Cuộc khủng hoảng mà châu Âu cần

Print Friendly, PDF & Email

40c2da55b0374b89a0982c0fa092bde1_18

Nguồn: Barry Eichengreen, “The Crisis Europe Needs”, Project Syndicate, 14/10/2015.

Biên dịch: Hiếu Minh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Thật khó mà lạc quan về châu Âu. Mùa hè vừa qua, một cuộc đấu tranh chính trị giữa Đức và Hy Lạp đe dọa làm Liên minh châu Âu (EU) tan đàn xẻ nghé. Các đảng phái chính trị cực đoan lần lượt chiếm ưu thế ở các nước. Việc Nga xâm phạm Ukraine, sân sau của châu Âu, đã biến chính sách đối ngoại và an ninh chung của châu Âu thành một trò đùa.

Giờ đến khủng hoảng nhập cư. 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đang tranh cãi về việc phân bổ 120.000 người tị nạn, khi gấp ba số đó đã vượt Địa Trung Hải chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm 2015.

Người tị nạn đang đến châu Âu cả bằng đường bộ và đường biển. Chỉ riêng Đức dự kiến sẽ đón đến 1 triệu người xin tị nạn trong năm nay. Thật ngây thơ khi cho rằng các chính phủ châu Âu có thể trục xuất, hay “cho hồi hương” – nói theo ngôn ngữ ngoại giao – một phần đáng kể nào trong số người này. Như một quả bóng cao su, dân tị nạn sẽ chỉ nảy trở lại.

Châu Âu cũng không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào về cách xử lý dòng người này. Thủ tướng Đức Angela Merkel đầu tiên đã tuyên bố rằng nước Đức có nghĩa vụ lịch sử phải tiếp nhận người tị nạn, nhưng sau đó phải rút lại trước những chỉ trích chính trị. Hungary đã mở cửa biên giới, hi vọng rằng làn sóng người sẽ chảy tới những quốc gia khác, nhưng sau đó đã dựng lên một hàng rào thép gai khi có vẻ như có quá ít nơi chào đón người tị nạn. Các thành viên Đông Âu ban đầu không muốn đón nhận phần nào trong số 120.000 người tị nạn, nhưng vì bị phụ thuộc vào các khoản tài trợ ngân sách của các thành viên giàu khác của EU, nên đã chấp nhận đón nhận người tị nạn sau những áp lực ngoại giao tương tự như những áp lực đã được áp dụng với Hi Lạp.

Bên cạnh việc làm dấy lên những nghi ngờ về khả năng và tính đoàn kết của lãnh đạo châu Âu, khủng hoảng tị nạn cũng đe dọa thành tựu quan trọng của EU – thị trường chung – thứ đảm bảo tự do di chuyển cho hàng hóa, dịch vụ, vốn và con người.

Quy định đi lại tự do không cần hộ chiếu của Hiệp định Schengen tạo điều kiện cho người sinh sống ở châu Âu có thể tự do di chuyển. Tuy vậy, vì các quốc gia Schengen không thể kiểm soát biên giới với các quốc gia không thuộc EU, Đức và các quốc gia Schengen khác đã tạm thời khôi phục kiểm soát biên giới. Thực ra động thái này có thể không chỉ là tạm thời khi có những lời kêu gọi mạnh mẽ phá bỏ khối Schengen.

Việc phá bỏ khối Schengen sẽ là một thất bại kinh tế nặng nề. Cho phép xe tải và tàu đi qua không bị gián đoạn giữa biên giới các quốc gia EU không chỉ tạo điều kiện cho thương mại mà còn thúc đẩy sự phát triển các mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng trong khu vực. Các phụ tùng ô tô có thể được sản xuất ở một quốc gia thành viên và lắp ráp ở một quốc gia thành viên khác, sau đó thành phẩm có thể được giao đến thị trường. Khi châu Âu đang cố gắng tăng năng suất và sức cạnh tranh, khôi phục kiểm soát biên giới sẽ là một cản trở rất lớn.

Thật trớ trêu khi đây chính là loại khủng hoảng mà EU được tạo ra để xử lý. Vấn đề an ninh biên giới đòi hỏi các quốc gia châu Âu phải cùng nhau giải quyết. Các quốc gia riêng lẻ như Hi Lạp có ít động lực để đầu tư vào kiểm soát biên giới nếu dân tị nạn chỉ tạm thời đi qua mà thôi. Tương tự, hành động đơn phương của những quốc gia không sẵn sàng để cho phép người di cư trung chuyển như Hungary, chỉ dẫn đến làm chuyển hướng dòng người tị nạn (qua nước khác).

Châu Âu có Frontex – cơ quan điều phối và tăng cường chính sách kiểm soát biên giới quốc gia. Nhưng các chính phủ châu Âu chưa cho phép Frontex đưa ra các chỉ thị cho các cơ quan quốc gia. Nếu muốn giải quyết khủng hoảng, điều này sẽ phải thay đổi.

Điều tương tự cũng đúng cho tái định cư. Không thể kỳ vọng Đức và Thụy Điển là hai điểm đến duy nhất cho người tị nạn. Chia sẻ gánh nặng là cần thiết nếu muốn chi phí hợp lý.

Về nguyên tắc, không khó để đưa ra các điểm chính của giải pháp. Đức có thể bơm tiền và nhân lực để đảm bảo biên giới bên ngoài của EU. Các nước láng giềng sau đó có thể đồng ý nhận nhiều dân tị nạn hơn và cho họ nhiều cơ hội kinh tế thực sự để họ có động lực ở lại (mà không chuyển qua nước khác).

Để tạo ra thể chế thúc đẩy an ninh biên giới và định cư dân tị nạn, châu Âu phải hội nhập chính trị sâu hơn nữa, với các quyết định phải được đưa ra ở tầm EU chứ không phải ở tầm quốc gia. Có thể sẽ có sự miễn cưỡng đối với giải pháp này, nhưng châu Âu không có lựa chọn nào khác nếu muốn hi vọng giải quyết vấn đề biên giới.

Dựng lên nhiều dây thép gai hơn nữa ở biên giới không phải là một giải pháp xác đáng. Châu Âu cũng cần giải quyết những nguyên nhân đẩy người dân ở các quốc gia bị chiến tranh tàn phá và nghèo đói rời khỏi các nước này. Cho đến nay, châu Âu hoàn toàn không hiệu quả trong việc cứu trợ, các biện pháp ngoại giao và triển khai binh lính trên thực địa để giải quyết các xung đột ở châu Phi và Trung Đông.

Cụ thể, Đức – quốc gia châu Âu lớn nhất – đã ngập ngừng trong việc đóng góp quân lính, tiền bạc và cả tư vấn chiến lược, điều phản ánh lịch sử quân sự đáng buồn của Đức. Ngoài việc tham gia đàm phán vấn đề Ukraine, Merkel viện đến sự phản đối có nguồn gốc lịch sử của người dân Đức khi nói về việc can dự quân sự sâu hơn.

Sự thận trọng như vậy không còn có thể chấp nhận được. Một lý lẽ cho dự án hội nhập châu Âu luôn là cho phép Đức triển khai ảnh hưởng ngoại giao và quân sự trong bối cảnh của một chính sách đối ngoại toàn châu Âu. Như vậy, cả người Đức và người các quốc châu Âu khác có thể tin tưởng Đức như một nhân tố tích cực mang lại thay đổi. Nếu không bây giờ, thì là bao giờ?

Barry Eichengreen là Giáo sư Kinh tế tại Đại học California, Berkeley; Giáo sư Lịch sử và các Thể chế Hoa Kỳ tại Đại học Cambridge; và là cựu cố vấn chính sách cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. 

Copyright: Project Syndicate 2015 – The Crisis Europe Needs

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]