Khủng hoảng Trung Đông và nguy cơ toàn cầu

middle-east-conflict

Nguồn: Nouriel Roubini, “The Middle East Meltdown and Global Risk”, Project Syndicate, 01/10/2015.

Biên dịch: Nguyễn Hướng Đạo | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Trong số các nguy cơ địa chính trị hiện nay, không có nguy cơ nào lớn hơn vòng cung bất ổn kéo dài từ Maghreb (Bắc Phi) tới biên giới Afghanistan – Pakistan. Dù phong trào Mùa xuân Ả-rập dần trôi xa, bất ổn trong vòng cung này ngày càng sâu sắc. Thực vậy, trong số ba quốc gia đầu tiên bùng phát phong trào, Libya đã trở thành một nhà nước thất bại, Ai Cập đã quay trở lại nền cai trị độc đoán, còn Tunisia đang mất ổn định về kinh tế và chính trị bởi các cuộc tấn công khủng bố.

Bạo lực và bất ổn ở Bắc Phi đang lan rộng qua vùng châu Phi hạ Sahara với việc Sahel – một trong những khu vực nghèo nhất và có môi trường bị phá hủy nặng nề nhất – đang tê liệt dưới phong trào thánh chiến vốn cũng đang lan sang vùng Sừng châu Phi ở phía Đông. Giống như ở Libya, các cuộc nội chiến đang diễn ra ác liệt tại Iraq, Syria, Yemen và Somalia khiến chúng ngày càng giống như các nhà nước thất bại.

Sự rối loạn của khu vực này (mà Mỹ và đồng minh của mình đã giúp tạo ra trong quá trình theo đuổi sự thay đổi chế độ tại Iraq, Libya, Syria, và Ai Cập) cũng phá hoại các nhà nước đã từng vững chắc trước đây. Làn sóng người tị nạn từ Syria và Iraq đang gây bất ổn cho Jordan, Li-băng, và bây giờ là cả Thổ Nhĩ Kỳ – nước đang ngày càng trở nên độc đoán dưới thời Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan. Trong khi đó, với cuộc xung đột giữa Israel và Palestine chưa được giải quyết, lực lượng Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Li-băng mang lại một mối đe dọa thường trực về va chạm bạo lực với Israel.

Trong môi trường khu vực dễ thay đổi này, cuộc đấu tranh qua tay người khác nhằm giành quyền thống trị khu vực giữa Ả-rập Xê-út của người Hồi giáo dòng Sunni và Iran của người Hồi giáo dòng Shia đang diễn ra kịch liệt tại Iraq, Syria, Yemen, Bahrain, và Li-băng. Dù thỏa thuận hạt nhân gần đây với Iran làm giảm nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt về kinh tế đối với Iran đem lại cho các nhà lãnh đạo nước này những nguồn lực tài chính để hỗ trợ các tay chân dòng Shia của họ. Xa hơn về phía đông, Afghanistan (nơi lực lượng Taliban đang nổi lên có thể quay lại nắm quyền) và Pakistan (nơi những người Hồi giáo trong nước luôn là một mối đe dọa an ninh) có nguy cơ trở thành những nhà nước phần nào thất bại.

Đáng chú ý là mặc dù gần như toàn bộ khu vực đã trở nên nóng bỏng nhưng giá dầu lại suy giảm. Trong quá khứ, bất ổn địa chính trị tại khu vực đã gây ra ba cuộc suy thoái toàn cầu. Chiến tranh Yom Kippur năm 1973 giữa Israel và các nước Ả-rập gây nên một lệnh cấm vận dầu khiến giá dầu tăng gấp ba dẫn tới cuộc suy thoái do lạm phát và tỉ lệ thất nghiệp cao (stagflation) trong giai đoạn 1974 – 1975. Cuộc cách mạng Iran năm 1979 cũng dẫn tới một lệnh cấm vận dầu và một cú sốc giá dầu khác vốn gây ra cuộc suy thoái trong giai đoạn 1980 – 1982. Và việc Iraq xâm lược Kuwait năm 1990 cũng khiến giá dầu tăng và gây ra cuộc suy thoái tại Mỹ cũng như toàn cầu trong giai đoạn 1990 – 1991.

Thời điểm này, bất ổn tại Trung Đông còn nghiêm trọng và lan rộng hơn nhưng dường như không khiến giá dầu tăng mà trái lại, giá dầu đã giảm dần đều từ năm 2014. Tại sao?

Có lẽ, lý do quan trọng nhất là không giống như trong quá khứ, bất ổn tại Trung Đông đã không gây ra một cú sốc nguồn cung. Ngay tại những vùng của Iraq đang bị kiểm soát bởi Nhà nước Hồi giáo, việc sản xuất dầu vẫn tiếp tục do sản phẩm được buôn lậu và bán ra thị trường nước ngoài. Đồng thời, triển vọng xóa bỏ các lệnh trừng phạt đối với dầu xuất khẩu của Iran khiến cho nhiều dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài rất lớn chảy vào nước này nhằm tăng khả năng sản xuất và xuất khẩu.

Thực ra, hiện nay, nguồn cung dầu toàn cầu rất dồi dào. Tại Bắc Mỹ, cách mạng năng lượng khí đá phiến tại Mỹ, các bãi cát dầu của Canada và triển vọng gia tăng khai thác dầu gần bờ và ngoài khơi Mexico (hiện nay, tại nước này, ngành năng lượng được mở ra cho đầu tư tư nhân và nước ngoài) giúp cho lục địa này ít phụ thuộc hơn vào các nguồn cung từ Trung Đông. Hơn nữa, Nam Mỹ nắm giữ một lượng lớn trữ lượng dầu khí, trải dài từ Colombia cho tới Argentina, cũng như tại Đông Phi, suốt từ Kenya đến  Mô-dăm-bích.

Với việc Mỹ đang trên đường tiến tới độc lập về năng lượng, có nguy cơ Mỹ và các đồng minh phương Tây sẽ coi Trung Đông kém quan trọng hơn về mặt chiến lược. Tuy nhiên, đây chỉ là ảo vọng. Một Trung Đông chìm trong xung đột có thể gây bất ổn cho thế giới theo nhiều cách.

Thứ nhất, một số xung đột nói trên có thể thực sự làm gián đoạn nguồn cung như đã xảy ra năm 1973, 1979 và 1990. Thứ hai, các cuộc nội chiến khiến cho hàng triệu người trở thành người tị nạn sẽ gây bất ổn cho châu Âu về mặt kinh tế cũng như xã hội và chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế và xã hội của các quốc gia tiền tuyến như Li-băng, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã chịu áp lực nghiêm trọng trong việc tiếp nhận hàng triệu người tị nạn, còn phải đối diện với những nguy cơ lớn hơn.

Thứ ba, sự nghèo khổ và tuyệt vọng dai dẳng của hàng triệu thanh niên Ả-rập sẽ tạo ra một thế hệ thánh chiến cùng đường, những người đổ lỗi cho phương Tây về tình cảnh của họ. Chắc chắn, một số chiến binh sẽ tìm đường tới châu Âu và Mỹ để tổ chức các cuộc tấn công khủng bố.

Cho nên, nếu phương Tây làm ngơ Trung Đông hoặc chỉ đối phó với các vấn đề của khu vực bằng các biện pháp quân sự (Mỹ đã chi 2 nghìn tỷ đô-la vào các cuộc chiến tranh Afganistan và Iraq, chỉ để tạo thêm bất ổn) thay vì dựa vào các nguồn lực tài chính và ngoại giao để hỗ trợ sự phát triển và tạo việc làm, thì tình hình bất ổn của khu vực này chỉ ngày thêm tồi tệ. Sự lựa chọn như thế sẽ là bóng ma ám ảnh Mỹ và châu Âu cũng như nền kinh tế toàn cầu trong suốt nhiều thập niên tới.

Nouriel Roubini, giáo sư tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York và Chủ tịch của Roubini Global Economics, từng là Kinh tế gia Cao cấp về Các vấn đề Quốc tế trong Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng dưới thời Chính quyền Clinton. Ông từng làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, và Ngân hàng Thế giới.

Copyright: Project Syndicate 2015 – The Middle East Meltdown and Global Risk

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]