Nguồn: “Nikita Khrushchev dies”, History.com, truy cập ngày 09/09/2015.
Biên dịch và Hiệu đính: Nguyễn Ngọc Tường Ngân
Vào ngày này năm 1971, nguyên lãnh đạo Liên Xô cũ Nikita Khrushchev, một trong những nhân vật quan trọng nhất của Chiến tranh Lạnh và chắc chắn là một trong những nhân vật màu mè nhất, đã qua đời. Trong thời gian ở đỉnh cao quyền lực của mình vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960, Khrushchev đã tham gia vào một số sự kiện quan trọng nhất của Chiến tranh Lạnh.
Khrushchev sinh ra ở Nga vào năm 1894. Ông là một trong những thành viên ban đầu của phong trào cộng sản ở nước Nga, nhưng con đường quan lộ của ông chỉ thực sự bắt đầu vào những năm 1930. Lòng trung thành với lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin đã có ích cho ông trong thập kỷ đầy biến động đó khi nhiều vị lãnh đạo cộng sản khác đã trở thành nạn nhân trước cơn thịnh nộ và ngờ vực của Stalin. Khrushchev đã leo lên cao trong hệ thống đảng, và kỹ năng tổ chức của ông trong các lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp đã mang lại cho ông uy tín trong thời kỳ Thế chiến II.
Sau chiến tranh, Stalin đưa Khrushchev vào hàng ngũ lãnh đạo cao nhất của cả đảng và chính phủ. Khi Stalin qua đời vào năm 1953, nhiều nhà quan sát bên ngoài nước Nga nghĩ rằng một Khrushchev lỗ mãng và dường như ít học khó có thể tồn tại được khi không còn người bảo trợ của mình. Tuy nhiên, Khrushchev cho thấy họ đã nhầm. Thông qua liên minh với những người khác trong đảng và quân đội, tới năm 1955, ông đã thành công trong việc loại bỏ mọi sự chống đối đối với quyền lực của mình. Sau năm đó, Khrushchev đã hoàn toàn kiểm soát nước Nga. Ông khiến nhiều đồng nghiệp và các nhà quan sát phương Tây ngạc nhiên khi bắt đầu nói về ý tưởng “chung sống hòa bình” với Hoa Kỳ. Ông cũng bắt đầu phi tập trung hóa một số quyền kiểm soát kinh tế nhà nước cứng nhắc, điều ông tin là đã bóp ngạt sự phát triển kinh tế của Liên Xô. Trong một bài phát biểu năm 1956 trước Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô, ông lên án Stalin và chiến thuật nhà nước cảnh sát của vị lãnh đạo tiền bối.
Về mặt đối ngoại, Khrushchev là một nhân vật thú vị. Nhiều người chê ông là một gã quê mùa, nông dân thiếu hiểu biết. Tuy nhiên, ông là một nhà thương thuyết giỏi và thông minh, người thường xuyên sử dụng những cảm nhận không hay đó về bản thân để giành lợi thế. Trong thời gian cuối những năm 1950, ông đã cố gắng để có được một mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ, và vào năm 1959 ông trở thành nhà lãnh đạo Liên Xô đầu tiên đến thăm Mỹ.
Tuy nhiên, mối quan hệ Xô – Mỹ trở nên xấu đi một cách nhanh chóng khi Liên Xô bắn hạ một máy bay do thám U-2 của Mỹ trên bầu trời nước Nga năm 1960. Một hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Xô được lên kế hoạch từ trước đã bị hủy bỏ. Trong cùng năm đó, Khrushchev đã trở nên rất nổi tiếng khi trong một cuộc tranh luận tại Liên Hiệp Quốc, ông đã cởi giày và đập lên bàn để có được sự chú ý của cử tọa.
Năm 1962, Liên Xô và Hoa Kỳ suýt đi đến chiến tranh khi người Nga tìm cách cài đặt các tên lửa hạt nhân ở Cuba và lực lượng hải quân Mỹ tiến hành phong tỏa đảo quốc này. Các cuộc đàm phán căng thẳng với Tổng thống John F. Kennedy đã diễn ra sau đó, và các tên lửa của Nga đã được tháo gỡ, còn Hoa Kỳ hứa không xâm lược Cuba nhằm lật đổ nhà lãnh đạo cộng sản Fidel Castro.
Dù chiến tranh đã được ngăn chặn, vụ việc đã khiến sự ủng hộ đối với Khrushchev bị suy giảm ở trong nước. Nhiều cán bộ đảng cộng sản và một số giới chức quân sự ngày càng tăng trở nên lo lắng về ý tưởng “chung sống hòa bình” với Mỹ của Khrushchev. Các lời kêu gọi của ông về việc giảm ngân sách quân sự khiến một số người tin rằng ông sẽ biến Nga trở thành một cường quốc hạng hai. Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 được xem như là một sự mất mặt tồi tệ đối với Liên Xô. Năm 1964, các đối thủ của Khrushchev đã tổ chức một cuộc đảo chính chính trị chống lại ông và ông bị buộc phải nghỉ hưu. Ông sống phần còn lại của đời mình khá đơn độc, bị lãng quên và thậm chí bị nhiều người Nga chửi rủa.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]