Ngoại giao Liên Xô giai đoạn kết thúc Chiến tranh Lạnh

Print Friendly, PDF & Email

451790884

Nguồn: Robert Service, The End of the Cold War: 1985-1991 (PublicAffairs: 2015), pp. 7243- 7462 (Kindle edition).

Biên dịch: Nguyễn Thị Nhung

Ở giai đoạn gần kết thúc Chiến tranh Lạnh, trong mắt các lãnh đạo Xô-viết, trọng tâm quan hệ quốc tế vẫn chủ yếu xoay quanh chính sách dành cho Mỹ và Tây Âu, đặc biệt các cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ là quan trọng hơn cả. Phải đến mùa đông 1988 – 1989, sự quan tâm về châu Á của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Gorbachëv và Bộ trưởng Ngoại giao Shevardnadze mới bắt đầu vượt ra ngoài ranh giới quốc gia Afghanistan vốn đầy bất ổn. Tháng 7/1986, Gorbachëv đã có bài diễn văn quan trọng về khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại thành phố cảng phía Đông Vladivostok, đến tháng 12 cùng năm ông cũng phát biểu trước Bộ Chính trị: “Ánh sáng văn minh của thế kỷ hai mươi mốt sẽ dịch chuyển sang phương Đông.”

Gorbachëv cũng muốn tạo lập quan hệ nồng ấm với các quốc gia châu Á từng là kẻ thù một thời của Moskva. Tình trạng đối đầu chỉ gây lãng phí các nguồn lực, và dù sao đi nữa, hòa bình luôn là ưu tiên hàng đầu của ông. Gorbachëv muốn khôi phục lại vị thế của Liên Xô trên đại lục Á – Âu. Shevardnadze đồng tình với tất cả những quan điểm ấy, nhưng vị Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô vẫn cho rằng tiến bộ còn quá chậm chạp và chưa đạt được nhiều thành quả như mong muốn. Chính vì thế, ông nỗ lực thúc ép Gorbachëv phải đẩy mạnh việc thực thi hơn nữa, chứ không chỉ đơn thuần là đưa ra các tuyên bố chính thức về những dự định trên giấy. Tháng 7/1987, Shevardnadze kêu gọi rút một trăm tên lửa hạt nhân khỏi các vùng lãnh thổ của Liên Xô thuộc Châu Á. Bởi theo ông, các nhà lãnh đạo Liên Xô phải có hành động cụ thể để chứng minh cho Trung Quốc và Nhật Bản thấy rằng phạm vi kế hoạch giải trừ quân bị của mình không chỉ bó hẹp đối với Hoa Kỳ và châu Âu. Nếu Liên Xô đơn phương chủ động trước thì có thể hỗ trợ đạt được mục tiêu này.

Nhưng Gorbachëv lại không muốn vội vàng, bởi thái độ ngờ vực từ phía Trung Quốc đã đẩy tình hình vào thế lưỡng nan. Đặng Tiểu Bình tỏ ra nghi ngờ không dấu giếm về perestroika (công cuộc cải tổ) của Liên Xô; còn Gorbachëv lại thận trọng do e sợ mối quan hệ với Washington có nguy cơ bị phá hỏng nếu Moskva tỏ ra quá thân mật với Bắc Kinh. Bên cạnh đó ông cũng lo ngại về vấn đề an ninh của Liên Xô. Vì vậy dù đồng ý rút toàn bộ tên lửa hạt nhân tầm trung khỏi khu vực châu Âu, ông vẫn quyết định giữ lại hàng trăm tên lửa trên vùng lãnh thổ châu Á của mình. Trước khi Liên Xô và Trung Quốc có thể bắt đầu hợp tác với nhau, Gorbachëv vẫn muốn duy trì sức mạnh phòng thủ hạt nhân của mình dọc đường biên giới dài và nhiều bất ổn của hai nước. Còn Trung Quốc giữ nguyên lập trường cứng rắn, thái độ kiêu hãnh xen lẫn nghi hoặc của mình.

Tình hình đó buộc giới lãnh đạo Xô-viết buộc phải chủ động trước. Đầu tháng 12/1988, Shevardnadze đón tiếp Bộ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Tiền Kỳ Tham đến thăm Moskva. Đại diện của Liên Xô đã khẳng định với người đồng cấp của mình rằng Gorbachëv thực sự mong muốn hai nước xích lại gần nhau hơn. Về phần mình, Tiền Kỳ Tham cũng cho biết Bắc Kinh chắc chắn muốn cải thiện quan hệ giữa hai bên. Ngoài ra, ông Tiền một mặt nhấn mạnh Trung Quốc yêu cầu được đối xử bình đẳng trong quan hệ, mặt khác cũng bày tỏ niềm cảm kích khi Shevardnadze đề nghị giúp đỡ đẩy quân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Campuchia. Dù không biểu lộ công khai,  nhưng từ lâu Gorbachëv đã không đánh giá cao Việt Nam và nền kinh tế của nước này. Ông tin rằng Việt Nam đang gánh đến mười triệu người thất nghiệp. Gorbachëv cũng không ngại nếu quan hệ với Việt Nam suy yếu. Khả năng hòa giải với Trung Quốc bắt đầu trở nên khả dĩ từ đây.

Gorbachëv và Shevardnadze cũng muốn trấn an chính phủ các nước châu Á khác rằng Moskva không hề có bất cứ ý định gây chiến nào với họ. Shevardnadze lên kế hoạch cho chuyến công du đến hàng loạt các điểm nóng, bắt đầu từ Nhật Bản vào cuối tháng 12/1988. Ông từng đến thăm Tokyo ba năm trước và đã nắm được những bất mãn về vấn đề chủ quyền cũng như tình hình sức mạnh kinh tế của Nhật Bản. Giữa Moskva và quốc gia Đông Á này vốn tồn tại tranh chấp từ năm 1945, khi Liên Xô chiếm quần đảo ở phía bắc Nhật Bản mà người Nga gọi là quần đảo Nam Kuril . Sau khi bại trận, Nhật luôn từ chối ký kết hiệp định hòa bình với Liên Xô.

Shevardnadze ghi nhận quan điểm cứng rắn của Nhật về vấn đề này. Nhưng ông đã ngừng tiến hành các động thái ngoại giao vào mùa thu năm 1986 khi chính phủ Tokyo cho phép các công ty Nhật tham gia vào chương trình Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI) của Mỹ.[1] Điểm đến tiếp theo của chuyến công du là Bắc Triều Tiên và Mông Cổ. Tuy nhiên, dù chuyến đi giúp Shevardnadze thu nhặt được nhiều thông tin, nhưng lại gần như không mang lại thành quả thực tế nào. Vì vậy, ông cùng Gorbachëv chuyển hướng sang các khu vực khác trên thế giới.

Gorbachëv đề cập lại vấn đề Nhật Bản tại một cuộc gặp gỡ với sự góp mặt của các nhân vật trong giới báo chí và nghệ thuật vào tháng 5/1988: “Nghe này, cố Tổng Bí thư Khrushchëv từng hứa sẽ trả lại cho người Nhật các lãnh thổ của Liên Xô [ý nói quần đảo Kuril]. Vậy mà chúng ta cho đến tận hôm nay vẫn đang chiến đấu tranh giành mấy hòn đá ngoài đó. Còn biết bao nhiêu đất đai phì nhiêu màu mỡ ngay trong lãnh thổ đất liền của chúng ta thì lại bị bỏ hoang.”

Khi Shevardnadze gặp Ngoại trưởng Nhật Bản Uno Sosuke vào tháng 12/1988, vướng mắc cũ xoay quanh quần đảo tranh chấp này lại một lần nữa cản đường. Shevardnadze kêu gọi hai bên tăng cường hợp tác về thương mại. Nhưng Uno lại tỏ ra không khoan nhượng; ông không thấy triển vọng phát triển khi mà đồng rúp của Nga vẫn là loại tiền tệ không chuyển đổi. Thủ tướng Takeshita nhấn mạnh ý nghĩa to lớn bất biến của quần đảo đối với nước Nhật. Trong một cuộc hội đàm sau đó với Shevardnadze tại Mỹ vào ngày 08/01/1989, Uno từ chối đón tiếp Gorbachëv đến thăm Nhật Bản nếu đến lúc đó Moskva vẫn chưa giải quyết triệt để được “vấn đề chủ quyền này”. Ngoại trưởng Nhật nêu rõ một khi Liên Xô đáp ứng được điều kiện trên, Nhật Bản sẽ sẵn sàng chào đón chuyến công du của lãnh đạo Liên Xô để bàn về viện trợ kinh tế. Đối với Shevardnadze, đây không khác nào một tối hậu thư. Nhưng ông vẫn kiềm chế, không gạt bỏ khả năng Liên Xô từ bỏ quần đảo Nam Kuril và hài lòng với việc lãnh đạo Liên Xô đã có thể nói chuyện trở lại với phía Nhật Bản.

Đúng như Gorbachëv đã dự đoán, Mỹ bắt đầu cảm thấy lo lắng trước những nước đi của Liên Xô ở châu Á, và Bush (cha) lập tức sắp xếp một chuyến thăm cấp Tổng thống đến Trung Quốc. Hành động này hoàn toàn đối lập với thái độ chần chừ, thiếu quyết đoán thường thấy của vị lãnh đạo này về Liên Xô. Bush tỏ ra nắm rõ vấn đề Trung Quốc và nhất định phải đi trước một bước đối với chuyến công du của Gorbachëv đến Bắc Kinh. Cuộc viếng thăm của Tổng thống Mỹ kéo dài ba ngày, bắt đầu từ 23/02. Phía Mỹ đã có một màn phô trương sức mạnh quân sự rầm rộ. Tàu chỉ huy USS Blue Ridge của Hạm đội 7 cập bến Thượng Hải – và hai bên nhất trí để con tàu neo ở đó trong suốt chuyến thăm của tổng thống Mỹ.

Gorbachëv ngay từ đầu đã biết rõ rằng thương thảo với người Trung Quốc sẽ không dễ dàng. Khi đến dự đám tang của cố bí thư Chernenko, Thủ tướng Lý Bằng từng cự tuyệt thái độ khoan dung của Gorbachëv và cảnh báo Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận đứng ở vị trí “tiểu đệ” trước Liên Xô; nhưng ông cũng không gạt bỏ khả năng làm tan băng quan hệ hai nước.

Lý Bằng trở lại Moskva vào tháng 6/1985 để ký một hiệp định hợp tác kinh tế và công nghệ. Vào thời điểm này, Trung Quốc vẫn muốn tiếp nhận hỗ trợ từ Liên Xô trong công cuộc hiện đại hóa ngành công nghiệp của mình. Khi ông Lý thăm lại Liên Xô vào tháng 12 năm đó, Gorbachëv đã cố gắng tạo một cú hích cho tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia. Ông nêu lên thực tế hai nước cùng chia sẻ lợi ích chống lại Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược. Ông chất vấn nguyên nhân Trung Quốc ủng hộ chính sách của Mỹ ở Afghanistan; đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng Liên Xô muốn sử dụng Việt Nam để quấy rối Trung Quốc. Về phần mình, Lý Bằng chỉ đơn giản nhắc lại rằng Trung Quốc muốn bảo vệ nền độc lập của mình và muốn tránh bị xếp vào vị thế “đàn em” của Liên Xô. Ông cũng khẳng định với Gorbachëv rằng sẽ không có khả năng hai nước có thể bình thường hóa quan hệ nếu Kremlin không chịu đổi chiều chính sách đối với Afghanistan và Campuchia. Theo đó, Lý Bằng cũng cực lực phản đối việc Moskva ủng hộ sự hiện diện quân sự của Việt Nam trên lãnh thổ Campuchia.

Nếu Liên Xô muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc, họ phải chịu nhượng bộ trong vấn đề này. Shevardnadze và Bộ Ngoại giao hiểu rõ rằng người Trung Quốc phản đối vai trò quốc gia phụ thuộc của Việt Nam đối với Liên Xô thời điểm đó. Điện Kremlin đã hỗ trợ chính phủ Bắc Việt trong cuộc chiến chống Mỹ cho đến tận năm 1975, và viện trợ vẫn tiếp tục sau khi Việt Nam đã thống nhất đất nước.

Shevardnadze nhận ra rằng Moskva cuối cùng rồi cũng sẽ phải lựa chọn giữa Việt Nam và Trung Quốc. Và mối liên minh của Liên Xô với Việt Nam đằng nào cũng sẽ gặp trục trặc trong tương lai. Giới lãnh đạo Việt Nam đã phản đối khi Shevardnadze đề nghị thăm Campuchia; họ không hài lòng với bất cứ dấu hiệu nào ám chỉ rằng một mình họ không đủ sức kiểm soát quá trình giải quyết vấn đề Campuchia. Gorbachëv quyết định chọn hòa giải với Trung Quốc, dù không vồ vập đến mức sẵn sàng đánh đổi bằng mọi giá. Giải pháp này bao gồm cả những điều khoản nhượng bộ từ phía Liên Xô. Ngày 08/05/1987, Gorbachëv đã nêu trước Bộ Chính trị những khó khăn mà ông nhận thấy. Ông nhấn mạnh rằng mọi nỗ lực sẽ không có kết quả nếu lãnh đạo Trung Quốc chưa sẵn sàng hợp tác. Moskva đã chủ động đưa ra giải pháp hòa giải, nên giờ tất cả đều tùy thuộc vào phản hồi từ phía Bắc Kinh. Trong lúc chờ đợi, Gorbachëv không muốn làm gì “kinh động” đến Mỹ.

Biểu hiện thiện chí nhất quán của Kremlin cuối cùng cũng có kết quả, Shevardnadze nhận được lời mời viếng thăm Bắc Kinh và Thượng Hải. Vào ngày 03/02/1989, Shevardnadze gặp mặt Thủ tướng Lý Bằng ở thủ đô Trung Quốc và cố gắng tránh đi sâu vào các vấn đề không hay trong quá khứ giữa hai nước. Ông Lý đồng tình với mục tiêu “bình thường hóa quan hệ” và bày tỏ sự cảm kích trước những gì Gorbachëv đã làm cho hòa bình thế giới. Hai bên nhất trí rằng Gorbachëv cũng nên đến thăm Trung Quốc trong tương lai, nhưng ông Lý ra điều kiện chuyến đi phải không gây náo động như ở những nơi khác mà Gorbachëv từng đến thăm. Lãnh đạo Trung Quốc cũng cảnh báo không muốn để xảy ra bất cứ tình huống mất trật tự chính trị nào. Ông Lý tỏ ra dè dặt trước ý định công bố một bản thông cáo chung, vì Shevardnadze đã không thể xoa dịu những nghi ngờ của ông về mức độ chân thành của Việt Nam trong việc cam kết rút toàn bộ quân khỏi Campuchia vào tháng 9. Ông tuyên bố người Trung Quốc hiểu rõ Việt Nam hơn người Liên Xô. Trung Quốc khi đó đã gửi đi tín hiệu cảnh báo rằng Liên Xô còn cần phải làm rất nhiều điều để chứng minh thiện chí của Kremlin với Bắc Kinh.

Shevardnadze bay xuống phía nam đến thành phố Thượng Hải trong một chiếc Boeing-737 của nước chủ nhà. Tại đây Shevardnadze có cuộc tiếp xúc với Đặng Tiểu Bình tại nhà khách của ông. Dù lúc này Đặng đã có vẻ già yếu đi nhiều, nhưng người đàn ông nhỏ bé này vẫn bắt tay đại diện của Liên Xô rất chắc và cho thấy đầu óc ông còn rất minh mẫn. Đặng bắt đầu cuộc trò chuyện mà không cần màn dạo đầu vòng vo khách khí. Khái lược lại, ông kêu gọi một khởi đầu hoàn toàn mới cho mối quan hệ Trung – Xô. Shevardnadze tỏ ra rất hào hứng, cố gắng tiếp tục đẩy câu chuyện lên cao trào bằng lời tán tụng: “Rất sáng suốt!”. Đặng nói về niềm tin chung vào chủ nghĩa cộng sản của hai bên và bày tỏ hy vọng giấc mơ đó sẽ không phải mất thêm hai thiên niên kỷ nữa để thành hiện thực; nhưng ông cũng bổ sung rằng ngay lúc này đây ông sẵn sàng làm hết sức để mở rộng nền kinh tế thị trường của Trung Quốc. Shevardnadze nói xen vào: “Có một câu ngạn ngữ rất đúng như thế này: Với quá khứ thì thà nhận tro tàn còn hơn cầm ngọn lửa.”

Chuyển sang chủ đề Afghanistan, nhà lãnh đạo Liên Xô nhấn mạnh rằng can thiệp quân sự của Liên Xô thực sự đã đi đến hồi kết. Ông cũng nói thêm Afghanistan đang tự tiến hành cuộc nội chiến của họ và không có chuyện lính Liên Xô mặc quân phục khác trà trộn vào chiến đấu ở đây. Đặng hút thuốc liên tục khi thuật lại những hoạt động ngoại giao đáng chú ý của Trung Quốc những năm gần đây. Ông nhấn mạnh rằng chuyến thăm đến Bắc Kinh của Tổng thống Nixon vào năm 1972 đã giúp Mỹ đánh giá đúng đắn hơn tầm quan trọng của Đài Loan đối với chính quyền Trung Quốc. Đặng cũng nói về việc Trung Quốc và Nhật Bản đã giải quyết thành công một số vấn đề tranh chấp vào năm 1978, và đặc biệt chỉ rõ rằng Hong Kong đang là ưu tiên trong chương trình chính sách của ông, nhất là khi thời hạn tô nhượng phần lãnh thổ này của phía Anh sẽ chấm dứt vào năm 1997.

Giọng của Đặng Tiểu Bình chuyển sang đanh thép hơn khi bàn về Liên Xô. Với thái ngờ vực đối với Việt Nam, ông cho rằng hòa bình không thể được lập lại ở Campuchia nếu họ không rút quân. Dùng ý của Shevardnadze về hiện tượng binh lính mặc quân phục khác trà trộn vào lực lượng ở Afghanistan, Đặng cáo buộc lính Việt Nam hẳn đã dùng chính thủ thuật này ở chiến trường Campuchia. Shevardnadze đề nghị sẽ làm hết khả năng của mình, và nói thêm rằng chủ trương “hỗ trợ quốc tế” của Liên Xô đối với Việt Nam hiện đã không còn hợp thời, nên Kremlin đang cân nhắc khả năng chấm dứt hỗ trợ cho Việt Nam trong các cuộc xung đột ở Đông Nam Á.

Nhưng những đề xuất này không đủ khiến Đặng Tiểu Bình yên lòng, ông vẫn khăng khăng cho rằng không ai hiểu giới lãnh đạo Việt Nam bằng mình. Nếu Liên Xô muốn hòa giải, lãnh đạo nước này sẽ phải có hành động ủng hộ trực tiếp và cụ thể đối với Trung Quốc. Khi nói, tay Đặng run lên vì tức giận. Ông chỉ trích Việt Nam vì đã có ý định thành lập một Liên bang Đông Nam Á dưới sự bảo hộ của họ. Nếu trước đó chưa nhận ra thì lúc này Shevardnadze hẳn đã dần hiểu rằng Trung Quốc coi Việt Nam và Campuchia là một phép thử cho mức độ chân thành của Liên Xô khi tìm cách hàn gắn quan hệ. Sau này nhà lãnh đạo Liên Xô nhớ lại Đặng cũng xoáy sâu vào vấn đề một số phần lãnh thổ của Trung Quốc bị mất vào tay Nga từ thế kỷ mười chín. Ông úp mở: “Biết đâu sẽ có ngày Trung Quốc giành lại phần đất đã mất của mình.”

Trước đó chưa có nguyên thủ ngoại quốc nào nói chuyện với các chính trị gia Liên Xô với thái độ hung mạn như vậy. Đặng dùng thái độ thẳng thừng đến mức thô lỗ để ám chỉ rằng trong tương lai, mối bang giao với Trung Quốc sẽ không miễn phí hay tự động mà có được. Bản thân Shevardnadze cũng tự hiểu ra nguyên nhân cho cách hành xử tự tin của giới lãnh đạo Trung Quốc. Những cải cách kinh tế do Đặng đề ra từ cuối những năm 1970 đã giải phóng nguồn năng lượng của doanh nghiệp ở các tỉnh thành ven biển, và với sự cho phép của Mỹ, một lượng lớn đầu tư trực tiếp từ các nước bắt đầu đổ về đây.

Bức tranh phát triển rực rỡ này trái ngược hoàn toàn với tình hình ảm đạm ở Liên Xô. Khác hẳn với một Moskva tẻ nhạt, Thượng Hải trong mắt quan khách quốc tế gây ấn tượng bằng “nền văn hóa hiện đại” và “mạng lưới kinh doanh” của mình. Những tòa nhà chọc trời cùng những ô cửa kính sáng choang của các cửa hàng mua sắm cho thấy tốc độ phát triển về đời sống vật chất trong “các đặc khu kinh tế”. Đến khi Shevardnadze chuẩn bị bay về Moskva, phía Trung Quốc vẫn chần chừ, chưa chịu đồng ý ra một thông cáo chung – thậm chí, đến khi Shevardnadze đã hạ cánh xuống Pakistan, điểm tiếp theo trong chuyến công du châu Á của mình, ông vẫn chưa nhận được bản nháp của văn bản này từ Bắc Kinh. Trung Quốc khi đó hành xử như thể họ là chủ nhân mới của châu lục. Chuyến thăm Trung Quốc đã khai mở cho Shevardnadze được nhiều điều. Ông hiểu được về cơ bản nguyên nhân những bất mãn của Trung Quốc, và vào ngày 16/02, Shevardnadze thậm chí còn đề nghị Bộ Chính trị Liên Xô cân nhắc quyết định từ bỏ phần lãnh thổ bao quanh thành phố Khabarovsk ở miền Viễn Đông của Liên Xô cho Trung Quốc.

Xem thêm phần 2:

http://nghiencuuquocte.net/2015/12/31/binh-thuong-hoa-quan-he-xo-trung/

——————

[1] Strategic Defence Initiative, hay còn gọi là “Chiến tranh giữa các vì sao”, là sáng kiến phòng thủ tên lửa chiến lược của Mỹ được đưa ra dưới thời Tổng thống R. Reagan (NBT).

Hình: Đặng Tiểu Bình tiếp Ngoại trưởng Eduard Shevardnadze ngày 4/2/1989. Nguồn: Gettyimages.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]