Nguồn: Takayuki Ogasawara, “Development of the Mekong Region as Part of Japan’s Diplomatic Strategy for East Asia“, Asia-Pacific Review, Volume 22, Issue 1, 2015, pp. 34-45.
Biên dịch: Văn Cường
Sự can dự tích cực của Nhật Bản vào việc phát triển khu vực Mekong kể từ những năm 1990 cần được hiểu không chỉ từ khía cạnh kinh tế mà còn cả từ khía cạnh ngoại giao. Nhật Bản cần cộng tác với ASEAN trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho “đối thoại chính trị” đa phương ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và xây dựng một trật tự Đông Á dựa trên “những giá trị chung” chẳng hạn như dân chủ và nền pháp quyền, và khu vực Mekong có thể là “mắt xích yếu nhất” của ASEAN. Sau khi phác thảo công việc 20 năm của Nhật Bản để vun đắp sự hợp tác Mekong-Nhật Bản, tác giả cho rằng đã đến lúc mở rộng quy mô của sự hợp tác và đẩy nhanh chính sách “chủ động đóng góp cho hòa bình” của Nhật Bản nhằm đối phó với môi trường an ninh đang thay đổi.
Khu vực Mekong là một cái tên khác chỉ phần lục địa Đông Nam Á mà sông Mekong chảy qua. Năm nước nằm trong khu vực này – Campuchia, Lào và Việt Nam (còn được gọi là Đông Dương hay CLV), Thái Lan và Myanmar – đều là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và tất cả, trừ Thái Lan, đều gia nhập ASEAN vào nửa cuối những năm 1990. Sự phát triển của các thành viên ASEAN tương đối mới này bị tụt hậu so với sự phát triển của các thành viên lâu đời hơn do chiến tranh và nổi dậy kéo dài, cũng như do các chính sách sai lầm khác nhau mà chính phủ các nước này thực hiện.
Trong nửa đầu những năm 1990, động lực thúc đẩy đã tăng lên trên trường quốc tế đối với sự phát triển của khu vực Mekong. Động lực này được thúc đẩy trực tiếp bởi sự kết thúc của cuộc Chiến tranh Lạnh, việc ký kết Hiệp ước hòa bình Campuchia (1991), sự tiến bộ của những cải cách ở Việt Nam và sự phát triển kinh tế tăng tốc ở Trung Quốc. Các thực thể bày tỏ sự quan tâm đến việc phát triển khu vực Mekong vào thời điểm đó là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chính phủ Nhật Bản, Ủy hội sông Mekong (MRC), Chính phủ Thái Lan và ASEAN. Trong tất cả các thể chế này, chính Chính phủ Nhật Bản là tích cực và nhất quán can dự vào sự phát triển này liên tục kể từ đó.
Sự can dự của Nhật Bản vào việc phát triển khu vực Mekong cần được hiểu từ hai khía cạnh khác nhau. Thứ nhất, nó thể hiện một yếu tố của sự hợp tác kinh tế của Nhật Bản với các nước đang phát triển. Cụ thể, sự thịnh vượng và ổn định ở châu Á – bởi chính bản chất của họ – là nằm trong lợi ích quốc gia của Nhật Bản. Trong những năm gần đây, Nhật Bản cũng củng cố rõ ràng đường hướng của mình, gắn viện trợ phát triển chính thức (ODA) của nước này cho khu vực Mekong với các hoạt động thương mại và đầu tư của các công ty tư nhân Nhật Bản trong khu vực.
Tuy nhiên, sự hợp tác kinh tế đơn thuần không thể hiện toàn bộ câu chuyện. Khía cạnh thứ hai của sự can dự của Nhật Bản liên quan đến chiến lược ngoại giao của nước này. Xung quanh thời điểm cuộc Chiến tranh Lạnh gần kết thúc, Nhật Bản dần bắt đầu có đóng góp cho hòa bình và an ninh của cả khu vực và toàn thế giới. Nhật Bản cũng đã và đang nỗ lực đóng một vai trò chính trị trong việc hình thành một trật tự hậu Chiến tranh Lạnh ở Đông Á. Nhiều lần, sự can dự của Nhật Bản vào việc phát triển khu vực Mekong thể hiện một cách nổi bật về khía cạnh này của chiến lược ngoại giao của Nhật Bản.
Trong bài viết này, bốn giai đoạn khác biệt trong quan hệ giữa chính sách Mekong của Nhật Bản và chiến lược ngoại giao của nước này ở Đông Á được xem xét. Thứ nhất là những năm 1990, trong thời gian này Nhật Bản đã nỗ lực trợ giúp sự mở rộng của ASEAN như một phần của nỗ lực của Nhật Bản đóng một vai trò chính trị lớn hơn trong thế giới hậu Chiến tranh Lạnh. Thứ hai là nửa đầu những năm 2000, trong thời gian này Nhật Bản và Trung Quốc cạnh tranh quyết liệt trong việc thiết lập một trật tự khu vực ở Đông Á. Thứ ba là nửa cuối những năm 2000, trong thời gian này Nhật Bản có mục đích thiết lập một “vòng cung tự do và thịnh vượng” và làm cho khu vực Mekong trở thành một phần chính bên trong vòng cung này. Cuối cùng là giai đoạn từ Hội nghị thượng đỉnh Mekong-Nhật Bản 2009 đến nay; những xu hưỡng rõ ràng trong giai đoạn này đang được tổng kết.
Giúp ASEAN mở rộng
Chiến tranh Lạnh kết thúc và việc ký kết Hiệp ước hòa bình Campuchia đã đặt dấu chấm hết cho tình trạng song cực hóa của Đông Nam Á và bởi vậy tạo cơ hội cho ASEAN bao trùm toàn bộ khu vực. Nhật Bản đã tích cực trợ giúp tổ chức này trong việc mở rộng, dựa trên những tính toán sau: Vào đầu những năm 1990, Bộ Ngoại giao đã dự đoán rằng chủ nghĩa khu vực có thể tăng cường cùng với thời gian trong thế giới hậu Chiến tranh Lạnh, và đặc biệt, Đông Nam Á có thể trở thành hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Cơ quan này còn dự đoán xa hơn rằng trong bối cảnh này, các quốc gia Đông Dương – cũng như các thành viên hiện có của ASEAN vào thời điểm này – có thể trở thành những bộ phận cấu thành của Đông Nam Á trong tương lai.
Bộ Ngoại giao đã thừa nhận rằng các quốc gia ASEAN có thể là những đối tác tốt của Nhật Bản khi nước này nỗ lực mở rộng vai trò chính trị của mình trong thế giới hậu Chiến tranh Lạnh. Không hề nghi ngờ, sự lo sợ ở các nước ASEAN rằng Nhật Bản có thể trở thành một cường quốc quân sự chủ yếu đã không mất đi. Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở các quốc gia này đã tăng cường lòng tin của họ. Điều này làm xuất hiện sự công nhận về phần các quốc gia ASEAN rằng giữa một tình hình quốc tế không ổn đinh, liên minh Nhật-Mỹ là quan trong với tư cách là một lực lượng giữ ổn định, và đã thúc đẩy nhận thức ở những quốc gia này rằng Nhật Bản cần phải được phép đóng một vai trò chính trị cùng với thời gian. Điều này đã được chứng minh bởi sự đánh giá cao của các quốc gia ASEAN về sự đóng góp của Nhật Bản đối với tiến trình hòa bình Campuchia và bởi thực tế rằng Philippines, Singapore và Malaysia tất cả đều đã cho phép tàu quét thủy lôi của Nhật Bản, được phái đến sau khi Chiến tranh vùng Vịnh kết thúc, được cập cảng. Dựa trên cơ sở nhận thức này về Nhật Bản coi nước này là một bên ảnh hưởng duy trì ổn định, Bộ Ngoại giao đã tìm kiếm một vai trò chính trị mở rộng cho Nhật Bản mà có thể được các quốc gia ASEAN chấp nhận. Điều này được minh họa bằng những từ ngữ dễ hiểu trong đề xuất của Ngoại trưởng Taro Nakayama tại Hội nghị sau hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN (PMC) tháng 7/1991 rằng PMC cần phải là một diễn đàn cho đối thoại chính trị ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Có thể nói rằng đề xuất này là một trong những nguồn gốc hình thành Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) được bắt đầu vào năm 1994.
Các thành viên PMC của ASEAN vào thời điểm đó bao gồm “các nước có cùng tư tưởng” như Nhật Bản, Mỹ và Úc, nhưng không bao gồm Trung Quốc hay Liên Xô. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao đã tin rằng Việt Nam và các quốc gia Đông Dương khác cần được mời tham gia đối thoại chính trị được đề xuất này trong tương lai với tư cách là các đối tác hay thành viên của ASEAN. Vào thời điểm đó, Kensuke Tsuzuki, Cục trưởng Cục Chính sách khu vực châu Á, đã bình luận rằng một trong những thách thức đối với ASEAN trong khoảnh khắc này là về việc “làm thế nào để tồn tại trong kỷ nguyên hậu Campuchia”, Nhật Bản cần phải tìm kiếm “sự can dự của ASEAN với các quốc gia Đông Dương và khả năng mở rộng bản thân ASEAN”, và “chính sách đối ngoại của Nhật Bản cần được hướng theo những mục đích tương tự”.
Tuy nhiên, ngay dù nếu ASEAN đã có ý định can dự với các quốc gia Đông Dương, có khả năng là những chênh lệch giữa ASEAN và Đông Dương (đặc biệt là những khoảng cách về kinh tế) tỏ ra là một chướng ngại vật cho sự can dự này. Trong trường hợp đó, Nhật Bản cần có sự hỗ trợ tích cực để giảm bớt những khác biệt kinh tế đó. Trong hồi ký sau đó của mình, Masaharu Kono, Giám đốc Cục Đông Nam Á thứ nhất, miêu tả những suy nghĩ của riêng ông vào thời điểm đó: “Giành được hòa bình ở trong nước và bù lại khoảng thời gian đã mất sau khi phải chịu sự tàn phá của chiến tranh trong thời gian quá dài, các quốc gia Đông Dương sẽ phát triển ở quốc gia và khu vực theo một cách thức hiệu quả và trở thành thành viên của ASEAN. Đông Nam Á nói chung về cơ bản sẽ phát triển theo một phương thức hài hòa, và sự đóng góp của Nhật Bản cho tiến trình nay nằm ở chính trung tâm chính sách Đông Dương của nước này”.
Tháng 1/1993, trong chuyến thăm Bangkok, Thủ tướng Kiichi Miyazawa đã đề xuất thiết lập Diễn đàn vì sự phát triển toàn diện Đông Dương (FCDI). Sau một cuộc họp trù bị vào tháng 12/1993, FCDI đã tiến hành cuộc họp cấp bộ trưởng vào tháng 2/1995, đại diện của 24 quốc gia và 7 tổ chức đã tham dự. Diễn đàn trung tâm tại hội nghị này là của Nhật Bản, nước chủ tịch Ủy ban về cơ sở hạ tầng; Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), được cho là đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn lực con người; và Chính phủ Thái Lan là đối tác địa phương chủ yếu. Myanmar, nước bị các quốc gia phương Tây chỉ trích vì chế độ cai trị quân sự của nước này, đã bị loại ra khỏi các cuộc đàm phán về phát triển này.
Tuy nhiên, trên thực tế, hội nghị bộ trưởng đầu tiên này của FCDI vào năm 1995 cũng là hội nghị cuối cùng, bởi nó đã được định đoạt là không bao giờ lặp lại. Có ba lý do chính giải thích cho điều này: Thứ nhất là sự tiến bộ nhanh chóng đạt được trong chương trình Tiểu vùng Mekong Mở rộng (GMS) do ADB khởi xướng. GMS bao gồm 5 quốc gia khu vực Mekong cộng với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc nằm ở thượng nguồn sông Mekong. ADB đã chủ trì hội nghị bộ trưởng GMS đầu tiên ở Manila vào tháng 10/1992, chỉ 3 tháng sau khi Hiệp ước hòa bình Campuchia được ký kết. Thứ hai, ASEAN đã mở rộng nhanh hơn dự kiến. Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 (ngay sau khi FCDI thành lập), sau đó là Lào và Myanmar năm 1997 và Campuchia năm 1999. Sự mở rộng nhanh chóng này chắc chắn đã làm chậm đà của FCDI. Thứ ba, ASEAN mong muốn thúc đẩy sự phát triển trong các quốc gia thành viên mới nhất của mình thông qua những sáng kiến của chính tổ chức này. Tháng 6/1996, ASEAN đã tiến hành hội nghị bộ trưởng về Hợp tác phát triển lòng chảo sông Mekong ASEAN (AMBDC) ở Kuala Lumpur. Hội nghị bộ trưởng này có sự tham dự của tất cả 10 nước Đông Nam Á kể cả Campuchia, Lào và Myanmar.
Sau khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra vào năm 1997, ASEAN bắt đầu hướng tới Nhật Bản tìm kiếm sự hỗ trợ cho chương trình AMBDC. Tuy nhiên, trong nội bộ ASEAN, sự bất hòa về việc ưu tiên các dự án phát triển khác nhau đã nổi lên giữa quốc gia ven sông là Thái Lan và các quốc gia không ven sông như Malaysia và Indonesia. Vì lý do này, Nhật Bản đã quyết định rút khỏi vị trí dẫn đầu trong việc phát triển khu vực Mekong trong một thời gian ngắn. Tại hội nghị bộ trưởng Nhật Bản-ASEAN tháng 7/2000, Ngoại trưởng Yohei Kono đã tuyên bố rằng “những sự thảo luận trong nội bộ các nước thành viên ASEAN về chương trình Phát triển lòng chảo sông Mekong dường như chưa đủ chín muồi để xác định rõ bằng sự đồng thuận những thách thức mà ASEAN với tư cách là một tổng thể cần phải giải quyết… Biện pháp hiện thực nhất để tiến hành trong tương lai không phải là xây dựng các tổ chức mới mà là để Nhật Bản và các nước thành viên không ở ven sông của ASEAN đưa ra phần lớn khuôn khổ đang tồn tại của ADB-GMS để đạt được sự hợp tác thực chất giữa Nhật Bản và ASEAN”.
Xây dựng cộng đồng Đông Á
Tháng 12/2003, Chính phủ Nhật Bản đã mời các nhà lãnh đạo của 10 quốc gia ASEAN đến Tokyo để tham dự Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm Nhật Bản-ASEAN, và nước này đã bắt đầu xây dựng lại mối quan hệ của mình với Đông Nam Á. Tại Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm này, Nhật Bản đã tỏ rõ rằng nước này sẽ tiếp tục ưu tiên ASEAN là bên nhận viện trợ ODA và sẽ đặc biệt chú trọng vào việc phát triển khu vực Mekong coi đó là một phần của sự trợ giúp này.
Ẩn sau sáng kiến này là sự cạnh tranh giữa Nhật Bản và Trung Quốc nhằm xây dựng một trật tự khu vực ở Đông Á. Phát biểu ở Singapore hồi tháng 1/2002, Thủ tướng Junichiro Koizumi đã đề xuất thiết lập một cộng đồng Đông Á. Đề xuất này bao gồm hai đặc điểm khác biệt: Thứ nhất, nó chỉ định ASEAN là nhân tố hàng đầu trong việc hình thành cộng đồng này. Thủ tướng Koizumi đã tham chiếu “việc thiết lập một cộng đồng hành động cùng nhau và tiến bộ cùng nhau đạt được bởi việc mở rộng sự hợp tác Đông Á được thành lập dựa trên quan hệ Nhật Bản-ASEAN”. Thứ hai, thủ tướng đã nhấn mạnh rằng những thành viên cốt lõi của cộng đồng này cần phải là “các nước ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc và New Zealand”. Khía cạnh ý nghĩa của khẳng định này là việc bổ sung hai “nước có cùng tư tưởng”, Australia và New Zealand, vào nhóm ASEAN+3 đã được khởi xướng vào năm 1999 (“+3” là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc).
Đề xuất của Thủ tướng Koizumi đã có được thành quả vào năm 2005, với sự ra đời của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS). Được dẫn dắt bởi ASEAN, EAS cũng có sự tham gia của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và Ấn Độ. Sự bổ sung này vào nhóm ASEAN+3 gồm ba “nước có cùng tư tưởng” chia sẻ những giá trị chung chẳng hạn như dân chủ và sự cai trị của pháp luật rõ ràng là điều mong muốn theo quan điểm của Nhật Bản.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Nhật Bản đi ngược lại ý định của Trung Quốc khi nước này khăng khăng rằng ASEAN+3 cần phải là nền tảng cho một trật tự khu vực ở Đông Á. Trung Quốc cũng đã dần giành được nhiều ảnh hưởng hơn đối với các quốc gia ASEAN sau sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của nước này. Đáng chú ý là ASEAN và Trung Quốc đã ký hiệp định khung về việc thành lập Khu thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc được tổ chức ở Phnom Penh tháng 12/2002, và người ta dự đoán rằng điều này sẽ làm gia tăng đáng kể sự phụ thuộc của các quốc gia ASEAN vào thị trường Trung Quốc. Trong bối cảnh này, đối với Nhật Bản việc tiến hành Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm là một bước đi quan trọng tiến tới khôi phục ảnh hưởng đã mất ở ASEAN.
Tuyên bố Tokyo vì mối quan hệ đối tác Nhật Bản-ASEAN năng động và lâu bền trong thiên niên kỷ mới (sau đây gọi là Tuyên bố Tokyo 2003), đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm, đã tuyên bố rằng: “Nhật Bản và ASEAN sẽ tạo dựng tầm nhìn và nguyên tắc chung, bao gồm tôn trọng sự cai trị của pháp luật và công bằng, theo đuổi sự cởi mở, thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và quyền tự do cơ bản của tất cả mọi người…”. Dưới tiêu đề “Làm sâu sắc sự hợp tác Đông Á vì một cộng đồng Đông Á”, tuyên bố thêm rằng Nhật Bản và ASEAN sẽ “tìm cách xây dựng một cộng đồng Đông Á hướng ra bên ngoài, với sự sáng tạo và đầy sức ống và với tinh thần chia sẻ sự hiểu biết chung, gìn giữ các truyền thống và giá trị châu Á, trong khi tôn trọng những nguyên tắc và quy định chung”.
Nội dung của Tuyên bố Tokyo 2003 đã phản ánh một cách rộng rãi khát vọng của Nhật Bản về trật tự khu vực ở Đông Á. Điều này hầu như chắc chắn liên quan đến thực tế rằng tại Hội nghị kỷ niệm, Nhật Bản đã đưa ra Khái niệm mới về phát triển khu vực Mekong của nước này (dưới đây gọi là Khái niệm 2003), trong đó Nhật Bản đã bày tỏ thái độ tích cực đối với việc phát triển khu vực Mekong. Lúc đó cũng như bây giờ, hầu hết các nước ở khu vực Mekong phụ thuộc rất lớn vào nước ngoài về kinh tế, và rất gần gũi về địa lý với Trung Quốc. Khi cạnh tranh với Trung Quốc giành ảnh hưởng đối với ASEAN, Nhật Bản đã nhận thấy khu vực Mekong là mắt xích yếu nhất của ASEAN. Trên tất cả điều này, liên tục kể từ sự khởi đầu của chương trình GMS năm 1992, đã có các cuộc gặp bộ trưởng và các cuộc gặp quan chức cấp cao thường xuyên đề cập đến các lĩnh vực khác nhau coi đó là một phần của chương trình. Ngoài ra, hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của chương trình GMS đã được tổ chức ngay trước hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc tháng 11/2002 và có sự tham dự của Thủ tướng Chu Dung Cơ. Trong khi người ta dự đoán rằng sự tiến bộ này đối với chương trình GMS sẽ đóng góp cho sự phát triển kinh tế của khu vực Mekong, đồng thời người ta cũng dự đoán rằng ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc ở khu vực Mekong sẽ gia tăng.
Sau Hội nghị kỷ niệm 2003, Nhật Bản đã bắt đầu tổ chức các cuộc tham vấn định kỳ với các quốc gia khu vực Mekong, ngoại trừ Myanmar – bởi vậy là với các quốc gia Đông Dương. Tháng 11/2004, Nhật Bản đã nhân cơ hội mà hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3 được tổ chức ở Vientiane đưa đến để tiến hành hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-CLV đầu tiên cùng với hội nghị ngoại trưởng Nhật Bản-CLV.
Những cuộc thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-CLV đã tập trung vào việc làm cho cái gọi là “tam giác phát triển” trở thành hiện thực. Thuật ngữ này đề cập đến khu vực biên giới bao gồm Đông Bắc Campuchia, Nam Lào và miền Trung Việt Nam. Tại cuộc gặp của các ngoại trưởng, các quốc gia Đông Dương đã giải thích rằng sự phát triển này ở khu vực biên giới đối với họ sẽ có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị và xã hội hơn là về mặt kinh tế. Mặc dù tầm quan trọng của việc đưa tam giác phát triển trở thành hiện thực đã được khẳng định tại hội nghị thượng đỉnh Đông Dương được tổ chức ở Vientiane vào tháng 10/1999, vấn đề làm thế nào để đảm bảo việc tài trợ cần thiết vẫn còn tồn tại. Giải pháp cho vấn đề này là điều mà các quốc gia Đông Dương hy vọng nhiều nhất từ các cuộc tham vấn của họ với Nhật Bản. Đối với Nhật Bản, đáp ứng những sự trông đợi này là yếu tố then chốt đối với sự tiến bộ trong các cuộc tham vấn này.
Phần chính trong “vòng cung tự do và thịnh vượng”
Với sự bắt đầu của chính quyền đầu tiên của Thủ tướng Shinzo Abe vào tháng 9/2006, việc phát triển khu vực Mekong của Nhật Bản đã bước vào một giai đoạn mới. Điều này được chứng minh một cách rõ ràng bởi Chương trình đối tác khu vực Nhật Bản-Mekong (dưới đây gọi là Chương trình 2007) được đoàn đại biểu Nhật Bản tuyên bố tại Hội nghị Ngoại trưởng Nhật Bản-CLV được tổ chức vào tháng 1/2007.
Có hai đặc điểm đáng chú ý đối với Chương trình 2007:
Thứ nhất, Nhật Bản đã tuyên bố sẽ chủ trị hội nghị bộ trưởng Mekong-Nhật Bản, trong một nỗ lực nhằm tăng cường đối thoại chính sách của nước này với các quốc gia của khu vực Mekong. Hội nghị bộ trưởng này có sự tham dự của tất cả 5 quốc gia thuộc khu vực Mekong – đó là các quốc gia Đông Dương cộng với Thái Lan và Myanmar. Nói cách khác, hội nghị bộ trưởng Mekong-Nhật Bản là nhằm mở rộng nhóm Nhật Bản-CLV thành nhóm Nhật Bản-Mekong.
Thứ hai, ba trụ cột của mối quan hệ đối tác giữa Nhật Bản và khu vực Mekong đã được làm sáng tỏ là: “hội nhập các nền kinh tế của khu vực và xa hơn nữa”, “mở rộng thương mại và đầu tư giữa Nhật Bản và khu vực Mekong” và “chia sẻ các giá trị và mục tiêu chung trong đó có dân chủ và sự cai trị của pháp luật”. Mặc dù một sự quy chiếu cho “các giá trị chung” đã được đưa vào Tuyên bố Tokyo 2003, được Nhật Bản cùng với tất cả các quốc gia ASEAN thực hiện, nhưng không có sự quy chiếu trong Khái niệm 2003, được áp dụng trực tiếp cho các quốc gia của khu vực Mekong. Do đó, Chương trình 2007 đã đưa ra một bức tranh về sự chú trọng của Nhật Bản vào các giá trị chung rõ ràng hơn so với Khái niệm 2003.
Ba tuyên bố trong một bài phát biểu của Ngoại trưởng Taro Aso ở Tokyo tháng 11/2006 dường như có liên quan đến điểm đáng chú ý thứ hai của Chương trình 2007: Thứ nhất, “‘ngoại giao hướng theo giá trị” và “vòng cung tự do và thịnh vượng” là những nền tảng mới cho chính sách đối ngoại và sự thể hiện mới của chúng ta ở đó”. Thứ hai, “‘ngoại giao hướng theo giá trị” bao gồm việc nhấn mạnh ‘những giá trị chung’ chẳng hạn như dân chủ, tự do, nhân quyền, sự cai trị của pháp luật và kinh tế thị trường khi chúng ta thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao của chúng ta”. Và thứ ba, “có các nền dân chủ bắt đầu phát triển thành công nằm ở vành ngoài của lục địa Âu-Á, hình thành nên một vòng cung. Ở đây, Nhật Bản muốn thiết kế một ‘vòng cung tự do và thịnh vượng’”.
Như được đề cập ở trên, Thủ tướng Koizumi trên thực thế đã đưa ra “ngoại giao hướng theo giá trị” ngay từ năm 2002. Tuy nhiên, bài phát biểu này là dịp đầu tiên trong đó một ngoại trưởng Nhật Bản đã sử dụng một cách rõ ràng cụm từ “hướng theo giá trị”. Theo nhận thức đó, tính mới lạ trong bài phát biểu này nằm ở cách thức bày tỏ được sử dụng nhiều hơn là trong chính sách thực tế được miêu tả. Lý do bài phát biểu này trình bày “vành đai bên ngoài của lục địa Âu-Á” là con đường cho chính sách ngoại giao “hướng theo giá trị” là lĩnh vực này sẽ được coi là một nền tảng rộng lớn hơn cho liên minh Nhật-Mỹ. Mục tiêu có ý nghĩa nhất mà Ngoại trưởng Nhật Bản đã vạch ra là để Nhật Bản “tăng cường sự hợp tác của chúng ta với cả EU và NATO’. Tuy nhiên, đồng thời ông cũng tuyên bố rằng bởi vì “rìa ngoài của lục địa Âu-Á… đã chứng kiến những thay đổi lớn của sự kết thúc cuộc Chiến tranh Lạnh khi bức màn sắt đối đầu Đông-Tây được vén lên”, một mục tiêu xa hơn là Nhật Bản cần phải “làm cho khu vực đó trở thành ‘vòng cung tự do và thịnh vượng’”. Cụm từ “vòng cung tự do và thịnh vượng” trên thực tế đã được thay thế cho “cộng đồng Đông Á” theo tiếng lóng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản.
Đương nhiên, ba loại mục tiêu này không thể đạt được trong một sớm một chiều. Cũng như khi đề cập đến những thất bại trong quá khứ của chính Nhật Bản, Ngoại trưởng Aso cũng đã tuyên bố rằng “chúng ta cần phải làm cho nó thành một ‘vòng cung tự do và thịnh vượng’”. Cách thức cụ thể trong đó Nhật Bản sẽ “hộ tống” những quốc gia này sẽ là thông qua đối thoại và ODA. Vào thời điểm bài phát biểu này được đưa ra, các nước Đông Dương rõ ràng sẽ được hiểu là một khu vực mà thuật ngữ “maratông” được áp dụng. Tại một cuộc họp khác theo phiên bản của Hội nghị Ngoại trưởng Nhật Bản-CLV, được tổ chức vào tháng 8/2007, Ngoại trưởng Nhật Bản đã đề cập đến Chương trình 2007 và tuyên bố rằng cần phải chú trọng vào việc làm cho các quốc gia Đông Dương trở thành một “phần chính trong vòng cung tự do và thịnh vượng”. Tuyên bố này nhất quán với nhận xét sau đó mà ông đã đưa ra trong bài phát biểu của mình vào tháng 11/2006, như đã được mô tả ở trên: “Nói một cách cụ thể, điều tôi nghĩ trong đầu ngay lúc này là Campuchia, Lào và Việt Nam”.
Mặc dù ý định chính xác của tuyên bố này vẫn chưa được biết, nhưng bằng việc đề cập đến bài phát biểu này nó chắc chắn có ý nghĩa khi gợi lại tình huống lúc đó. Thứ nhất, cần lưu ý rằng Chương trình 2007 đã mở rộng nhóm Nhật Bản-CLV thành nhóm Nhật Bản-khu vực Mekong. Trở ngại chính cho sự mở rộng này là Myanmar. Vì lý do này, việc nhắc đến các quốc gia Đông Dương chắc chắn đưa ra một thông điệp ngầm cho Myanmar – rằng Nhật Bản tha thiết hy vọng rằng Myanmar cũng sẽ cho thấy sự sẵn sàng tham gia cuộc chạy maratong này. Trên thực tế, nhà lãnh đạo quân đội trước đây Thein Sein đã được bổ nhiệm làm thủ tướng vào tháng 10/2007 và, được dẫn dắt bởi chính quyền quân sự, cải cách hệ thống chính trị đã bắt đầu. Dường như là Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã phần nào nghe phong thanh về những dấu hiệu thay đổi này ở Myanmar.
Thứ hai, vào thời điểm đó ASEAN đang ở những giai đoạn cuối cùng của việc dự thảo Hiến chương ASEAN. Hiến chương đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tháng 11/2007 và bao gồm một quy định đề cập đến việc “tuân thủ các nguyên tắc về dân chủ, sự cai trị của pháp luật và sự cai trị tốt, tôn trọng và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản”. Tuy nhiên, tiến trình dự thảo Hiến chương có liên quan đến những tranh chấp bên trong ASEAN. Theo thông tin thì dường như việc đề ra các nguyên tắc này trong Hiến chương đã bị các nước Đông Dương và Myanmar lớn tiếng phản đối. Bản thân ASEAN sẽ quyết định tiến trình mà tổ chức này sẽ đi theo. Tuy nhiên, mặt khác, điều này sẽ có một tác động đáng kể đến chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Nếu ASEAN – một trong những tổ chức khu vực thành công nhất ở khu vực Âu-Á – đã quay lưng lại với các giá trị chung trong việc ban hành hiến chương đầu tiên của mình, điều này có thể có nghĩa là “vòng cung tự do và thịnh vượng” sẽ chết yểu. Vì lý do này, Khái niệm 2007 chắc chắn là sản phẩm trực tiếp của tầm nhìn ngoại giao của Ngoại trưởng Aso.
Hội nghị thượng đỉnh Mekong-Nhật Bản và hệ quả
Đối thoại mới giữa các nước thuộc khu vực Mekong được đề xuất trong Khái niệm 2007 đã được bắt đầu tại hội nghị ngoại trưởng tổ chức ở Tokyo vào tháng 1/2008. Tháng 9/2009, Hội nghị thượng đỉnh Mekong-Nhật Bản đầu tiên đã được tiến hành ở Tokyo, tại đó Tuyên bố Tokyo của hội nghị đầu tiên giữa nhà lãnh đạo Nhật Bản và lãnh đạo các nước khu vực Mekong (sau đây gọi là Tuyên bố Tokyo 2009) và Kế hoạch hành động 63 Mekong-Nhật Bản đã được thông qua. Khi đó các bên nhất trí rằng các quốc gia sẽ tổ chức các hội nghị thượng đỉnh hàng năm, các hội nghị ngoại trưởng và bộ trưởng kinh tế định kỳ và các cuộc gặp quan chức cấp cao hàng năm. Bởi vậy, sự hợp tác Mekong-Nhật Bản đã được thể chế hóa nhanh chóng.
Tuy nhiên, đến thời điểm này đã có những thay đổi lớn trong nền chính trị Nhật Bản. Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử diễn ra ba tháng trước khi Hội nghị thượng đỉnh Mekong-Nhật Bản lần đầu tiên được tổ chức, đã bắt đầu thay đổi chính sách đối ngoại mà đảng này kế thừa từ Đảng Dân chủ Tự do (LDP). Thủ tướng Yukio Hatoyama đã khôi phục thuật ngữ “cộng đồng Đông Á” trong từ vựng chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Ngoài ra, định nghĩa của Hatoyama về cộng đồng Đông Á khác với của Koizumi, và nó không ám chỉ các giá trị chung như dân chủ và sự cai trị của pháp luật. Một sự khác biệt nữa giữa khái niệm về cộng đồng Đông Á của Hatoyama và của Koizumi là khái niệm của Hatoyama không coi quan hệ Nhật Bản-ASEAN là nền tảng của một cộng đồng như vậy.
Sự thay đổi này có ảnh hưởng sâu sắc đến Hội nghị thượng đỉnh Mekong-Nhật Bản. Tuyên bố Tokyo 2009 đã khẳng định “xây dựng một cộng đồng Đông Á dựa trên các nguyên tắc cởi mở, công khai minh bạch, mang tính bao gồm và hợp tác chức năng” coi đó là mục tiêu của quan hệ Mekong-Nhật Bản. Một số nguyên tắc chắc chắn được đưa vào Tuyên bố với ý định đảm bảo một mức độ liên tục nào đó với chính sách trước đây đối với cộng đồng Đông Á. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này, điều vẫn rõ ràng là Tuyên bố Tokyo 2009 ít coi trọng khái niệm giá trị chung trong việc thiết lập một trật tự khu vực Đông Á hơn so với Tuyên bố Tokyo 2003.
Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Hatoyama từ chức vào tháng 6/2010, chính sách đối ngoại của Chính quyền DPJ đã thực hiện một đường lối khác. Tháng 4/2012, Hội nghị thượng đỉnh Mekong-Nhật Bản lần thứ tư, do Thủ tướng Yoshihiko Noda làm chủ tịch, đã thông qua Chiến lược Tokyo 2012 vì sự hợp tác Mekong-Nhật Bản (dưới đây gọi là Chiến lược 2012), coi đó là đường lối chỉ đạo mới, thay thế cho Tuyên bố Tokyo 2009. Mặc dù Chiến lược 2012 không nhắc đến “các giá trị chung”, cụm từ “cộng đồng Đông Á” một lần nữa đã biến mất. Sự chú trọng của Chiến lược 2012 là về chủ đề “tăng cường sự kết nối ASEAN”. Điều này chắc chắn là do nhận thức sâu sắc về việc sắp thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Sau thắng lợi của LDP trong cuộc tổng tuyển cử tháng 12/2012, Chính quyền Shinzo Abe lần thứ hai nhậm chức. Kể từ đó, Thủ tướng Abe đã và đang tăng cường mạnh mẽ các mối quan hệ với “các nước có cùng tư tưởng” như Mỹ, Úc, Ấn Độ và các quốc gia ASEAN, cũng như nâng cấp chính sách an ninh quốc gia của Nhật Bản trong những bước đi mang tính tiếp cận, theo nguyên tắc “chủ động đóng góp cho hòa bình”. Đương nhiên, dưới tất cả điều này, thách thức rõ ràng do Trung Quốc gây ra ở Biển Đông và biển Hoa Đông và, mặc dù có phản ứng gay gắt của Việt Nam đối với thách thức này, nhưng thái độ của các quốc gia nhỏ hơn của khu vực Mekong có phần không rõ ràng. Bởi vậy, sự hợp tác Mekong-Nhật Bản có khả năng tỏ ra là một phương tiện cải thiện môi trường an ninh ở Đông Á.
Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông