Tại sao các công đoàn đang co lại?

20151003_blp504

Nguồn: “Why trade unions are declining”, The Economist, 28/09/2015.

Biên dịch: Lê Hạnh Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Khoảng 500 đại diện đến từ 90 công đoàn khác nhau sẽ tụ họp tại Paris để tham dự Đại hội Liên đoàn Công đoàn châu Âu vào ngày 29 tháng 9. Trong vòng bốn ngày ở đây, họ sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, từ thất nghiệp trong giới trẻ đến khủng hoảng di dân của châu Âu. Và tất nhiên, họ sẽ phải nhắc đến những diễn biến tiêu cực của một vấn đề sát sườn hơn. Đó là, trừ một vài ngoại lệ, số lượng thành viên công đoàn tại các nước giàu đang giảm đáng kể trong suốt ba thập niên qua. Theo OECD, một tổ chức hợp tác của phần lớn các nước giàu có, con số đã giảm từ đỉnh cao là 20 triệu thành viên năm 1979 xuống còn 14,5 triệu năm 2013 ở Mỹ, và từ 12 triệu xuống còn 6,5 triệu ở Anh. Các quốc gia châu Âu, bao gồm Đức và Pháp, cũng đang phải chứng kiến sự sụt giảm nặng nề này. Vậy nguyên nhân ở đây là gì?

Xu hướng giảm này chủ yếu là do những thay đổi về mặt cấu trúc của nhiều nền kinh tế tiên tiến. Tổng số nhân lực ngành chế tạo ở Mỹ giảm từ 20 triệu vào năm 1979 xuống còn 12 triệu người hiện nay. Những công nhân mất việc – cụ thể là những công nhân không lành nghề – lại chính là những người nhiều khả năng sẽ tham gia công đoàn nhất. Còn những gì đang xuất hiện để thế chân họ sẽ càng làm kìm hãm các tổ chức công đoàn hơn.

Nếu đến thăm một nhà máy vào những năm 1970, bạn sẽ nhìn thấy những dây chuyền sản xuất vận hành bởi con người. Những công nhân này rất dễ bị ảnh hưởng bởi “ý thức giai cấp”. Còn bây giờ, khi đến một nhà máy, bạn có lẽ sẽ chỉ thấy một vài người đang giám sát những con rô-bốt hay những thiết bị máy móc hiện đại. Thêm vào đó còn có tiến trình toàn cầu hóa, điều càng khiến việc điều chỉnh điều kiện làm việc của các công đoàn trở nên khó khăn, rồi sự nổi lên của một ngành dịch vụ linh hoạt hơn, hay những chính sách công (như những chính sách đã được áp dụng bởi Đảng Bảo thủ ở Anh trong những năm 1980 dưới thời Margret Thatcher), tất cả những điều này khiến việc các công đoàn bị mất đi quyền lực dường như là không thể tránh khỏi. Những cải cách gần đây về tiền lương tối thiểu và chống phân biệt đối xử nơi làm việc cũng làm giảm nhu cầu gia nhập công đoàn.

Việc nhiều tổ chức công đoàn không kịp thích nghi với những thay đổi này càng khiến quyền lực của họ bị mai một. Một số tìm cách thu hút những công nhân trẻ, những người làm việc tự do hoặc bán thời gian. Nhiều tổ chức công đoàn đối mặt với tình trạng này bằng cách sáp nhập với nhau với hy vọng có thể nâng cao hiệu quả hoạt động. Số khác lại cố gắng hiện đại hóa: ví dụ như ở Anh, UNISON, công đoàn lớn thứ hai, giờ đây đã cho phép mọi người tham gia trực tuyến, đồng thời tạo ra một ứng dụng rất phổ biến đối với giới trẻ. Tổ chức này cũng đã thay đổi cách thức quảng bá bản thân trước những thành viên tiềm năng bằng cách nhấn mạnh những dịch vụ như tư vấn pháp luật miễn phí hơn là khả năng bãi công. Thay vì chỉ dựa vào “các thành viên nòng cốt” để tuyển thành viên mới, họ đã tung ra những quảng cáo trên báo chí và truyền hình. Tuy nhiên tốc độ cải thiện tình hình của các công đoàn thường chậm. Nhiều lãnh đạo của những công đoàn danh tiếng vẫn cổ xúy việc tuyển thành viên mới bằng cách tổ chức đình công. Điều này có nghĩa là số hội viên ở khu vực tư, nhất là ở Hoa Kỳ và Anh, đã giảm mạnh hơn so với khu vực công (mặc dù gần đây, số hội viên công đoàn khu vực công đang tăng nhẹ tại Anh). Khi mà khu vực công đang thu hẹp, đặc biệt là ở Anh, thì cách thu hút này có lẽ sẽ càng khiến các tổ chức công đoàn trở nên dễ bị tác động hơn.

Đây không phải là một xu hướng chung. Ở một vài quốc gia, lượng thành viên trong các công đoàn đang lớn dần: số hội viên ở Tây Ban Nha, Ireland và Luxembourg đều tăng nhẹ trong ba thập niên qua. Trong khi đó, mức tăng trưởng còn đầy hứa hẹn ở nhiều thị trường mới nổi. Kể từ khi bắt đầu có những ghi chép thống kê vào năm 1981, con số này của Chi-lê đã tăng lên hơn gấp đôi. Từ năm 1992 đến năm 2013, tổng số thành viên công đoàn tại Mexico đã tăng thêm 25%. Công nhân trong các nhà máy ngành chế tạo ở Trung Quốc cũng đang bắt đầu hình thành nên tổ chức riêng. Nhưng ngay cả khi số thành viên đang co lại thì những công đoàn như ở Pháp vẫn có sức ảnh hưởng tới những khu vực khác của thị trường trong việc quyết định mức lương hay ngăn chặn sự mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên trừ khi các tổ chức công đoàn phương Tây tự nâng tính hấp dẫn của mình thì những sự kiện tương tự như cuộc gặp mặt ở Paris lần này sẽ ngày càng trở nên ảm đạm hơn.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]