Sự xung đột giữa các nền văn minh phương Tây

la-la-fg-syria-refugees02-jpg-20150903

Nguồn: Diana Pinto, “A Clash of Western Civilizations”, Project Syndicate, 13/10/2015.

Biên dịch: Lưu Bảo Nam Dung | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Những hình ảnh từ cuộc khủng hoảng di cư ở Châu Âu đã đặt các hình ảnh đám đông mỉm cười hạnh phúc ở Vienna và Munich cạnh những khuôn mặt lo lắng, thẫn thờ tại Budapest. Kết quả là sự gia tăng đột ngột những lời chỉ trích về “hai châu Âu” – một bên chào đón, một bên cấm đoán. Sự thật là những bất đồng ý kiến về việc các nước có nên nhận dân tị nạn hay không không phải chỉ xảy ra ở mình Châu Âu. Sự tương phản này là dấu hiệu của một sự rạn nứt sâu sắc bên trong toàn bộ thế giới Phương Tây.

Sự chia cắt này xảy ra khắp nước Mỹ, Liên minh Châu Âu, và Israel – và tương tự là khắp các cộng đồng Do Thái và Thiên chúa giáo. Một bên là những chính trị gia như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, Tổng thống Mỹ Barack Obama, nguyên Bộ trưởng Phúc lợi và Dịch vụ xã hội Israel Isaac Herzog, và những chức sắc tôn giáo như Giáo hoàng Francis. Bên kia chiến tuyến là Thủ tướng Hungary Victor Orbán, chính trị gia người Pháp theo chủ nghĩa dân tộc Marine Le Pen, ứng cử viên Tổng thống phía đảng Cộng Hòa Donald Trump, Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu, Đức hồng y của Hungary Péter Erdo, và các nhóm linh mục Đông Âu khác.

Mỗi cá nhân của các nhóm đều có một nhận định căn bản về vai trò của người tị nạn trong xã hội. Nhóm thứ nhất bao gồm những người xem các giá trị dân chủ quan trọng hơn bản sắc dân tộc hoặc quốc gia. Theo quan điểm của họ, bất cứ ai chấp hành luật pháp của một quốc gia thì đều có thể trở thành một công dân hợp pháp và đóng góp vào sức sống cho quốc gia chấp nhận họ.

Theo quan điểm này, đón nhận “những người khác” – những người đến từ các quốc gia và nền văn hóa khác – không phá hủy bản sắc quốc gia; họ làm giàu bản sắc với những ý tưởng và hành vi mới. Những người ủng hộ quan điểm này chỉ ra những ví dụ bên ngoài hoặc con cháu họ, những người đã đạt được những vị trí cao ở các nước họ di cư sang: một thành viên người gốc Mỹ Latinh tại Tòa án Tối cao Mỹ, các luật sư hiến pháp người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ, các bộ trưởng hay tỉnh trưởng Pháp có ba mẹ hoặc ông bà đến từ Bắc Phi, giới quý tộc Anh có gốc gác từ Châu Phi hay vùng Caribbe, và các nhà văn người Ý gốc Ấn Độ.

Do đó, những người ủng hộ thế giới quan này xem những hàng rào và các bức tường là sự sỉ nhục đối với tinh thần nhân đạo, đưa ra lập luận rằng những người xây dựng và duy trì các hàng rào và bức tường này không tin tưởng vào năng lượng và sức mạnh của quốc gia họ. Hơn hết, họ tin tưởng vào một quan điểm toàn cầu dựa trên luật quốc tế và các nguyên tắc đạo đức, luân lý và tôn giáo.

Người theo Thiên chúa giáo và người Do Thái trong nhóm này nhấn mạnh rằng việc chào đón những người lạ và người đang cần sự giúp đỡ xuất phát từ nền tảng đức tin của họ. Cưu mang những người đang cần giúp đỡ là một sự cấp thiết về đạo đức chứ không phải là một lựa chọn do chính trị quyết định. Mặc dù hầu hết những người tị nạn đến từ các vùng đất Ả Rập đều nổi tiếng về lập trường bài Do Thái và chống Israel của họ, các trí thức người Do Thái trong nhóm này đều thống nhất chào đón họ với vòng tay rộng mở. Trong khi đó, Giáo hoàng Francis đã nói rõ rằng các giá trị Thiên chúa giáo bao gồm cả việc chăm lo cho người tị nạn.

Ở bên kia của sự chia cắt là những người lo sợ rằng những người nhập cư khác biệt sẽ là mối đe dọa đối với bản sắc quốc gia. Phản ứng bản năng của họ là xây dựng các hàng rào và các bức tường, càng dài và càng cao thì càng tốt, dù là ở biên giới giữa Mexico và Mỹ, giữa Israel với Ai Cập hay giữa Hungary với Serbia (hay ngay cả với quốc gia cùng là thành viên Liên minh Châu Âu Croatia). Không phải tình cờ mà những nhà hoạch định chính sách Hungary và Bungary đều nhờ các công ty Israel tư vấn kỹ thuật về việc xây dựng những hàng rào này.

Thành viên của nhóm này không tin rằng những xã hội dân sự năng động có thể hòa nhập con người với các nguồn gốc khác nhau vào các cơ chế dân chủ cởi mở, hoặc tin rằng đất nước của họ có thể được lợi từ việc chào đón những người tị nạn. Rủi ro mà một vài con sâu (những kẻ buôn ma túy người Mexico, khủng bố Hồi giáo, những người tị nạn kinh tế, hoặc những người mong muốn lợi dụng hệ thống phúc lợi) lại lớn hơn bất kỳ lợi ích nào mà phần đông những người mới đến trẻ trung và đầy quyết tâm có thể mang lại.

Nhóm này cũng không tin vào các điều ước quốc tế về quyền của người xin tị nạn cũng như nghĩa vụ của các quốc gia thành viên điều ước là phải đón nhận họ. Bất cứ việc viện dẫn nào tới nhân quyền cũng bị chế nhạo là sự ngây thơ nguy hiểm, tương tự là các lập luận dựa trên đạo đức hoặc tôn giáo. Thay vào đó, điều được chú trọng là bảo vệ “quốc gia” khỏi các virus ngoại bang. Những quan điểm này không chỉ được thúc đẩy bởi các chính trị gia, mà còn bởi các giới chức tôn giáo hàng đầu, bao gồm cánh hữu Tin lành ở Mỹ, các giám mục Công giáo ở Đông Âu, và các giáo sĩ Do Thái theo chủ nghĩa dân tộc.

Sự xung đột bên trong các nền văn minh phương Tây này là hết sức quan trọng. Những người đóng các cánh cửa và xây dựng các bức tường không thuộc cùng một gia đình với những người chào đón những người đang cần sự giúp đỡ dưới danh nghĩa các giá trị cao cả hơn. Những nguyên tắc làm nền tảng cho truyền thống dân chủ của chúng ta đang bị đe dọa – và những nguyên tắc này đang bị làm cho suy yếu bởi chính sự xung đột này.

Diana Pinto là nhà sử học và nhà văn. Cuốn sách gần đây nhất của bà là Israel Has Moved.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]