Trò chơi quyền lực của Putin tại Syria

Print Friendly, PDF & Email

pix3_102014

Nguồn: Anne Applebaum, “Putin’s power plays”, Washington Post, 27/09/2015.

Biên dịch: Nguyễn Hướng Đạo | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Viết về tổng thống Nga luôn dễ bị sa vào kiểu nói chuyện phiếm về địa chính trị. Dù cho Chiến tranh Lạnh đã kết thúc cách đây một phần tư thế kỷ, Vladimir Putin vẫn quen được coi như một nhân vật toàn cầu, một người đại diện cho những lợi ích vĩnh viễn của Nga, người thừa kế của Sa hoàng, Lenin hay Stalin, một kẻ sống trong thế giới mà trong đó các chủ thể nhà nước đấu tranh lẫn nhau để giành quyền kiểm soát lãnh thổ, và tất cả họ đều chơi một trò chơi may rủi khổng lồ như cách nhìn nhận của Kissinger.

Đối với ai tự đeo vào mình một lăng kính như thế, hành động xâm nhập của Putin vào Syria chừng mực nào đó cũng có lý. Quyết định đúng lúc của ông trong việc gửi hàng trăm binh lính Nga, 28 máy bay chiến đấu, trực thăng, xe tăng và pháo binh tới Syria ngay trước phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã được miêu tả theo nhiều cách khác nhau như là một sự cố gắng để quay trở lại Cuộc chơi lớn tại Trung Đông thời hiện đại; để mở rộng ảnh hưởng của Nga tại Địa Trung Hải; để nâng đỡ chính phủ Iran và để thay thế vị trí lãnh đạo của Mỹ tại khu vực này.

Tuy nhiên, tất cả những nhận định đó đều đã bỏ qua điểm quan trọng nhất. Giống như tất cả những gì ông ta đã làm, đưa quân vào Syria là một phần trong cố gắng tiếp tục nắm quyền của Putin. Trên thực tế, trong suốt 10 năm đầu làm tổng thống, tính chính danh của ông trong thực tế dựa trên tuyên bố như sau: Tôi có thể không phải là một nhà dân chủ, nhưng tôi đem lại cho các bạn sự ổn định, tăng trưởng kinh tế và các khoản lương hưu được thanh toán đúng hạn. Trong thời kỳ giá dầu sụt giảm cùng với cấm vận kinh tế, đó là còn chưa kể đến tình trạng tham nhũng tràn lan trong khu vực công, thì lý lẽ đó không còn hiệu quả nữa. Rõ ràng, so với năm trước, năm nay người Nga trở nên nghèo túng hơn. Mọi việc xem ra sẽ còn tiếp tục trở nên tồi tệ hơn. Vì thế, lý lẽ mới của Putin trở thành: “Tôi có thể không phải là một nhà dân chủ và nền kinh tế có thể đang sa lầy, nhưng Nga đang lấy lại vị thế của mình trên thế giới – và bên cạnh đó, lựa chọn thay thế cho chủ nghĩa chuyên chế không phải là chế độ dân chủ mà là sự hỗn loạn”.

Thực tế, Putin không có sức mạnh quân sự để có thể gây ảnh hưởng thực sự tại Trung Đông. Ông ta không thể lén lút xây dựng các lực lượng của mình như đã làm tại Ukraine. Ông cũng không thu được lợi ích vật chất và chiến lược quan trọng nào từ mối quan hệ đồng minh với nhà độc tài Syria đang nguy khốn là Bashar al-Assad. Tuy nhiên, Putin sẽ tỏ ra đang có được ảnh hưởng, và đó là tất cả những gì ông cần. Ở nước ngoài, điều này chắc chắn cũng có ích: thực sự, sự hiện diện của ông tại Liên Hợp Quốc sau một thập niên vắng mặt và cuộc trả lời phỏng vấn dài với Charlie Rose chắc chắn sẽ lôi kéo sự chú ý của Mỹ và châu Âu ra khỏi thảm họa nhân đạo mà ông đã tạo ra tại Đông Ukraine, đồng thời góp phần giúp dỡ bỏ các lệnh cấm vận đang làm suy yếu nền kinh tế Nga cũng như khiến cho túi tiền của những người thân cận với Putin bị ảnh hưởng.

Ở trong nước, vẻ bề ngoài có ảnh hưởng như thế thậm chí còn có tác dụng lớn hơn. Bạn và tôi có thể cùng cho rằng viễn cảnh về một cuộc cách mạng đường phố ở Nga là xa vời. Tuy nhiên, đối với Putin, người đã chứng kiến những điều xảy ra ở Đông Đức năm 1989 từ văn phòng KGB của mình tại Dresden và kết cục của Moammar Gadaffi năm 2011, rõ ràng là ông thường xuyên lo lắng về một viễn cảnh như thế. Để dập tắt định mệnh này, kênh truyền hình quốc doanh của ông liên tục nói về những đề tài như sự thiếu trách nhiệm của châu Âu và sự thối nát của Mỹ – phòng trường hợp người Nga nào đó bị cám dỗ bởi miếng mồi dân chủ – cũng như về sự bất ổn toàn diện tại Syria mà chính chính sách của Putin đã góp phần tạo ra. Việc các binh lính Nga tới Syria, trong đó có một số được chuyển tiếp từ biên giới Ukraine, có mục đích củng cố thông điệp này: Putin sẵn sàng giúp đỡ bất kỳ nhà độc tài nào tái thiết lập chế độ độc tài của mình, tái khẳng định quyền kiểm soát và bỏ tù tất cả kẻ thù, tại Syria cả tại Nga nếu cần thiết.

Ông ta sẽ không trực tiếp nói ra thông điệp đó. Putin nói với Charlie Rose rằng Assad nên đàm phán với “những người đối lập biết điều” và “chỉ những người dân Syria mới có quyền quyết định” ai là người lãnh đạo của họ. Tuy nhiên, Assad cũng đã giết hại khá nhiều những người đối lập biết điều, thường là bằng vũ khí của Nga. Bên cạnh đó, “người dân Syria” không có tiếng nói trong việc ai bán vũ khí cho Assad, ai vũ trang cho Nhà nước Hồi Giáo, hay ai kích động xung đột tại đất nước của họ.

Tất nhiên, người Syria hay người Nga không phải là vấn đề ở đây. Sự xâm lược Ukraine của Putin đã là một điều tồi tệ cho đồng bào của ông cũng như đất nước của ông– đối với nền kinh tế, hình ảnh, và sự ảnh hưởng của Nga – đồng thời là một thảm kịch đối với Ukraine. Việc ông ta xâm nhập vào Syria cũng hứa hẹn sẽ mang lại những hậu quả tương tự./.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]