Địa chính trị Trung Đông và việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel

Nguồn: Joschka Fischer,The New Fulcrum of the Middle East”, Project Syndicate, 23/12/2017.

Biên dịch: Phạm Nguyễn Anh Thư | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên chuyển dịch địa chính trị. Nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay thế Mỹ làm cường quốc dẫn đầu thế giới, hay ít nhất là trở thành đối tác trong vai trò lãnh đạo toàn cầu, xứng đáng nhận được nhiều sự chú ý. Nhưng những động lực vĩ mô từ lâu đã định hình khu vực Trung Đông cũng đang thay đổi, và kể cả ở đây, ảnh hưởng của Mỹ có lẽ cũng đang suy giảm.

Chỉ mới một 100 năm trước, Mật ước Sykes-Picot đã phân chia khu vực Trung Đông giữa Pháp và Anh, và thiết lập những ranh giới quốc gia vẫn còn cho tới ngày nay. Nhưng bây giờ trật tự khu vực đang thay đổi.

Kể từ khi nhà nước Israel được thành lập, mâu thuẫn giữa khối Ả-rập và Israel chi phối phần lớn địa chính trị khu vực. Israel chiến thắng Chiến tranh Ả-rập – Israel lần thứ nhất vào năm 1948 cũng như tất cả các cuộc chiến sau đó. Nhưng liệu người Israel và người Palestine có thể hòa giải với nhau, để từ đó mang lại hòa bình cho khu vực Trung Đông hay không, vẫn còn là một mối lo ngại chính yếu trong các vấn đề quốc tế.

Người Israel và người Palestine từng tiến gần tới hòa bình, nhất là vào khoảng thời gian từ sau khi ký Hiệp ước hòa bình Oslo ngày 13/09/1993 cho tới vụ ám sát Thủ tướng Israel lúc đó là Yitzhak Rabin vào ngày 04/11/1995. Cần nhớ lại rằng trong cả hai Hiệp ước Oslo năm 1993 và 1995, tình trạng của Jerusalem đều chưa được giải quyết. Đa phần đều nhất trí rằng một vấn đề phức tạp và nhạy cảm như vậy nên được giải quyết vào cuối tiến trình hòa bình.

Mâu thuẫn giữa Israel và Palestine không còn là trọng tâm của khu vực sau khi Mỹ dẫn quân xâm lược Iraq vào năm 2003, và càng bị lãng quên sau khi Mùa xuân Ả-rập bắt đầu diễn ra vào cuối năm 2010. Sau năm 2011, cuộc nội chiến ở Syria và sự ra đời của Nhà nước Hồi giáo (ISIS) chi phối hoàn toàn câu chuyện về khu vực này. Nhưng bây giờ khi một liên minh quốc tế phá tan vương quốc Hồi giáo tự xưng của ISIS ở Syria và Iraq, cuộc đấu tranh giữa Iran và Ả-rập Xê-út nhằm chi phối khu vực lại nổi lên trở thành tâm điểm của khu vực này.

Cho tới nay, Iran và Ả-rập Xê-út đối đầu nhau chủ yếu thông qua các cuộc chiến tranh ủy nhiệm tại Syria và Yemen. Nhưng sự hỗ trợ của mỗi quốc gia đối với các phe phái đối địch tại Lebanon, cùng với mâu thuẫn về ngoại giao đang tiếp diễn giữa Qatar và Ả-rập Xê-út, cũng là một phần trong cuộc đấu tranh lớn hơn giữa hai nước này.

Trong bối cảnh này, mâu thuẫn vẫn chưa thể giải quyết giữa Israel và Palestine có vẻ đã bị hạ cấp thành một mâu thuẫn thứ yếu. Tình trạng này vẫn như vậy cho tới khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vào tháng 12/2017.

Chính phủ Israel và Quốc hội nước này có trụ sở tại Tây Jerusalem, và các quan chức nước ngoài thường có các chuyến thăm chính thức tới đây. Nhưng việc Israel đơn phương sáp nhập Đông Jerusalem sau Cuộc chiến 6 ngày năm 1967 chưa bao giờ được quốc tế công nhận, và các quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ, vẫn tiếp tục đặt đại sứ quán tại Tel Aviv vì họ biết bằng tình trạng của Jerusalem vẫn là một vấn đề chính trị và tôn giáo đầy khó khăn.

Hơn thế nữa, tất cả các nước đều hiểu rằng ủng hộ bất cứ bên nào trong vấn đề về Jerusalem cũng làm tổn hại tới cơ hội đạt được một giải pháp hai nhà nước sau cùng – một ý tưởng bắt nguồn từ Kế hoạch phân chia Palestine năm 1947 của Liên Hợp Quốc – vì cả người Israel và người Palestine đều khẳng định thành phố này là thủ đô của họ.

Năm 1947, giải pháp hai nhà nước là không khả thi vì các quốc gia Ả-rập đáp lại việc hình thành nhà nước Israel bằng cách khai mào một cuộc chiến chống lại Israel. Khi người Palestine cuối cùng công nhận sự tồn tại của Israel vào năm 1993 thì quyết định đó thôi cũng đã được xem là một bước tiến lớn.

Mặc dù các nhà ngoại giao vẫn  nói tới một tiến trình hòa bình Trung Đông, nhưng không có bất kỳ tiến trình nào nhằm đạt được hòa bình diễn ra trong nhiều năm qua. Giải pháp hai nhà nước vẫn là lựa chọn khả dĩ duy nhất để thỏa mãn hai bên, nhưng điều này ngày càng trở nên khó khăn hơn, nhất là khi Israel tiếp tục mở rộng các khu định cư tại Bờ Tây sông Jordan. Và giờ việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel có thể là dấu chấm hết cho giải pháp hai nhà nước, một lần và mãi mãi.

Nhưng lựa chọn còn lại, tức hợp nhất Israel và Palestine, có thể đặt ra cho Israel một tình huống lưỡng nan giữa việc lựa chọn là một nhà nước dân chủ hay một nhà nước Do Thái, nhưng không thể là cả hai cùng lúc. Và với giải pháp hai nhà nước bị gạt ra khỏi bàn đàm phán, sẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi người Palestine, vốn đã từ bỏ cuộc đấu tranh thành lập nhà nước cho riêng mình, đòi hỏi các quyền dân sự bình đẳng.

Có một phương án thứ ba, ít nhất là trên lý thuyết: thành lập một nhà nước Palestine ở dải Gaza, kéo dài sang phía bắc bán đảo Sinai, và nằm dưới quyền kiểm soát trên thực tế của Ai Cập, trong khi đó Bờ Tây sông Jordan có thể được phân chia giữa Israel và Jordan. Nhưng người Palestine sẽ không bao giờ chấp nhận kết quả này, và điều đó cũng không giải quyết được vấn đề Israel sẽ trở thành một nhà nước hai dân tộc.

Có người tự hỏi tại sao Trump quyết định hành động về vấn đề Jerusalem vào thời điểm này. Có phải đó là kết quả của sự vô lý thường thấy ở ông, hay là vì chính trị nội bộ? Hay ông đang có ý tưởng về một giải pháp lãnh thổ mới vượt qua được những phạm vi truyền thống trong mâu thuẫn giữa Israel và Palestine?

Cần lưu ý rằng nước cờ chính trị đơn phương của Trump chỉ gây ra một số phản ứng ôn hòa từ đa phần các cường quốc Ả-rập như Ả-rập Xê-út, Ai Cập, và Jordan. Với người Ả-rập Xê-út, đối phó với Iran là ưu tiên hàng đầu. Và bởi lẽ Ả-rập Xê-út quá yếu để tự mình chiến thắng trong cuộc chiến này – đặc biệt là ở Lebanon và Syria – nước này sẽ tiếp tục củng cố quan hệ với những đối thủ khác của Iran, đặc biệt là cường quốc quân sự trong khu vực: Israel.

Liên minh đang dần hình thành giữa Ả-rập Xê-út và Israel, vốn tưởng chừng không thể tượng tượng nổi, có thể sẽ là một trong những động lực thúc đẩy tình hình tại một Trung Đông mới. Chỉ thời gian mới có thể trả lời cái giá của một liên minh chống Iran như vậy là gì.

Joschka Fischer là Ngoại trưởng và Phó Thủ tướng Đức từ năm 1998 đến năm 2005, một nhiệm kỳ được đánh dấu bởi việc Đức ủng hộ mạnh mẽ sự can thiệp của NATO vào Kosovo năm 1999, theo sau là phản đối cuộc chiến ở Iraq. Fischer bước vào nền chính trị dân cử sau khi tham gia các cuộc biểu tình kháng chính thống trong những năm 1960 và những năm 1970, và đóng vai trò chủ chốt trong việc thành lập Đảng Xanh của Đức mà ông dẫn dắt trong gần hai thập niên.