Nguồn: Anatole Kaletsky, “Cheap Oil and Global Growth”, Project Syndicate, 28/08/2015.
Biên dịch: Nghiêm Hồng Sơn | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Giá dầu dao động mạnh đang gây mất ổn định cho các nền kinh tế và các thị trường tài chính trên toàn thế giới. Nguyên nhân của việc giá dầu giảm một nửa từ 110 đô-la xuống 55 đô-la một thùng vào năm ngoái là rõ ràng: Ả Rập Xê-Út quyết định mở rộng sản xuất để tăng thị phần trong thị trường dầu mỏ toàn cầu. Nhưng điều gì khiến giá dầu giảm hơn nữa trong vài tuần qua – xuống mức thấp tương đương thời kỳ ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – và nó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới như thế nào?
Lời giải thích phổ biến là nhu cầu của Trung Quốc suy yếu, với việc giá dầu tụt dốc là một điềm báo của suy thoái kinh tế ở cả Trung Quốc lẫn trên toàn cầu. Nhưng điều này là gần như chắc chắn sai, mặc dù nó có vẻ được xác nhận bởi sự tương quan chặt chẽ giữa các thị trường dầu và thị trường chứng khoán, nơi giá đã giảm tới mức thấp nhất kể từ năm 2009 không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở châu Âu và hầu hết các nền kinh tế mới nổi.
Giá dầu có ý nghĩa ấn tượng trong việc tiên đoán, nhưng là trong vai trò một chỉ số ngược lại: giá dầu xuống đã không bao giờ dự đoán chính xác một cuộc suy thoái kinh tế. Trong tất cả các dịp gần đây – 1982-1983, 1985-1986, 1992-1993, 1997-1998, và 2001-2002 – kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng nhanh hơn sau khi giá dầu giảm một nửa.
Ngược lại, mỗi đợt suy thoái kinh tế toàn cầu trong 50 năm qua đều đã bắt đầu bằng một đợt tăng mạnh giá dầu. Gần đây nhất, giá dầu gần như tăng gấp ba lần, từ 50 đô-la lên đến 140 đô-la trong một năm dẫn đến sự sụp đổ kinh tế vào năm 2008; sau đó giá dầu giảm xuống 40 đô-la trong sáu tháng ngay trước khi kinh tế bắt đầu phục hồi vào tháng Tư năm 2009.
Một hệ quả quan trọng đối với các nước đang phát triển sản xuất hàng hóa cơ bản là giá kim loại cho công nghiệp, vốn thực sự là chỉ số hàng đầu của hoạt động kinh tế, có thể cũng tăng sau khi giá dầu sụp đổ. Ví dụ, năm 1986-87 giá kim loại tăng gấp đôi một năm sau khi giá dầu đã giảm một nửa.
Một cơ chế kinh tế mạnh mẽ làm nền tảng cho các mối tương quan nghịch giữa giá dầu và tăng trưởng toàn cầu. Bởi vì thế giới đốt 34 tỷ thùng dầu mỗi năm, giảm giá dầu 10 đô-la sẽ chuyển 340 tỷ đô-la từ nhà sản xuất sang cho người tiêu dùng dầu. Như vậy, mức giảm 60 đô-la của giá dầu kể từ tháng Tám năm ngoái sẽ tái phân phối hơn 2 nghìn tỷ đô-la mỗi năm cho người tiêu thụ dầu, một lượng tăng thu nhập lớn hơn nhiều so với gói kích cầu năm 2009 của cả Mỹ và Trung Quốc cộng lại.
Bởi vì người tiêu dùng dầu thường sử dụng khoản thu nhập tăng thêm khá nhanh chóng trong khi các chính phủ (những người thu về phần lớn ngân sách từ dầu mỏ toàn cầu) thường duy trì chi tiêu công bằng cách vay mượn hoặc tiêu từ dự trữ, hiệu quả ròng của giá dầu giảm là luôn luôn tích cực đối với tăng trưởng toàn cầu. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc giảm giá dầu năm nay sẽ thúc đẩy GDP toàn cầu năm 2016 tăng thêm 0,5-1%, bao gồm tăng trưởng 0,3-0,4% ở châu Âu, khoảng 1-1,2% ở Mỹ, và 1-2% ở Trung Quốc.
Nhưng nếu tốc độ tăng trưởng có thể sẽ tăng tốc trong năm tới ở các nền kinh tế tiêu thụ dầu như Trung Quốc thì điều gì giải thích cho việc giá dầu giảm mạnh? Câu trả lời không nằm ở nền kinh tế và nhu cầu dầu lửa của Trung Quốc mà nằm ở tình hình địa chính trị Trung Đông và việc cung cấp dầu.
Trong khi chính sách sản xuất dầu của Ả-râp Xê-út rõ ràng là nguyên nhân đằng sau việc giá dầu giảm một nửa vào năm ngoái, sự giảm giá mới nhất bắt đầu vào ngày 6 tháng 7 năm nay, chỉ vài ngày sau khi có thỏa thuận quốc tế nhằm dỡ bỏ biện pháp trừng phạt chống lại Iran. Thỏa thuận hạt nhân với Iran đã bác bỏ một giả thuyết phổ biến nhưng ngây thơ rằng địa chính trị có thể đẩy giá dầu chỉ theo một hướng. Giới thương nhân đột nhiên nhận ra rằng các sự kiện địa chính trị cũng có thể làm tăng nguồn cung dầu chứ không chỉ làm giảm chúng – và rằng việc tăng thêm cung dầu do tình hình địa chính trị thúc đẩy có khả năng sẽ tiếp tục xảy ra trong những năm tới.
Tình hình ở Libya, Nga, Venezuela, và Nigeria đã tệ đến mức sản lượng dầu của họ bị giảm thêm là khó xảy ra. Ngược lại, do rất nhiều khu vực sản xuất nhiều dầu mỏ nhất thế giới đang bị hỗn loạn chính trị, bất kỳ dấu hiệu ổn định hóa nào cũng có thể nhanh chóng dẫn đến tăng cung dầu. Đó là những gì đã xảy ra tại Iraq vào năm ngoái, và Iran hiện đang đưa quá trình này đến một mức độ cao hơn.
Một khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, Iran hứa hẹn sẽ tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu dầu gần như ngay lập tức lên mức hai triệu thùng mỗi ngày, và sau đó sẽ tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu một lần nữa vào cuối thập kỷ này. Để làm điều này, Iran sẽ phải tăng tổng sản lượng dầu (kể cả để tiêu thụ trong nước) lên đến sáu triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương với sản lượng đỉnh cao của họ trong những năm 1970. Với những tiến bộ to lớn trong công nghệ khai thác dầu từ những năm 1970 và trữ lượng dầu lớn của Iran (đứng thứ tư thế giới, sau Ả-rập Xê-út, Nga và Venezuela), việc khôi phục sản lượng bằng mức 40 năm trước có vẻ như là một mục tiêu khiêm tốn.
Để tìm khách hàng cho lượng dầu tăng thêm này, tương đương với sản lượng dầu tăng thêm do cuộc cách mạng dầu đá phiến của Mỹ mang lại, Iran sẽ phải cạnh tranh quyết liệt không chỉ với Ả-rập Xê-út mà còn với Iraq, Kazakhstan, Nga, và các nước sản xuất có chi phí thấp khác. Tất cả những nước này đều quyết tâm khôi phục sản lượng lên mức đỉnh cao trước đây và sẽ có thể bơm nhiều dầu hơn thời kỳ những năm 1970 và 1980 bằng cách áp dụng các công nghệ sản xuất mới đã được tiên phong ở Mỹ.
Trong môi trường cạnh tranh mới này và dựa trên những lý do tôi đã nêu ra hồi tháng Giêng thì dầu sẽ được giao dịch giống như bất kỳ loại hàng hóa cơ bản bình thường nào, với việc thế độc quyền của Ả-rập Xê-út bị phá vỡ và chi phí sản xuất ở Bắc Mỹ sẽ tạo một trần giá dài hạn ở mức khoảng 50 đô-la một thùng.
Vì vậy, nếu bạn muốn hiểu giá dầu, hãy quên việc tiêu thụ ở Trung Quốc và tập trung vào việc sản xuất ở Trung Đông. Và nếu bạn muốn hiểu nền kinh tế thế giới, hãy quên đi thị trường chứng khoán và tập trung vào thực tế là dầu giá rẻ luôn thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.
Anatole Kaletsky là Kinh tế trưởng và đồng Chủ tịch của Gavekal Dragonomics, Chủ tịch Viện Tư duy Kinh tế Mới (The Institute for New Economic Thinking). Từng phụ trách mục bình luận tại Times of London, The New York Times và Financial Times, ông là tác giả cuốn sách Capitalism 4.0 và The Birth of a New Economy.
Hình: Giếng dầu ở Afghanistan. Nguồn: The Telegraph.
Copyright: Project Syndicate 2015 – Cheap Oil and Global Growth