Nguồn: Mark Valencia, “What China can do to build its case in South China Sea territorial claims”, South China Morning Post, 09/08/2015.
Biên dịch: La Thị Bình An | Hiệu đính: Phạm Ngọc Minh Trang
Mark Valencia tin rằng Trung Quốc có thể củng cố các yêu sách về chính trị và pháp lý của mình trên Biển Đông.
Với các chính sách và động thái trên Biển Đông, Trung Quốc đã bị cáo buộc là có thái độ hung hăng; bắt nạt các quốc gia có tranh chấp khác; vi phạm các Hiệp ước đã ký, Luật quốc tế và quy chuẩn quốc tế; quân sự hóa các thực thể; thay đổi nguyên trạng; gây mất ổn định; hủy hoại môi trường và đe dọa tự do hàng hải. Rắc rối hơn về mặt chính trị là việc Philippines nộp đơn kiện chống lại Trung Quốc theo cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.
Nội dung đơn kiện yêu cầu Tòa Trọng tài thường trực, bên cạnh các việc khác, xác định các yếu tố sau: (1) bãi Vành Khăn (Mischief) là một thực thể chìm và là một phần thuộc thềm lục địa Philippines; do đó, Trung Quốc cần chấm dứt sự chiếm đóng và các hoạt động của mình tại đây; (2) Bãi Tư Nghĩa (Hughes), Ga Ven và Xubi là các thực thể chìm khi thủy triều lên và không nằm trong thềm lục địa của Trung Quốc; vì vậy, Trung Quốc cần chấm dứt các hoạt động và sự chiếm đóng trên các thực thể đó; và (3) các bãi Gạc Ma (Johnson South), Châu Viên (Cuarteron) và Chữ Thập (Fiery Cross) là “đá” và chỉ có lãnh hải rộng 12 hải lý và việc Trung Quốc đã tuyên bố quyền tài phán của mình hơn 12 hải lý là phi pháp.
Trung Quốc từ chối tham gia vào quy trình của vụ kiện và lập luận rằng Tòa không có thẩm quyền giải quyết bởi vì các nội dung chính của vụ kiện liên quan đến chủ quyền và phân định biên giới biển.
Việc xác định thẩm quyền của Tòa có thể mất khoảng vài tháng. Nếu Tòa xác định mình có thẩm quyền thụ lý ít nhất một trong các nội dung kiện, Philippines có khả năng sẽ đệ trình các yêu cầu về “biện pháp khẩn cấp tạm thời”, đặc biệt là về việc Trung Quốc phải ngừng và hoãn các hoạt động cải tạo đất (reclamation) và xây dựng (tại Biển Đông). Dù Trung Quốc khẳng định sẽ tạm ngưng việc cải tạo, các hoạt động “xây dựng” dường như vẫn được tiếp tục và sẽ có các tranh cãi về sự khác nhau giữa việc cải tạo và xây dựng diễn ra.
Một phán quyết về các “biện pháp khẩn cấp tạm thời” có thể được đưa ra nhanh chóng. Một phán quyết cuối cùng đối với các nội dung kiện chính có thể kéo dài cả năm hoặc hơn. Trung Quốc cũng không có vẻ sẽ tuân theo bất cứ phán quyết nào không có lợi cho mình và Tòa cũng không hề có cơ chế cưỡng chế.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang gặp khó khăn về cả hai mặt chính trị và pháp lý. Trung Quốc đang có nguy cơ bị xem là quốc gia “ngoài vòng pháp luật quốc tế” và bị các nước Đông Nam Á xa lánh về chính trị khi các nước đó tìm đến sự che chở của Mỹ. Để tránh việc này và cải thiện vị thế chính trị cũng như pháp lý của mình, Trung Quốc cần chủ động hơn trong lời nói và hành động.
Trước mắt, Trung Quốc cần làm rõ rằng một số thực thể mà mình tuyên bố chủ quyền đúng là đảo về mặt pháp lý (ví dụ như đảo Trường Sa, Ba Bình và Thị Tứ) và là một phần của thềm lục địa Trung Quốc, từ đó xác lập vùng đặc quyền kinh tế (của các thực thể này).
Việc này sẽ khiến vấn đề về chủ quyền và phân định biên giới biển trở thành nội dung chính trong đơn kiện trước Tòa Trọng tài Thường trực và như vậy sẽ nằm ngoài thẩm quyền của Tòa.
Tuy nhiên, nó cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc ngầm từ bỏ yêu sách về đường chín đoạn và vùng nước bên trong của mình – nếu đó là ý nghĩa của đường chín đoạn mà Trung Quốc muốn.
Tất nhiên, Trung Quốc vẫn sẽ duy trì yêu sách của mình đối với tất cả các thực thể trong đường chín đoạn và “vùng nước tiếp giáp” tại những nơi phù hợp. Hơn nữa, các yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ các đảo hợp pháp trên quần đảo Trường Sa có thể bao gồm nhiều vùng biển trong đường chín đoạn. Tuy nhiên, việc xác định biên giới biển cuối cùng vẫn cần được đàm phán với các quốc gia ven biển – và Trung Quốc nên mở lời trước về việc đó.
Trung Quốc có thể từ bỏ các tuyên bố chủ quyền đối với các bãi Tư Nghĩa, Vành Khăn và Xubi bởi chúng chỉ là các bãi lúc nổi lúc chìm và do đó không quốc gia nào được phép tuyên bố chủ quyền đối với chúng. Chúng hiện nay là đảo nhân tạo và quyền tài phán với các đảo đó thuộc về quốc gia ven biển. Trung Quốc có thể chứng tỏ rằng chúng thuộc quyền tài phán của mình dựa trên các tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tính từ các đảo hợp pháp (trong quần đảo Trường Sa).
Trung Quốc cũng có thể tuyên bố các bãi Chữ Thập, Gạc Ma, Châu Viên là đảo và có trọn vẹn các vùng biển riêng của nó. Để làm việc đó chính thức, Trung Quốc cần công bố rộng rãi các yêu sách của mình và trình ra các hải đồ cộng với tọa độ các tuyên bố lãnh hải và/hoặc đường cơ sở quanh các thực thể này lên Liên Hợp Quốc. Trung Quốc cũng nên tiến hành các việc tương tự với các yêu sách khác trên quần đảo Trường Sa.
Về “hành vi” của mình, Trung Quốc có thể đối phó với ý kiến của dư luận theo các hướng sau.
Trong lúc Trung Quốc đang thể hiện sự kiềm chế, các bên tranh chấp khác đã hung hăng chiếm đóng bất hợp pháp các thực thể mà Trung Quốc xem là thuộc về chủ quyền lãnh thổ của mình. Các bên đó đã thay đổi các thực thể bằng cách cải tạo, xây dựng các công trình, cảng biển, đường băng sân bay và cho phép triển khai quân sự. Họ cũng đã chiếm đoạt các thực thể lớn nhất và giá trị nhất cho mình, chỉ chừa lại những cái không quan trọng và chủ yếu là các thực thể chìm cho “người giữ chủ quyền hợp pháp” (tức Trung Quốc).
Hiện nay, khi Trung Quốc đang cố gắng “bắt kịp” bằng việc chiếm đóng và thay đổi một số thực thể thì các nước khác cáo buộc Trung Quốc không “tự kiềm chế” và vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử trên biển Đông (DOC) năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc. Đáng nói hơn, Trung Quốc tin rằng các bên yêu sách khác đã vi phạm điều khoản quan trọng nhất của DOC: “giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và quyền tài phán thông qua thảo luận và thương lượng giữa các quốc gia trực tiếp liên quan”.
Đối với Trung Quốc, đơn kiện của Philippines là hành động không thiện chí và vi phạm nguyên tắc này. Trung Quốc cho rằng các bên tranh chấp khác cũng đang vi phạm điều khoản tự kiềm chế và luật quốc tế với các hoạt động thay đổi nguyên trạng trên khu vực tranh chấp. Trung Quốc chỉ đáp trả lại theo cách tương tự.
Về việc hoạt động xây dựng của Trung Quốc có quy mô lớn hơn, việc đó tương xứng với vị thế của Trung Quốc trong vai trò là quốc gia đông dân nhất thế giới và có tổng sản phẩm quốc nội lớn thứ hai thế giới.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng tuyên bố “Các dự án xây dựng của Trung Quốc trên các đảo và bãi chìm đều thông qua các đánh giá khoa học và kiểm tra nghiêm ngặt… Chúng tôi sẽ tiến hành thêm các bước nữa trong tương lai nhằm quản lý và bảo vệ môi trường sinh thái của các đảo, bãi chìm và vùng nước liên quan”. Trung Quốc nên công bố các kết quả về đánh giá môi trường và kêu gọi các bên yêu sách thực hiện tương tự.
Bằng cách thực hiện các gợi ý trên, Trung Quốc có thể gia tăng vị thế chính trị và pháp lý của mình mà không phải từ bỏ quá nhiều (lợi ích của mình – NHĐ). Việc làm đó cũng giúp các hành động và chính sách của Trung Quốc phù hợp với khuôn khổ Luật quốc tế, cũng như để vấn đề chủ quyền và biên giới trên biển cho các thế hệ sau giải quyết.
Trong thời gian đó, khả năng cùng nhau phát triển nguồn tài nguyên vẫn hiện hữu.
Mark J. Valencia là học giả thỉnh giảng cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông (National Institute for South China Sea Studies), Hải Khẩu, Hải Nam.
Các dịch giả La Thị Bình An và Phạm Ngọc Minh Trang là thành viên Câu lạc bộ Học giả Trẻ (IRYS), Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học KHXH&NV TPHCM.