Nguồn: Hitoshi Tanaka, “The next step for the US-Japan alliance,” East Asia Forum, 04/08/2015.
Biên dịch: Nguyễn Thùy Giang | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Mối quan hệ Mỹ – Nhật đã đạt được động lực mới nhờ chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Shizo Abe cuối tháng 4 vừa qua. Bài diễn văn lịch sử của Abe trước Quốc hội Mỹ đã được nhiệt liệt đón nhận. Hai nước cũng công bố bản sửa đổi đầu tiên của bản Hướng dẫn hợp tác quốc phòng Mỹ – Nhật năm 1997, trên tinh thần Lực lượng Tự vệ Nhật Bản sẽ có vai trò lớn hơn và hợp tác an ninh Mỹ – Nhật sẽ được mở rộng.
Sự phát triển trong quan hệ liên minh Mỹ – Nhật diễn ra khi cán cân quyền lực đang chuyển dịch trong khu vực. Các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, và các quốc gia ASEAN tiếp tục trỗi dậy; tầng lớp trung lưu châu Á đang phát triển; và chi phí dành cho quốc phòng của Mỹ đang chuyển sang hướng bền vững, tiết kiệm hơn. Do chính quyền Abe đang cố gắng thông qua một loạt các dự luật nhằm mở rộng vai trò an ninh của Nhật Bản trong vài tháng tới, những chuyển dịch cơ cấu ở Đông Á đang cho thấy Nhật và Mỹ cần phải chuyển từ liên minh sang quan hệ đối tác đa phương diện hơn.
Nhật Bản phải củng cố niềm tin trong khu vực. Dịp kỷ niệm lần thứ 70 kết thúc Thế chiến II mở ra một cơ hội để Nhật Bản khẳng định lòng yêu chuộng hòa bình của mình và hàn gắn mối quan hệ với Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong bản tuyên bố dự kiến vào tháng 8 này, ông Abe dứt khoát phải đối mặt với các tội lỗi chiến tranh trong lịch sử của Nhật Bản, không thể bỏ qua bất kỳ yếu tố quan trọng nào trong Bản tuyên bố Murayama. Đồng thời, ông Abe phải thiết lập một chính sách quốc phòng Nhật Bản hướng tới tương lai – nêu rõ rằng mục đích chính là phòng vệ và đóng góp vào công cuộc củng cố hòa bình của môi trường an ninh khu vực – để loại bỏ mọi sự hiểu nhầm của Trung Quốc và Hàn Quốc rằng việc sửa đổi bản Hướng dẫn hợp tác quốc phòng Mỹ – Nhật hoặc các dự luật an ninh mới của Nhật Bản, trong đó cho phép các hình thức tự vệ tập thể có giới hạn, thể hiện sự quay lại của một vị thế hung hăng hơn trong khu vực.
Mỹ cần thay đổi nhận thức để có thể hành động như một thế lực đang hiện diện ở Đông Á. Ước tính châu Á sẽ chiếm 2/3 tầng lớp trung lưu toàn cầu vào năm 2030, và sẽ đóng góp hơn một nửa GDP toàn cầu vào năm 2050. Khi trật tự khu vực thay đổi để phản ánh sự chuyển dịch đó, Mỹ cần can thiệp trực tiếp và mật thiết hơn vào quá trình thiết lập trật tự. Điều này yêu cầu Mỹ phải từ bỏ khuynh hướng đóng vai trò là người cân bằng từ bên ngoài, tham gia sát sao và tích cực hơn, cũng như thể hiện vai trò lãnh đạo tại khu vực trên các bình diện chính trị, an ninh và kinh tế.
Một kênh để Mỹ triển khai vai trò lãnh đạo chính trị sẽ là dẫn dắt việc củng cố cơ chế xây dựng lòng tin bốn bên Mỹ – Hàn Quốc – Nhật Bản – Trung Quốc. Cơ chế này có vị thế thuận lợi trong việc thúc đẩy biện pháp ngoại giao nhằm trấn an các nước láng giềng về vai trò đang biến đổi của Lực lượng Tự vệ Nhật Bản và liên minh Mỹ – Nhật. Đồng thời, nó còn thúc đẩy các thỏa thuận về đường dây nóng quân sự cũng như quá trình quản lý khủng hoảng nhằm giảm thiểu rủi ro xảy ra các cuộc đụng độ vô tình, cũng như giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Mỹ và Nhật Bản nên củng cố hợp tác an ninh ba bên với các đối tác như Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, và các nước ASEAN. Đặc biệt, hợp tác ba bên Mỹ – Nhật – Hàn, bao gồm lập kế hoạch dự phòng, đang trở nên khẩn cấp do tình hình bất ổn tại bán đảo Triều Tiên. Hợp tác ba bên trực tiếp hướng tới Bắc Triều Tiên cũng nên tính đến việc lôi kéo cả Trung Quốc và Nga, hướng tới sự thống nhất bán đảo Triều Tiên theo kịch bản “hạ cánh mềm”, và tận dụng ngoại giao kênh 2 để tìm kiếm những ý tưởng mới từ giới học giả nhằm đảm bảo sự ổn định lâu dài ở bán đảo Triều Tiên.
Việc triển khai quân đội Mỹ trên khu vực Đông Á cần được xem xét lại thường xuyên – thông qua tham vấn chuyên sâu với các đối tác đồng minh – nhằm đảm bảo tính ổn định chính trị và khả năng đối phó với các thách thức hiện tại. Dù việc triển khai quân của Mỹ mang nhiều thiện chí tại khu vực, cần phải xem lại liệu việc duy trì quân đội Mỹ với mật độ cao như vậy trong một khu vực địa lý, chẳng hạn như các lực lượng ở Okinawa giờ đây đang phải đối mặt với sự phản đối gay gắt, có phải là chiến lược tốt nhất để đạt được các mục đích của liên minh Mỹ – Nhật hay không.
Sự phát triển trong công nghệ quân sự và bản chất bất định của các thách thức an ninh khu vực đã làm dấy lên nhu cầu triển khai quân đội rộng rãi và linh hoạt hơn, qua đó lính Mỹ được phân tán và luân chuyển đồng đều xung quanh khu vực – một xu hướng vốn đã bắt đầu với hợp tác đang gia tăng với các đối tác như Australia, Ấn Độ, Philippines, Singapore và Việt Nam. Đồng thời, việc Lực lượng Tự vệ Nhật Bản tiếp tục mở rộng vai trò và chức năng để tham gia vào các hoạt động phòng vệ tập thể có giới hạn làm xuất hiện các tiềm năng lớn trong việc đạt được các dàn xếp về căn cứ quân sự chung giữa Mỹ và Nhật, điều nên được tận dụng như một cơ hội để cho hợp tác an ninh Mỹ – Nhật sâu sắc hơn.
Cuối cùng, Nhật và Mỹ cần sáng suốt bổ sung quan hệ hợp tác an ninh của họ bằng những nỗ lực lớn hơn nhằm can dự Trung Quốc một cách mang tính xây dựng vào các lĩnh vực trọng yếu, bao gồm các thể chế tài chính đa phương, các hiệp định thương mại siêu khu vực, năng lượng và môi trường.
Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) đưa ra một phép thử về cách mà các nước trong khu vực sẽ phản ứng với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Các nền kinh tế dân chủ lớn (trong đó có Australia, New Zealand, và Hàn Quốc, Pháp, Đức, Ý, và Anh) đã trở thành các thành viên sáng lập. Nhật Bản và Mỹ vắng mặt. Nhật Bản nên nhanh chóng tham gia AIIB vì ba lý do.
Thứ nhất, bằng cách tham gia ngay từ quá trình thành lập của ngân hàng, Nhật Bản sẽ có vị thế tốt hơn để thúc đẩy các tiêu chuẩn cao trong quản trị và minh bạch từ bên trong. Thứ hai, sự tham gia của Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy sự hợp tác giữa Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD) và AIIB. Dù Trung Quốc có thể tự chi trả cho các khoản phát triển cơ sở hạ tầng của mình, nước này vẫn vay tiền của ADB (bao gồm 1,49 tỉ USD trong năm 2014) do muốn nhận được kỹ năng chuyên gia và các tiêu chuẩn quản lý chất lượng và môi trường mà các khoản vay này mang lại. Hợp tác ADB-AIIB sẽ giúp củng cố các biện pháp tương tự trong AIIB, từ đó cải thiện tác động cuối cùng. Thứ ba, AIIB muốn đạt tỉ lệ 25/75% phân chia vốn góp giữa các thành viên ngoài và trong khu vực. Sự góp mặt của Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai châu Á, sẽ làm đa dạng hóa các nguồn tài trợ của châu Á và giảm thiểu rủi ro từ sự thống trị của Trung Quốc.
Trong các hiệp định thương mại siêu khu vực, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có nguy cơ chia rẽ khu vực thành các khối thương mại cạnh tranh nhau do Trung Quốc và Mỹ dẫn đầu nếu không được quản lý cẩn thận. Khi tiến tới các thỏa thuận TPP và RCEP cuối cùng, điều quan trọng là cần tạo ra tiền đề cho phép sự hợp nhất chúng trong tương lai như một bước đệm cho việc thành lập một Khu vực thương mại tự do châu Á Thái Bình Dương.
Về dài hạn, TPP cần được tận dụng như một phương tiện để kích thích hợp tác với Trung Quốc. Như vậy, nó cần bao gồm một điều khoản mở để thiết lập một quá trình minh bạch mà qua đó Trung Quốc (cũng như các thành viên RCEP khác) có thể gia nhập TPP trong tương lai, sau khi đạt được các tiêu chuẩn kinh tế nhất định. Đồng thời, RCEP nên được tận dụng như một phương tiện không chỉ để làm sâu sắc hợp tác kinh tế giữa các nước ASEAN+6 mà còn để thu hẹp khoảng cách giữa các nước phát triển và đang phát triển trong khu vực.
Về mặt hợp tác năng lượng và môi trường trong khu vực, nhu cầu năng lượng sẽ tiếp tục tăng theo cấp số nhân trong những thập niên tới tại các nền kinh tế châu Á mới nổi. Cần có các nỗ lực chung trên các lĩnh vực như thăm dò năng lượng, phát triển các công nghệ khai thác mới, và tăng cường các biện pháp an toàn hạt nhân, nhằm đảm bảo đáp ứng được nhu cầu năng lượng của mọi quốc gia. Nhật Bản và Mỹ cần hợp tác để thúc đẩy Hội nghị thượng đỉnh Đông Á hoặc các diễn đàn khu vực khác để đưa các vấn đề trên ra thảo luận một cách nghiêm túc hơn.
Đồng thời, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng gây ra thiệt hại về môi trường, ảnh hưởng xấu tới phát triển kinh tế bền vững và xóa đói giảm nghèo, chưa kể đến đến hệ sinh thái của Trái Đất. Để phục vụ nhu cầu ngày càng cao về năng lượng trong khu vực trong khi vẫn đảm bảo môi trường bền vững, với tư cách các nước đi đầu trong phát triển công nghệ, Nhật Bản và Mỹ cần phối hợp và lôi kéo các quốc gia có cùng chí hướng để thúc đẩy hợp tác trong việc tài trợ và phát triển năng lượng xanh.
Những thành công mới đây trong việc thúc đẩy hợp tác an ninh Mỹ – Nhật là rất quan trọng đối với liên minh này trong việc ứng phó với các thách thức hậu Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, Mỹ và Nhật cần có cách tiếp cận đa chiều để lèo lái trật tự khu vực đang phát triển theo hướng tích cực và bao quát. Cách tiếp cận đa chiều như vậy trong hợp tác khu vực sẽ tiến xa trong việc giúp đảm bảo hòa bình và thịnh vượng ở khu vực châu Á Thái Bình Dương trong “Thế kỷ châu Á.”
Histoshi Tanaka, nguyên Thứ thưởng Ngoại giao Nhật Bản, là nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Trao đổi Quốc tế Nhật Bản (JCIE) và là Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc tế tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản.