Nguồn: Natalia Antonova, “Kremlin Is Wasting Food and PR Opportunity”, The Moscow Times, 11/08/2015.
Biên dịch: Phương Nguyễn | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Những người Nga chúng tôi lớn lên sống cùng ông bà trong thời kì khốn khó của chế độ Xô-viết hiểu rằng lương thực, thực phẩm không phải là chuyện đùa. Mới chỉ cách đây vài chục năm thôi, nạn đói và thiếu thốn không phải là chuyện xa lạ đối với người Nga Xô-Viết – kể cả những người có chút đặc quyền.
Vì thế, hành động hăm hở tiêu hủy hàng núi thực phẩm phương Tây nhập lậu trên khắp nước Nga theo lệnh của tổng thống Nga là điều gì đó thật kinh khủng, thật đau xót. Cho đến nay, kiến nghị đòi dừng chuyện tiêu hủy hàng nhập này đã thu được trên 300.000 chữ kí tại trang Change.org.
Ngay cả các đồng minh của Điện Kremlin, là những tu sĩ và nhà báo bảo thủ, cũng phải giật mình khi thấy TV chiếu cảnh pho-mát bị xe ủi vùi lấp còn thịt xông khói thì bị thiêu hủy.
Kremlin không mảy may rung động. Y hệt Đạo luật Dima Yakovlev tai tiếng cấm người Mỹ nhận con nuôi Nga, việc tiêu hủy thực phẩm là chuyện thỏa mãn máu sĩ diện. Nỗi đau của trẻ em Nga mồ côi và những người có thể trở thành cha mẹ nuôi của chúng không nằm trong bài toán của Vladimir Putin. Điều quan trọng là phải làm cho người Mỹ thấy Nga sẵn sàng dùng con trẻ của mình làm vũ khí và rằng Nga sẽ không mảy may chớp mắt hay rơi một giọt nước mắt nào.
Logic tương tự đang diễn ra khi thực phẩm nhập lậu đang bị tiêu hủy. Giá thực phẩm đã tăng 20% khi Nga áp dụng lệnh cấm vận ngược. Tỉ lệ người Nga sống dưới mức nghèo khổ năm nay đã tăng 16% trong quý đầu 2015. 3,1 triệu người đã được bổ sung vào đội quân nghèo đói của Nga nay lên gần 23 triệu người.
Tất nhiên Kremlin cần tỏ ra mình không mảy may chớp mắt. Các lệnh cấm hàng nhập hi vọng gây áp lực lên khu vực nông nghiệp của châu Âu, để cuối cùng tạo được sức ép lên EU.
Tiêu hủy hàng nhập khẩu chủ yếu là để phô diễn – mặc dù cũng có thể lập luận rằng điều này cũng nhằm ngăn cán bộ tham ô lấy hàng mang bán hoặc trục lợi trên những hàng hóa đó.
Tuy nhiên, vì lí do gì thì việc tiêu hủy thực phẩm cũng là hành vi độc ác. Nhưng Kremlin không quan tâm đến bộ mặt tử tế nữa. Nó đang cần tạo ra một bộ mặt sắt.
Thực tế, Kremlin đã bị hàn chặt vào cái hình ảnh mặt sắt ấy nên đã đánh mất cơ hội làm đẹp mặt mình. Mặc dù gần đây được cấp khá nhiều tiền, bộ máy tuyên truyền của Nga đang thất bại. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Pew, Nga đứng sau Mỹ một cách thảm hại về uy tín khắp nơi trên thế giới (trừ ở Trung Quốc, Việt Nam và Ghana – ND).
Bộ máy tuyên truyền của Nga vẫn khăng khăng rằng Nga đang chống lại ý muốn bá chủ thế giới của Mỹ và cố gắng tạo ra một thế giới đa cực. Nhưng điều quan trọng để sống trong thế giới đa cực là người ta phải làm điều tích cực chứ không phải tiêu cực. Bạn phải có cái gì đó để cho chứ. Vậy Nga đang cho thế giới cái gì? Dầu? Vũ khí? Lá phiếu phủ quyết ở Liên Hợp Quốc? Tiêu hủy thực phẩm?
Không có thứ gì trong số đó giúp tăng cường chính sách ngoại giao của Nga. Những thực phẩm lậu đưa vào Nga bị tiêu hủy trong lúc nhiều nơi trên thế giới đang đối mặt với nạn đói và suy dinh dưỡng. Không cho dân nghèo Nga dùng thì tại sao không kiểm tra thực phẩm này, tái xác nhận chất lượng rồi gửi cho Haiiti hay Namibia? Giá làm được như thế thì sẽ giúp hình ảnh Nga trở nên tử tế hơn hàng nghìn chương trình TV gán cho Mỹ là nước bị những kẻ kỳ dị độc ác và Hội kín cai trị.
Chính xác thì Nga đánh mất những gì? Tiền? Các lò thiêu mới mua để thiêu thực phẩm không hề rẻ. Đó chính là lý do tại sao việc thiêu hủy thực phẩm không chỉ là việc làm vô đạo đức mà còn là hành động hoàn toàn ngu dốt. Sự hung hăng không có đầu óc mà các quan chức Nga đang sử dụng để tiêu hủy thực phẩm càng làm người ta tự hỏi không hiểu họ còn có thể làm những gì tiếp theo nữa.
Liệu họ có sắp tắt hết các máy hỗ trợ sự sống sản xuất ở nước ngoài tại các phòng hồi sức cấp cứu trên khắp đất nước này trong sự tán thưởng của mọi người hay không?
Natalia Antonova là một nhà biên kịch và nhà báo người Mỹ gốc Nga.