Liên minh (Alliance)

Print Friendly, PDF & Email

sigla_nato_1

Tác giả: Đào Minh Hồng

Liên minh là sự cam kết chính thức giữa các quốc gia nhằm phối hợp hay tương trợ lẫn nhau để đối phó với các vấn đề an ninh, chống lại các mối đe dọa chung. Mục tiêu lớn nhất của liên minh là kết hợp nguồn lực và phối hợp hành động nhằm nâng cao vị thế của các quốc gia thành viên trong hệ thống quốc tế và nâng cao sức mạnh của các thành viên so với các quốc gia không tham gia liên minh. Liên minh có thể tồn tại trong nhiều lĩnh vực. Trong quan hệ quốc tế, liên minh chính trị-quân sự giữa các quốc gia mang tính phổ biến nhất bởi khả năng tác động to lớn đến quyền lực.

Liên minh trong quan hệ quốc tế được thừa nhận khi xuất hiện những thỏa thuận chính thức giữa hai hay nhiều phía (chủ thể chính thường là các quốc gia) để cùng nhau hợp tác với nhận thức chung, chia sẻ chung về những vấn đề an ninh. Bằng cách liên minh với nhau, các bên liên quan nhận thức được rằng an ninh của quốc gia mình sẽ được gia tăng trên nhiều khía cạnh khác nhau. Một mặt, khi hình thành liên minh, một hệ thống phòng thủ mới sẽ được thiết lập. Với các hiệp ước phòng thủ trong đó quy định cuộc tấn công vào một thành viên sẽ được coi là cuộc tấn công vào cả liên minh, khả năng được bảo đảm an ninh của các quốc gia thành viên sẽ được nâng cao. Mặt khác, bằng cách tham gia vào một liên minh, một số hoặc toàn bộ các bên tham gia sẽ bị ngăn cản không được tham gia các liên minh khác.

Liên minh trong quan hệ quốc tế thường quy định trong các hiệp ước những điều kiện liên quan đến sự hưởng ứng và hỗ trợ về quân sự theo yêu cầu. Ở mức độ thấp nhất, những quy định hợp tác này sẽ bao gồm các hoạt động như diễn tập quân sự chung, chia sẻ thông tin tình báo, đào tạo nhân viên, chuyển giao vũ khí… Ở mức độ cao hơn, những cam kết này còn bao gồm việc gửi quân tham chiến cùng nhau, phối hợp tác chiến, hỗ trợ hậu cần… khi xảy ra chiến tranh chống lại một nước thành viên. Ngoài các hoạt động thường thấy về quân sự, hoạt động của các đồng minh còn được thể hiện qua sự hỗ trợ cần thiết, phối hợp với nhau bằng con đường ngoại giao trong chính sách ngoại giao chung của liên minh. Với sự khéo léo của các nhà ngoại giao, các liên minh có thể là bí mật hoặc công khai, có thể bao gồm hai bên hay nhiều bên.

Liên minh trong lịch sử quan hệ quốc tế
Ngay từ thời kỳ Cổ đại, Thucydides đã cho chúng ta bức tranh về liên minh Athens và liên minh Sparta trong cuộc Chiến tranh Peloponnese.

Thời kỳ Cận đại chứng kiến những liên minh Tin Lành và liên minh Thiên chúa giáo trong cuộc Chiến tranh 30 năm (1618-1648), hay Liên minh châu Âu (6 lần) chống Napoleon cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, hai khối liên minh Hiệp ước (Anh, Pháp, Nga) và Liên minh (Đức, Ý và Áo – Hung) trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, phe Đồng minh và phe Trục là những liên minh đối lập. Trong khi đó, hai khối quân sự chính trị NATO và Vacsava là những lực lượng chính định hình nên thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Các quốc gia có những lý do khác nhau để tham gia liên minh. Thứ nhất, việc tham gia liên minh sẽ giúp giảm thiểu chi phí quốc phòng. Khi tham gia liên minh, các quốc gia sẽ nhận được sự bảo trợ về mặt an ninh của các thành viên khác mà không phải chi phí quá nhiều để tự xây dựng và duy trì hệ thống quốc phòng của mình. Chính vì vậy tham gia các liên minh quân sự trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với các quốc gia nhỏ yếu, có tiềm lực quốc phòng hạn chế, hoặc các quốc gia muốn tiết kiệm chi phí quốc phòng để đầu tư phát triển kinh tế.

Thứ hai, việc tham gia các liên minh sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên liên minh, mang lại cho các thành viên những lợi ích kinh tế, như thương mại, viện trợ, các khoản tín dụng. Đó là chưa kể đến việc triển khai quân đội liên minh ở một vài quốc gia thành viên sẽ có tác động tích cực tới các nền kinh tế địa phương.

Thứ ba, đối với các cường quốc, việc hình thành liên minh với các quốc gia có vị trí chiến lược sẽ giúp họ tiếp cận được các căn cứ quân sự, sử dụng không phận hay các cảng biển chiến lược, qua đó các cường quốc này có thể kiềm chế kẻ thù tiềm năng hoặc kiểm soát được các khu vực mang ý nghĩa chiến lược. Việc thu nạp các quốc gia nhỏ vào liên minh cũng giúp các cường quốc đưa những quốc gia này vào quỹ đạo ảnh hưởng của mình thay vì chống lại mình hoặc tham gia một liên minh đối lập. Chính vì vậy, có thể nói các liên minh có khả năng thay đổi cán cân quyền lực nhanh nhất trong quan hệ quốc tế và đóng vai trò quyết định trong sự cân bằng của hệ thống quốc tế.

Sự bền vững của các liên minh không giống nhau, tùy thuộc vào nhận thức của các thành viên về các mối đe dọa chung, các điểm tương đồng giữa các thành viên về hệ thống chính trị, kinh tế và thang giá trị, hay nhận thức của các thành viên về lợi ích quốc gia của mình. Ví dụ, trong khi liên minh chống phát xít Đức giữa Anh, Liên Xô và Mỹ nhanh chóng tan rã sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc thì Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương lại tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay.

Thế kỉ 20 chứng kiến những trường hợp đặc trưng về tìm kiếm đồng minh và xây dựng liên minh trong nền chính trị thế giới. Việc thành lập hai liên minh năm 1914 là phe Hiệp Ước và phe Liên Minh, rồi sau đó là năm 1939 với phe Trục và phe Đồng Minh, là những ví dụ điển hình để khái quát và chứng thực các học thuyết về liên minh và tác động tới khả năng gây ra chiến tranh. Các tranh luận xoay xung quanh vai trò của các liên minh, rằng chúng góp phần ngăn chặn hay khuyến khích các quốc gia tham gia chiến tranh? Những người theo trường phái tự do cho rằng các liên minh là nguồn gốc xung đột giữa các quốc gia. Ví dụ, sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson cho rằng các liên minh đã lôi kéo các quốc gia vào những mạng lưới âm mưu và thù địch lẫn nhau, góp phần dẫn tới chiến tranh. Trong khi đó, những người theo chủ nghĩa hiện thực lại cho rằng các quốc gia thành lập các liên minh dựa trên lợi ích quốc gia của mình nhằm đáp ứng các mục tiêu về an ninh. Các liên minh do đó nên được coi là những dàn xếp linh hoạt nhằm duy trì sự cân bằng quyền lực giữa các quốc gia, một trong những điều kiện góp phần giữ vừng hòa bình và ổn định trong hệ thống quốc tế.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, các liên minh có thể mang ý nghĩa hòa bình, chống xâm lược, nhưng cũng có những liên minh được hình thành để phục vụ mục tiêu xâm lược, điển hình như các liên minh phe Hiệp Ước và phe Trục trong hai cuộc chiến tranh thế giới. Việc hai quốc gia cùng tham gia vào một liên minh cũng có thể bị một nước thứ ba coi là hành động thù địch chống lại nước đó, gây nên các cuộc chạy đua vũ trang và leo thang căng thẳng giữa các nước này với nhau. Chính vì vậy nhiều quốc gia đã theo đuổi chính sách trung lập, tiêu biểu như Thụy Sĩ và Thụy Điển. Trong khi đó, nhiều quốc gia đang phát triển cũng đã tham gia Phong trào không liên kết trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhằm thoát ra ngoài sự đối đầu giữa hai khối Đông – Tây.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]