Quản lý mại dâm: Bài toán lâu đời của chính sách công

prostitute

Nguồn: Aryeh Neier, “The World’s Oldest Public Policy Puzzle,” Project Syndicate, 14/08/2015.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Năm 1893, nhà soạn kịch George Bernard Shaw, người ủng hộ nhiệt tình cho quyền bầu cử và sự bình đẳng của phụ nữ, đã viết Mrs. Warren’s Profession (Nghề của bà Warren), một vở kịch với nhân vật chính là bà chủ của một vài nhà thổ. Vở kịch biện minh cho việc khai thác lợi nhuận từ kinh doanh mại dâm trên quan điểm nữ quyền.

Tuy không dâm ô, cũng không dùng ngôn ngữ tục tĩu, nhưng phải đến 8 năm sau khi kịch bản ra đời, nó mới được dàn dựng. Vở kịch mở màn ở London năm 1902 trong một nhà hát nhỏ, giới hạn người xem. Buổi biểu diễn tiếp theo ở New York năm 1905 thì bị cảnh sát vào lục soát.

Tuần này, Tổ chức Ân xá Quốc tế thông báo rằng họ sẽ bắt đầu vận động phi hình sự hóa hành vi mại dâm – một quan điểm được Shaw tán thành. Nhưng những tranh cãi xung quanh quyết định đó cho thấy dư luận về vấn đề này vẫn chưa thay đổi đáng kể trong thế kỷ qua. Đây là lúc chúng ta cần xem xét lại.

Chắc chắn là có nhiều tệ nạn gắn liền với mại dâm ngày nay, cũng giống như ở thời của Shaw (đầu thế kỷ 20). HIV/AIDS chưa phải là mối đe dọa, nhưng bệnh giang mai thì không thể chữa khỏi và thường dẫn đến biến chứng, bệnh điên, hoặc cái chết. Hồi đó, cũng như bây giờ, rất nhiều người tham gia mại dâm đã trở thành nạn nhân của bạo lực, bị ép bán thân, hoặc bị ngăn cấm giải nghệ.

Tuy nhiên, chỉ đơn thuần lưu ý đến các tệ nạn liên quan đến mại dâm là chưa đủ. Phản ứng thích hợp phải là tìm những phương cách tốt nhất để giảm thiểu chúng.

Chưa có nỗ lực nào nhằm dập tắt “nghề lâu đời nhất trên thế giới” thành công trong việc loại bỏ nó hoàn toàn. Chế tài hình sự không chỉ không hiệu quả mà còn có thể phản tác dụng. Nỗi lo bị truy tố có thể khiến những người bị ép mại dâm hoặc nạn nhân của bạo lực không dám tìm kiếm sự giúp đỡ.

Ở nhiều quốc gia, phần lớn người hoạt động mại dâm là người nhập cư không có tư cách pháp lý, và do đó họ rất sợ các cơ quan thực thi pháp luật. Ở nhiều nơi, chính cảnh sát còn lợi dụng gái mại dâm, những người vì tình trạng nghề nghiệp tội phạm của mình mà rất dễ bị lạm dụng bởi công quyền.

Hơn nữa, bản chất ngầm của nghề mại dâm khiến người mại dâm gặp khó khăn khi đề nghị khách hàng sử dụng bao cao su để bảo vệ họ khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Và khi mại dâm là bất hợp pháp, người mại dâm sẽ rất khó chuyển nghề, bởi vì lý lịch tư pháp sẽ ngăn cản họ kiếm được việc làm mới.

Một cách tiếp cận khác, được một số nhà phê bình của Tổ chức Ân xá Quốc tế ủng hộ, được gọi là “Mô hình Bắc Âu,” đã được áp dụng ở Thụy Điển và một số nước khác. Theo mô hình này, hành vi mua dâm là tội phạm, nhưng bản thân người cung cấp dịch vụ tình dục lại được coi là nạn nhân – và do đó sẽ không bị truy tố hình sự.

Dù có vẻ hấp dẫn, Mô hình Bắc Âu vẫn còn nhiều lỗ hổng. Chừng nào một trong các bên tham gia giao dịch tình dục còn bị coi là người phạm tội thì mại dâm vẫn còn bản chất ngầm của nó. Người mại dâm muốn tiếp tục hành nghề sẽ không sẵn sàng làm chứng chống lại khách hàng của họ. Kết quả là, họ phải bị cưỡng chế, nhưng đó cũng là một hình thức lạm dụng. Hơn nữa, dưới Mô hình Bắc Âu, những khách hàng bị người mại dâm và chủ chứa cướp tài sản thường không dám trình báo cơ quan pháp luật.

Mô hình Bắc Âu cũng không thực sự là một cách tiếp cận mới. Năm 1979, Ed Koch, Thị trưởng lúc đó của Thành phố New York, đã đọc tên những người bị bắt vì tội mua dâm và môi giới mại dâm trên đài phát thanh công cộng, trừng phạt họ nặng hơn bằng cách sỉ nhục công khai.

Chính Shaw cũng phản đối những nỗ lực trừng phạt người mua dâm; trong lời tựa Nghề của bà Warren mà ông viết nhiều năm sau khi vở kịch lần đầu ra mắt, ông chế giễu Nghị viện Anh vì đã ban hành một đạo luật quy định rằng “người đàn ông nào làm chủ chứa và bắt nạt người mại dâm sẽ bị phạt roi.” Nhà viết kịch thậm chí còn cho rằng điều này sẽ “có tác động khuyến khích những kẻ biến thái tính dục thích thú với việc bị phạt roi.” Dù sao đi nữa, cũng không có bằng chứng nào cho thấy những biện pháp này có tác động lên ngành thương mại tình dục.

Việc ngăn cấm người đã đủ năng lực hành vi dân sự sử dụng rượu hoặc ma túy đã được chứng minh là có tác dụng ngược. Đưa những vấn đề như vậy ra ánh sáng khuyến khích sự phát triển của các biện pháp giảm thiểu các tệ nạn có liên quan. Điều này cũng đúng với tình dục trao đổi.[1]

Trọng tâm của chính sách công liên quan đến mại dâm phải là ngăn chặn bạo lực và cưỡng ép, cũng như ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm – đó chính xác là những gì mà Tổ chức Ân xá Quốc tế đang đề nghị. Shaw, người tin rằng phụ nữ cũng như nam giới có thể tự do tham gia vào các giao dịch tình dục mà không gây tổn hại cho người khác, chắc chắn sẽ tán thành những đề nghị này.

Aryeh Neier, Chủ tịch Danh dự của Quỹ Xã hội Mở (Open Society Foundations), người đồng sáng lập Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), là tác giả cuốn sách có nhan đề The International Human Rights Movement: A History.

Copyright: Project Syndicate 2013 – The World’s Oldest Public Policy Puzzle

—————-

[1] Khác với mại dâm, tình dục trao đổi (transactional sex) là mối quan hệ tình dục mà trong đó một bên nhận được các lợi ích vật chất và phi vật chất khác mà không nhất thiết phải là tiền mặt – NHĐ.