Tác giả: Phạm Thủy Tiên
Khủng hoảng tên lửa Cuba xảy ra vào tháng 10 năm 1962 trong lúc Chiến tranh Lạnh đang ở giai đoạn cao trào, khiến tình hình thế giới trở nên vô cùng căng thẳng trước nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Nguyên nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng tên lửa là việc Liên Xô triển khai các tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tại Cuba, vốn cách bờ biển Florida của Mỹ chỉ gần một trăm dặm. Cơ quan tình báo Mỹ đã phát hiện ra kế hoạch này, dẫn đến tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng giữa hai siêu cường thế giới lúc bấy giờ khi chính quyền John F. Kennedy sau đó đã tìm kiếm các hành động trả đũa quyết liệt. Mấu chốt của vấn đề chính là việc Mỹ phát hiện ra tên lửa Liên Xô có mặt tại Cuba sau khi chúng được triển khai, trước đó người Mỹ luôn tin tưởng rằng lãnh đạo Liên Xô sẽ không đem các loại vũ khí này vào Tây bán cầu. Washington như bị giáng một đòn mạnh vì cho rằng an ninh nước Mỹ đang bị đe dọa nghiêm trọng và đây là hành động thách thức của khối xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô.
Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ sự đối đầu ý thức hệ giữa Mỹ (đại diện phe tư bản chủ nghĩa) và Liên Xô (lãnh đạo phe xã hội chủ nghĩa). Sau khi cách mạng Cuba thắng lợi vào năm 1959, ngày 3/7/1960, lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã tuyên bố Cuba sẽ là một bộ phận cấu thành của khối xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Hành động này khiến Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cuba vào tháng 1/1961, đồng thời thực hiện nhiều hành động chống phá nhằm lật đổ chính quyền Fidel Castro. Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên xô lúc bấy giờ là Nikita Khrushchev cho rằng nếu Liên Xô không có bước đi quyết định bảo vệ Cuba thì rất có thể sẽ mất Cuba. Nếu Cuba sụp đổ, các nước Mỹ Latinh khác sẽ rời bỏ Liên Xô, làm sụt giảm nghiêm trọng vị thế của Liên Xô trên trường quốc tế. Với suy nghĩ đó, Khrushchev quyết tâm biến Cuba thành một tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa ngay trong sân sau của Mỹ. Khrushchev dự tính việc bố trí tên lửa hạt nhân ở Cuba không chỉ có thể khống chế hành động quân sự của Mỹ nhằm vào Cuba, mà còn giúp tạo thế cân bằng hạt nhân giữa Moskva và Washington. Thực tế trước đó Mỹ đã xây dựng các căn cứ quân sự bao vây Liên Xô (như ở Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Ý và một số quốc gia Tây Âu khác), sử dụng vũ khí hạt nhân đe doạ Liên Xô.
Hàng chục quả tên lửa (mỗi quả có thể mang đầu đạn hạt nhân có sức công phá lớn gấp hàng chục lần so với 2 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945) và hàng chục chiếc máy bay đã được tháo rời, đóng kiện, bí mật chuyển lên những chiếc tàu chở hàng đưa đến Cuba. Rạng sáng ngày 14/9/1962, một chiếc máy bay do thám U2 của Mỹ đã phát hiện dấu vết đầu tiên về sự có mặt của một căn cứ tên lửa tầm trung của Liên Xô ở La Habana. Khi những bức ảnh tình báo được công bố, Ủy ban điều hành hội đồng an ninh quốc gia Mỹ (Excom) đã tổ chức cuộc họp kín để xem xét các động thái của Liên Xô và những hành động đáp trả của Mỹ. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu chiến tranh nổ ra, chỉ sau 5 phút nước Mỹ sẽ có 8 triệu người chết. Hơn 40.000 lính thủy đánh bộ và 90.000 bộ binh Mỹ được huy động, sư đoàn đổ bộ đường không số 101 tinh nhuệ nhất của quân đội Mỹ cũng được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Vào lúc Nhà Trắng tập trung tinh lực nghiên cứu đề ra đối sách, Moskva đã đẩy nhanh tốc độ vận chuyển vũ khí và xây dựng căn cứ tên lửa ở Cuba.
Bảy giờ tối ngày 22/10/1962, Mỹ ra lệnh phong tỏa đường biển đối với Cuba. Để hợp pháp hóa hành động của mình, Mỹ dùng từ “cách ly” thay cho từ “phong tỏa”. Ngay sau đó, Tổng thống Kennedy ra lệnh cho quân đội Mỹ bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, 24 tiếng đồng hồ sau đó lại ký văn kiện số 3504, tuyên bố bắt đầu từ 14 giờ (giờ GMT) ngày 24/10, Mỹ sẽ tiến hành phong tỏa toàn diện đối với Cuba, bất cứ tàu thuyền nào tới Cuba đều phải chịu sự kiểm tra của các chiến hạm Mỹ, nếu chống lệnh sẽ bị bắn chìm. Một biên đội hải quân khổng lồ của Mỹ được tập kết ở biển Caribê. Một nửa số máy bay ném bom chiến lược của Mỹ sẵn sàng cất cánh. Dẫu vậy, các hành động chuẩn bị này không thể đảm bảo việc di dời các tên lửa của Liên Xô đã được thiết lập tại Cuba.
Chính quyền Kennedy nhận thức được điều này, nên cùng với các hoạt động tập hợp vũ trang, những cuộc tiếp xúc ngầm đã được mở ra với chính quyền Liên Xô. Qua đó, Tổng thống Kennedy thể hiện một lập trường mang tính hòa giải, thậm chí chấp thuận dỡ bỏ hệ thống tên lửa đã được lắp đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lại việc Liên Xô tháo dỡ hệ thống tên lửa tại Cuba. Ngày 26/10, Khruschev gửi cho Kennedy một lá thư nói rằng Liên Xô sẵn sàng tháo dỡ tên lửa tại Cuba, đổi lại Mỹ phải cam kết không xâm lược Cuba. Nhờ vào thiện chí của cả hai bên, cùng với sự can thiệp hòa giải của Liên Hiệp Quốc, thế giới đã thoát khỏi nguy cơ của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Ngày 28 tháng 10, theo thỏa thuận đạt được giữa hai bên, Liên Xô chấp nhận tháo gỡ toàn bộ số tên lửa của mình ở Cuba. Mỹ cũng cam kết không tấn công Cuba trong tương lai, đồng thời tháo dỡ một số căn cứ hạt nhân ở châu Âu. Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba chính thức kết thúc.
Cho đến nay, cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba là cuộc đối đầu hạt nhân đầu tiên và duy nhất giữa Mỹ và Liên Xô. Tuy nhiên, theo các phân tích sau này, đây không hẳn là cuộc đối đầu giữa hai cực Liên Xô – Mỹ mà là một tam giác xung đột với sự tham gia của Cuba, trong đó quan hệ Cuba – Mỹ và Cuba – Liên Xô là những nhân tố quan trọng. Chính Cuba cho rằng cần làm cho Mỹ thấy rõ một cuộc xâm lược Cuba sẽ gây ra chiến tranh với Liên Xô. Tuy nhiên, Cuba không mong muốn Liên Xô đưa tên lửa vào đất nước mình, mà chỉ muốn Liên Xô đưa ra một lời tuyên bố “bảo vệ” Cuba như một mắt xích trong hệ thống xã hội chủ nghĩa. Việc phát hiện ra kế hoạch lắp đặt tên lửa của Liên Xô có thể mang lại cho Mỹ một cái cớ tốt nếu Mỹ muốn tấn công Cuba và quyền tự vệ của Cuba lúc này trở nên không chính đáng. Thêm vào đó, thỏa thuận dời tên lửa giữa Mỹ và Liên Xô sau này cũng không có sự tham gia thỏa thuận của lãnh đạo Cuba, khiến Cuba cảm giác mình bị xem thường. Những yếu tố đó đã làm cho quan hệ Cuba – Liên Xô trở nên xấu đi trong một thời gian.
Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tác động đến sự thay đổi diễn biến của cuộc Chiến tranh Lạnh. Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Liên Xô trong cuộc khủng hoảng đã khiến thế giới và bản thân hai siêu cường lo sợ về một cuộc chiến tranh thế giới sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ xảy ra. Chính điều đó đã thúc đẩy hai bên bước vào giai đoạn hòa hoãn cuối thập niên 1960 và tăng cường tiến hành các cuộc đàm phán giải trừ quân bị. Mỹ và Liên Xô cũng đã đồng ý thành lập một “đường dây nóng” giữa Washington và Moskva, cho phép các nhà lãnh đạo hai nước có thể trò chuyện trực tiếp để giải quyết những cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]