Đối đầu thách thức Trung Quốc: Phương án Nhật Bản của Australia

Print Friendly, PDF & Email

Abeaustralia

Tác giả: Evelyn Goh | Biên dịch: Lê Hoàng Giang

Australia có thể đang bỏ quên mất chiến lược lâu dài bằng cách ủng hộ Nhật Bản chống lại đối tác thương mại hàng đầu của mình – Trung Quốc.

Kể từ khi nhậm chức vào năm 2012, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chuẩn bị nhiều sửa đổi có tính quyết định về những hạn chế sử dụng vũ lực trong hiến pháp Nhật Bản. Ông cũng đã không ngừng tìm kiếm sự ủng hộ từ quốc tế chống lại những yêu sách của Trung Quốc trên vùng biển Đông Á. Ông đã hoàn thành trọn vẹn 18 tháng ngoại giao con thoi quanh khu vực Đông Nam Á và có một chuyến thăm lịch sử kéo dài một tuần đến Australia.

Hai nước đã ký một thỏa thuận nghiên cứu quốc phòng được cho là sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Nhật Bản chuyển giao công nghệ tàu ngầm cho Australia.

Thỏa thuận quốc phòng này được ký là nhờ nội các của ông Abe đã nới lỏng việc cấm xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản vào tháng 4. Australia giờ đây, giống như Mỹ và Anh, có thể được tiếp cận đặc biệt với các chương trình liên kết phát triển vũ khí cùng với Nhật Bản. Ngay sau khi nội các cho phép ông Abe tái diễn giải hiến pháp và cho phép các lực lượng vũ trang Nhật Bản tham gia “phòng vệ tập thể” – trợ giúp các đồng minh khi bị tấn công bởi một kẻ thù chung – thỏa thuận này đã làm gia tăng lo ngại rằng Australia đang muốn đi đến một hình thức liên minh với Nhật Bản. Dù đầu tiên là nhằm hỗ trợ chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ tại châu Á, việc này thực chất là hành động để kìm hãm Trung Quốc.

Việc chính quyền Abbott đón nhận niềm nở những “khúc dạo đầu” trên lĩnh vực kinh tế và an ninh từ ông Abe đặt ra ba thách thức nổi bật mà tất cả các quốc gia Đông Á đều phải đối mặt trong bối cảnh chuyển giao chiến lược hiện nay:

Thứ nhất, làm thế nào để các quốc gia này có thể trục lợi tối đa từ sự tăng trưởng của Trung Quốc trong khi vẫn kiềm chế được những yêu sách của nước này? Làm thế nào để cân bằng được giữa việc ủng hộ ưu thế vượt trội và vai trò răn đe của Mỹ, trong khi đặt Trung Quốc một cách hòa bình vào trong trật tự khu vực?

Nhật bản, Hàn Quốc và nhiều nước Đông Nam Á đã phải trăn trở với những vấn đề này từ khi Trung Quốc bắt đầu cải cách kinh tế vào cuối những năm 1980, nhưng Australia rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan chiến lược trọng tâm này tương đối muộn. Hơn bất kỳ đồng minh nào khác của Mỹ trong khu vực, Australia luôn bám sát vào một bản sắc chiến lược – được hình thành qua việc tham gia vào mọi cuộc xung đột của Mỹ kể từ năm 1914 – trong đó đặt ưu tiên vào việc tạo liên minh và gây dựng quan hệ thân cận với Mỹ. Mặc dù có các liên kết kinh tế đang phát triển tốt đẹp, Canberra vẫn thể hiện rõ ràng một khoảng cách địa lý và chính trị với châu Á và Trung Quốc.

Một số người ở Australia vẫn tin rằng họ không nhất thiết đang trao vật làm tin cho Trung Quốc dưới hình thức những liên kết kinh tế đó: Các tập đoàn Australia đầu tư tương đối ít tài sản không di động vào Trung Quốc, và vẫn còn nhiều phương án thay thế khác có thể trở thành thị trường cho những mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Australia. Ví dụ, trong 4 hoặc 5 tháng đầu năm nay, lượng quặng sắt từ Australia chiếm 55% tổng lượng quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc và 61% của Nhật Bản, hầu hết đều được khai thác từ vùng Pilbara ở phía Tây Australia nơi hai thủ tướng đã đến thăm. Ngoài ra, ba phần tư lượng khí đốt hóa lỏng xuất khẩu của bang Tây Australia vẫn được bán cho Nhật Bản.

Các đối tác thương mại hàng đầu của Australia

Hơn thế nữa, do nóng lòng muốn tự phân biệt với quan điểm được cho là quá ủng hộ Trung Quốc của chính quyền tiền nhiệm, chính quyền liên minh của ông Abbott có vẻ đã chuyển sang hướng trái ngược hoàn toàn. Chính quyền này đã công khai cùng với Nhật Bản và Mỹ chỉ trích những yêu sách biển đảo của Trung Quốc tại cuộc đối thoại cấp bộ trưởng quốc phòng Shangri-La tại Singapore vào tháng 6, và Ngoại trưởng Julie Bishop khẳng định thẳng thắn vào tuần trước rằng Australia sẽ “đương đầu với Trung Quốc để bảo vệ hòa bình, các giá trị tự do và pháp quyền”. Tiếp sau đó là những lần lên tiếng chống lại Trung Quốc, trong đó có việc bà chỉ trích công khai việc Trung Quốc tuyên bố lập một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên một số vùng thuộc biển Hoa Đông vào năm 2013, những lời chỉ trích mà theo bà sẽ không gây hậu quả gì đến quan hệ kinh tế giữa Australia và Trung Quốc.

Tỏ ra quả quyết với Trung Quốc khác rất nhiều so với việc tạo cơ sở cho một liên minh đối trọng cùng Nhật Bản để chế ngự Trung Quốc. “Nghiêng hẳn” về phía Nhật, như ông Abe đã thúc giục, sẽ dẫn đến một số lựa chọn cụ thể cho Australia. Ngoài việc giúp tăng cường liên minh chung giữa hai nước này với Mỹ, một bước đi như vậy thực chất nghĩa là đặt cược vào khả năng Nhật Bản mang trên vai gánh nặng chiến lược trong tương lai không quá xa, mặc cho những hạn chế kinh tế, chính trị và dân số của nước này. Ngoài ra hành động đó cũng sẽ bao gồm việc trông chờ vào khả năng Australia hoặc giành được phần từ “miếng bánh” Trung Quốc – hoặc sẽ phải chịu mất đi thiện cảm của nước này.

Thách thức thứ hai là liệu những phức tạp chiến lược ngày càng gia tăng tại Đông Á có thể được giải quyết nếu các quốc gia trong khu vực đóng vai trò lớn hơn hay không. Vấn đề cấp bách này đã gây ra nhiều quan ngại về cam kết lâu dài của Mỹ đối với khu vực, dù vì ý đồ chính trị, khó khăn kinh tế hay do sự phân tâm của Mỹ sang những khu vực khác.

Trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên bị gián đoạn vào thời kỳ 2006-07 của mình, ông Abe đã có một tầm nhìn ngoại giao với chiến lược thúc đẩy một “vòng cung tự do và thịnh vượng”, liên kết Nhật Bản với những nền dân chủ lớn khác như Ấn Độ, Australia, Mỹ và Liên minh Châu Âu. Nỗ lực này đã thất bại một phần vì thiếu sự hưởng ứng nhiệt tình từ các bên khác. Lần này, ông Abbott đã hưởng ứng.

Nhưng không như trước đây, chính quyền Abe lần này sẽ không đồng thời xích lại gần với Trung Quốc; thay vào đó, chính quyền Abe có vẻ đang tìm kiếm những đối tác khu vực đa dạng hơn để cùng chống lại những yêu sách của Trung Quốc. Ông Abe đã nâng cấp một chuỗi các cuộc trao đổi quốc phòng và đối thoại chiến lược với các quốc gia Đông Nam Á chủ chốt kể từ năm 2010. Chính quyền của ông đang hỗ trợ tăng cường khả năng hàng hải của khu vực, như cung cấp tàu tuần tra cho lực lượng Tuần Duyên Philippines, và tăng gấp đôi ngân sách viện trợ quân sự cho Indonesia và Việt Nam.

Dựa trên nền tảng như vậy, nếu muốn nghiêm túc theo đuổi một mối quan hệ đối tác phòng vệ sâu sắc hơn với Nhật Bản thì chính phủ Abbott cần vạch ra một đường thẳng cắt ngang qua khu vực và kết nối hai đồng minh của Mỹ thành một thế trận tập trung giả định đối đầu Trung Quốc. Điều này sẽ hình thành nên một trục liên kết hai kẻ ngoài lề, vốn trước đây đã từng cố bỏ qua sự quan tâm đối với khu vực vì những lý do văn hóa và địa chính trị. Hai nước này sẽ đứng trái ngược hoàn toàn với hầu hết các quốc gia châu Á khác – đặc biệt là Hàn Quốc, Việt Nam và thậm chí là Ấn Độ – những nước đều không muốn phải chọn phe. Những nước đó không thể nào tránh được việc có vị trí địa lý ở gần Trung Quốc hay có số phận đan xen với Trung Quốc.

Một liên minh Australia – Nhật Bản sẽ kết thúc chiến lược “phòng bị nước đôi” (hedging) phổ biến mà các nước Đông Á đã cố duy trì trong hai thập kỷ qua giữa Mỹ và Trung Quốc. Dù vậy, về trung hạn, quan hệ đối tác phòng vệ song phương như vậy không có khả năng răn đe hiệu quả nếu không có những cam kết quân sự của Mỹ trong khu vực.

Điều này dẫn đến thách thức chiến lược thứ ba cho Đông Á: vấn đề hóc búa liên quan đến Nhật Bản. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thỏa thuận hòa bình kỳ lạ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 cho Nhật Bản chính là nhằm ngăn chặn các quốc gia Đông Á tạo lập các liên kết đa phương và tham gia vào hình thức cân bằng quyền lực này. Mỹ đã chen vào giữa Nhật Bản và các quốc gia còn lại trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, bằng cách đồng thời thực hiệnhai biện pháp bảo đảm. Một mặt, nước Nhật bại trận bị kiềm chế bằng cách sử dụng hiến pháp để ngăn Nhật Bản tham gia chiến tranh, đồng thời buộc Nhật phụ thuộc vào Mỹ về an ninh bên ngoài. Mặt khác, Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực nhằm răn đe những nguy cơ đe dọa an ninh Nhật Bản trong khu vực.

Thỏa thuận có lợi đôi bên như vậy đã không còn nữa: Với sự mở rộng từng bước cả về quy mô và phạm vi các hoạt động quân sự của Nhật Bản ở nước ngoài – được kích động một phần do sự trỗi dậy của Trung Quốc về quân sự – kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, người Trung Quốc không còn tin rằng liên minh Mỹ-Nhật là để kìm hãm Nhật Bản, mà thay vào đó là cơ sở để tái quân sự hóa nước Nhật. Để đáp lại, chính phủ Trung Quốc đã chính trị hóa vấn đề lịch sử với Nhật Bản và củng cố lập trường về các tranh chấp biển đảo. Người Nhật coi sự đối kháng ngày càng cao của Trung Quốc là bằng chứng cho thấy sức răn đe của Mỹ có thể sẽ không thể duy trì. Việc Trung Quốc và Nhật Bản không phải trực tiếp đối đầu nhau trong suốt 70 năm nhờ vai trò trung gian của Mỹ cũng không giúp tình thế an ninh rắc rối ngày càng leo thang đó tiến triển được chút nào. Bằng cách nghiêng cán cân về Nhật Bản, các bên thứ ba đã làm vòng xoáy mất an ninh cốt lõi này trở nên trầm trọng hơn.

Việc Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng xa lánh nhau và tình thế tiến thoái lưỡng nan an ninh Mỹ-Nhật-Trung được giải quyết bằng cách nào có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định của khu vực. Đối với nhiều quốc gia châu Á hiện nay, vấn đề an ninh hàng đầu là làm cách nào để ngăn chặn hoặc thuyết phục Trung Quốc không tiếp tục đẩy xa hơn các yêu sách biển đảo của mình. Nhưng việc đứng về phía Nhật Bản đối đầu Trung Quốc về bản chất là khác biệt hẳn so với ủng hộ Mỹ đứng đầu khu vực. Australia và các quốc gia Đông Á khác cần phải tập trung vào bức tranh toàn cảnh chiến lược khi đưa ra các quyết định có hay không và làm cách nào để tăng cường hợp tác quốc phòng với Nhật Bản.

Evelyn Goh là Giáo sư Nghiên cứu Chính sách Chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc phòng thuộc ĐH Quốc gia Australia. Email: [email protected]

Bản gốc tiếng Anh: Yale Global