Nguồn: David G. Marr, “Hồ Chí Minh’s Independence Declaration”, Essays into Vietnamese Pasts, K. W. Taylor & John K. Whitmore chủ biên (New York: Cornell University Southeast Asia Program, 1995), trang 221-231.
Biên dịch: Duy Đoàn | Hiệu đính: Nguyễn Tiến Văn
Bài liên quan: Đằng sau tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh (P1)
Chính bản Tuyên ngôn, chỉ dài 760 chữ, được thiết kế để thể hiện lập trường chung của chính quyền gửi tới người dân trong nước lẫn quốc tế.[1] Do muốn liên kết hiện tại của Việt Nam với những truyền thống cách mạng thế giới trong quá khứ, và để thể hiện sự tôn trọng ngoại giao với Washington và Paris, Hồ Chí Minh mở đầu bằng câu trích dẫn từ Tuyên ngôn Độc lập Mỹ 1776, như đã đề cập trước đó, và tiếp theo là đoạn văn trích từ Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền Pháp 1791. Những lí tưởng về cuộc sống, tự do, hạnh phúc, và bình đẳng khi đó được so sánh với các hành vi trong hơn 80 năm cai trị của thực dân Pháp – ông Hồ đặc biệt đề cập đến chuyện Việt Nam bị phân chia thành ba hệ thống hành chính, việc giết hại hay cầm tù những người yêu nước, bán thuốc phiện và rượu để “làm cho nòi giống ta suy nhược”, cưỡng đoạt đất đai và các nguyên liệu thô, và đặt ra “hàng trăm thứ thuế vô lí”. Những lời lẽ này gợi nhớ tới bản thỉnh nguyện ở Versailles năm 1919, cũng như bài luận Le procès de la colonisation française (Bản án chế độ thực dân Pháp) của ông Hồ năm 1925, những văn bản mà một số rất ít người có thể đã biết tới.
Về những sự kiện cụ thể gần đó hơn, Hồ Chí Minh khẳng định Pháp đã “bán” lãnh thổ Việt Nam cho Nhật hai lần trong vòng 5 năm qua, mặc dù Pháp đã đảm nhận trách nhiệm “bảo hộ”. Dân chúng trở nên nghèo khổ hơn, dẫn đến nạn đói khủng khiếp hồi đầu năm đó khi mà “hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”. Khi Nhật đầu hàng Đồng minh, “nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền và lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.[2] Cùng với việc Bảo Đại thoái vị, người dân còn làm được chuyện lật đổ chế độ quân chủ tồn tại hàng mấy ngàn năm.
Sau khi dành hơn hai phần ba bản Tuyên ngôn cho các bài học lịch sử súc tích mà đầy màu sắc, Hồ Chí Minh trong những đoạn văn cuối cùng đã chuyển sang những hoàn cảnh ngoại giao trước mắt. Ông tuyên bố rằng Chính phủ lâm thời đã huỷ bỏ hết mọi hiệp ước do Pháp kí trong quan hệ với Việt Nam và bãi bỏ hết mọi đặc quyền của người Pháp. Ông cảnh báo rằng người Việt “kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp”. Có phần nào ai oán, ông Hồ kêu gọi phe Đồng minh công nhận quyền của người Việt được hưởng độc lập trên tinh thần của những hội nghị Teheran và San Francisco. Tuy nhiên, nếu họ không công nhận, thì những lời cuối cùng của ông Hồ đã loan báo cho thế giới biết rằng trong bất kì trường hợp nào thì:
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.
Khi tiếng vỗ tay và reo hò lắng xuống, Hồ Chí Minh giới thiệu từng bộ trưởng, và tất cả đều làm lễ tuyên thệ nhậm chức. Võ Nguyên Giáp khi đó bước tới và đọc một diễn văn dài đầy vẻ nghiêm trang để tô điểm thêm cho bản Tuyên ngôn của vị chủ tịch.[3] Sau đó, Trần Huy Liệu, bộ trưởng bộ thông tin và tuyên truyền, báo cáo trước khán thính giả về buổi lễ thoái vị của Bảo Đại ở Huế ba ngày trước đó, và rồi trao thanh kiếm hoàng gia và ấn cho Hồ Chí Minh. Là một người có khả năng ăn nói thiên bẩm, Trần Huy Liệu dường như đã làm cho đám đông cười ồ lên và vỗ tay khi mô tả sự cáo chung của chế độ quân chủ. Hòa vào bối cảnh đó, ông Hồ tuyên bố rằng thanh kiếm, trước đây được dùng để đàn áp dân chúng, giờ đây sẽ được dùng để “chặt đầu kẻ phản bội”.[4] Đại diện cho Tổng bộ Việt Minh Nguyễn Lương Bằng sau đó nói ngắn gọn về nhu cầu cần thống nhất và đấu tranh, phát biểu thẳng thừng rằng đánh Pháp là chuyện cần thiết.[5] Vào một thời điểm nào đó giữa buổi lễ lúc chiều, hai chiếc máy bay Tia chớp P-38 của Mỹ sà xuống thấp ngay trên đám đông, một sự kiện được tuyên bố ngay tức thì và ai cũng tin là đại diện cho lời chào mừng của Mỹ dành cho chính quyền non trẻ của Việt Nam.[6]
Mục cuối của chương trình liên quan đến việc người dân lặp lại lời tuyên thệ long trọng cho việc trung thành với Chính phủ lâm thời và với Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lời thề bảo toàn nền độc lập của tổ quốc, “thậm chí có dẫn đến hi sinh mạng sống của chúng ta”, một lời hứa không giúp đỡ Pháp nếu họ quay trở lại xâm lược.[7] Trong một cảnh báo cuối cùng, ông Hồ cầm micrô và tiên đoán:[8]
Chúng ta sẽ phải trải qua nhiều khốn khó và đau khổ hơn nhiều. Đồng bào phải ủng hộ chính quyền, để sau này có thêm nhiều buổi ăn mừng và thắng lợi!
Những nhóm người có tổ chức ở quảng trường sau đó diễu hành ra phố, giải tán ở hồ Hoàn Kiếm, và gia nhập vào bầu không khí vui chung cho đến giờ giới nghiêm.[9]
Trở lại bản Tuyên ngôn của Hồ Chí Minh, chúng ta có thể nói gì về vị thế của nó như một “văn bản” khác biệt với buổi lễ ngày 2 tháng Chín tại Hà Nội? Điều tôi thấy đáng chú ý nhất là tính sắc sảo của bài văn, kết cấu chặt chẽ, không giả tạo. Gần như không từ nào có thể được coi là thừa. Ví dụ điển hình nhất cho tính súc tích là câu: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo đại thoái vị”. Nhiều sự kiện chính trị đương thời, chất chứa nhiều ý nghĩa chính trị, được gói gọn trong chín từ. Thực ra ông Hồ có thể giảm câu đó xuống còn tám từ, nhưng lại chọn cách cho Bảo Đại có được danh tước bình dân bằng cách dùng từ vua, mặc dù không phải tước hiệu chính thức là Hoàng đế. Lối nói cô đọng này ngay lập tức gợi lại những tác phẩm kinh điển Trung Hoa thời Chiến quốc, vốn là thứ rất quen thuộc với nhiều người Việt những năm 1940, tương tự như cách mà nhiều người Mỹ nhận ra nhiều đoạn trích ngắn từ Kinh Cựu ước. Dĩ nhiên ông Hồ thời trẻ có đọc kinh điển Trung Hoa, và từ đầu thập niên 1940 ông đã thấy sẽ hữu ích nếu đóng vai trò một trí thức Khổng giáo trong một số dịp nhất định.
Dù vậy, ấn tượng phong cách nói chung của Tuyên ngôn Độc lập là nó mang tính đương đại, chứ không truyền thống. Hồ Chí Minh không chêm vào bất kì dòng thi ca nào, vốn là điều thường được người ta mong chờ ở các Nho gia. Những câu chữ gọn gàng của ông có thể phần nhiều nhờ vào ba thập niên tiếp xúc với các bản văn xuôi hiện đại của Pháp, Anh, và Nga, và nhờ vào sự nghiệp hoạt động chính trị bí mật và dạy học, hơn là nhờ vào Tuân tử hay Mặc tử. Ông không rắc vào bài diễn văn của mình những thuật ngữ ngoại lai, vốn là điều thường thấy ở giới trí thức Việt Nam ngày đó. Thay vì vậy, người ta cảm thấy ảnh hưởng Tây phương ít trực tiếp hơn, thể hiện ở việc tránh dùng các câu văn biền ngẫu, lối phát triển logic rõ ràng, hay tính chất thẳng thừng. Khi ông Hồ chọn cách tăng chất hùng biện bằng cách dành ra một phần tư toàn bộ bản tuyên ngôn để công kích những đặc điểm cụ thể của chế độ thực dân Pháp, từ “chúng” mang tính miệt thị được sử dụng 14 lần liên tục để gọi những kẻ thực dân. Ở đây, ông rõ ràng lấy cảm hứng từ các bản cáo trạng tư pháp kiểu Tây phương hoặc cụ thể hơn là từ những lời cáo buộc chống lại Vua George III trong bản Tuyên ngôn Mỹ, chứ không phải lối công kích kẻ thù của các vị vua nước Việt, lối tranh cãi giữa các già làng, hay lối cãi nhau giữa chợ.
Cách tiếp cận Tây phương này ít khả năng sẽ làm khó chịu người nghe ở buổi mít-tinh ngày 2 tháng Chín hay những người đọc sau đó, bởi hai lẽ. Thứ nhất, tiếng Việt đã trải qua những thay đổi quan trọng hồi thập niên 1920 và 1930, trong lúc Hồ Chí Minh đang ở hải ngoại. Đã có sự giảm dần những lối nói hoa mỹ, văn vẻ, ít chú tâm hơn đến những nhịp điệu và lối hoà âm, hiệp vận. Ở chừng mực nào đó những thuộc tính truyền thống này đã nhường lối cho tính chuẩn xác trong cách biểu đạt và cú pháp logic.[10] Chúng ta không biết ông Hồ có dịp đọc nhiều văn liệu tiếng Việt thời đó trong lúc sống ở Liên Xô và Trung Quốc hay không, nhưng ông quả có tương tác với những thanh niên lưu vong người Việt, và ông luôn nhanh nhạy khi lưu ý những sắc thái trong ngôn ngữ. Ngoài việc đó ra thì có lẽ tất cả chỉ là sự tình cờ khi có sự hội tụ giữa những trải nghiệm ngôn ngữ của ông Hồ ở hải ngoại với những đổi thay bên trong đất nước.
Thứ nhì, Hồ Chí Minh có sự lựa chọn thẳng thắn về từ ngữ, không cố gắng giới thiệu thuật ngữ lạ cũng như không có dấu hiệu gì cho thấy lên giọng kẻ cả với người nghe. Phải thừa nhận là những từ như bình đẳng và lâm thời, hay ngay cả từ độc lập và tự do, tất cả đều không phải cách diễn đạt truyền thống của người Việt, nhưng chúng đã bắt đầu được giới trí thức sử dụng lác đác từ hồi thập niên đầu tiên của thế kỉ 20, và cho đến thập niên 1940 thì đạt được mức thịnh hành.
Khi quyết định mở đầu bản Tuyên ngôn bằng những trích dẫn từ các bản văn 1776 và 1789, Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện sự tôn trọng Washington và Paris, mà quan trọng hơn là đặt Việt Nam ngang hàng trong dòng cách mạng thế giới nối tiếp nhau. Mặc dù nếu đề cập đến cách mạng Bolshevik 1917 sẽ không thuận lợi về mặt chính trị, nhưng các thính giả có học có thể tự mình rút ra kết luận.
Những đoạn dẫn từ văn bản 1776 và 1789 cho phép ông Hồ có được cơ sở triết học và tư cách luân lí về “các quyền tự nhiên” (của con người), hoàn toàn tương phản với tính dã man và chế độ nô lệ của thực dân Pháp. “Quyền tự nhiên” chỉ được tranh luận công khai giữa những trí thức Việt từ cuối thập niên 1920, và ý tưởng này chưa bén rễ sâu. Chính ông Hồ cũng không theo đuổi chủ đề quyền tự do cá nhân bên ngoài những trích dẫn này, thay vào đó lại chuyển tức thì sang quyền tự nhiên dành cho các dân tộc. Tồn tại giả định mặc nhiên rằng những quyền tự do cá nhân cần được trì hoãn lại cho đến khi đất nước Việt Nam lớn mạnh và an toàn trước những mối đe doạ của nước ngoài. Trong lúc đó, mặc dù ông Hồ không nói ra điều này, nhưng toàn thể người Việt đều rơi vào một trong hai loại: yêu nước hoặc phản bội. Từ khoảng năm 1951, người dân càng lúc càng bị phân chia theo nguồn gốc giai cấp cũng như theo mối quan hệ. Với tư cách một người hết lòng theo Lenin, Hồ Chí Minh ủng hộ những phân loại giai cấp như thế, mâu thuẫn trực tiếp với những khẳng định hồi năm 1945 của ông.
Những người đọc cẩn trọng của bản Tuyên ngôn độc lập hẳn chú ý đến khác biệt tinh tế giữa những điều Hồ Chí Minh nói dành cho người trong nước so với những điều dành cho người ngoại quốc. Với người Việt, nền độc lập là một sự kiện đã xong xuôi, phải được bảo vệ hoàn toàn, không thoả hiệp. Đối với quân Đồng minh, bởi vì nền độc lập của Việt Nam tương ứng với những gì các lãnh đạo Đồng minh đã cam kết tại các hội nghị quốc tế, nên nó phải được công nhận. Nhấn mạnh của ông Hồ về tính chất lâm thời của chính quyền của ông do vậy không chỉ liên quan tới nhu cầu cần tổ chức bầu cử quốc gia và soạn thảo hiến pháp, mà nó còn ra hiệu cho các chính quyền ngoại quốc biết rằng ông sẵn sang thương thảo những thoả thuận dài hạn.
Hồ Chí Minh đã mời thiếu tá Patti xuất hiện trên khán đài ở buổi lễ Độc lập chính thức, nhưng Patti quyết định chọn cách tới cùng ba đồng đội OSS khác với tư cách người quan sát, họ tự chọn chỗ đứng giữa những chức sắc địa phương ở trước khán đài. Trong khi lắng nghe người thông ngôn liên lạc của Việt Minh cung cấp phần dịch tại chỗ về diễn văn của ông Hồ, Patti quan sát phản ứng của đám đông, nhanh chóng kết luận rằng ông Hồ “đã chạm được tới họ”. Khi được cung cấp bản Tuyên ngôn tiếng Việt sau đó vào buổi chiều, Patti đảm bảo rằng nó sẽ được dịch và truyền đi theo sóng radio tới Côn Minh. Qua sóng radio, Patti bổ sung vào những lí giải sống động của chính mình, ví dụ như mô tả bề ngoài ông Hồ là “trán cao, mớ râu tóc bị cơn gió nhẹ thổi phất phơ, và ông ấy dùng lối truyền tải mạnh mẽ đầy cảm xúc…”.[11] Dù tới thời điểm đó một số cấp trên hẳn đã nghĩ Patti đã “thành dân bản xứ” rồi, nhưng họ vẫn chuyển lại một cách chính xác những báo cáo của ông về cho giám đốc OSS tại Washington. Giám đốc OSS đã tóm lược lại chúng thành những bản báo cáo nội bộ ngắn để trình lên Ngoại trưởng, người vì có quá nhiều thứ để đọc nên có thể đã hoàn toàn không hề để ý tới chúng.[12]
Khi Jean Sainteny có được những báo cáo chi tiết về những phát biểu tại buổi mít-tinh, ông đã chú ý tới cách Hồ Chí Minh giữ được đường lối ôn hoà hơn so với những đồng chí của ông.[13] Ngày kế tiếp, một trong những trợ lí của Sainteny bước hùng hổ vào tổng hành dinh của chính quyền lâm thời, nói chuyện với ông Hồ và phụ tá của ông về những vấn đề ngoại giao, và sau đó tỏ ra bị thuyết phục rằng có thể đạt được thương lượng.[14] Sainteny tha thiết mong muốn mở ra những cuộc thương lượng với ông Hồ, nhưng không thể nhận được chỉ dẫn nào từ Paris. Khi các văn bản các bài phát biểu trong ngày lễ Độc lập tới được Paris, thì dường như người ta đã làm ngơ chúng. Vài tháng sau, một phân tích tình báo đã mô tả phần nội dung một cách chế nhạo:
… một sự kết hợp lai tạp giữa chủ nghĩa quốc tế theo sách vở với chủ nghĩa yêu nước kiểu sô-vanh, một sự pha trộn giữa chủ nghĩa Marx trí thức với các nhu cầu xã hội nguyên thuỷ, tương ứng chính xác với những khát vọng của một thành phần dân chúng lạc hậu ở những vùng châu thổ Á châu này.[15]
Thực tế thì Paris rất ít lưu tâm đến các ý tưởng của Hồ Chí Minh hay Võ Nguyên Giáp so với việc lưu tâm đến chuyện một lần nữa giành lấy ưu thế quyền lực ở Đông Dương, sau chuyện đó mới có thể bắt đầu những thương thảo với những thành phần bản địa tự nhận là đại diện cho thứ này hay thứ khác.
Một khi thương lượng bắt đầu giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Pháp thì những bản cáo trạng sống động, đầy cảm xúc của Hồ Chí Minh dành cho chế độ thực dân Pháp, chẳng hạn như bản cáo trạng được trình bày trong Tuyên ngôn Độc lập, đã khiến cho thậm chí những người theo tư tưởng tự do ở Pháp như Sainteny cũng phải nổi giận. Nghiêm trọng hơn, thứ ngôn ngữ cứng rắn như vậy đã hợp pháp hóa thái độ thù địch của quần chúng Việt Nam đối với binh lính và thường dân Pháp, những người quay lại theo những hiệp ước mà ông Hồ là một bên tham gia thoả thuận. Ông Hồ cố gắng giải quyết chuyện này bằng cách phân biệt công khai giữa “những kẻ đế quốc cũ” và những người đại diện cho chính quyền Pháp hiện tại, nhưng những phân biệt này thật khó để duy trì trên thực tế. Tới tháng Mười một năm 1946, cả hai bên đều trở thành tù nhân của những cuộc đấu khẩu hàng ngày và luận điệu của mình. Xung đột toàn diện là điều không tránh khỏi.
Suốt nhiều thập niên kể từ lúc Hồ Chí Minh đứng trên khán đài gỗ tạm tại Hà Nội, bản Tuyên ngôn Độc lập đã trở thành một biểu tượng quốc gia, với việc những em học sinh ghi nhớ những đoạn văn trong đó, các nhà chính trị dùng nó liên tục như một cái neo cung cấp thẩm quyền cho các công bố chính sách của mình, và các sử gia dẫn nó ra như là điểm bản lề giữa chế độ nô lệ thực dân và sự giải phóng thắng lợi. Ngày nay bản Tuyên ngôn có thể là văn bản mang lại tính chính danh quan trọng nhất của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, giúp giải thích tại sao hệ thống chính trị này đến nay vẫn vượt qua được mọi cơn chấn động phát xuất từ Moskva. Dù vậy, rất ít người Việt có thể đọc lại được bản Tuyên ngôn nếu được hỏi tới (không như Truyện Kiều hay những bài thơ có độ dài đáng kể). Nó hiếm khi được xuất bản trọn vẹn, và các viên chức Đảng Cộng sản đã cực kì phóng túng khi biên tập lại hay thậm chí sửa đổi bản văn, đó là chưa kể tới việc diễn giải nó theo cách làm sao phục vụ được cho bản thân nhiều nhất.[16] Cho đến gần đây những điểm nhấn mạnh của bản Tuyên ngôn về quyền được sống, tự do, hạnh phúc, và bình đẳng, cùng với nền độc lập quốc gia, hiếm khi được chú ý một cách chi tiết, ngay cả với những cây bút phi Cộng sản. Tuy nhiên, điều này đang thay đổi khi giới trí thức tìm cách hình thành nên những lí tưởng cho một xã hội mà trong đó chủ nghĩa Marx-Lenin đã chết chỉ còn lại cái tên. Tuy nhiên vẫn còn phải chờ xem thử bản Tuyên ngôn có phai nhạt đi cùng với ý thức hệ thống trị hiện nay hay không, hay vẫn giữ được vị thế trong đài tưởng niệm của chủ nghĩa ái quốc, cùng với những áng văn cổ xưa của Lí Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, và Nguyễn Trãi./.
———————-
[1] Văn bản của Tuyên ngôn được in thành bản luận bốn trang vào ngày 3 tháng Chín, sau đó in trên tờ Cứu Quốc (Hà Nội) 6 (ngày 5 tháng Chín, 1945), và Cờ Giải Phóng (Hà Nội) 16 (ngày 12 tháng Chín, 1945). Như được đề cập, những bản in sau này và dễ tiếp cận hơn thì lại kém chính xác hơn. Các văn bản năm 1945 viết thêm vào tên toàn bộ mười lăm thành niên nội các, cho thấy sự đồng thuận của chính quyền chính thức, nhưng không nghi ngờ gì về việc Hồ Chí Minh là tác giả của bản Tuyên ngôn. Bản dịch Anh ngữ đầu tiên được kèm vào cuốn sách nhỏ của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cuối năm 1945 có nhan đề Documents, với bìa đỏ tươi cộng ngôi sao vàng; bản sao có thể tìm thấy ở AOM, INF, GF 46. Đối với mắt người nước ngoài, thì đất nước này có tên “Việt Nam Cộng hoà”, trừ đi từ “Dân chủ”. Các bản dịch khác có thể tìm thấy ở: Harold R. Isaacs, chủ biên, New Cycle in Asia (New York, 1947), trang 163-165; C. Kiriloff, dịch giả, Documents of the August 1945 Revolution in Vietnam(Canberra, 1963), trang 66-70; Gareth Porter, chủ biên, Vietnam: The Definitive Documentation of Human Decisions, (New York, 1979), tập 1, trang 64-66; và tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam (Hà Nội) 3 (1985): 145-147.
[2] Nó vẫn còn phải được chứng minh chắc chắn rằng Hồ Chí Minh đã dùng từ “Dân chủ” trong bài nói chuyện, mặc dù những bản in lại sau này có chứa từ đó. Trong bản dịch Anh ngữ trong cuốn Documents như được dẫn ra bên trên, trong đoạn văn này ông ấy đề cập đến “Chính quyền Cộng hoà hiện tại”.
[3] Porter, Definitive Documentation, trang 660-71. Tập sách Documents, ở AOM, INF, GF 46.
[4] Trần Trung Thành, Hà Nội Chiến Đấu, trang 20-21. Độc Lập (Hà Nội) số 1 như được trích trong Vũ Ngự Chiêu, “Political and Social Changes in Viet Nam between 1940 and 1946” (luận văn tiến sĩ, University of Wisconsin, 1984), trang 380-81.
[5] Nguyễn Văn Tố, chủ biên, Chặt Xiềng (Hà Nội, 1960), trang 96-98.
[6] Sainteny, Histoire d’une paix manquée, trang 93. Patti không đề cập đến sự kiện này trong cuốn sách của mình nhưng nhớ lại nó rõ ràng khi được phỏng vấn trên đài phát thanh, nhấn mạnh rằng việc bay ngang qua đó hoàn toàn là tình cờ. Xem Michael Charlton và Anthony Moncrieff, Many Reasons Why: The American Involvement in Vietnam (Middlesex, 1979), trang 13-14.
[7] Võ Nguyên Giáp, Những Năm Tháng, trang 28-29. Trần Trung Thành, Hà Nội Chiến Đấu, trang 21.Vũ Ngự Chiêu, “Political and Social Changes”, trang 381.
[8] Tung Hiệp, “Hôm nay là ngày Độc Lập!”, trang 23.
[9] Patti, Why Viet Nam?, trang 253. Tung Hiệp, “Hôm nay là ngày Độc Lập!”, trang 23-24.
[10] Điểm này được nêu ra trong cuốn Hoàng Tuế, “Về Văn Bản Tuyên Ngôn Độc Lập”, trong Hồ Chí Minh: Anh Hùng Giải Phóng Dân Tộc Danh Nhân Văn Hoá, chủ biên Vũ Khiêu (Hà Nội, 1990), trang 324-25.
[11] Patti, Why Viet Nam?, trang 249-52.
[12] Porter, Definitive Documentation, trang 71-72.
[13] Sainteny, Histoire d’une paix manquée, trang 92-93.
[14] François Missoffe, Duel Rouge (Paris, 1977), trang 24-27. Sainteny, Histoire d’une paix manquée, trang 96-97.
[15] “Le Viet Minh”, báo cáo SDECE ngày 25 tháng Sáu, 1946, trang 40, trong AOM, INF, thùng carton 138-139, tập tài liệu 1247.
[16] Trong một bài viết gần đây, cựu giám đốc của Viện bảo tàng Cách mạng ở Hà Nội, Nguyễn Thành, chỉ ra các bản in lại chính thức của bản Tuyên ngôn chứa đựng nhiều lỗi khác nhau như thế nào, cũng có thể được thực hiện thông qua bản dịch tiếng nước ngoài. Có lẽ điểm đáng kể nhất là sự thay đổi “Mọi người đều sinh ra bình đẳng” thành “Mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”, và khuynh hướng bỏ tên những thành viên nội các được liệt kê bên dưới bản Tuyên ngôn. Nguyễn Thành, “Tìm lại bản chính Tuyên Ngôn Độc Lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2-9-1945”, Tạp chí Cộng Sản (Hà Nội) 9 (1990): 73-76. Xin cám ơn Frank Proschan mang lại bài viết này để tôi có thể chú ý đến.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]