Tại sao IMF vẫn đóng vai trò quan trọng?

Print Friendly, PDF & Email

IMF1

Nguồn: Ricardo Hausmann, “Don’t Fear the IMF”, Project Syndicate, 28/09/2015.

Biên dịch: Nguyễn Hoàng Mỹ Phương | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Tại nhiều nơi, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là tổ chức mà mọi người đều căm ghét. Theo một số người, IMF không mang lại gì tốt đẹp cho người nghèo, phụ nữ, ổn định kinh tế và môi trường. Joseph Stiglitz, người có tầm ảnh hưởng được nhân rộng bởi giải thưởng Nobel, đổ lỗi cho IMF vì đã gây ra và sau đó càng làm tồi tệ hơn các cuộc khủng hoảng kinh tế mà IMF được yêu cầu giải quyết. IMF được cho là làm như vậy để giải cứu các nhà tư bản và chủ ngân hàng chứ không phải người dân bình thường. Mặc dù không đúng sự thật nhưng niềm tin này sẽ gây hại rất lớn và hạn chế tiềm năng những điều tốt đẹp mà IMF có thể mang lại.

Trước tiên, hãy xem xét cách thế giới giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn, chẳng hạn như khủng hoảng người tị nạn Syria, và cách thế giới giải quyết các cuộc khủng hoảng tài chính. Như tên gọi của nó cho thấy, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn là một cá nhân, không phải là một tổ chức. Ông ta hoặc bà ta đứng đầu một “văn phòng”, không phải là một tổ chức hoàn chỉnh. Điểm yếu này là điều đã buộc Thủ tướng Đức Angela Merkel phải ép buộc các đối tác Liên minh châu Âu có phản ứng thống nhất hơn đối với dòng người tị nạn.

Ngược lại, hệ thống ngăn chặn và giải quyết các cuộc khủng hoảng tài chính được trao cho một tổ chức hoàn chỉnh: IMF. Nó có thể không hoàn hảo, nhưng so với các lĩnh vực như người tị nạn, nhân quyền, hoặc môi trường, thì nó đang đi trước hàng năm ánh sáng.

Rất dễ hiểu sai những gì mà IMF làm. Phần lớn những nỗ lực của IMF là dành cho việc phòng ngừa khủng hoảng. Như Franklin D. Roosevelt phát biểu tại Hội nghị Bretton Woods năm 1944, nơi thành lập IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), “những căn bệnh kinh tế rất dễ lây lan. Do đó, sức khỏe kinh tế của mỗi quốc gia là vấn đề thích hợp đáng để quan tâm đối với tất cả các nước láng giềng, dù gần hay xa”.

Đó là lý do tại sao 44 quốc gia tham dự, và hiện nay là 188 quốc gia thuộc IMF, đã đồng ý “tham vấn và đạt thỏa thuận về những thay đổi tiền tệ quốc tế có tác động lẫn nhau … và họ nên giúp đỡ nhau vượt qua các khó khăn ngắn hạn về ngoại hối”. Về mặt hoạt động, điều này được thể hiện trong các tham vấn được quy định tại Điều IV (của Điều lệ IMF). Những cuộc thảo luận chính sách chính thức giữa IMF và chính phủ các nước thành viên thường diễn ra hàng năm, và được ghi nhận, xem xét bởi Ban Giám đốc Điều hành của Quỹ (đại diện cho toàn bộ 188 chính phủ), đồng thời công bố cho mọi người đọc trực tuyến. Đây là tiêu chuẩn giám sát tập thể và minh bạch mà các tổ chức về các vấn đề khác nên noi theo.

IMF đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các công cụ để các nước đo lường, đánh giá và cải thiện tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay của họ, bao gồm chính sách tài khóa và tiền tệ, cũng như ổn định tài chính, tiền tệ và giá cả. Nó giúp các nước tìm ra cách tốt hơn để thực hiện các biện pháp trong tất cả các lĩnh vực này, và xác định những bài học lớn từ kinh nghiệm của nhiều nước, qua đó có thể làm sáng tỏ các lựa chọn mà một quốc gia cụ thể bất kỳ có thể có.

Thông qua đối thoại, nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, và đào tạo, IMF giúp tạo ra một cộng đồng toàn cầu các chuyên gia thực hành. Ngày nay, trở thành một chủ tịch ngân hàng trung ương hoặc bộ trưởng tài chính thì dễ hơn nhiều so với việc trở thành một bộ trưởng y tế hoặc tư pháp. Không phải là vì các thách thức trở nên dễ dàng hơn mà là vì cộng đồng quốc tế các chuyên gia thực hành, dẫn đầu bởi IMF, đã cung cấp một mức độ hỗ trợ mà đơn giản là không tồn tại trong các lĩnh vực khác.

Các hoạt động gây tranh cãi nhất của IMF xuất hiện trong thời gian quản lý và giải quyết khủng hoảng. Những nước yêu cầu hỗ trợ tài chính của IMF khi họ gặp rắc rối và mất hoặc lo sợ bị mất khả năng đi vay trên thị trường quốc tế. IMF có thể huy động hàng trăm tỷ đô la từ các quốc gia thành viên nhằm giúp các nước đi vay có thời gian để phục hồi. Nguồn lực của IMF lớn hơn nhiều số tiền mà cộng đồng quốc tế có thể huy động cho các vấn đề khác, bởi vì tiền này được cho các nước vay và họ phải có nghĩa vụ hoàn trả.

Để có được sự hỗ trợ tài chính này, IMF thường đòi hỏi các nước giải quyết sự mất cân đối ngân sách – nguyên nhân gây ra các vấn đề của họ, không chỉ để họ có thể hoàn trả tiền đã vay mà còn tốt cho chính họ, bởi vì qua đó họ có thể khôi phục mức độ tín nhiệm (và do đó là cả khả năng tiếp cận thị trường vốn). Nhưng thật dễ nhầm lẫn giữa cơn đau gây ra bởi chính cuộc khủng hoảng với cơn đau gây ra bởi các biện pháp khắc phục.

Đúng là IMF không tránh khỏi mắc sai lầm, một phần vì các câu hỏi và vấn đề mà IMF phải giải quyết thay đổi liên tục, vì vậy không bao giờ biết được tư duy hiện tại có đủ để đương đầu với thách thức mới hay không. Nhưng IMF là một tổ chức đủ cởi mở để có thể và buộc phải phản ứng trước những chỉ trích dành cho nó.

Bây giờ hãy xem xét phương án thay thế. Một thế giới không có IMF trông rất giống Venezuela ngày nay. Hugo Chávez đã trở thành nhân vật được yêu mến của những người phản đối IMF, bao gồm Stiglitz, khi ông hoãn các tham vấn theo quy định của Điều IV vào năm 2004. Kết quả là, người Venezuela mất cơ hội tiếp cận thông tin kinh tế cơ bản mà đất nước có nghĩa vụ phải chia sẻ với thế giới thông qua IMF. Sự vi phạm này đã ngăn cản cộng đồng quốc tế lên tiếng khi đất nước này thực hiện các chính sách thực sự vô trách nhiệm, chi tiêu trong năm 2012 như thể giá dầu ở mức 197 đô la Mỹ/ thùng chứ không phải 107 đô la Mỹ/thùng.

Với sự sụp đổ của giá dầu kể từ đó, nền kinh tế đã đi xuống nhanh chóng: GDP thu hẹp với tốc độ kỷ lục, lạm phát vượt quá 200%, đồng tiền đã giảm xuống còn dưới 10% giá trị trước đây, và thiếu hụt hàng hóa đã diễn ra trầm trọng.

Venezuela đã cố gắng có tiền chi tiêu với sự giúp đỡ của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) , ngân hàng này không áp đặt loại điều kiện mà những người phản đối IMF không thích. Thay vào đó, CDB cho vay theo các điều khoản bí mật, cho những mục đích sử dụng bí mật và tham nhũng, đi kèm với các đặc quyền dành cho các công ty Trung Quốc trong những lĩnh vực như viễn thông (Huawei), thiết bị gia dụng (Haier), xe ô tô (Chery), và khoan dầu (ICTV). Trung Quốc đã không yêu cầu Venezuela thực hiện bất cứ điều gì nhằm tăng khả năng phục hồi mức độ tín nhiệm. Họ chỉ đòi hỏi nhiều dầu hơn để làm tài sản thế chấp. Dù IMF có lỗi gì đi nữa thì CDB vẫn là một điều đáng hổ thẹn.

Bi kịch là hầu hết người Venezuela (và nhiều công dân của các nước khác) tin rằng IMF tồn tại là nhằm gây tổn thương chứ không phải để giúp đỡ các nước. Kết quả là họ tránh các nguồn lực và vốn kiến thức khổng lồ mà cộng đồng quốc tế có thể cung cấp khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế nhằm giúp giảm các khó khăn và đẩy nhanh sự hồi phục. Điều đó đã khiến họ gặp khó khăn nhiều hơn so với những gì mà những người phản đối IMF dám thừa nhận.

Ricardo Hausmann là cựu Bộ trưởng Kế hoạch của Venezuela và cựu Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, và là Giáo sư ngành Thực hành Phát triển Kinh tế tại Đại học Harvard, nơi ông giữ chức Giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Don’t Fear the IMF

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]