Hội Quốc Liên (League of Nations)

Print Friendly, PDF & Email

League_of_Nations_(Twilight_of_a_New_Era)

Tác giả: Nguyễn Hồng Bảo Thi

Hội Quốc Liên, tiền thân của Liên Hiệp Quốc, là một tổ chức quốc tế được thành lập sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất tại Hội nghị Hoà bình Paris năm 1919. Mục đích của Hội bao gồm giải giáp vũ trang; ngăn ngừa chiến tranh thông qua an ninh tập thể; giải quyết tranh chấp giữa các nước thông qua đối thoại và ngoại giao; và cải thiện sự thịnh vượng toàn cầu.

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), nhiều nước trên thế giới đều tỏ rõ nguyện vọng thành lập một tổ chức quốc tế để gìn giữ hoà bình và giảm bớt nguy cơ nổ ra chiến tranh giữa các nước. Nguyện vọng này được chia sẻ bởi nhiều nhà lãnh đạo thế giới, tiêu biểu là Tổng thống Hoa Kì Woodrow Wilson, và đây cũng là cơ sở dẫn tới sự ra đời của Hội Quốc Liên.

Bản dự thảo về tổ chức này đã được trình ra tại Hội nghị Hoà bình Versailles và được nhất trí thông qua vào ngày 28/04/1919. Hiệp ước thành lập Hội Quốc Liên (bao gồm 26 điều khoản) là một phần nội dung của Hiệp ước Versailles kí ngày 28/06/1919. Có 44 nước đã kí vào Hiến chương Hội Quốc Liên (trong đó 31 nước là thành viên ban đầu là những đồng minh tham gia chống lại nước Đức trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và 13 nước không tham gia chiến tranh). Hội Quốc Liên chính thức được khai sinh ngày 10/01/1920, cùng ngày Hiệp ước Versailles năm 1919 bắt đầu có hiệu lực.

Hội Quốc Liên đặt trụ sở chính tại Geneve, Thụy Sĩ. Cũng giống như Liên Hiệp Quốc, Hội có cơ cấu bao gồm các cơ quan chính là Đại Hội đồng, Hội đồng, Ban Thư kí thường trực. Đại Hội đồng bao gồm tất cả các quốc gia thành viên và họp mỗi năm một lần tại Geneva. Trong khi đó Hội đồng bao gồm một số thành viên thường trực (Pháp, Anh, Ý, Nhật Bản và sau đó bổ sung thêm Đức và Liên Xô) cùng một số thành viên không thường trực do Đại Hội đồng bầu. Hội đồng nhóm họp thường xuyên hơn để xem xét các vấn đề xung đột chính trị và tập trung vào mục tiêu giải trừ quân bị. Cơ quan hành chính của Hội là Ban Thư ký do Tổng Thư ký đứng đầu và một đội ngũ nhân viên khoảng 500 người. Ngoài ra Hội còn có một số cơ quan khác như Toà án Quốc tế và Tổ chức Lao động Quốc tế.

Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Hội Quốc Liên là thúc đẩy hợp tác quốc tế, bảo vệ hoà bình và an ninh thế giới. Tuy nhiên, Hội đã không thành công trong việc thực hiện mục tiêu này, và việc Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ là một bằng chứng điển hình. Có nhiều lý do giải thích cho thực tế này.

Một mặt, trong Hiến chương của Hội, các nước không bị cấm dùng chiến tranh để giải quyết tranh chấp quốc tế và các chế tài đối với các nước gây chiến tranh xâm lược chủ yếu bao gồm các biện pháp trừng phạt về kinh tế.  Mặt khác, số quốc gia tham gia Hội Quốc Liên rất hạn chế, chủ yếu bao gồm các quốc gia ở Châu Âu. Ví dụ Nam Phi và Liberia là những thành viên duy nhất từ Châu Phi, trong khi chỉ có Nhật Bản, Trung Quốc và Thái Lan là những đại diện của Châu Á. Đặc biệt, do thượng viện Mỹ không phê chuẩn Hiệp ước Versailles nên Mỹ đã không trở thành thành viên của Hội. Thực tế này khiến cho gánh nặng đảm bảo hòa bình và an ninh thế giới nằm trên vai các nước Châu Âu, trong khi bản thân các quốc gia này còn tồn tại nhiều mâu thuẫn với nhau, tiêu biểu như giữa Pháp và Đức. Ngoài ra, do Hội Quốc Liên thiếu lực lượng vũ trang của riêng mình nên phải phụ thuộc vào thiện chí của các cường quốc trong việc ưu tiên bảo vệ hòa bình quốc tế so với lợi ích quốc gia của mình, điều mà các nước này thường rất do dự khi thực hiện.

Kết quả là sau một số thành công ban đầu trong việc giải quyết một vài cuộc xung đột, cuối cùng Hội Quốc Liên đã không thể ngăn cản được sự hung hãn của phe Trục phát xít vào những năm 1930. Các quốc gia phe Trục, nhất là nước Đức, đã bắt đầu tái vũ trang nhằm chuẩn bị chiến tranh và tái thiết lập lại cán cân quyền lực toàn cầu có lợi cho mình. Cùng với đó, xu hướng ngoại giao biệt lập của Mỹ và cả Liên Xô, cộng với sự bất lực của Hội Quốc Liên trong việc kiềm chế các nước phe Trục đã tạo điều kiện cho Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ.

Mặc dù hoạt động của Hội Quốc Liên không thành công, nhất là trong việc ngăn chặn nước Đức tái vũ trang, góp phần dẫn đến Chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhưng đây chính là sự thử nghiệm cho việc xây dựng cơ chế quốc tế để duy trì hoà bình và an ninh thế giới. Hơn nữa, mặc dù không ngăn chặn được chiến tranh thế giới bùng nổ nhưng Hội cũng đã thành công trong việc giải quyết một số các cuộc xung đột hay tranh chấp giữa các quốc gia nhỏ, như giữa Hy Lạp và Bungari năm 1925, giữa Ba Lan và Litva năm 1927… Ngoài ra, Hội cũng đã giám sát những giai đoạn đầu tiên của quá trình phi thực dân hóa liên quan đến một số vùng lãnh thổ từng là thuộc địa của Đức và Thổ Nhĩ Kỳ trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Các vùng đất này được chuyển giao cho các thành viên khác của Hội dưới hình thức các xứ ủy trị và được trao nhiều mức độ độc lập về chính trị khác nhau tùy thuộc vào vị trị địa lý và trình độ phát triển kinh tế.

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ và đi vào giai đoạn cuối, các cường quốc Đồng minh đã tính tới việc xây dựng một tổ chức quốc tế mới thay thế Hội Quốc Liên. Vào năm 1944, đại diện của Liên Xô, Mỹ, Anh và Trung Quốc đã nhóm họp tại Dumbarton Oaks (Mỹ) để soạn thảo những bản kiến nghị cho sự ra đời của tổ chức mới này. Vào năm 1945, 51 quốc gia nhóm họp tại San Francisco để đàm phán về những quy định của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và ngày 24 tháng 10 năm 1945, Liên Hiệp Quốc chính thức được thành lập. Cuộc họp cuối cùng của Hội Quốc Liên được tổ chức vào năm 1946. Sau cuộc họp này Hội Quốc Liên đã chính thức giải thể và được thay thế bởi Liên Hiệp Quốc.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).

Hình: Cờ của Hội Quốc Liên. Nguồn: althistory.wikia.com