Nguồn: “Kenyatta freed,” History.com (truy cập ngày 19/8/2015).
Biên dịch: Phạm Văn Chính | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1961, Jomo Kenyatta, lãnh đạo phong trào đòi độc lập cho Kenya, đã được chính quyền thực dân Anh trả tự do sau chín năm cầm tù và câu lưu. Hai năm sau đó, Kenya giành được độc lập và Kenyatta trở thành thủ tướng. Được mô tả như một biểu tượng nguy hiểm của chủ nghĩa dân tộc châu Phi, nhưng Kenyatta đã mang lại sự ổn định cho Kenya và bảo vệ những lợi ích của phương Tây ở đất nước ông trong suốt 15 năm làm lãnh đạo.
Kenyatta sinh ra trên vùng cao nguyên Đông Phi nằm ở phía Tây Nam núi Kenya vào khoảng cuối những năm 1890. Ông là thành viên của tộc người Kikuyu – tộc người lớn nhất ở Kenya – và được giáo dục bởi các giáo sĩ thuộc giáo hội trưởng lão. Năm 1920, Kenya chính thức trở thành thuộc địa của Anh, và đến năm 1921 Kenyatta chuyển tới sống tại thủ phủ Nairobi của thuộc địa. Ở đó, ông bắt đầu tham gia các phong trào dân tộc chủ nghĩa của người Phi và đến năm 1928 ông lên nắm chức Tổng Thư ký của Hiệp hội Trung ương Kikuyu, một tổ chức phản đối thực dân châu Âu chiếm đất đai của các bộ lạc. Năm 1929, ông tới Luân Đôn lần đầu tiên để phản đối các chính sách thuộc địa, nhưng chính quyền thực dân Anh đã từ chối gặp ông.
Kenyatta trở lại Luân Đôn nhiều lần trong những năm sau đó để thỉnh cầu cho quyền lợi của người châu Phi và sau đó ở lại châu Âu trong những năm 1930 để tiếp nhận nền giáo dục chính quy ở nhiều viện đại học khác nhau, trong đó có Đại học Quốc gia Moskva. Năm 1938, ông công bố tác phẩm nghiên cứu của mình, Đối mặt với núi Kenya (Facing Mount Kenya), ca ngợi xã hội truyền thống của người Kikuyu và phân tích hoàn cảnh của họ dưới sự cai trị của chế độ thực dân. Trong suốt Thế chiến thứ hai, ông sống tại Anh, diễn thuyết và viết văn.
Năm 1946, ông trở về Kenya và đến năm 1947 thì trở thành chủ tịch của tổ chức Liên minh người Phi Kenya (KAU) mới được thành lập. Ông kêu gọi nguyên tắc cai trị của số đông, tuyển cả người Kikuyu và người thuộc các nhóm dân khác vào phong trào bất bạo động, nhưng nhóm thực dân thiểu số da trắng vẫn không chịu nhượng bộ và từ chối giao vai trò quan trọng cho người da màu trong chính quyền thuộc địa.
Năm 1952, một nhóm người Kikuyu cực đoan được gọi là Mau Mau bắt đầu tiến hành cuộc chiến tranh du kích chống lại thực dân châu Âu và chính quyền thuộc địa, dẫn đến đổ máu, bất ổn chính trị, và hàng chục ngàn người Kikuyu bị giam giữ trong những trại tập trung. Kenyatta chỉ đóng vai trò rất nhỏ trong cuộc nổi loạn, nhưng ông đã bị chính quyền Anh lên án và đưa ra xét xử trong cùng năm đó bên cạnh 5 nhà lãnh đạo khác của KAU với cáo buộc “quản lý tổ chức khủng bố Mau Mau.” Là người ủng hộ bất bạo động và chủ nghĩa bảo thủ, ông tuyên bố vô tội trong phiên tòa đậm màu chính trị nhưng vẫn bị tuyên là có tội và bị kết án 7 năm tù.
Sau 6 năm trong tù, ông bị lưu đày trong nước và quản thúc tại gia ở Lodwar, một thị trấn nhỏ nằm ở Tây Bắc Kenya. Trong khi đó, chính quyền Anh dần thiết lập chính quyền người da màu chiếm đa số ở Kenya. Năm 1960, các nhà dân tộc chủ nghĩa da màu lập nên Liên minh Quốc gia người Phi Kenya (KANU) và Kenyatta được bầu làm chủ tịch vắng mặt. Đảng KANU tuyên bố sẽ không tham gia bất cứ chính phủ nào cho đến khi Kenyatta được tự do. Kenyatta cam kết sẽ bảo vệ quyền lợi của người da trắng trong một quốc gia Kenya độc lập, và đến ngày 14 tháng 8 năm 1961, ông cuối cùng cũng được phép trở lại vùng đất của người Kikuyu. Sau một tuần bị quản thúc cùng với gia đình và những người ủng hộ, ông chính thức được trả tự do vào ngày 21 tháng 8.
Năm 1962, Kenyatta tới Luân Đôn để đàm phán cho nền độc lập của người Kenya, và đến tháng 5 năm 1963, ông đã dẫn dắt KANU chiến thắng trong cuộc bầu cử trước độc lập. Ngày 12 tháng 12 năm 1963, Kenya chính thức độc lập và Kenyatta trở thành thủ tướng. Một năm sau đó, bản hiến pháp mới thiết lập nên nước Cộng hòa Kenya, và Kenyatta đắc cử tổng thống.
Là lãnh đạo của Kenya cho đến khi qua đời năm 1978, Kenyatta khuyến khích hợp tác giữa các chủng tộc, thúc đẩy các chính sách kinh tế tư bản chủ nghĩa và thông qua chính sách đối ngoại thân phương Tây. Ông đã sử dụng quyền lực của mình để đàn áp đối lập chính trị, đặc biệt là từ các nhóm cấp tiến. Dưới sự cai trị của ông, Kenya trở thành một nhà nước độc đảng và kết quả là sự ổn định của đất nước đã thu hút đầu tư nước ngoài vào Kenya. Sau khi Kenyatta qua đời vào ngày 22 tháng 8 năm 1978, người kế nhiệm ông là Daniel arap Moi đã tiếp tục hầu hết các chính sách của ông. Được gọi bằng cái tên trìu mến mzee, nghĩa là “ông lão” trong tiếng Swahili, Kenyatta được tôn làm quốc phụ của Kenya. Ông cũng là người có ảnh hưởng sâu rộng trên khắp châu Phi.