Ngân hàng Thế giới (World Bank)

Print Friendly, PDF & Email

world-bank-20140807

Tác giả: Nguyễn Thị Tâm

Được thành lập vào năm 1944 và có trụ sở chính ở thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Ngân hàng Thế giới (WB) cùng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là những sản phẩm của Hệ thống Bretton Woods. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới không phải là một ngân hàng thông thường. Tổ chức này bao gồm hai cơ quan phát triển đặc biệt được sở hữu bởi 186 nước thành viên: Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển (International Bank for Reconstruction and Development – IBRD), và Tổ chức Phát triển Quốc Tế (International Development Association – IDA). Mỗi cơ quan có một vai trò khác nhau, nhưng luôn hợp tác với nhau trong việc thực hiện mục tiêu làm cho toàn cầu hóa trở thành một quá trình mang tính bền vững và đồng đều hơn.

IBRD có nhiệm vụ giảm đói nghèo ở các nước có thu nhập ở mức trung bình và những nước nghèo có uy tín trong việc vay vốn. Trong khi đó, IDA tập trung chủ yếu vào các nước nghèo nhất thế giới. Các nhiệm vụ của hai cơ quan này được hỗ trợ bởi Công ty Tài chính Quốc tế (International Finance Corporation – IFC), Tổ chức Đảm bảo Đầu tư Đa phương (Multilateral Investment Guarantee Agency – MIGA) và Trung tâm Giải quyết Tranh chấp Đầu tư Quốc tế (International Center for the Settlement of Investment Disputes – ICSID).

WB và Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ
Hiện nay trọng tâm chính của WB là giúp các nước thành viên đạt được MDGs thông qua việc cho các nước có thu nhập trung bình vay vốn với lãi xuất thấp, không cao hơn mấy so với lãi xuất mà WB phải trả từ việc bán cổ phiếu của tổ chức này trên thị trường tài chính thế giới.

WB bắt đầu hoạt động từ năm 1946 với 38 quốc gia thành viên ban đầu. Nhiệm vụ ban đầu của WB là cung cấp các khoản vay tái thiết cho các nền kinh tế bị tàn phá của Châu Âu. Trong những năm 1950 và 1960, khi châu Âu bắt đầu phục hồi từ đống đổ nát của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, WB bắt đầu chuyển trọng tâm của mình sang Châu Phi, Châu Á và Mỹ Latinh. Ngân hàng Thế giới hiện có 186 quốc gia thành viên, với hơn 10.000 nhân viên và hơn 100 cơ quan đại diện trên thế giới. IBRD cũng có 186 thành viên, trong khi IDA có 168 thành viên. Mỗi thành viên của IBRD cũng là thành viên của IMF, và chỉ có thành viên của IBRD được phép tham gia vào các tổ chức khác trực thuộc sự quản lý của WB.

WB là một nguồn trợ giúp về tài chính và kỹ thuật quan trọng cho các nước đang phát triển trên thế giới. Theo tuyên bố của WB, nhiệm vụ chính của tổ chức này bao gồm chống lại đói nghèo với những kết quả bền vững, đồng thời giúp con người phát huy hết khả năng của họ và bảo vệ môi trường sống của họ bằng việc cung cấp những nguồn lực, chia sẻ kiến thức, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng mối quan hệ đối tác giữa lĩnh vực công và lĩnh vực tư nhân.

Với sự hợp tác của các cơ quan thành viên, WB cung cấp những nguồn vốn vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp, những khoản viện trợ không hoàn lại cho các nước thành viên với nhiều mục đích khác nhau, bao gồm đầu tư vào giáo dục, y tế, quản lỳ hành chính, cơ sở hạ tầng, phát triển tài chính và con người, nông nghiệp, và quản lý nguồn lực tự nhiên và môi trường.

Các hoạt động chính của WB bao gồm:

  • Tạo quỹ: IBRD tạo những nguồn vốn vay cho các nước đang phát triển thông qua việc bán cổ phiếu được xếp hạng AAA trên thị trường tài chính thế giới. Trong khi IBRD đạt được một phần nhỏ lợi nhuận từ những nguồn cho vay này, nguồn thu lớn hơn của tổ chức này đến từ việc cho vay những nguồn vốn mà nó sở hữu. Nguồn vốn này bao gồm những khoản dự trữ được tích trữ qua nhiều năm và những nguồn đóng góp của 185 cổ đông (là các quốc gia thành viên) của WB. Nguồn thu của IBRD cũng được dùng để chi trả cho chi phí vận hành của WB và hỗ trợ hoạt động của IDA cũng như chương trình xóa nợ cho các nước nghèo.
  • Cung cấp các nguồn vốn vay: Thông qua IBRD và IDA, WB đưa ra hai loại vốn cho vay và tín dụng: (1) những hoạt động đầu tư và (2) hoạt động liên quan đến chính sách phát triển. Các quốc gia sử dụng nguồn vốn và tín dụng loại một để đầu tư vào hàng hóa, lao động và dịch vụ nhằm ủng hộ cho các dự án phát triển kinh tế và xã hội trong nhiều khối ngành khác nhau. Loại vốn vay và tín dụng thứ hai được sử dụng để cung cấp những nguồn tài chính được giải ngân nhanh nhằm hỗ trợ cho chính sách nào đó của một quốc gia và những chương trình cải cách bộ máy hành chính. Đơn vay vốn của các nước thành viên sẽ được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo những dự án mà WB cho vay đầu tư phải bền vững về mặt kinh tế, xã hội, và môi trường. Trong quá trình đàm phán, WB và nước vay vốn phải thỏa thuận về mục đích phát triển, đầu ra của dự án, những chỉ số cho thấy tốc độ và chất lượng thực hiện dự án, kế hoạch thực hiện dự án cũng như quy trình giải ngân nguồn vốn. Những nguồn tín dụng dài hạn thường không có lãi suất, nhưng có một khoản thu nhỏ cho chi phí dịch vụ, tương đương khoảng 0,75% nguồn vốn được cho vay.
  • Quản lý các quỹ tín thác (trust funds) và cung cấp các khoản viện trợ không hoàn lại: Các nhà tài trợ chính phủ và tư nhân gửi tiền vào quỹ tín thác được cất giữ tại WB. Những nguồn vốn này được sử dụng cho nhiều mục đích phát triển khác nhau. WB cũng huy động những nguồn vốn từ bên ngoài để cung cấp cho những hoạt động phi lợi nhuận của IDA và những khoản viện trợ không hoàn lại, cũng như những nguồn vốn cho các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật nhằm đáp ứng những nhu cầu đặc biệt của các quốc gia đang phát triển. Những nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại của IDA thường được dùng cho các mục đích: giảm hoặc xóa nợ cho các quốc gia nghèo không có khả năng trả nợ; cải thiện vệ sinh và nguồn nước; ủng hộ cho những chương trình tiêm chủng; chống lại HIV/AIDS; ủng hộ cho các tổ chức dân sự; tạo ra những sáng kiến để cắt giảm khí thải và hiệu ứng nhà kính.
  • Cung cấp dịch vụ tư vấn: WB cũng đóng vai trò cung cấp những dịch vụ phân tích tình hình, tư vấn và cung cấp thông tin cho các nước thành viên nhằm giúp các nước này phát triển kinh tế – xã hội.
  • Xây dựng năng lực: WB có vai trò nâng cao năng lực của các đối tác, nguồn nhân lực ở các nước đang phát triển, và nhân viên của chính tổ chức này để giúp họ có được những kiến thức và kỹ năng cần thiết để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, cải thiện hiệu suất của chính phủ và cung cấp dịch vụ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và duy trì các chương trình xóa đói giảm nghèo

Về quản lý, các hoạt động thường nhật của WB được xử lý bởi một Ban Điều hành gồm 22 giám đốc. Năm trong số này được bổ nhiệm bởi các quốc gia tài trợ lớn nhất (Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, và Pháp) và các giám đốc còn lại được bầu bởi các nước thành viên. Trên các giám đốc điều hành là Chủ tịch và Hội đồng thống đốc, bao gồm đại diện từ tất cả các nước thành viên. Quyền biểu quyết của các nước tỷ lệ thuận với mức độ đóng góp. Điều này cho phép Mỹ có số phiếu biểu quyết lớn nhất. Chủ tịch của Ngân hàng được chỉ định bởi các giám đốc điều hành, thông thường với nhiệm kỳ năm năm.

Bên cạnh những lời tán dương, WB cũng chịu nhiều chỉ trích. Chỉ trích tiêu biểu nhất là việc nhiều người cho rằng WB là một “con sói đội lốt cừu” và theo đó mục đích của WB chủ yếu là một công cụ giúp các nước phát triển mở cửa thị trường của các nước thế giới thứ ba chứ không phải nhằm hỗ trợ việc xóa đói giảm nghèo trên thế giới.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).

Xem thêm:

http://nghiencuuquocte.net/2014/09/22/dieu-gi-giup-hinh-thanh-he-thong-bretton-woods/

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]