Tác giả: Nguyễn Thế Phương
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ vừa công bố toàn văn Chiến lược An ninh hàng hải châu Á – Thái Bình Dương, trong đó nhấn mạnh quyết tâm duy trì an ninh và ổn định cho khu vực. Theo đó, Trung Quốc vẫn được ngầm hiểu là mối quan ngại hàng đầu bởi cách ứng xử và những động thái gần đây của nước này trên biển Đông, bao gồm cấm đánh bắt cá; thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác; cải tạo đất quy mô lớn và đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không (trên biển Hoa Đông).
Chiến lược mới của Hoa Kỳ tiếp tục khẳng định lập trường của Washington đối với các vấn đề nóng ở khu vực. Dù không có tranh chấp chủ quyền tại châu Á – Thái Bình Dương, song Washington có lợi ích quan trọng trong việc đảm bảo các bên tranh chấp giải quyết vấn đề một cách hòa bình, không để xảy ra xung đột hay đe dọa.
Tại khu vực Đông Bắc Á, Hoa Kỳ tuyên bố tiếp tục ủng hộ chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku và phản đối bất cứ hành động đơn phương nào thay đổi điều này. Còn tại biển Đông, Washington kêu gọi các bên tìm giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, như ngoại giao hoặc nhờ trọng tài quốc tế.
Cũng trong chiến lược an ninh mới, Washington cũng nêu ra 4 hành động cụ thể tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương như sau:
- Thứ nhất, Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường khả năng quân sự để ngăn chặn xung đột trong khu vực và phản ứng dứt khoát trong tình huống cần thiết.
- Thứ hai, Washington sẽ tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác từ Đông Bắc Á cho đến Ấn Độ Dương nhằm giúp họ tăng cường khả năng quân sự đối phó với các thách thức trong lãnh thổ của mình.
- Thứ ba, thông qua ngoại giao quân sự, Hoa Kỳ muốn tạo dựng niềm tin, sự minh bạch và giảm thiểu rủi ro tính toán sai lầm có thể dẫn đến xung đột.
- Cuối cùng, Washington muốn giúp củng cố các tổ chức an ninh khu vực đồng thời thúc đẩy thành lập một cấu trúc an ninh khu vực mở, mang tính hiệu quả hơn.
Cũng trong bản toàn văn chiến lược mới, Lầu Năm Góc cũng đưa các báo cáo về số lượng và năng lực tác chiến của một số lực lượng hải quân, lực lượng thực thi pháp luật của một số quốc gia chủ yếu trong khu vực, bao gồm: Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Indonesia.
Theo đó, nếu xét về tổng số tàu chiến, hải quân Trung Quốc đang tạm dẫn đầu với 303 tàu các loại, trong đó có 79 tàu chiến cỡ lớn, 107 tàu cỡ nhỏ, 53 tàu đổ bộ và 64 tàu ngầm. Xếp vị trí thứ hai là Nhật Bản với tổng số 67 tàu chiến, bao gồm 46 tàu cỡ lớn, 3 tàu đổ bộ và 18 tàu ngầm. Indonesia đứng vị trí thứ 3 với 61 tàu; các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Việt Nam (37 tàu), Malaysia (23 tàu) và Philippines (14 tàu).
Về năng lực của lực lượng thực thi pháp luật trên biển, Trung Quốc cũng tạm dẫn đầu với 205 tàu, trong đó có 95 tàu cỡ lớn trên 1000 tấn và 110 tàu cỡ nhỏ. Vị trí thứ 2 vẫn thuộc về Nhật Bản với 78 tàu bao gồm 53 tàu cỡ lớn và 25 tàu cỡ nhỏ. Các vị trí tiếp theo có sự thay đổi giữa các nước cũng như số lượng tàu thua tốp đầu rất xa. Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 3 với 55 tàu, trong đó có 5 tàu cỡ lớn và 50 tàu tuần tra cỡ nhỏ. Các vị trí còn lại thuộc về Indonesia (8 tàu), Malaysia (2 tàu) và Philippines (4 tàu). Sở dĩ Malaysia được xếp trên Philippines là vì 2 tàu của nước này đều là các tàu tuần tra cỡ lớn trên 1000 tấn trong khi 4 tàu của Philippines đều là các tàu cỡ nhỏ.
Cuộc tranh luận về ba ứng cử viên tàu ngầm mới cho Hải quân Australia vẫn chưa kết thúc, chủ yếu xoay quanh vấn đề các tàu này nên được đóng một phần ở nước ngoài hay đóng toàn bộ ở ngay tại Australia. Việc các tàu này được đóng hoàn toàn ở nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến năng lực bảo vệ chủ quyền. Bởi lẽ, lý do chính nằm ở chỗ những liên kết không thể tách rời giữa quốc gia sở hữu dữ liệu và quốc gia sở hữu tàu ngầm, cũng như năng lực của quốc gia sở hữu trong việc bảo dưỡng, nâng cấp và kiểm soát tàu ngầm. Đây được xem là chìa khóa để đảm bảo tính bí mật cũng như duy trì khả năng chiến đấu của tàu ngầm trong trường hợp xảy ra tình huống xấu nhất.
Trong khi hãng đóng tàu ThyssenKrupp Marine Systems (TKMS) của Đức và DCNS của Pháp bày tỏ sự sẵn sàng trong việc chia sẻ kinh nghiệm chế tạo tàu ngầm thì Nhật Bản lại cho thấy sự thận trọng. Văn hóa và chính trị Nhật Bản không có thói quen với việc phải chia sẻ tài sản trí tuệ thuộc sở hữu của mình cho người khác, kể cả là quốc gia khác.
TKMS cho biết họ sẵn lòng biến Australia trở thành một trung tâm công nghiệp về tàu ngầm tại châu Á bằng cách xây dựng luôn các hạm đội tàu ngầm cho Australia ngay tại nước này. Trong khi đó DCNS cũng cho thấy họ không gặp phải bất cứ rào cản nào từ bên trong tập đoàn lẫn bên ngoài khi có ý định chia sẻ công nghệ tàu ngầm với Australia. Tập đoàn này thậm chí còn đưa ra một lộ trình hợp lý giúp Australia tiến dần đến khả năng sở hữu một hạm đội tàu ngầm hạt nhân trong tương lai. Hai nhà thầu đến từ Nhật Bản là Kawasaki Heavy Industries và Mitsubishi Heavy Industries cũng tuyên bố sẵn sàng bàn giao công nghệ cho Australia. Tuy nhiên, khi bàn về ý tưởng chế tạo các tàu ngầm này ở Australia, phía Nhật Bản còn tỏ ra dè dặt do nghi ngại Australia không đủ năng lực chế tạo.
Mặc dù vậy, vấn đề sở hữu công nghệ tàu ngầm không phải là chuyện không thể không đàm phán được nếu Australia biết sử dụng 20 tỷ USD một cách khôn ngoan. Ngược lại, nếu người Úc không khéo léo, họ sẽ không những không đạt được điều tối thiểu họ muốn mà còn kéo theo các vấn đề về kinh tế khác bởi lẽ 20 tỷ USD không phải là một con số nhỏ.
Nhắc tới quá trình “đảo hoá” của Trung Quốc tại Trường Sa, không thể không nhắc tới đội tàu nạo vét hùng hậu của nước này. Sự phát triển của đội tàu nạo vét này không chỉ giúp cho Bắc Kinh mở rộng kiểm soát ở Biển Đông, mà còn giúp thúc đẩy các sáng kiến “Một vành đai một con đường” hay “Con đường tơ lụa trên biển”. Thậm chí ngay cả khi quá trình “xây đảo” hoàn tất, các tàu nạo vét này cũng sẽ ngay lập tức được sử dụng để xay dựng cảng biển hoặc mở rộng các kênh đào dọc theo tuyến đường tơ lụa mà Trung Quốc đang theo đuổi.
Có thể thấy, động lực chính khiến Trung Quốc có khả năng cải tạo đảo nhanh và mạnh mẽ tới như vậy chính là sự phát triển của đội tàu nạo vét hùng hậu của nước này. Ví dụ có thể kể tới tàu nạo vét tự lực Tianjing, vốn có thể nạo vét và kè đảo với tốc độ 4.500 m3/h. Những tàu kiểu này 15 năm trước không hề tồn tại, và hiện tại thì Trung Quốc đã có thể đồng thời triển khai cả tá tàu như vậy tại Biển Đông.
Lịch sử phát triển đội tàu nạo vét của Trung Quốc vì thế cũng là yếu tố đáng lưu ý. Vào năm 2001, năng lực nạo vét của Trung Quốc đứng thứ 5 hoặc thứ 6 thế giới. Số liệu này bị cho là dễ gây hiểu lầm bởi hai lý do: (1) nhu cầu nội địa lớn do vùng bờ biển và hệ thống sông ngòi rộng lớn; và (2) quan trọng hơn là khả năng công nghệ của Trung Quốc lúc đó còn yếu. Cho tới thời điểm đó, 70% các tàu nào vét của Trung Quốc đã lỗi thời về mặt công nghệ và kích thước của chúng cũng nhỏ hơn nhiều so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, nhờ đầu tư nhiều vào phát triển công nghệ, cho tới năm 2008 năng lực nạo vét của Trung Quốc đã lên tới 900 triệu m3 (gấp lần năm 2001). Và trong năm 2009 con số này vượt 1 tỷ m3.
Công nghiệp nạo vét của Trung Quốc cũng sở hữu mức độ tập trung hoá cao độ, khi một nửa sản lượng nạo vét thuộc về China Communications Construction Company (CCCC), một công ty quốc doanh. CCCC hiện tại là công ty nạo vét lớn thứ hai thế giới, với sự hiện diện ở cả trong và ngoài Trung Quốc. Các hoạt động của CCCC được chia ra cho ba công ty con khác nhau: CCCC Thiên Tân, CCCC Thượng Hải và CCCC Quảng Châu, trong đó Thiên Tân và Thượng Hải đã có hơn 100 năm kinh nghiệm.
Một số tin vắn quốc phòng đáng chú ý
Ngày 19 tháng 8 vừa qua, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công thiết bị bay siêu âm WU-14 từ căn cứ tên lửa Ngũ Trại, tỉnh Sơn Tây. Được biết, đây là lần thứ 5 Bắc Kinh thử nghiệm thành công WU-14. Lora Saalman, một chuyên gia về công nghệ siêu âm có thời gian từng học tại Bắc Kinh cho biết, trong đợt thử nghiệm lần này WU-14 đã đạt đến tốc độ vượt quá dự đoán của giới chuyên môn. Nếu được biên chế thành công, WU-14 có thể mở ra một kỷ nguyên buộc Hoa Kỳ phải tránh xa các vùng biển của Trung Quốc. Khoảng cách này thậm chí còn xa hơn sát thủ tàu sân bay DF-21 hiện có trong biên chế của Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản yêu cầu tăng 2% ngân sách quốc phòng trong năm tài khoá 2016. Thông tin này được đăng tải trên tờ Asahi Shinbun của Nhật Bản kèm theo xác nhận từ các nguồn tin giấu tên. Nếu thành công, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản trong năm 2016 sẽ tăng lên mức 5,1 nghìn tỷ Yên (tức khoảng 43 tỷ USD). Nhiều khả năng sự gia tăng này là nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu mua sắm ngày càng tăng, bao gồm cả kế hoạch mua trực thăng MV-22 Ospreys, máy bay chiến đấu F-35 và một tàu khu trục. Giai đoạn 2010 – 2014, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản đã bị cắt giảm, chủ yếu là do thông qua cắt giảm chi tiêu mỗi quân nhân xuống 15%/người.