư thừa được tạo ra bằng cách hạn chế tiền lương để trợ cấp xuất khẩu – vừa là một nguyên nhân của cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro, vừa là một trở ngại cho việc giải quyết nó. Trước cuộc khủng hoảng, nó đã dẫn tới việc các ngân hàng Đức cho các nước Nam Âu và Ireland vay một cách vô tội vạ. Hiện tại khoản thặng dư hằng năm của nước Đức – đã lên đến 255 tỉ đô la Mỹ, tương đương gần 8% GDP – không còn được chu chuyển xuống Nam Âu, và nhu cầu trong nước giảm sút của nước này đang làm lây lan tình trạng giảm phát trong khu vực, làm trầm trọng thêm các vấn đề nợ của khu vực đồng euro.

Thặng dư xuất khẩu của Đức rõ ràng đã chạm tới những quy tắc của khu vực đồng euro về sự mất cân bằng nguy hiểm. Nhưng bằng cách dựa vào Ủy ban châu Âu, chính phủ của bà Merkel đã tránh được việc bị kiểm soát. Điều này là sự nhạo báng đối với tuyên bố của nước này về việc đấu tranh để xây dựng khu vực đồng tiền chung châu Âu như một câu lạc bộ dựa trên luật lệ. Trên thực tế, Đức đã phá vỡ những quy tắc mà không bị trừng phạt, thay đổi chúng cho phù hợp với nhu cầu của mình, hoặc thậm chí tạo ra chúng theo ý thích.

Quả thật, cho dù chính Đức đang thúc đẩy các nước khác tiến hành cải cách, nó lại bỏ qua các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu. Như một điều kiện của chương trình cho vay mới của khu vực đồng euro, Đức đang buộc Hy Lạp tăng tuổi về hưu – trong khi chính mình lại giảm điều đó. Đức đề nghị các cửa hàng ở Hy Lạp mở cửa cả trong những ngày Chủ nhật, cho dù các cửa hàng ở Đức thì không. Chủ nghĩa nghiệp đoàn có vẻ như đang bị dẫm đạp ở những nơi khác nhưng lại được bảo vệ ở trong nước.

Bên cạnh việc từ chối điều chỉnh nền kinh tế của mình, Đức còn đẩy chi phí của cuộc khủng hoảng lên những nước khác. Để giải cứu các ngân hàng trong nước khỏi hậu quả của các quyết định cho vay tồi, bà Merkel đã vi phạm nguyên tắc “không cứu trợ” của Hiệp ước Maastricht, trong đó cấm các chính phủ thành viên tài trợ cho các nước khác, và buộc những người nộp thuế ở châu Âu phải cho một Hy Lạp đang vỡ nợ vay. Tương tự, các khoản vay của chính phủ các nước khu vực đồng euro cho Ireland, Bồ Đào Nha, và Tây Ban Nha chủ yếu là để giải cứu các ngân hàng địa phương mất khả năng chi trả – và do đó là giải cứu cả những chủ nợ người Đức.

Vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi để đổi lấy các khoản vay này, bà Merkel có quyền kiểm soát lớn hơn đối với mọi ngân sách của các chính phủ trong khu vực đồng euro thông qua một chính sách tài khóa hạn chế dân chủ và làm giảm cầu gồm các nguyên tắc khu vực đồng euro nghiêm ngặt hơn và một thỏa thuận tài khóa.

Ảnh hưởng của Đức đã dẫn đến một liên minh ngân hàng khu vực châu Âu đầy những lỗ hổng và được áp dụng bất đối xứng. Các Sparkassen của nước này – tức những ngân hàng tiết kiệm với một bảng cân đối kế toán chung khoảng 1,1 nghìn tỉ đô la Mỹ – nằm ngoài tầm giám sát của Ngân hàng Trung ương châu Âu, trong khi những siêu ngân hàng có vốn mỏng hơn, chẳng hạn như Ngân hàng Deutsche Bank, và những tổ chức cho vay khu vực đã thối nát thuộc sở hữu nhà nước lại được chứng nhận khỏe mạnh một cách đáng ngờ.

Một trong những quy tắc bất khả xâm phạm của khu vực đồng euro là việc không thể bãi bỏ được tư cách thành viên. Không có điều khoản hiệp ước nào quy định việc rời khỏi liên minh, vì liên minh tiền tệ được hình thành như một bước tiến tới liên minh chính trị – và nếu có (cơ chế rời bỏ) thì liên minh sẽ biến thành một chế độ tỉ giá hối đoái cố định, cứng nhắc và không ổn định một cách nguy hiểm. Đức đã không chỉ chà đạp lên nguyên tắc này mà Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schäuble mới đây còn phát minh ra một quy tắc mới mới – giảm nợ sẽ bị cấm trong khu vực đồng euro – để biện minh cho hành vi thái quá của mình đối với Hy Lạp.

Kết quả là tư cách thành viên của Hy Lạp trong khu vực đồng euro – và rộng ra là tư cách thành viên của tất cả những nước khác – giờ lệ thuộc vào chính phủ Đức. Điều đó cũng giống như Hoa Kỳ đơn phương quyết định rằng nguyên tắc phòng thủ tập thể của NATO phụ thuộc vào việc làm bất cứ điều gì mà chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu.

Khu vực đồng euro đang rất cần một sự thay thế chủ đạo cho “Đồng thuận Berlin” lệch lạc này, trong đó lợi ích của những chủ nợ được xét đến đầu tiên và Đức thống trị tất cả những nước còn lại. Chủ nghĩa Merkel đang gây ra tình trạng trì trệ kinh tế, sự phân cực chính trị, và chủ nghĩa dân tộc tiêu cực. Pháp, Ý, và mọi người dân châu Âu thuộc tất cả những quan điểm chính trị khác nhau cần phải đứng lên ủng hộ một tầm nhìn khác về tương lai của khu vực đồng euro.

Một lựa chọn là cần thúc đẩy chủ nghĩa liên bang mạnh mẽ hơn. Những thể chế chính trị chung, chịu trách nhiệm đối với cử tri trên toàn khu vực đồng euro, sẽ trở thành một đối tác tài khóa dân chủ của Ngân hàng Trung ương châu Âu và giúp khống chế sức mạnh của nước Đức. Nhưng tình trạng thù địch ngày càng tăng giữa các quốc gia thành viên khu vực đồng euro, và tình trạng xói mòn sự ủng hộ đối với hội nhập châu Âu ở cả những nước chủ nợ và con nợ, cho thấy một liên minh mạnh mẽ hơn là không khả thi về mặt chính trị – và thậm chí còn tiềm ẩn nguy hiểm.

Lựa chọn tốt hơn là hướng tới một khu vực đồng euro linh hoạt hơn, trong đó các đại diện quốc gia sẽ có tiếng nói hơn. Với việc nguyên tắc không cứu trợ được phục hồi, các chính phủ sẽ có nhiều không gian hơn để theo đuổi những chính sách phản chu kỳ và đáp ứng những ưu tiên đang thay đổi của cử tri.

Để tạo ra một hệ thống đáng tin cậy như vậy, một cơ chế để cơ cấu lại nợ của các chính phủ vỡ nợ cần được hình thành. Điều này, cùng với việc cải cách những nguyên tắc điều chỉnh việc cấp vốn cho các ngân hàng – từng coi một cách sai lầm tất cả các khoản nợ công là những khoản nợ không có rủi ro và không đặt hạn mức đối với mức nợ công mà các ngân hàng này có thể nắm giữ – sẽ cho phép thị trường, chứ không phải nước Đức, kiềm chế việc đi vay quá mức. Lý tưởng nhất là Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng sẽ được giao nhiệm vụ để hoạt động như một người cho vay cuối cùng đối với các chính phủ không có khả năng thanh toán. Những thay đổi đó có thể thu hút sự ủng hộ rộng rãi – và cũng sẽ phục vụ cả những lợi ích riêng của nước Đức.

Các nước thành viên của khu vực đồng euro đang bị mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân đau khổ bị chi phối bởi nước Đức. Nhưng sự sợ hãi là không đủ để duy trì một mối quan hệ dài lâu. Trừ khi Merkel bắt đầu suy nghĩ một cách hợp lý, nếu không thì cuối cùng bà sẽ phá hủy mối quan hệ đó.

Philippe Legrain, cựu Cố vấn kinh tế cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu, là nghiên cứu viên khách mời cấp cao tại Viện Châu Âu thuộc Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị Luân Đôn.

Copyright: Project Syndicate 2015 – The Eurozone’s German Problem