Ảo tưởng về chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

china (1)

Nguồn: Rob Johnson, “The China Delusion”, Project Syndicate, 16/02/2016.

Biên dịch: Nguyễn Hồng Nhung | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Việc quản lý cơ chế tỷ giá hối đoái cố định của Trung Quốc đang tiếp tục làm xáo động các thị trường tài chính toàn cầu. Sự bất định kéo dài về khả năng phá giá đồng nhân dân tệ đang thổi bùng lên lo ngại rằng những hiệu ứng giảm phát sẽ càn quét qua các thị trường mới nổi đồng thời giáng một đòn mạnh lên các nền kinh tế phát triển, nơi mà lãi suất bằng hoặc xấp xỉ bằng không (và do đó không thể giảm tiếp để chống lại giảm phát do nhập khẩu giá rẻ). Sự bế tắc trong chính sách tài khóa ở cả châu Âu và Mỹ đang làm gia tăng thêm những quan ngại này.

Nhưng quan ngại về tỷ giá hối đoái hiện nay thực chất chỉ là dấu hiệu cho thấy một thực tế rằng sự chuyển đổi của Trung Quốc từ chiến lược tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu sang một chiến lược dựa vào tiêu dùng trong nước đang diễn ra không thuận lợi như kỳ vọng.

Đối với một số người, viễn cảnh về sự tuyệt vời của một thứ chủ nghĩa tư bản mang đặc sắc Trung Quốc vẫn không hề suy giảm. Họ tin chắc rằng, sau hơn ba thập kỷ tăng trưởng theo định hướng của nhà nước, các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết phải làm gì để xoay chuyển nền kinh tế đang suy thoái của mình.

Sự hão huyền này của những người lạc quan đang bị thách thức bởi những người theo tư tưởng trọng cung,[1] những người sẽ áp dụng liệu pháp sốc đối với khu vực quốc doanh đang sụt giảm của Trung Quốc và ngay lập tức hội nhập các thị trường tài chính còn non trẻ của nước này vào hệ thống tài chính toàn cầu đầy biến động hiện nay. Đây là một toa thuốc hết sức nguy hiểm. Sức mạnh thị trường để chuyển đổi Trung Quốc sẽ không thể được giải phóng trong bối cảnh một nền kinh tế trì trệ, nơi mà các biện pháp như vậy sẽ làm trầm trọng thêm các các hiệu ứng giảm phát và tạo ra một thảm họa.

Áp lực giảm giá tiếp tục đè nặng lên đồng nhân dân tệ phản ánh một nỗi sợ hãi đang gia tăng rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hiện không có một giải pháp nhất quán nào đối với thế lưỡng nan mà họ đang phải đối mặt. Ví dụ, việc thả nổi đồng nhân dân tệ là một lựa chọn nguy hiểm. Sau cùng thì, khi nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua quá trình chuyển đổi kinh tế toàn diện, việc ước tính một tỷ giá hối đoái cân bằng trong dài hạn có khả năng kiềm chế đầu cơ là gần như không thể, đặc biệt trong bối cảnh tồn tại những nghi ngờ liên tiếp về chất lượng của các dữ liệu được công khai, cùng với những quy trình hoạch định chính sách không minh bạch.

Tuy nhiên nếu cơ chế hiện tại cố định tỷ giá hối đoái với rổ tiền tệ thất bại trong việc neo giá đồng nhân dân tệ và ngăn chặn sự mất giá mạnh mẽ, những hậu quả giảm phát đối với kinh tế thế giới sẽ trở nên sâu sắc. Hơn nữa, chúng sẽ tác động trở lại lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc, từ đó làm giảm tác động kích cầu của một đồng tiền yếu.

Chìa khóa để bình ổn tỷ giá nằm ở việc thiết lập một chính sách phát triển đáng tin cậy. Chỉ khi đó, sức ép đối với đồng nhân dân tệ và dự trữ ngoại hối của Trung Quốc mới giảm đi, nguyên nhân là do các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước có thể thấy được một hướng đi rõ ràng cho tương lai.

Việc thiết lập một chính sách đáng tin cậy đòi hỏi phải giảm thiểu các biện pháp khuyến khích kinh tế vi mô hỗn loạn bắt nguồn từ sự kiểm soát và bảo lãnh của nhà nước hiện nay. Điều này cũng đòi hỏi phải tăng cường tổng cầu bằng cách hướng tới một chính sách tài khóa có khả năng hỗ trợ các khu vực kinh tế mới nổi vốn là nền tảng cho mô hình tăng trưởng mới.

Tuy nhiên, như thường thấy ở Trung Quốc, một chiến lược như vậy chứa đựng đầy những mâu thuẫn. Ví dụ, việc cắt giảm quy mô của khu vực doanh nghiệp nhà nước là cần thiết, nhưng chắc chắn điều này sẽ làm giảm tổng cầu vào thời điểm mà cầu vốn đã xuống thấp. Tương tự như vậy, việc cắt giảm hỗ trợ tài khóa (thông qua những khoản vay ngân hàng do chính phủ chỉ đạo) đối với các doanh nghiệp ốm yếu (zombie firms) sẽ giải phóng năng lực tài khóa cũng như kích hoạt các nguồn lực sẽ được chuyển hướng tới các lĩnh vực mới nhằm hỗ trợ khu vực dịch vụ và việc làm cho cư dân đô thị; nhưng điều này sẽ làm trầm trọng thêm – ít nhất là trong giai đoạn đầu – tình trạng thiếu hụt nhu cầu hiện nay.

Việc cắt giảm khu vực quốc doanh một cách đột ngột cùng với kỳ vọng đạt được sự chuyển đổi thông qua chính sách thắt lưng buộc bụng không phải là một bước đi khả quan. Nhiều sử gia kinh tế, mà nổi bật là Michael A. Bernstein trong nghiên cứu của mình về cuộc Đại khủng hoảng (Great Depression) tại Hoa Kỳ, đã chỉ ra một cách thuyết phục rằng một nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi đòi hỏi tổng cầu phải đủ mạnh để thu hút nguồn lực vào các lĩnh vực mới. Nếu cả khu vực cũ và mới của nền kinh tế đều đang ở vào tình trạng sụt giảm, tích lũy vốn sẽ vấp phải khó khăn, những khoản đầu tư vào nâng cấp nguồn vốn con người sẽ giảm sút, và việc chuyển dịch cơ cấu sẽ bị trì hoãn. Tổng cầu vững mạnh luôn là yếu tố cần thiết cho một quá trình chuyển đổi thành công.

Một trở ngại không nhỏ đối với sự chuyển dịch kinh tế của Trung Quốc – một vấn đề gần như cấm kỵ – là quan niệm tôn sùng một nền kinh tế thị trường hỗn hợp. Đại khái là, những biện pháp khuyến khích thị trường hỗn loạn như hiện nay đang làm cản trở quá trình chuyển đổi bằng cách thiên vị cho khối doanh nghiệp quốc doanh.

Vào đầu năm 2012, khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc chuyển hướng sang ủng hộ một khu vực tư nhân mạnh mẽ hơn, chỉ số phụ của khu vực doanh nghiệp tư nhân đã vượt trội so với chỉ số phụ của khu vực thuộc sở hữu nhà nước trên cả hai sàn giao dịch Thượng Hải và Hồng Kông. Tuy nhiên kể từ mùa xuân năm 2014, xu hướng này đã đảo chiều, và chỉ số phụ của khu vực sở hữu nhà nước đã vượt trội hơn khu vực tư nhân. Khi nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại và rủi ro vỡ nợ tăng cao, giá trị của những bảo lãnh nhà nước tăng lên, chuyển hướng nguồn vốn khỏi tăng trưởng của khu vực tư nhân.

Hệ thống kinh tế thị trường hỗn hợp này rõ ràng sẽ khiến việc phân bổ tín dụng không thể giúp đẩy nhanh tiến trình phát triển, trong khi lại tạo ra và duy trì những nhóm lợi ích chống cải cách. Mô hình tổ chức này đặc biệt nguy hại bởi sự chuyển đổi sâu rộng chắc chắn sẽ phụ thuộc vào nguồn tài chính từ một thị trường trái phiếu chính phủ vững mạnh, điều không thể xảy ra cho đến khi sự bất định liên quan đến các trách nhiệm trả nợ dự phòng của chính phủ – tất cả đều hàm ý sự bảo lãnh ngầm – được giải quyết.

Trung Quốc hoàn toàn đủ khả năng để bình ổn tỷ giá hối đoái của mình thông qua những cải cách đáng tin cậy, đặc biệt là những chính sách chuyển hướng các nguồn lực để tiếp thêm sinh lực cho nhu cầu trong nước và thu hút các nguồn lực vào các lĩnh vực mới có giá trị cao. Những cải cách mà Trung Quốc cần không thể được hoàn thành trong giai đoạn suy thoái, hoặc thông qua việc điều chỉnh giảm mạnh tỷ giá vốn đặt thế giới trước nguy cơ giảm phát trong một nỗ lực vô ích nhằm quay ngược thời gian trở về thời kỳ tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu, một điều từ lâu đã không còn khả thi do nhu cầu trì trệ ở phương Tây.

Rob Johnson là Chủ tịch Viện Tư duy Kinh tế mới, nghiên cứu viên cao cấp và Giám đốc Dự án Tài chính Toàn cầu của Viện Franklin và Eleanor Roosevelt.

Copyright: Project Syndicate 2016 – The China Delusion

————-

[1] Kinh tế học trọng cung (supply-side economics) nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế đạt được thông qua các chính sách thuế và tài khóa giúp tạo động lực để sản xuất thêm nhiều hàng hóa và dịch vụ (NBT).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]