Tại sao Đức nên ngừng dự án Dòng chảy phương Bắc 2?

Print Friendly, PDF & Email

nordstream2

Nguồn: Juraj Mesík, “Germany’s Rash Rush for Russian Gas”, Project Syndicate, 02/06/2016

Biên dịch: Hoàng Thu Trang | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Trong những hoàn cảnh nhất định, chúng ta có thể trở thành những gã ngốc cả tin – điều sẽ xảy ra trong trường hợp Liên minh châu Âu (EU) chấp nhận dự án ‘Dòng chảy phương bắc 2’ (Nord Stream 2) nhằm tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên do Nga cung cấp đến Đức qua biển Baltic. Năm công ty của EU tham gia dự án này (mỗi công ty có 10% cổ phần) cho biết sự hợp tác của họ với công ty Gazprom của Nga (sở hữu 50% cổ phần còn lại) chỉ đơn giản nhằm mục đích kinh doanh. Thực tế, sự hợp tác này có thể nguy hiểm hơn nhiều.

Một thập niên trước, khi thương vụ về đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc thứ nhất được công bố, Radek Sikorski, sau này là bộ trưởng ngoại giao Ba Lan, đã so sánh nó với hiệp ước Molotov – Ribbentrop năm 1939 (hiệp ước bất tương xâm giữa hai chính phủ của Hitler và Statlin). Khi EU ký thoả thuận này, Sikorski đã bị lên án vì sự cường điệu hoá của mình.

Ngày nay, sau khi Crimea bị sáp nhập vào Nga, và việc chủ quyền của Ukraine tiếp tục bị vi phạm, những nhận xét của Kikorski không còn tỏ ra kỳ quái. Gazprom ngày càng trở thành công cụ chính sách (và cũng là nguồn thu nhập) của Điện Kremlin, với việc cung cấp khí đốt thường xuyên được sử dụng cho mục đích “tống tiền chính trị”, đặc biệt là nhằm giữ cho các quốc gia từng thuộc khối Xô Viết như Ukraine phải nằm ở cùng phía với Nga.

Lý lẽ bảo vệ cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là nó sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về khí đốt của EU. Tuy nhiên, những đường ống hiện đang có giữa EU và Nga có khả năng cung cấp gấp đôi nhu cầu hiện tại của EU. Theo số liệu của Gazprom, vào năm 2015 Nga xuất khẩu hơn 100 tỷ mét khối khí đốt đến Tây Âu – ít hơn một nửa so với năng lực hiện có.

Nhu cầu sử dụng khí đốt tự nhiên của EU không thể lý giải được cho việc xây dựng một đường ống có công suất 55 tỷ mét khối. Vào năm 2014, tiêu thụ đã giảm 23%, xuống còn 387 tỷ mét khối, so với đỉnh năm 2010 là 502 tỷ mét khối, và đây là lượng tiêu thụ thấp nhất kể từ năm 1995. Thực tế, tỷ suất sử dụng so với công suất hoạt động của Dòng chảy Phương Bắc chỉ đạt 43% vào năm 2013, 65% vào năm 2014 và 71% vào năm 2015.

Một vài người cho rằng nhu cầu sử dụng khí đốt của EU sẽ tăng. Có thật vậy không? Chỉ bảy nước Tây Âu (trong đó Đức là lớn nhất) đã chiếm 80% tổng sản lượng tiêu thụ của EU và tất cả các nước này đều có những chương trình năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả. Trừ khi EU quyết định lãng phí nguồn khí đốt tự nhiên giá rẻ, thì việc tiêu thụ sẽ tiếp tục giảm xuống. Mặt khác, tăng gấp đôi khả năng cung cấp khí đốt của Dòng chảy phương Bắc lên 110 tỷ mét khối, về mặt lý thuyết, sẽ đủ để cho phép EU có thể nhập khẩu toàn bộ số khí đốt của Nga chỉ thông qua Dòng chảy phương Bắc.

Tất nhiên, điều đó sẽ gặp nguy hiểm nếu dự án Dòng chảy phương Bắc 2 được xây dựng. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, cả hai đường ống Brotherhood và Yamal kết nối lần lượt giữa Nga với Ukraine và Ba Lan sẽ thật sự bị sụp đổ về mặt kinh tế. Khi không còn khoản phí vận chuyển trung gian – thứ đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành hai đường ống này, tình trạng thiếu bảo trì sẽ nhanh chóng dẫn đến những xuống cấp nghiêm trọng. Nguồn thu nhập quan trọng của các quốc gia Ba Lan, Slovakia, Belarus và Ukraine – có tổng số dân là 100 triệu người – sẽ không còn nữa, điều này sẽ khiến cho nền kinh tế của họ yếu đi và họ sẽ dễ dàng chịu những áp lực đến từ Kremlin.

Nga thực sự là người chiến thắng duy nhất ở đây thông qua việc đảm bảo có thêm tiền từ EU trong một thời gian dài hơn nữa. Những đầu tư mới của phương Tây vào những đường ống mới sẽ khiến hệ thống năng lượng của Châu Âu bị gắn với khí đốt tự nhiên của Nga, và có lẽ sẽ không còn khuyến khích việc chuyển sang sử dụng năng lượng hiệu quả.

Sự tuyên truyền của Nga và của các công ty này sẽ khiến người dân Đức tin rằng Dòng chảy phương Bắc 2 dường như sẽ là một “hàng rào bảo vệ” tách Đức ra khỏi những rắc rối liên quan đến những người láng giềng ở Đông Âu, mặc dù các nước này đều là thành viên EU. Nhưng Dòng chảy phương Bắc 2 chắc chắn sẽ gây ra nhiều vấn đề. Một Ukraine nghèo hơn sẽ dễ dàng trở thành nạn nhân của sự gây hấn từ Nga hơn. Và sự chi phối của Kremlin đối với Belarus sẽ chặt hơn nếu đường ống Yamal bị đóng lại.

Hơn nữa, nước Đức và các nước châu Âu khác sẽ không thể tránh khỏi những hậu quả khác. Bằng cách cam kết mua nhiều khí đốt của Nga hơn mức cần thiết và trong một thời gian dài hơn, EU sẽ giúp cung cấp tài chính cho việc tăng cường quân đội của Nga, điều sẽ đe doạ trực tiếp đến hoà bình của châu Âu.

Theo Chỉ số Quân sự hoá Toàn cầu của Trung tâm Quốc tế về Chuyển đổi tại Bonn, Nga là một trong những quốc gia quân sự hoá lớn nhất trên thế giới. Khoảng 37% ngân sách liên bang trong quý đầu tiên của năm 2016 là dành cho lực lượng an ninh và quân đội của nước này. Và phần lớn khoản tiền này có được là nhờ việc bán dầu và khí đốt cho các nước châu Âu.

Vì vậy, chính những người châu Âu chúng ta đang cung cấp tài chính cho những cuộc chiến của Nga tại Ukraine và Syria, cho sự chiếm đóng quân sự tại Crimea, Nam Ossetia, Abkhazia và Transistria, cho những chuyến bay khiêu khích của không quân Nga tại Baltic và những nơi khác. Chúng ta càng sử dụng nhiều khí đốt của Nga, Vladimir Putin càng có nhiều tiền dành cho việc hiện đại hoá quân đội và cho các cuộc chiến hỗn hợp (hybrid warfare), khi Nga tăng cường sức mạnh cho các lực lượng thông thường bằng những nhóm quân không chính quy và vũ khí mạng (cyber weapons).

Nước Đức và các lãnh đạo của quốc gia đó phải hỏi chính bản thân mình rằng liệu họ có thực sự nghiêm túc với vấn đề hoà bình hay không.  Nếu có, họ cần phải ngừng ngay việc cung cấp tài chính cho quân đội Nga – chính quy hay phi chính quy.

Nhưng liệu người Đức có nghiêm túc đối với EU, thứ đã giúp nơi từng nhiều bạo lực nhất trên thế giới trải qua bảy thập niên hoà bình cho tới nay? Họ có nghiêm túc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và bảo vệ tương lai của hành tinh? Nếu có, họ nên sử dụng ít khí đốt tự nhiên hơn chứ không phải nhiều hơn.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đi ngược lại tất cả những gì mà chính phủ Đức luôn đề cao: đó là sự tồn tại của EU, hoà bình tại EU, và môi trường. Các chính trị gia người Đức cần phải làm tốt hơn để nhớ tới câu nói nổi tiếng của Lenin, một nhà cầm quyền khác tại điện Kremlin trước đây: “Những tên tư bản này sẽ bán cho chúng ta sợi dây thừng để chúng ta treo cổ chúng lên”.

Juraj Mesı́k là chuyên gia về năng lượng và khí hậu tại Hội Chính sách Đối ngoại Slovakia.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Germany’s Rash Rush for Russian Gas
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]