18/08/1227: Thành Cát Tư Hãn qua đời

gengis-khan_1215960i

Nguồn:Genghis Khan dies,” History.com (truy cập ngày 17/8/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1227, Thành Cát Tư Hãn, nhà lãnh đạo Mông Cổ đã lập nên một đế chế trải dài từ bờ biển phía Đông của Trung Quốc tới bờ Tây biển Aral, qua đời trong một ngôi trại trong một chiến dịch chinh phạt triều đại Tây Hạ của người Trung Quốc. Vị Đại Hãn lúc đó đã hơn 60 tuổi và sức khỏe đang suy giảm, có thể đã qua đời do chấn thương sau lần ngã từ lưng ngựa trước đó một năm.

Thành Cát Tư Hãn sinh năm 1162, tên húy là Temüjin (Thiết Mộc Chân). Cha ông, thủ lĩnh một bộ tộc Mông Cổ nhỏ, qua đời khi Thiết Mộc Chân đang trong những năm đầu của tuổi thiếu niên. Thiết Mộc Chân kế vị ông, nhưng bộ tộc của ông không muốn tuân theo một thủ lĩnh non trẻ. Tạm thời bị bỏ rơi, gia đình của Thiết Mộc Chân đã phải tự lo cho bản thân trên những thảo nguyên hoang dã của Mông Cổ.

Cuối tuổi thiếu niên, Thiết Mộc Chân đã trở thành một chiến binh được nể sợ và có sức lôi cuốn. Ông bắt đầu tập hợp lực lượng và thiết lập liên minh với các thủ lĩnh Mông Cổ khác. Sau khi vợ ông bị một bộ tộc đối lập bắt cóc, Thiết Mộc Chân tổ chức lực lượng quân sự để đánh bại bộ tộc này. Sau khi thành công, ông quay lưng lại với các gia tộc và bộ lạc khác và thống nhất Mông Cổ bằng vũ lực. Nhiều chiến binh đã tự nguyện tề tựu dưới trướng của ông, nhưng nhiều người khác đã bị đánh bại và sau đó phải chọn hoặc tuân phục hoặc chết. Giới quý tộc của những bộ lạc bị chinh phạt thì thường bị hành quyết. Đến năm 1206, Thiết Mộc Chân trở thành lãnh đạo của đế chế Mông Cổ rộng lớn và được phong danh hiệu Thành Cát Tư Hãn, có nghĩa là “người thống trị vạn vật.”

Khả Hãn ban hành một bộ quy tắc ứng xử và tổ chức quân đội thành các nhóm theo cơ số 10: 10 người lập thành một thập hộ, 10 thập hộ lập thành một bách hộ, 10 bách hộ lập thành một thiên hộ, và 10 thiên hộ lập thành một vạn hộ, gọi là “Tumen,” một đơn vị quân sự đầy sức mạnh gồm 10.000 kỵ binh. Do tính chất du mục của mình, quân đội Mông Cổ có thể nuôi nhiều ngựa hơn hẳn các nền văn minh ít di cư, những nơi không thể hi sinh đất đai nông nghiệp cho những đồng cỏ chăn nuôi lớn. Mọi chiến binh của Khả Hãn đều cưỡi ngựa, trong đó một nửa là lính thiết giáp được trang bị gươm và giáo. Phần còn lại là kỵ binh nhẹ được trang bị cung tên. Gia đình Khả Hãn và những thành viên đáng tin cậy khác trong gia tộc lãnh đạo những đội quân có tính cơ động cao này và đến năm 1209 thì Mông Cổ bắt đầu lên đường chinh phục Trung Quốc.

Sử dụng một mạng lưới gián điệp và trinh sát rộng lớn, Khả Hãn phát hiện điểm yếu trong cơ sở phòng thủ của quân địch và tiến hành tấn công với 250.000 kỵ binh cùng lúc. Khi tấn công các thành phố lớn, quân đội Mông Cổ sử dụng các công cụ tinh vi như pháo và cần cẩu bắn đá, thậm chí bẻ cả dòng chảy của sông để nhấn chìm quân địch. Hầu hết quân đội và các thành phố đều sụp đổ trước sức mạnh áp đạo của quân Mông Cổ, các vụ thảm sát sau chiến thắng đã triệt tiêu bất cứ ý định kháng cự nào. Bên cạnh hàng triệu người thiệt mạng, những người sống sót được phép tự do tôn giáo và được bảo vệ bên trong một đế chế Mông Cổ mở rộng nhanh chóng. Đến năm 1227, Khả Hãn đã chinh phạt hầu hết Trung Á, xâm nhập vào Đông Âu, Ba Tư, và Ấn Độ. Đế chế vĩ đại của ông trải dài từ miền Trung nước Nga xuống tới biển Aral ở phía Tây, và từ miền Bắc Trung Quốc xuống đến Bắc Kinh ở phía Đông.

Phim tài liệu của BBC về Thành Cát Tư Hãn. Nguồn: Youtube

Ngày 18 tháng 8 năm 1227, trong khi đi dập tắt một cuộc nổi loạn ở vương quốc Tây Hạ, Thành Cát Tư Hãn băng hà. Trong lúc hấp hối, ông đã ra lệnh rằng Tây Hạ nhất quyết phải bị xóa sổ khỏi mặt đất. Tuân lời như mọi khi, người kế nhiệm của Khả Hãn đã san bằng toàn bộ các thành phố và thị trấn của Tây Hạ, sát hại và nô dịch toàn bộ cư dân của vương quốc. Tuân lệnh giữ bí mật cái chết của Khả Hãn, con cháu ông đã sát hại tất cả những người vô tình nhìn thấy đám tang của ông trên đường trở về Cáp Lạp Hòa Lâm (Karakorum), thủ đô của đế chế Mông Cổ. Nơi an nghỉ cuối cùng của ông vẫn còn là một bí ẩn.

Đế chế Mông Cổ vẫn tiếp tục phát triển sau cái chết của Thành Cát Tư Hãn, cuối cùng bao gồm hầu hết những vùng có cư dân sinh sống trên lục địa Á – Âu. Đế chế đã tan rã trong thế kỷ 14, nhưng nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia châu Á vẫn tuyên bố mình là hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn và tướng lĩnh của ông.

Ảnh: Tượng Thành Cát Tư Hãn cao 40 mét bên bờ sông Tuul ở Ulaanbaatar, thủ đô Mông Cổ. Nguồn: The Telegraph.