Nguồn gốc sự cởi mở của nước Đức

Print Friendly, PDF & Email

migrant-boy-with-german

Nguồn: Dominique Moisi, “The Roots of German Openness”, Project Syndicate, 18/09/2015.

Biên dịch: Trần Anh Hòa | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

“Đức, Đức,” hàng nghìn người tị nạn, đối mặt với sự thiếu thiện chí không kiêng dè của các cơ quan chính quyền Hungary, đã hò hét như vậy ngay trước ga đường sắt Keleti của thủ đô Budapest. Họ đang mơ về nước Đức – không phải bất kỳ một quốc gia châu Âu nào khác mà cụ thể là nước Đức – như cách mà hơn một thế kỷ trước đây những người nghèo châu Âu trốn chạy sự đau khổ – và trong một vài trường hợp là trốn chạy các cuộc tàn sát – mơ về nước Mỹ.

Điều này thể hiện một sự thay đổi mạnh mẽ so với quá khứ. Thật là một sự tương phản rõ ràng giữa bức ảnh chụp gần 80 năm trước tại khu ổ chuột Vác-sa-va, trong đó có một cậu bé người Do Thái với đôi tay giơ cao ​​và đôi mắt sợ hãi, và một bức ảnh được chụp cách đây vài ngày tại Munich có hình một cậu bé tị nạn mỉm cười, đầu được bảo vệ bằng một chiếc mũ cảnh sát. Với cậu bé đầu tiên, Đức nghĩa là một cái chết chắc chắn; còn đối với cậu bé thứ hai, nước Đức đem lại hy vọng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Và nước Đức không chỉ đại diện cho một niềm hy vọng trừu tượng; Đức đang chào đón nhiều dân di cư nhất so với các đối tác châu Âu khác, với việc Thủ tướng Angela Merkel công bố rằng nước này sẽ tiếp nhận ít nhất 800.000 người xin tị nạn trong năm nay. Làm sao để một đất nước đi từ bóng tối ra ánh sáng một cách nhanh chóng như vậy?

Không ai phủ nhận được vai trò của trường học, của các lãnh đạo dân sự và chủ doanh nghiệp, và tất nhiên cả các lực lượng bên ngoài trong việc đem lại sự thay đổi này. Nhưng không ai đánh giá thấp tầm quan trọng của lãnh đạo chính trị.

Các sự kiện có thể tạo ra các chính trị gia. Trước khi Bức tường Berlin sụp đổ, Helmut Kohl bản chất là một nhà chính trị cấp tỉnh của Tây Đức; những người như Tổng thống Pháp François Mitterrand đã coi thường ông. Rồi với tư cách Thủ tướng – vị trí mà ông nắm giữ 16 năm – Kohl đóng vai trò chủ chốt trong việc thống nhất nước Đức, và ông cùng với Mitterand và những người khác đã thảo ra Hiệp ước Maastricht lập ra Liên minh châu Âu.

Các sự kiện đã làm Merkel chuyển biến giống như vậy, từ một người ra quyết định thường chậm trễ và có tính toán thận trọng trở thành một người có quyền uy đạo đức. Với tính dứt khoát và rõ ràng, Merkel đã lên án mọi hình thức bài ngoại và chỉ trích các đối tác châu Âu vì đã từ chối nhận người tị nạn. Thay vì lo nghĩ về việc làm mất lòng người dân hay thất bại trong cuộc bầu cử lần sau, bà đi theo tiếng gọi của lương tâm. Là con gái của một linh mục Tin Lành, lớn lên ở Đông Đức dưới thời cộng sản, bà ủng hộ các giá trị Dân chủ Thiên chúa giáo. Thật vậy, tại thời điểm mà hầu hết các nhà lãnh đạo chính trị châu Âu thiếu cảm hứng và sự chỉ đạo, nếu không phải là sự can đảm nữa, thì bà Merkel đã nổi lên như một người định hướng đạo đức của châu Âu.

Đã đến lúc những lãnh đạo EU còn lại đi đúng hướng. Khi lịch sử gõ cửa thật mạnh mẽ – và lần này là dưới hình thức hàng trăm nghìn người tị nạn – thì người ta không thể lãng phí thời gian để xoa dịu, hay tồi tệ hơn, là để tranh thủ các phong trào dân túy. Đó là con đường chắc chắn nhất để đánh mất linh hồn của con người – cũng như để thua trong cuộc bầu cử sắp tới.

Dĩ nhiên người ta không được ngây thơ. Chính trị và đạo đức không phải lúc nào cũng tương thích với nhau, và Đức đang ở trong tình trạng rất khác biệt so với phần châu Âu còn lại. Với dân số đang già hoá và sụt giảm, Đức cần nhiều người trẻ, nhiệt tình hơn để giữ cho nền kinh tế phát triển mạnh – một nhu cầu mà người tị nạn có thể đáp ứng được. Ngược lại, Pháp và nhiều nước châu Âu khác có các điều kiện nhân khẩu thuận lợi hơn và gặp phải điều kiện kinh tế tồi tệ hơn, trong đó có mức thất nghiệp cao.

Sau nhiều năm khủng hoảng kinh tế gây bất ổn chưa khắc phục được hết, hầu hết các xã hội châu Âu cảm thấy chưa được chuẩn bị trước đầy đủ – về xã hội, kinh tế, chính trị, và thậm chí cả tâm lý – để tiếp nhận dòng người tị nạn. Nếu Đức đối xử một cách tử tế hơn thì đó là do không chỉ sự lãnh đạo chính trị của Merkel mà còn vì thực tế là người Đức có sự yên ấm hơn so với hầu hết những người châu Âu khác. Người ta sẽ dễ trở nên cởi mở hơn với người khác khi họ thấy tự tin.

Nhưng không ai được đánh giá thấp sự bền vững của các giá trị như lòng khoan dung và tình đoàn kết trong xã hội châu Âu. Nếu nghĩ tới điều này, các lãnh đạo EU cần làm việc để khuyến khích và khai thác triệt để lòng hảo tâm của một số quốc gia, đồng thời ngăn chặn và chống lại sự ích kỷ và bài ngoại của những quốc gia khác. Tuy nhiên, muốn thành công thì phải chia sẻ gánh nặng. Nếu người nào rộng lượng lại phải một mình chịu gánh nặng đó thì lòng rộng lượng đó sẽ không được lâu dài.

Rốt cuộc, một xã hội có thể tiến bộ chỉ bằng sự cởi mở và khoan dung. Loại bỏ sự đa dạng – dù bằng cách ngăn chặn những khác biệt bên trong hay loại bỏ những người bên ngoài – sẽ làm gia tăng sự suy tàn. Nếu nói ngược lại công thức của cựu Tổng thống Séc Václav Klaus, thì hành động tự sát của châu Âu sẽ xảy ra không phải từ việc tiếp nhận dòng chảy tị nạn mà là từ việc đóng cửa nhà trước mặt họ và bàng quan trước số phận của họ.

Cũng như vậy, Hungary không phải là đang bảo vệ châu Âu bằng cách xây tường để chặn những người tị nạn. Ngược lại, việc đó không chỉ phủ nhận các giá trị cơ bản mà còn làm suy yếu các lợi ích của châu Âu. Xét cho cùng, Hoa Kỳ hẳn sẽ không thể trở thành cường quốc đứng đầu thế giới trong chưa đầy hai thế kỷ nếu không có những làn sóng người di cư liên tiếp đổ bộ lên bờ biển của họ.

Châu Âu cần người tị nạn để giàu mạnh, và người tị nạn cần châu Âu để tồn tại.

Dominique Moisi, Giáo sư Học viện Chính trị Paris (Sciences Po), là Cố vấn cao cấp của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) và là Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học King’s College London. Ông là tác giả cuốn The Geopolitics of Emotion: How Cultures of Fear, Humiliation, and Hope are Reshaping the World.

Copyright: Project Syndicate 2015 – The Roots of German Openness

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]