Nước Nga: Từ ghi nhớ tới chối bỏ quá khứ toàn trị

Print Friendly, PDF & Email

perm 36

Nguồn: Robert Skidelsky, “From Memory to Denial in Russia”, Project Syndicate, 20/10/2015.

Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Trải nghiệm buồn nhất của tôi tại nước Nga là chuyến thăm vào năm 1998 đến Perm-36 – trại lao động cưỡng bức thời Stalin duy nhất còn được bảo tồn. Tôi đến Perm, một thành phố nằm ở dãy Ural để tham gia một hội nghị chuyên đề của Trường Nghiên cứu Chính trị Moskva. Được thành lập bởi người phụ nữ tài năng Lena Nemirovskaya, mục đích của trường là giới thiệu nền dân chủ, chế độ tự trị và chủ nghĩa tư bản đến những thanh niên Nga thời hậu cộng sản.

Vào một ngày tháng Ba lạnh giá, tôi cùng vài người bạn đến tham quan trại Perm-36. Được xây dựng vào giai đoạn đầu những năm 1940 theo kiểu một trại lao động “bình thường”, đến năm 1972, Perm-36 được cải tạo thành trại tập trung dành cho tù chính trị.

Tù nhân cuối cùng được phóng thích vào năm 1987, ba năm sau khi Mikhail Gorbachev lên nắm quyền. Ngày nay trại được phục dựng thành Bảo tàng Gulag (trại cải tạo lao động) bởi Memorial, một tổ chức nhân quyền do nhà vật lý bất đồng chính kiến Andrei Sakharov thành lập với mục đích nhắc nhở người Nga về quá khứ toàn trị của mình.

Chúng tôi tham quan khu vực được đảm bảo an ninh tối đa. Bao bọc trong vành đai dây thép gai, nơi đây giam giữ những tù nhân chính trị, chủ yếu đến từ những nước cộng hòa Xô-viết ngoài Nga, những người được coi là “phạm nhân đặc biệt nguy hiểm”. Sau khi một đoàn làm phim truyền hình của Ukraine đến quay nơi này năm 1989, một phần của khu vực này đã bị phá hủy một cách có chủ đích.

Rõ ràng các tù nhân đã bị tra tấn tâm lý và thể chất. Chiếc lò sưởi nhỏ xíu trong mỗi buồng giam khó lòng xua đi cái lạnh cắt da cắt thịt từ tháng Mười đến tháng Tư. Tù nhân phải ngủ trên những tấm ván gỗ hoặc những chiếc giường sắt. Quần áo và ga giường được may bằng vải bông chứ không phải len, và mỗi buồng chỉ có một cái lỗ dùng để đi vệ sinh.

Cô Maya, hướng dẫn viên của chúng tôi giải thích rằng các nhà chức trách thích xếp cho những tù nhân không ưa nhau vào cùng một chỗ. Vào ban ngày, họ được đưa qua hành lang đến những xà lim tương tự nhau để làm những công cụ bằng sắt. Mỗi ngày một giờ, họ được phép đến “phòng thể dục”, một căn phòng hình vuông cao 2,7m có dây thép gai ở mái và tháp canh ở đỉnh. Còn một hoạt động “thư giãn” duy nhất khác là xem các bộ phim tuyên truyền mỗi tuần.

Trong số 56 “phạm nhân nguy hiểm” bị giam giữ tại trại Perm-36 trong những năm 1980, bảy người đã chết. Một trong số đó là nhà thơ và nhà dân tộc chủ nghĩa người Ukraine Vasyl Stus. Các nhà chức trách gọi đó là một vụ tử tự, nhưng những người sống sót thì nói rằng lính gác đã tháo một tấm ván gỗ khỏi tường và thả vào đầu Stus khi ông đang ngủ chỉ để cho vui.

Khi Maya kể câu chuyện rợn người đó, tôi quan sát khuôn mặt của hai anh lính gác trẻ tuổi đi cùng chúng tôi. Khuôn mặt họ lạnh băng như mặt đất ngoài kia. Họ có đang nghĩ về bóng đá hay chuyện ngủ với bạn gái của mình không? Dù được cho nốc đủ vodka, họ có thể giết người để giải trí không? Tôi e rằng câu trả lời là có thể. Những chế độ quỷ dữ chẳng bao giờ gặp khó khăn trong việc tìm thấy những tên đồ tể máu lạnh mà họ cần.

Những tổ chức như Memorial và Trường Nghiên cứu Chính trị Moskva không có chỗ tại nước Nga của Putin. Nói theo kiểu chính thức, họ được nhìn nhận là “các tay chân nước ngoài” và phải chịu những sự quấy rầy pháp lý khiến họ hầu như không thể hoạt động.

Đến hôm nay, Bảo tàng Gulag đã có cơ chế quản lý mới. “Cách thể hiện mới”, như Mikhail Danilovich và Robert Coalson đã viết, “được dành cho không phải các hoạt động lao động cưỡng bức mang tính đàn áp thời Stalin mà cho ngành sản xuất gỗ cùng những đóng góp của nó cho thắng lợi của Liên Xô trong Thế Chiến II.” Và sau 20 năm, Trường Nghiên cứu Chính trị Moskva buộc phải ngưng hoạt động ở Nga.

Số phận của bảo tàng và ngôi trường là một phần trong chính sách đàn áp rộng lớn hơn đối với tự do ngôn luận và tự do hành vi trong nhiệm kỳ tổng thống thứ ba của Putin. Các nhà bất đồng chính kiến thường được gán cho là những người biến thái, đạo quân thứ năm, hay những kẻ phản bội khi chế độ thúc đẩy sự đoàn kết dân tộc dựa trên tôn giáo, truyền thống và các luận điệu hoang tưởng.

Điều này thể hiện một sự thay đổi lớn so với những ngày đầu của nước Nga hậu Liên Xô. Đảng Sự Lựa chọn của nước Nga theo đường lối tự do được dẫn dắt bởi thủ tướng dân chủ đầu tiên của đất nước – Yegor Gaidar – nhận được 15,5% số phiếu trong cuộc tổng tuyển cử năm 1993 và cùng với các đồng minh hình thành nên khối đảng phái lớn nhất trong Duma Quốc gia. Vào thời điểm đó, đây được xem là một thất bại thảm hại. Ngày nay, các ứng cử viên theo tư tưởng tự do thậm chí còn không thể vào được Duma Quốc gia.

Làm sao lại xảy ra điều này? Vì sao những hi vọng về chính sách Glasnost (công khai  hóa) của Gorbachev lại bị dập tắt không thương tiếc như vậy?

Một ý kiến phổ biến cho rằng đơn giản là nước Nga đang quay trở về chính nó: tự do chỉ là một nguyên âm lướt qua trong bảng chữ cái lịch sử nước này. Nhưng đó là một lời giải thích hời hợt.

Đúng, chủ nghĩa tự do Nga đã góp phần vào sự sụp đổ của chính mình bởi năng lực kém cỏi và chủ nghĩa bè phái. Nhưng phương Tây chẳng hề giúp đỡ. Vào những năm 1990, phương Tây đã không đổ tiền hậu thuẫn những cải cách kinh tế mà họ bảo trợ. Mở rộng NATO sang các quốc gia vùng Baltic vào năm 2002 – lần mở rộng đầu tiên của NATO vào khu vực lãnh thổ Liên Xô cũ – là một sai lầm thảm họa, khiến người Nga hầu như không thể cùng lúc vừa yêu nước vừa ủng hộ phương Tây. Bằng cách bỏ sót lẫn sai lầm, phương Tây đã làm suy yếu chủ nghĩa tự do chính trị ở Nga, và làm tăng uy thế của chủ nghĩa Putin.

Cho đến nay, Putin đã thể hiện nhận thức chính xác của mình về các giới hạn. Ông cho phép người Nga được mơ đến sự vĩ đại mà không đưa họ đến những rắc rối nghiêm trọng. Dưới sự lãnh đạo của ông, nước Nga dửng dưng trước các lệnh cấm vận, xây dựng một liên minh mới với Trung Quốc và làm đau đầu mà không cần công khai thách thức phương Tây tại Syria. Nhưng những người hiểu Putin cho rằng ông không cho phép có ý kiến; ông là người duy nhất đặt ra các giới hạn. Và không ai có thể duy trì quyền lực tối cao trong một thời gian dài như ông mà không hề tham nhũng.

Hiện tại, chủ nghĩa Putin là tư tưởng áp đảo ở Nga. Nhưng dù cho những lực lượng như Memorial và Trường Nghiên cứu Chính trị Moskva bị đẩy ra bên lề, chúng vẫn chưa hề biến mất.

Robert Skidelsky, Giáo sư hưu trí chuyên ngành Kinh tế Chính trị tại Đại học Warwick và Viện sĩ Viện Hàn lâm Anh chuyên ngành lịch sử và kinh tế, là một thành viên của Thượng Nghị viện Anh. Ông là tác giả của cuốn tiểu sử dài ba tập về John Maynard Keynes. Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị trong Công Đảng, trở thành phát ngôn viên của Đảng Bảo thủ về các vấn đề Ngân khố trong Thượng Nghị viện, và cuối cùng đã bị ép rời khỏi Đảng Bảo thủ vì đã phản đối sự can thiệp của NATO tại Kosovo vào năm 1999.

Copyright Project Syndicate – From Memory to Denial in Russia

Hình: Trại Perm-36. Nguồn: Tom Balmforth.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]