Tác giả: Nguyễn Thế Phương
Trung Quốc hiện đang vướng phải rất nhiều tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt trên biển phải kể đến tranh chấp trên hai khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông. Nhìn tổng thể, chính sách của Bắc Kinh đối với hai khu vực này cũng có sự khác nhau và một trong những nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt đó là chủ nghĩa dân tộc. Tại sao lại nói như vậy? Tác giả Allen R. Carlson đến từ Đại học Cornell lập luận, chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc là động lực nhưng cũng là rào cản cho Bắc Kinh trong các tranh chấp trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Trước hết, cần nhắc lại những tranh chấp trên biển Hoa Đông, cụ thể là quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là tranh chấp giữa hai phía Nhật Bản và Trung Quốc. Tư tưởng chống đối Nhật Bản được xem là nền tảng của chủ nghĩa dân tộc đương đại Trung Quốc và rất khó để làm giảm đi xu hướng này. Rất dễ nhận thấy, sự thù địch Nhật Bản hiện diện trong cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc, giữa những cuộc nói chuyện bình thường hoặc trên các chương trình truyền hình. Thực tế đó khiến nhiều người nhận định, một căng thẳng nhỏ giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng có thể đẩy tình hình thêm leo thang bởi chủ nghĩa dân tộc quá mạnh ở cả hai nước.
Đỉnh điểm là những vụ đụng độ trên biển ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku vào năm 2012. Nhiều người khi đó đã nghĩ đến kịch bản một cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc khi đó đã có dịp cho thế giới thấy sức mạnh của mình thông qua những đợt tuần hành kết hợp đập phá tài sản người Nhật. Rất may là xung đột đã không xảy ra, khi cả Bắc Kinh và Tokyo bắt đầu bước vào giai đoạn hoà dịu, hạ nhiệt căng thẳng. Hơn ai hết, Trung Quốc hiểu rõ nếu tiếp tục leo thang, sẽ khó lòng kiểm soát xung đột với Nhật Bản, vốn được định hình bởi những cái đầu nóng mang tư tưởng bài Nhật. Thêm vào đó, có quá nhiều rủi ro khi đối mặt với một nước Nhật mạnh cả về kinh tế lẫn chính trị. Và dù không thể giải quyết được các tranh chấp giữa hai nước, song chủ nghĩa dân tộc, mà cụ thể là tư tưởng bài Nhật ở Trung Quốc, lại là công cụ giúp duy trì sự hoà bình và đóng băng tranh chấp giữa hai quốc gia.
Ngược lại, tại Biển Đông, người dân Trung Quốc có thể tức giận trước các hành động “ngang ngược” của Việt Nam hay Philippines (theo cách mà Bắc Kinh luôn tuyên truyền trong nước) nhưng lại không đẩy mức độ chống đối lên ngang tầm như đối với Nhật Bản. Tại sao lại như vậy? Lý do chính là sự thiếu vắng đi yếu tố lịch sử trong tư tưởng bài trừ của người Trung Quốc đối với Việt Nam và Philippines. Như vậy, Bắc Kinh vừa có thể kích động và củng cố chủ nghĩa dân tộc trong nước, vừa có thể gây áp lực lên Hà Nội và Manila mà không cần phải lo sẽ vướng vào nguy cơ xung đột vượt tầm kiểm soát.
Máy bay chiến đấu tàng hình của Hoa Kỳ và Trung Quốc, ai sẽ là kẻ giành chiến thắng? Một vài báo cáo gần đây cho thấy, tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 của Trung Quốc mang tên Thẩm Dương J-31 không chỉ có ngoại hình giống với tiêm kích tàng hình F-35 của Hoa Kỳ và đặt ra vấn đề so sánh về ưu thế khí động học. Thế nhưng câu hỏi thật sự là Bắc Kinh đã phát triển được những hệ thống cốt lõi là ra-đa và động cơ cho máy bay hay chưa? Và liệu ngành công nghiệp Trung Quốc có thể tích hợp được những công nghệ rời rạc vào một máy bay chiến đấu thực sự hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.
Dựa trên hình dáng thiết kế bên ngoài, J-31 dường như được xem là phiên bản hai động cơ của F-35 và do đó, có rất nhiều người tin rằng J-31 được chế tạo dựa trên sự đánh cắp công nghệ từ F-35. Một cựu phi công quân sự cao cấp của không quân Hoa Kỳ chua xót thừa nhận Trung Quốc sẽ sớm đạt được trình độ phát triển máy bay thế hệ thứ 5 ngang bằng với Washington do gián điệp Trung Quốc luôn tồn tại và hoạt động hết sức hiệu quả.
Vấn đề là Bắc Kinh không cần phát triển tiêm kích thế hệ thứ 5 theo kiểu một chọi một với Washington. Trung Quốc chỉ cần tạo ra đủ thiệt hại buộc Hoa Kỳ phải suy nghĩ trước khi quyết định gửi thêm máy bay chiến đấu. Theo lý thuyết, một máy bay F-22 của Hoa Kỳ có thể chọi với 30 máy bay J-11 của Trung Quốc với số lượng 120 F-22 như hiện tại. Thế nhưng tỉ lệ này chỉ còn lại là 1 chọi 3 khi F-22 đối mặt với J-20 hay J-31. Như vậy, xét về mặt rủi ro, các máy bay Hoa Kỳ sẽ gặp nhiều vấn đề chết người hơn; còn xét về mặt chi phí, Washington có nguy cơ thiệt hại nhiều tiền hơn.
Đó là vấn đề ở tương lai. Quay trở lại hiện tại, khi chế tạo F-22 và F-35, Hoa Kỳ có bộ quy chuẩn riêng cho mỗi loại máy bay và Trung Quốc hiện tại vẫn chưa bắt đầu xây dựng bộ quy chuẩn chất lượng tương tự. Đặt giả thuyết ngay cả khi Bắc Kinh đã giải quyết xong bài toán về vật liệu, chất lượng chế tạo và động cơ – điện tử, vấn đề tiếp theo khiến Trung Quốc đau đầu chính là tên lửa. Bắc Kinh hiện đang phát triển một tên lửa không đối không vượt tầm nhìn là PL-15, tương tự tên lửa AIM-120 AMRAAM. Trớ trêu thay, AIM-120 lại là tên lửa rất dễ bị gây nhiễu và do đó cần phải thay thế.
Có một vấn đề luôn tồn tại trong mối quan hệ giữa các nước châu Á: Sự thiếu niềm tin lẫn nhau. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nguy cơ xung đột, căng thẳng luôn tiềm ẩn và bùng phát ở khu vực. Trong khi Hoa Kỳ đang triển khai chiến lược tái cân bằng ở châu Á – Thái Bình Dương, điều tốt nhất Washington nên làm – hoặc là củng cố và xây dựng niềm tin giữa các nước, hoặc là đừng tăng thêm khoảng cách mất niềm tin trong khu vực.
Tác giả Van Jackson đến từ Trung tâm An ninh Hoa Kỳ mới (CNAS) nhận định việc thiếu niềm tin giữa các nước là một vấn đề mang tính lịch sử. Ngay cả những nước nghèo nhất ở châu Á cũng bị cuốn vào vòng xoáy hiện đại hoá quân sự chính vì lý do này; thậm chí trong nhiều trường hợp, chi tiêu quân sự tiếp tục tăng qua từng năm.
Theo Jackson, có ít nhất hai loại “mơ hồ” dẫn đến tình trạng mất niềm tin giữa các quốc gia.
Loại thứ nhất là ở cấp độ chiến thuật. Điển hình nhất là những câu hỏi: lực lượng được bố trí ở đâu, lực lượng đó đang làm gì và cố gắng gì để phát đi thông điệp của mình thường khiến giới hoạch định cân nhắc.
Loại thứ hai ở cấp độ chiến lược. Hiểu một cách nôm na, những dự dịnh mang tính chiến lược ẩn đằng sau mỗi động thái của các quốc gia thường mập mờ và khiến người khác suy diễn. Điều này dễ dẫn đến việc hiểu sai, hiều nhầm mục tiêu thật sự từ đó gia tăng nguy cơ căng thẳng và xung đột. Liệu CHDCND Triều Tiên có xây dựng lực lượng hạt nhân như một công cụ đáp trả chiến lược? Liệu Trung Quốc có phải là một quốc gia theo chủ nghĩa xét lại, sẵn sàng dùng quân sự để thay đổi hiện trạng khu vực? Đó chỉ là hai câu hỏi ví dụ cho loại mơ hồ thứ hai.
Như vậy, sự minh bạch có thể khiến nguy cơ xung đột giảm không? Câu trả lời là có, nhất là tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
- Thứ nhất, chủ nghĩa phiêu lưu quân sự và tham vọng xâm lược sẽ không có đất phát triển ở một môi trường an ninh minh bạch.
- Thứ hai, giả sử nguyên nhân dẫn đến xung đột là sự hiểu lầm giữa các quốc gia. Trong một môi trường minh bạch, sự nhầm lẫn giữa các quốc gia không còn hoặc không có cơ hội xuất hiện. Điều này sẽ làm nguy cơ xung đột giảm.
- Thứ ba, thậm chí ngay cả khi một quốc gia được xem là có tham vọng xâm lược, môi trường an ninh minh bạch sẽ vạch rõ mọi hành động của nước đó. Và chỉ bằng công cụ ngoại giao, cộng đồng quốc tế có thể chống lại hay ngăn chặn được tham vọng của nước đó.
Một số tin vắn quốc phòng đáng chú ý
Hoa Kỳ tái bố trí 30.000 thuỷ quân lục chiến để đối phó với Trung Quốc. Theo đó, 15% lực lượng thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ sẽ được bố trí ở quần đảo Hawaii và một số khu vực lân cận. Các chuyên gia tin rằng, việc triển khai thêm 30.000 lính thuỷ quân lục chiến sẽ rút ngắn thời gian phản ứng của Washington trước các động thái trong khu vực và là một phần trong kế hoạch tái cân bằng ở châu Á – Thái Bình Dương của nước này.
Trong ngày thứ ba, 29 tháng 9, các nhà đàm phán tại hai viện Quốc hội Mỹ đã đồng ý với dự thảo luật ngân sách quốc phòng cho năm tài khoá 2016 vào khoảng 612 tỷ USD, tăng 1,3% so với đề xuất trước đó. Bản dự thảo cũng bao gồm một số yêu cầu dành cho các vị chỉ huy nhằm phát triển các chính sách kiểm soát súng trong các căn cứ quân sự, bên cạnh đó là một kế hoạch cải tổ hệ thống hưu trí của quân đội. Các nhà quan sát nhận định rằng dự luật có khả năng bị Tổng thống Obama bác bỏ.
Trung Quốc hoàn tất thử nghiệm lần thứ 30 tên lửa không đối không tầm ngắn PL-10, vốn sẽ được trang bị cho các máy bay chiến đấu tiên tiến thế hệ mới của nước này. PL-10 được thiết kế bởi Viện nghiên cứu Lạc Dương và xuất hiện lần đầu tiên khi được treo dưới cánh của máy bay J-20. PL-10 sau đó còn được bắt gặp đi cùng tiêm kích J-11 – máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư của Trung Quốc.
Các hình ảnh do IHS Jane’s công bố cho thấy có thể Trung Quốc đang tiến hành đóng chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên tại cùng một cơ sở đã tân trang lại tàu Liêu Ninh. Tuy nhiên, các phân tích cho thấy đây có thể là tàu sân bay, nhưng cũng có thể là một tàu đổ bộ tấn công hay một loại tàu hoàn toàn chưa được công bố. Theo Dave Majumdar trên The National Interest, Trung Quốc hiện tại chưa có kinh nghiệm trong thiết kế và xây dựng tàu chiến cỡ lớn, đặc biệt là tàu mang động cơ hạt nhân. Bắc Kinh vẫn chưa có công nghiệp luyện kim và công nghệ động cơ đủ trưởng thành như Mỹ hay Nga.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]