Đã đến lúc các cường quốc bậc trung thể hiện vai trò

141344636

Nguồn: Gareth Evans, “Time for the middle power to step up”, East Asia Forum, 21/07/2015.

Biên dịch: Ngô Thanh Tâm | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Vai trò lãnh đạo là một trong những điều mà đôi khi sẽ là khôn ngoan nếu thận trọng trước những gì mà bạn mong muốn. Trong bối cảnh an ninh Châu Á – Thái Bình Dương hiện nay, có quá nhiều sự bận tâm về việc ai đang và sẽ trở thành nước dẫn đầu trong khối, song song với đó là quá ít sự đầu tư để xây dựng những dàn xếp hợp tác giúp tăng cường an ninh khu vực và cải thiện cuộc sống của người dân  – bất kể ai là là nước có GDP lớn nhất và trong bao lâu, ai có quân đội mạnh nhất, có nhiều đồng minh và đối tác nhất hay nước nào có sức mạnh mềm hiệu quả nhất.

Sự không sẵn lòng của giới lãnh đạo Mỹ và những người khao khát nắm giữ chức Tổng thống khi trình bày một cách công khai, trên toàn cầu cũng như trong khu vực, về một vấn đề nào đó khác ngoài sự cần thiết duy trì sự “thống trị”, “lãnh đạo”, “ưu việt” hay “thắng thế” của Mỹ có xu hướng tự trở thành hiện thực, và chắc chắn sẽ gây ra một kiểu phản ứng ngược giống như những gì chúng ta thấy ở Bắc Kinh trên Biển Đông.

Không một bên nào muốn giải quyết vấn đề ai là nước đứng đầu bằng xung đột bạo lực, và cũng không ai nhất thiết phải tán thành với sự không thể tránh khỏi của điều mà một vài học giả Mỹ đang không ngừng gọi là cái “bẫy Thucydides” (Thucydides Trap) để rồi thừa nhận rằng các sự kiện có thể dễ dàng vuột ra ngoài tầm kiểm soát khi tinh thần dân tộc bắt đầu lấn át tính toán lý trí.

Một thời gian dài, những mối bận tâm này đã thôi thúc các nhà hoạch định chính sách trong khu vực, những người muốn chuyển dịch sự tập trung từ cạnh tranh song phương sang hợp tác an ninh thông qua xây dựng thể chế đa phương. Tất cả những nỗ lực này tới nay vẫn gây thất vọng hoặc chưa được hoàn thành, nhưng những lập luận để theo đuổi chúng vẫn còn rất hấp dẫn. Và vai trò lãnh đạo hữu dụng nhất mà chúng ta có thể hy vọng trong những năm tới có lẽ sẽ đến từ các cường quốc bậc trung trong khu vực hơn là những siêu cường, những nước có tầm nhìn, sức mạnh và sự bền bỉ để hiện thực hóa mơ ước về an ninh chung: tìm ra an ninh cùng với các nước khác thay vì chống lại họ.

Kể từ cuối những năm 1980 trở đi, chúng ta đã được chứng kiến sự phát triển cả về hình thức và tính hiệu quả ở các mức độ khác nhau của một lọạt cơ chế khu vực. APEC, được khởi xướng năm 1989 với các cuộc họp lãnh đạo thường niên được thể chế hóa từ năm 1993 vẫn là một cơ chế đối thoại rộng lớn về kinh tế và tổ chức chính sách. Nhưng các vấn đề an ninh vẫn chỉ thường xuyên được thảo luận bên lề, không một cuộc họp nào thảo luận các vấn đề quan trọng hơn như tại cuộc họp ở New Zealand vào năm 1999 khi nó huy động sự phản ứng đối với tình trạng cấp bách ở Đông Timor.

Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) – gồm các cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao kể từ năm 1994, hiện nay đã có 27 thành viên – được phát triển qua ba thời kỳ, bắt đầu bằng các biện pháp xây dựng lòng tin, để từ đó tiến tới vai trò ngăn chặn xung đột rõ rệt hơn và cuối cùng là quản lý và giải quyết tranh chấp. Diễn đàn đã tạo nên một số thành quả trong việc khởi xướng thảo luận về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và tăng cường năng lực ứng cứu giảm nhẹ thiên tai, cũng như một số đối thoại thường xuyên và hiệu quả về các vấn đề như chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh trên biển và kế hoạch giải trừ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, sẽ là công bằng khi nói rằng ARF chủ yếu vẫn đang bị kẹt lại ở bước đầu tiên – đối thoại xây dựng lòng tin – hơn là đáp ứng kỳ vọng rằng cho tới bây giờ nó sẽ thực hiện được những điều thực chất hơn.

Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) được khởi xướng từ năm 2005, gồm các cuộc họp cấp lãnh đạo. Nó được phát triển từ cơ chế ASEAN+3, kết nạp thêm ba thành viên (Ấn Độ, Australia và New Zealand), và kể từ năm ngoái đã kết nạp thêm Mỹ và Nga. Mặc dù chưa có kết quả thực chất nào nổi lên từ EAS nhưng Hội nghị này có tiềm năng trở thành một nhóm quan trọng nhất, không chỉ bởi nó tập hợp tất cả những quốc gia quan trọng trong khu vực quanh bàn họp, mà còn vì (khác với ARF), Hội nghị này là cuộc họp của các lãnh đạo cấp cao nhất, và (không giống APEC), nó có thể giải quyết cả các vấn đề về địa chính trị và kinh tế.

Động lực cho tất cả các thể chế và tiến trình này là sự công nhận ở một mức độ nào đó rằng các cách tiếp cận đa phương là cần thiết để giải quyết các vấn đề an ninh cũng như các vấn đề có liên quan. Rõ ràng có một loạt lý do thuyết phục cho cách tiếp cận này.

Nhiều vấn đề đương thời ở Châu Á và ở những nơi khác đều nằm ngoài khả năng của một quốc gia, cho dù nước này có sức mạnh đến đâu, để có thể đơn phương giải quyết. Những vấn đề đó bao gồm chủ nghĩa chống khủng bố, an ninh hàng hải, kiểm soát vũ khí, phòng chống ma túy và buôn người, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, quản lý người tị nạn, và một số vấn đề lớn về mất cân bằng thương mại và tài chính – tất cả đều cần hành động hợp tác và tập thể. Phản ứng ở cấp độ toàn cầu có thể là tối ưu, nhưng những vấn đề về cơ bản mang bản chất và phạm vi khu vực có thể sẽ được giải quyết tốt hơn ở cấp độ khu vực do những giới hạn về thời gian, mối bận tâm, cam kết và nguồn lực ở mức độ toàn cầu.

Hành động tập thể sẽ luôn tốt hơn hành động đơn phương. Những hành động đơn phương mang tính tự nguyện có thể tạo ra một sự đóng góp quan trọng để giải quyết vấn đề, nhưng việc đơn phương áp đặt giải quyết vấn đề, thậm chí là nếu điều đó khả thi, sẽ tạo nên sự oán giận và căng thẳng, chứa đựng nhiều rạn nứt hơn là đồng thuận hợp tác, và rất dễ chịu ảnh hưởng từ những thay đổi trong cán cân quyền lực ngầm.

Và hành động đa phương cũng sẽ tốt hơn hành động song phương trong hầu hết các trường hợp. Một vài vấn đề có khả năng giải quyết được bằng biện pháp song phương nhưng sẽ tốt hơn nếu giải quyết thông qua nền tảng đa phương: ví dụ, những hiệp định thương mại tự do và hiệp định kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị.

Cuối cùng, những cuộc họp thường xuyên giữa các nhà lãnh đạo khu vực, theo nhóm cũng như song phương, có thể giúp xây dựng các mối quan hệ cá nhân gần gũi và tin tưởng lẫn nhau, giúp giảm bớt những cú sốc, khiến việc điều chỉnh hòa bình cho phù hợp với thực tế trở nên dễ quản lý, và giúp sự ổn định trở nên bền vững hơn.

Tất nhiên, trong tất cả các cuộc họp trên mối bận tâm về hình thức cần ít được chú trọng hơn trong tương lai (ví dụ ai tham gia bàn họp nào và vào khi nào), mà cần tập trung nhiều hơn vào những vấn đề thực chất: các nhà lãnh đạo và quan chức của họ chính xác sẽ thảo luận cái gì, và kết quả thực tiễn nào có thể đạt được sau những cuộc tranh luận và có khả năng áp dụng trong thế giới thực. Chúng ta cần đối thoại và hợp tác chính sách đích thực, không phải là một loạt các dịp đắt đỏ để tạo dáng chụp hình cùng với những bài diễn văn khuôn mẫu ủng hộ cho những bản thông cáo chung với rất ít điểm đồng lợi ích được chuẩn bị từ trước. Cải thiện cấu trúc khu vực bản thân nó không phải là mục đích cuối cùng – mà tất cả những nỗ lực này sẽ chỉ đáng giá nếu chúng thực sự nâng cao sự ổn định, thịnh vượng, an ninh quốc gia và an ninh con người.

Dựa vào kinh nghiệm bản thân từng là Bộ trưởng Ngoại giao Australia từ năm 1988 đến năm 1996, hợp tác gần gũi với Indonesia trong việc phát triển kế hoạch hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Campuchia – một vấn đề giải quyết xung đột phức tạp nhất mà khu vực từng đối mặt – và với ASEAN cùng các đồng nghiệp khác trong việc xây dựng cấu trúc ban đầu của APEC và ARF, tôi vẫn luôn tin rằng những cường quốc bậc trung năng động và sáng tạo hơn trong khu vực có thể là những tác nhân hiệu quả nhất trong việc tạo ra một thế hệ mới những cơ chế hợp tác cần thiết.

Biện pháp ngoại giao đặc trưng của các cường quốc tầm trung là xây dựng liên minh với các nước có chung chí hướng, và động lực đặc trưng của các nước này là điều mà tôi từ lâu gọi là “tư cách công dân toàn cầu tốt”. Đây là niềm tin vào sự hữu hiệu và cần thiết cần phải hợp tác hành động với các nước khác trong việc giải quyết những vấn đề quốc tế, đặc biệt là những vấn đề về bản chất không thể giải quyết bởi quốc gia riêng lẻ nào, dù quốc gia đó có lớn mạnh đến đâu. Nhận thức và được xem là một công dân toàn cầu tốt ít nhất sẽ trở thành một phần cốt lõi trong lợi ích bất cứ quốc gia nào giống như các lợi ích truyền thống là an ninh địa chiến lược và sự thịnh vượng kinh tế.

Có rất nhiều phạm vi hoạt động cho chính sách ngoại giao của các cường quốc tầm trung ở Châu Á – Thái Bình Dương nhằm nâng cao các mục tiêu an ninh khu vực. Các cường quốc lớn trong khối sẽ luôn luôn không chấp nhận bất kỳ kẻ nào nhỏ bé hơn dẫm lên gót chân của họ. Nhưng hãy nhớ lại cách mà 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an bị ràng buộc can dự vào Campuchia thông qua sáng kiến của Australia và Indonesia, và việc Mỹ, Nga và Trung Quốc vốn ban đầu miễn cưỡng đã bị thuyết phục đi đến ủng hộ và tham gia vào các sáng kiến APEC, ARF và EAS – để thấy rằng vẫn còn nhiều lý do đáng để hy vọng rằng sự lãnh đạo an ninh khu vực sẽ được chia sẻ, và số phận của nó sẽ không đơn thuần bị chi phối bởi sự thù địch giữa các cường quốc.

Gareth Evans là Hiệu trưởng trường Đại học Quốc gia Australia, đồng Chủ tịch của Trung tâm toàn cầu về Trách nhiệm Bảo vệ. Ông cũng từng là Chủ tịch của Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế từ năm 2000 đến năm 2009, và giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Australia từ năm 1988 đến năm 1996.