25/09/1789: Tuyên ngôn nhân quyền Hoa Kỳ ra đời

us-bill-of-rights

Nguồn:Bill of Rights passes Congress,” History.com (truy cập ngày 24/9/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1789, Quốc hội đầu tiên của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã thông qua 12 tu chính án hiến pháp, và gửi chúng tới các tiểu bang để phê chuẩn. Các tu chính án này, gọi chung là Tuyên ngôn nhân quyền, được thiết kế để bảo vệ các quyền cơ bản của công dân Hoa Kỳ, đảm bảo các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, và tôn giáo; quyền được xét xử công bằng và quyền mang vũ khí; và đảm bảo các quyền không được trao cho chính phủ liên bang thì được bảo lưu cho các tiểu bang và nhân dân.

Chịu ảnh hưởng của Đạo luật về các quyền của Anh năm 1689, Tuyên ngôn nhân quyền Hoa Kỳ được xây dựng trên nền tảng bản Tuyên ngôn nhân quyền của bang Virginia do George Mason soạn thảo từ năm 1776. Mason, công dân Virginia, là người đấu tranh suốt đời cho các quyền tự do cá nhân. Năm 1787, ông tham gia Hội nghị Lập hiến và chỉ trích bản hiến pháp chính thức vì thiếu sự bảo vệ hiến định dành cho các quyền chính trị cơ bản. Trong quá trình phê chuẩn hiến pháp diễn ra sau đó, Mason và các nhà phê bình khác đã đồng ý phê chuẩn hiến pháp để đổi lại sự đảm bảo rằng các tu chính án hiến pháp sẽ lập tức được thông qua.

Tháng 12 năm 1791, Virginia trở thành tiểu bang thứ 10 trên 14 phê chuẩn 10 trên 12 tu chính án, giúp Tuyên ngôn nhân quyền được hai phần ba số tiểu bang cần thiết phê chuẩn để nó có hiệu lực. Trong hai tu chính án chưa được phê chuẩn, tu chính án thứ nhất liên quan đến hệ thống đại diện, trong khi tu chính án còn lại cấm các điều luật thay đổi mức lương của các nghị sĩ có hiệu lực trước khi cuộc bầu cử (hạ viện) được tổ chức. Tu chính án thứ nhất này chưa bao giờ được phê chuẩn, còn tu chính án thứ hai đã được phê chuẩn sau hơn 200 năm, vào năm 1992, trở thành Tu chính án thứ 27 của Hoa Kỳ.

Mười tu chính án đầu tiên được quy định cụ thể như sau (Bản dịch của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam):

Tuyên ngôn Nhân quyền

Lời tựa

Quốc hội Hợp chúng quốc Hoa Kỳ

Bắt đầu và diễn ra tại Thành phố New York, vào thứ Tư, ngày 4 tháng 3 năm 1789.

Các hội nghị của một số bang, vào thời điểm thông qua Hiến pháp này, đã bày tỏ một mong muốn, nhằm tránh việc vận dụng sai hoặc lạm dụng quyền lực của nó, rằng cần thêm vào những điều khoản có tính giải thích và hạn chế: Và những điều khoản này, trong khi làm tăng thêm cơ sở cho sự tin tưởng của công chúng vào Chính phủ, sẽ bảo đảm tốt nhất những mục đích tốt đẹp của thể chế này.

Được quyết định bởi Thượng viện và Hạ viện Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, trong phiên họp của Quốc hội, với hai phần ba các nghị sĩ của cả hai Viện tán thành, rằng các Điều khoản sau đây sẽ được đề xuất với cơ quan lập pháp của một số bang như các Điều bổ sung sửa đổi của Hiến pháp Hợp chúng quốc Hoa Kỳ; tất cả, hoặc bất kỳ Điều khoản nào, sau khi được phê chuẩn bởi ba phần tư các cơ quan lập pháp nói trên, sẽ có hiệu lực trên thực tế như một bộ phận của Hiến pháp Hoa Kỳ.

Các Điều khoản bổ sung, và Điều bổ sung sửa đổi của Hiến pháp Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, được đề xuất bởi Quốc hội và được thông qua bởi cơ quan lập pháp của một số bang, là tuân theo Điều V của Hiến pháp ban đầu.

Tu chính án thứ 1: Tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận và báo chí; quyền hội họp và kiến nghị

Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, báo chí và quyền của dân chúng được hội họp và kiến nghị Chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình.

Tu chính án thứ 2: Quyền mang vũ khí

Xét thấy lực lượng dự bị có tổ chức nghiêm chỉnh là rất cần thiết cho nền an ninh của một quốc gia tự do, quyền của dân chúng được giữ và sử dụng vũ khí sẽ không bị vi phạm.

Tu chính án thứ 3: Nơi ở của binh lính

Không một quân nhân nào trong thời bình được đóng quân trong bất cứ nhà dân nào nếu không được sự đồng ý của chủ nhà, và ngay trong thời chiến cũng chỉ theo quy định của luật pháp.

Tu chính án thứ 4: Lệnh truy nã và bắt giữ

Quyền của con người được đảm bảo về cá nhân, nhà cửa, giấy tờ và tài sản khỏi mọi sự khám xét và bắt giam, quyền này sẽ không được vi phạm. Không một lệnh, trát nào được cấp nếu không có lý do xác đáng căn cứ vào lời tuyên thệ hoặc sự xác nhận, đặc biệt cần miêu tả chính xác địa điểm khám xét, người và đồ vật bắt giữ.

Tu chính án thứ 5: Quyền trong các vụ án hình sự

Không một ai bị buộc phải chịu trách nhiệm về một tội nghiêm trọng hay một tội xấu xa khác nếu không có sự tường trình và cáo trạng của Bồi thẩm đoàn, trừ những trường hợp xảy ra trong lục quân, hải quân hoặc trong lực lượng dự bị, khi đang thi hành công vụ trong thời chiến hoặc trong tình trạng xã hội gặp hiểm nguy. Không một ai sẽ bị kết án hai lần về cùng một tội có nguy hại đến tính mạng và thân thể; không một ai bị ép buộc phải làm chứng chống lại bản thân mình trong một vụ án hình sự và bị tước đoạt sinh mạng, tự do hoặc tài sản, nếu không qua một quá trình xét xử theo đúng luật; không một tài sản tư hữu nào bị trưng dụng vào việc công mà không được bồi thường thích đáng.

Tu chính án thứ 6: Quyền được xét xử công bằng

Trong mọi trường hợp truy tố hình sự, bị cáo có quyền được xét xử một cách nhanh chóng và công khai bởi một Bồi thẩm đoàn công bằng của bang hoặc khu vực nơi tội trạng xảy ra, nơi đã được pháp luật chỉ định trước; bị cáo phải được thông báo về tính chất và lý do buộc tội, được đối chất với các nhân chứng chống lại mình, được quyền triệu tập những nhân chứng để biện minh và được sự giúp đỡ của luật sư bào chữa.

Tu chính án thứ 7: Quyền trong các vụ án dân sự

Trong những vụ kiện tụng theo thông luật, nếu giá trị tranh chấp quá 20 đô la, thì quyền được xét xử bởi Bồi thẩm đoàn sẽ được tôn trọng và không một vụ việc nào đã được Bồi thẩm đoàn xét xử lại phải xem xét lại lần nữa ở bất cứ tòa án nào của Hoa Kỳ, mà phải căn cứ theo các quy tắc của thông luật.

Tu chính án thứ 8: Tiền bảo lãnh, tiền phạt và hình phạt

Không đòi hỏi những khoản tiền bảo lãnh quá cao, không áp đặt những khoản tiền phạt quá mức và không áp dụng những hình phạt dã man và khác thường.

Tu chính án thứ 9: Quyền của nhân dân

Việc liệt kê một số quyền trong Hiến pháp không có nghĩa là phủ nhận hay hạ thấp những quyền khác của người dân.

Tu chính án thứ 10: Quyền của các bang và của nhân dân

Những quyền lực không được Hiến pháp trao cho Liên bang và không bị ngăn cấm đối với các bang, thì thuộc về các bang cụ thể hoặc nhân dân.