Vì sao tỷ lệ thất nghiệp dài hạn tại khu vực đồng euro cao?

20150801_blp529

Nguồn:Why long-term unemployment in the euro area is so high”, The Economist, 02/08/2015.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Những con số thống kê mới nhất của khu vực đồng euro được công bố vào ngày 31/7 cho chúng ta những tín hiệu tương đối khả quan. Nó cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của toàn khu vực đã giảm từ đỉnh điểm 12,1% trong tháng 4/2013 xuống còn 11,1%. Mặc cho những tin tức khả quan, một vấn đề khác đã xuất hiện trong khối đồng tiền có 19 thành viên này dưới hình thức tỷ lệ thất nghiệp dài hạn (thường được định nghĩa là không có việc làm trong hơn 12 tháng). Trong 19 triệu người châu Âu thất nghiệp, hơn một nửa không có việc trong năm qua. Và hơn 15% trong số đó đã không có việc trong hơn 4 năm. Không có gì bất ngờ khi vấn đề này trầm trọng nhất ở khu vực Nam Âu, nơi khủng hoảng kéo dài làm tăng tỷ lệ thất nghiệp tổng thể cũng như dài hạn. Nhưng khi số người tìm việc ở Mỹ giảm do nền kinh tế phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp dài hạn ở Mỹ bây giờ chỉ khoảng hơn 20% tổng số người thất nghiệp. Vậy tại sao người châu Âu lại khó có thể kiếm việc lại đến như vậy?

Tỉ lệ thất nghiệp dài hạn ở Mỹ và châu Âu. Nguồn: The Economist.

Một trong các lý do liên quan đến mức độ di động của người lao động. Gần 30% người Mỹ sống ở một tiểu bang khác tiểu bang mà họ sinh ra. Nhưng chỉ 2,8% người châu Âu chuyển đến sinh sống ở một nước EU khác. Rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa và việc không thể chuyển đổi các chứng chỉ làm cho việc ra đi tìm việc mới khó khăn hơn. Những khoản trợ cấp thất nghiệp hào phóng cũng trói buộc những người lao động ở một chỗ và làm cho sự cần thiết phải kiếm việc giảm bớt đi. Phần lớn các tiểu bang của Mỹ chỉ cho người thất nghiệp hưởng trợ cấp trong 26 tuần (cho dù số tuần đã được tăng trong giai đoạn 2008 – 2013). Còn nhiều nước trong khu vực đồng Euro cho hưởng trợ cấp thất nghiệp hơn 1 năm.

Một lý do khác khiến tỷ lệ thất nghiệp dài hạn ngày càng chênh giữa Mỹ và châu Âu là việc tỷ lệ xoay vòng nhân sự ở Mỹ cao hơn châu Âu. Những con số thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), một cơ quan của Liên Hiệp Quốc, cho thấy rằng từ 2008 đến 2012, xác suất bắt đầu làm việc trong tháng tiếp theo ở vào khoảng 7% ở châu Âu và 12% ở Mỹ. Và khả năng mất việc trong tháng tiếp theo ở vào khoảng 0,8% và 1% lần lượt cho mỗi khu vực nêu trên. Mức độ thay đổi cao hơn có nghĩa là công việc được phân bổ đều hơn cho tổng dân số, vì thế kỹ năng được giữ tốt hơn và tinh thần cũng được duy trì cao hơn.

Nhưng không phải tất cả đều là tin xấu cho khu vực euro. Một lý do cho sự khác biệt trong tỷ lệ thất nghiệp giữa hai khu vực là bằng chứng cho thấy thị trường lao động của châu Âu lành mạnh hơn. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm một phần bởi vì những người lao động chán nản rời khỏi thị trường lao động. Ở châu Âu thì ngược lại: lực lượng lao động ngày một tăng, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao.

Tỉ lệ thất nghiệp tại EU. Nguồn: The Economist.

Nhưng tất cả điều này là điềm xấu cho đồng tiền chung. Thất nghiệp dài hạn có thể được duy trì lâu dài vì một người thất nghiệp càng lâu thì càng khó để họ quay lại làm việc. Những khó khăn khác cũng nảy sinh theo. Tỷ lệ sinh nở, vốn đã giảm ở châu Âu, thường giảm thêm và tuổi thọ trung bình cũng có thể giảm khi tỷ lệ thất nghiệp cao. Dù vậy, vấn đề này không ảnh hưởng đến tất cả các thành viên khu vực đồng euro. Đan Mạch và Đức đã giữ tỷ lệ thất nghiệp dài hạn và tổng thể thấp nhờ các chương trình đào tạo việc làm, luật lao động linh hoạt và giáo dục. Các nước Nam Âu, nơi vấn đề ở mức tệ nhất, nên nhìn lên phương Bắc để học hỏi các ý tưởng.