Vấn đề “hai Trung Quốc” kiểu mới

150824114352-01b-black-monday-restricted-super-169

Nguồn: Richard N. Haass, “The New “Two Chinas” Question”, Project Syndicate, 21/08/2015.

Biên dịch: Phạm Trang Nhung | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Với bất kì ai đã bước qua tuổi 60 và quan tâm theo dõi tình hình thế giới, cụm từ “hai Trung Quốc” gợi nhắc lại cuộc cạnh tranh nhằm giành được sự công nhận về ngoại giao giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan, hay chính thức là giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân quốc, giai đoạn sau 1949. Tới đầu những năm 1970, gần như mọi quốc gia đều đồng ý với yêu cầu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa rằng chỉ có mình nước này được công nhận là chính thể hợp pháp của Trung Quốc. Đơn giản là đại lục quá lớn và quá quan trọng cả về mặt kinh tế và chiến lược để bị cô lập.

Ngày nay, một vấn đề “hai Trung Quốc” mới, và rất khác biệt, đang xuất hiện. Nó tập trung vào việc liệu có thể hiểu Trung Quốc là một quốc gia mạnh, với một tương lai đầy hứa hẹn, bất chấp những khó khăn ngắn hạn, hay nên hiểu nước này là một quốc gia đang phải đối mặt với những vấn đề cấu trúc nghiêm trọng và triển vọng dài hạn không chắc chắn. Tóm lại, hiện nay người ta có thể thấy cả hai hình ảnh rất khác biệt về Trung Quốc. Nhưng hình ảnh nào sẽ chiếm ưu thế?

Cách đây không lâu, có rất ít lý do để đặt vấn đề như vậy. Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với mức bình quân hàng năm đáng kinh ngạc là 10% hoặc hơn trong suốt hơn ba thập niên. Trung Quốc đã giành lấy vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ tay Nhật Bản. Hàng trăm triệu người Trung Quốc đã gia nhập tầng lớp trung lưu. Mô hình chuyên chế hiệu quả của Trung Quốc còn có vẻ rất hấp dẫn với nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ Mỹ và do vậy có vẻ làm giảm lòng tin vào chủ nghĩa tư bản tự do kiểu Mỹ.

Nhưng người ta vẫn không thể tránh việc đặt nghi vấn về tương lai của Trung Quốc. Theo số liệu chính thức, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã giảm xuống còn gần 7%, trong khi nhiều người tin rằng con số thực tế còn ở dưới mức 5%. Sự chậm lại này chẳng có gì đáng ngạc nhiên, tất cả các quốc gia đang phát triển đều trải qua chuyện tương tự trong quá trình phát triển và trưởng thành. Tuy nhiên, tốc độ và mức độ thay đổi đã khiến các quan chức thất kinh, và thổi bùng lên nỗi sợ rằng tốc độ tăng trưởng sẽ thấp hơn tỉ lệ cần thiết để hiện đại hóa đất nước theo kế hoạch.

Sự hốt hoảng của chính quyền trước việc kinh tế giảm tốc nhanh hơn dự kiến được thể hiện bằng việc can thiệp mạnh tay nhằm đóng băng thị trường chứng khoán trong tháng 7 khi thị trường chứng khoán Trung Quốc trải qua một đợt điều chỉnh mạnh.[1] Tiếp theo động thái này là việc bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ trong tháng này, cho thấy rằng việc thoát khỏi tình trạng tăng trưởng dựa vào xuất khẩu không đạt hiệu quả như mong đợi.

Trong khi đó, chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày càng có vẻ giống một chiến lược củng cố quyền lực hơn là nỗ lực cải tổ nhà nước Trung Quốc vì lợi ích của nền kinh tế và xã hội. Tham nhũng vẫn tràn lan, và chiến dịch của ông Tập vẫn còn được dân chúng ủng hộ rộng rãi. Nhưng làn sóng truy tố mà ông Tập khơi nguồn sẽ làm các quan chức Trung Quốc ngần ngại khi ra quyết định, do sợ rằng họ có thể bị định tội trong tương lai.

Kết quả của những thay đổi này là gần đây người ta nói ngày càng ít về hình mẫu Trung Quốc và ngày càng nhiều về thực tiễn Trung Quốc. Ngoài việc tốc độ tăng trưởng đang chậm lại, thực tiễn đó còn gồm cả việc môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng, kết quả của những thập niên công nghiệp hóa nhanh và sử dụng than đá là nguyên liệu chủ chốt. Theo một ước tính, mỗi năm ô nhiễm không khí cướp đi khoảng 1,6 triệu sinh mạng ở Trung Quốc.

Dân số đang già hóa, kết quả không mong muốn của chính sách một con hà khắc, lại gây ra một nguy cơ khác cho sự thịnh vượng của Trung Quốc trong dài hạn. Với tỉ lệ phụ thuộc – tỉ lệ trẻ em và người nghỉ hưu phụ thuộc vào những người ở độ tuổi lao động – có xu hướng tăng nhanh trong những năm tới, tăng trưởng kinh tế sẽ vẫn bị kiềm hãm, trong khi chi phí y tế và lương hưu sẽ ngày càng gia tăng áp lực lên ngân sách của chính phủ.

Điều ngày càng rõ rệt là các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn có sự tăng trưởng kinh tế mà chủ nghĩa tư bản đem lại, nhưng không muốn có những nhược điểm đi kèm. Họ muốn những đổi mới sáng tạo mà một xã hội mở tạo ra, nhưng lại không muốn sự tự do học thuật mà một xã hội mở cần có. Mọi chuyện không thể cứ tiếp diễn như vậy.

Một số nhà quan sát sợ hãi sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ thở phào nhẹ nhõm với những khó khăn mà nước này đang gặp phải. Nhưng điều đó có lẽ chỉ là một phản ứng thiển cận mà thôi.

Một Trung Quốc phát triển chậm sẽ làm chậm quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Nước này cũng sẽ trở nên ít sẵn sàng hơn trong việc tham gia giải quyết các thách thức toàn cầu, như biến đổi khí hậu chẳng hạn. Nguy hiểm nhất là, một Trung Quốc chật vật có thể bị cám dỗ bởi chủ nghĩa phiêu lưu trong đối ngoại nhằm xoa dịu một cộng đồng thất vọng bởi nền kinh tế tăng trưởng ngày càng chậm và thiếu vắng tự do chính trị. Thực tế, có một vài dấu hiệu rằng các nhà chức trách (Trung Quốc) đang làm như vậy ở Biển Đông. Chủ nghĩa dân tộc có thể trở thành nguồn chủ chốt đảm bảo tính chính danh cho đảng cầm quyền khi họ không thể viện dẫn đến mức sống tăng cao nữa.

Mỹ và các nước khác cần phải kiềm chế để đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ không hành động theo chiều hướng đó. Nhưng sẽ là tương đối khôn ngoan nếu những nước này chỉ cho Trung Quốc thấy rằng họ hoan nghênh Trung Quốc giành lấy vị trí là một trong các nước hàng đầu thế giới nếu nước này hành động có trách nhiệm và tuân thủ luật lệ chung.

Nhưng những lựa chọn chính sách lớn hơn là việc của Trung Quốc. Chính phủ cần phải tìm ra thế cân bằng phù hợp giữa lợi ích của chính quyền và của người dân, giữa tăng trưởng kinh tế và việc quản lý (chất lượng) môi trường, và giữa vai trò của thị trường và của nhà nước.

Những lựa chọn mà Trung Quốc phải đối mặt vừa khó khăn lại vừa không thể tránh khỏi. Không thể loại trừ nguy cơ bất ổn xã hội lớn. Chỉ có thể dám chắc rằng ba thập niên tới sẽ không giống ba thập niên đã qua.

Richard N. Haass là Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, trước đây là Giám đốc Văn phòng Hoạch định Chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ (2001-2003), đặc phái viên của Tổng thống George W. Bush tới Bắc Ireland và Điều phối viên chương trình Tương lai của Afghanistan. Cuốn sách mới nhất của ông là “Foreign Policy Begins at Home: The Case for Putting America’s House in Order”.

Copyright: Project Syndicate 2015 – The New “Two Chinas” Question

——————

[1] Nguyên văn “price correction” – sự sụt giảm giá của chứng khoán, cổ phiếu hay hàng hóa đang bị đẩy giá lên quá cao, từ đó đưa giá về gần với giá trị thực của chứng khoán, cổ phiếu hay hàng hóa này. (ND)