Nợ: Tổ mối làm mục ruỗng nền tảng kinh tế Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

cctv_beijing_oma_220307_12

Nguồn: Gene Frieda, “China’s Debt Termites”, Project Syndicate, 19/08/2015.

Biên dịch: Trần Văn Thắng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Không có phép ẩn dụ nào về những thách thức kinh tế mà Trung Quốc đang phải đối mặt tốt hơn là kiệt tác kiến trúc mang hơi hướng tương lai được thiết kế để làm trụ sở của Đài truyền hình nhà nước của quốc gia này, đài CCTV. Vài tháng trước khi tòa nhà này được hoàn thành năm 2009, các quan chức của đài đã cho phép tiến hành một màn bắn pháo hoa trái phép làm bùng lên một đám cháy thiêu rụi một tòa nhà nhỏ hơn trong khu phức hợp, vốn có hình chiếc nêm mà người dân Bắc Kinh đặt biệt danh là Tổ Mối.

Đám cháy đã làm trì hoãn việc hoàn thành trụ sở CCTV mãi tới năm 2012. Tổ Mối vẫn chưa được khánh thành và đưa vào sử dụng; sự toàn vẹn trong kết cấu tòa nhà nhỏ hơn đã bị ảnh hưởng bởi đám cháy nhưng nó không thể được tháo dỡ xuống do lo ngại ảnh hưởng tới tòa tháp lớn hơn. Phần còn tốt của kết cấu này không thể chống đỡ nổi gánh nặng của những phần xấu.

Hai tòa tháp này gợi nhớ tới nền kinh tế ngày càng theo kiểu “hai đường ray” của Trung Quốc: Một đường ray mới dựa trên dịch vụ và tiêu dùng chịu gánh nặng của một đường ray già nua, chậm chạp hơn được tạo thành từ các ngành công nghiệp như thép và khai khoáng, vốn là những ngành không hiệu quả và dư thừa công suất. Nằm vắt ngang hai đường ray là thị trường bất động sản của nước này, được đặc trưng bởi sự dư thừa công suất lớn ở các thành phố vừa và nhỏ, và nhu cầu mạnh mẽ ở các thành phố lớn.

Vấn đề này trở nên phức tạp hơn bởi giới lãnh đạo đất nước muốn duy trì mục tiêu tăng trưởng cao – ở mức 7% hiện nay – cũng như do sự phụ thuộc vào tín dụng để đạt được mục tiêu này. Do hệ thống tín dụng được thiết kế với sự bảo đảm ngầm của nhà nước, phần lớn các nguồn tài chính được phân bổ sai cho các lĩnh vực kém hiệu quả, mắc nợ cao của nền kinh tế. Kết quả là, các nền tảng của phép màu tăng trưởng Trung Quốc dần bị xói mòn bởi gánh nặng nợ nần vốn chưa cho thấy dấu hiệu thuyên giảm nào.

Việc chính phủ mất kiểm soát đối với nền kinh tế đã trở nên ngày càng rõ ràng. Sự tăng giá nhanh chóng rồi lao dốc sau đó của thị trường chứng khoán nước này đã khiến các nhà đầu tư bất an. Tuy nhiên, tiếng chuông cảnh tỉnh thực sự lại là nỗ lực muộn màng nhằm thanh tra các khoản vay và chi tiêu sai của các chính quyền địa phương.

Lần thanh tra đầu tiên của Văn phòng Kiểm toán Quốc gia nhằm ước tính quy mô nợ của các chính quyền địa phương đã phát hiện một khối nợ tương đương 26% GDP vào cuối năm 2010. Lần thứ hai vào giữa năm 2013 cho thấy mức nợ gia tăng lên tới 32% GDP. Và nghiên cứu mới đây nhất do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc tiến hành cho thấy, khoản nợ này đã tăng vọt lên tới 47,5% GDP vào cuối năm 2014.

Tháng 11 năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề ra một chương trình cải cách nhằm tăng cường vai trò của thị trường trong nền kinh tế Trung Quốc. Việc này được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề nguồn vốn bị phân bổ sai, điều có vẻ đang dẫn tới sự gia tăng nợ đầy bất ổn.

Nợ của chính quyền địa phương đã trở thành một bài kiểm tra quan trọng (đối với chính quyền Trung Quốc). Đầu năm 2015, chính quyền trung ương đã công bố kế hoạch chuyển đổi các khoản vay ngắn hạn có lãi suất cao của các chính quyền địa phương thành trái phiếu dài hạn. Bằng việc tăng kỳ hạn trả nợ, chính quyền trung ương hy vọng sẽ giảm bớt những khó khăn tài chính cho các chính quyền địa phương và cho phép họ theo đuổi các gói kích thích tài chính.

Khi các ngân hàng của Trung Quốc không muốn chấp nhận mức lãi suất thấp được đưa ra cho các trái phiếu mới, mục tiêu tăng cường vai trò của thị trường trong nền kinh tế đã bị gạt ra ngoài. Chính phủ đã buộc các ngân hàng phải thực hiện việc hoán đổi nợ. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các ngân hàng đột nhiên trở nên sợ rủi ro. Các chính quyền địa phương phát hiện ra rằng ngay cả khi thanh khoản được cải thiện thì các ngân hàng vẫn không muốn cho các chính quyền địa phương nhận các khoản vay mới.

Trong khi đó, sự sụt giảm trong thị trường bất động sản đã cướp mất nguồn doanh thu chính của các chính quyền địa phương: bán đất. Do đó đã diễn ra một trong những diễn tiến gây sốc hơn trong việc hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc thời hiện đại: Lời kêu gọi tiến hành các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ đơn giản là đã phị phớt lờ.

Trung Quốc dường như đang rơi vào một chiếc bẫy mà nó đang không ngừng tìm cách né tránh. Vấn đề nợ của nước này có vẻ sẽ trở nên tệ hơn nữa khi chính phủ phớt lờ cải cách để ưu tiên các mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn. Trở ngại này đối với nền kinh tế sẽ gia tăng khi các nguồn lực tiếp tục được dành cho việc duy trì các doanh nghiệp kém hiệu quả. Các ngân hàng sẽ càng trở nên đề phòng rủi ro hơn khi họ tìm cách dấu các khoản nợ xấu và né tránh việc giảm giá trị tài sản (write-downs) trên bảng kế toán của mình.

Chính phủ Trung Quốc đã tìm cách tăng thanh khoản thông qua việc giảm kiểm soát đối với chu chuyển vốn. Làm như vậy không những làm suy yếu hơn sự kiểm soát của chính phủ đối với nền kinh tế, mà còn tạo ra nguy cơ của một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện có thể nhấn chìm các nước láng giềng và các thị trường mới nổi khác. Ở thời điểm này (19/8), việc đồng đô-la tăng giá đang tạo thêm khó khăn cho kinh tế Trung Quốc khi đồng tiền của nước này cũng đã tăng giá so với đồng tiền các nước trong khu vực (do Trung Quốc neo đồng nhân dân tệ với đồng đô la Mỹ – NHĐ). Do đó, các nhà chức trách Trung Quốc đã quay trở lại bản năng cũ bằng cách phá giá đồng tiền của mình.

Điều đó là chưa đủ. Thị trường bất động sản của Trung Quốc đang lao dốc. Các thị trường cổ phiếu của nước này đã bị mất tín nhiệm. Và nền kinh tế của nó dường như đang ngày càng chậm chạp. Kết quả là, khối lượng tiền tiết kiệm lớn của Trung Quốc đang tìm cách di chuyển dần ra nước ngoài. Nếu so với quy mô nợ nước ngoài của Trung Quốc và khối lượng tiền có thể bị di chuyển ra nước ngoài thì ngay cả 3.700 tỷ đô-la dự trữ ngoại tệ của nước này cũng bắt đầu trở nên nhỏ bé.

Giống như những con mối, các khoản nợ có một khả năng độc đáo trong việc làm mục ruỗng nền tảng của một nền kinh tế. Khi những con mối này bị phát hiện ra thì thường mọi thứ đã quá muộn. Nếu Trung Quốc muốn tránh được thiệt hại, nước này sẽ cần tập trung vào quá trình giảm nợ, chỉnh sửa các cơ chế phân bổ vốn của mình và trì hoãn việc bãi bỏ kiểm soát vốn. Nền kinh tế của nước này có thể sẽ phải chịu một cuộc khủng hoảng tăng trưởng trong vòng 12-24 tháng sắp tới. Mức độ nghiêm trọng của nó sẽ được xác định bởi việc liệu chính phủ có thực hiện các điều chỉnh khó khăn ngay lập tức hay không, hay cũng giống như Nhật Bản những năm 1990, họ lại cố gắng mong ước những con mối nợ sẽ tự biến mất.

Gene Frieda là một nhà chiến lược toàn cầu của Công ty Quản lý Vốn Châu Âu Moore.

Copyright: Project Syndicate 2015 – China’s Debt Termites

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]