Bẫy phụ thuộc lẫn nhau và quan hệ Mỹ – Trung

Print Friendly, PDF & Email

a41f726b0559176eeb5556

Nguồn: Stephen S. Roach, “The Sino-American Codependency Trap”, Project Syndicate, 28/09/2015.

Biên dịch: Trần Tuấn Minh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng chặt chẽ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vì lý do phát triển bền vững đã làm cho hai nước rơi vào một “bẫy phụ thuộc lẫn nhau” (codependency trap) kinh điển, gây cản trở cho những thay đổi trong quy tắc giao thiệp giữa hai bên. Những triệu chứng của chứng bệnh âm ỉ này đã thể hiện rõ trong chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hoa Kỳ trong thời gian gần đây. Chuyến đi đã không thu được nhiều kết quả, và con đường phía trước vẫn còn khá chông gai.

Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu hình thành vào cuối những năm 1970 khi Mỹ lúc bấy giờ đang phải đương đầu với nạn lạm phát đi kèm tăng trưởng trì trệ, cùng lúc với việc nền kinh tế Trung Quốc cũng rơi vào tình trạng hỗn loạn theo sau cuộc Cách mạng Văn hoá.

Cả hai quốc gia đều cần đến những công thức mới cho sự hồi sinh và tăng trưởng của mình và do đó đã đến với nhau trong một cuộc hôn nhân vụ lợi. Trung Quốc cung cấp hàng hoá giá rẻ cho những người Mỹ có thu nhập thấp để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong khi Mỹ lại đem đến nhu cầu bên ngoài giúp củng cố chiến lược tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu của Đặng Tiểu Bình.

Qua thời gian, cơ chế hợp tác này đã dần chuyển hoá thành một mối quan hệ sâu sắc hơn. Thiếu các khoản tiết kiệm nhưng có nhu cầu tăng trưởng, Hoa Kỳ đã ngày càng lệ thuộc vào nguồn dự trữ tiết kiệm thặng dư khổng lồ của Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu của mình. Cùng với việc neo đồng Nhân dân tệ vào đồng đô la, Trung Quốc đã thu mua một lượng lớn trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ, qua đó giúp Hoa Kỳ có tiền bù đắp cho những khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ.

Hoa Kỳ cung cấp cho Trung Quốc cả sự ổn định và động lực tăng trưởng. Trung Quốc cho phép Hoa Kỳ tránh được những nguy cơ ngày càng tăng của tình trạng thiếu tiết kiệm, chính sách tài khóa thiếu thận trọng, và tăng trưởng thu nhập hộ gia đình yếu.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc lẫn nhau trên lĩnh vực kinh tế cũng rất không ổn định, tương tự như sự phụ thuộc lẫn nhau giữa con người với nhau vậy. Khi một đối tác thay đổi, đối tác còn lại sẽ rơi vào tình trạng chới với, đồng thời cảm thấy như bị xem thường.

Trung Quốc hiện đang thay đổi, và Hoa Kỳ rõ ràng là không thích điều này. Trung Quốc giờ đây không chỉ tái cân bằng mô hình kinh tế từ xuất khẩu sang tiêu dùng trong nước; mà còn đang định nghĩa lại tính cách quốc gia. Trung Quốc đã áp dụng các chính sách đối ngoại cứng rắn hơn tại Biển Đông, ôm ấp mong muốn mãnh liệt hồi sinh dân tộc, cái mà Tập Cận Bình gọi là “giấc mộng Trung Hoa”. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã bắt đầu định hình lại cấu trúc tài chính toàn cầu với những tổ chức mới như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á, Ngân hàng Phát triển mới, và Quỹ con đường tơ lụa.

Những phản ứng của Hoa Kỳ đã chọc giận Trung Quốc, đặc biệt là vì cái mà Hoa Kỳ gọi là “xoay trục sang châu Á” hay “chiến lược tái cân bằng” với ẩn ý là nhằm ngăn chặn Trung Quốc. Mỹ thừa nhận sự cần thiết phải tăng cường vai trò của Trung Quốc trong các thể chế Bretton Woods hiện hữu (Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới); nhưng dù Mỹ không thực hiện lời hứa này, Mỹ đã gây khó dễ cho việc xây dựng thể chế của Trung Quốc. Và trong khi Mỹ từ lâu đã thúc giục Trung Quốc hướng mô hình tăng trưởng của mình sang tiêu dùng cá nhân, thì Mỹ vẫn không cảm thấy thoải mái với nhiều hệ quả của sự thay đổi này.

Nhìn chung, sự khó chịu của Hoa Kỳ thể hiện sự thất bại của quốc gia này trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế cốt lõi – chủ yếu là tình trạng thiếu tiết kiệm trong nước. Tỷ lệ tiết kiệm ròng của quốc gia (bao gồm của các doanh nghiệp, hộ gia đình, và chính phủ cộng lại) chỉ đạt ở mức 2,9% tổng thu nhập quốc dân vào thời điểm giữa năm 2015, ít hơn một nửa so với tỉ lệ trung bình 6,3% của ba thập niên cuối của thế kỷ 20. Khi Trung Quốc chuyển từ thặng dư tiết kiệm sang tiêu dùng tiết kiệm – sử dụng thặng dư tiết kiệm của mình để xây dựng một mạng lưới an sinh xã hội cho người dân Trung Quốc thay vì bù đắp cho các khoản tiết kiệm thiếu hụt của người Mỹ – một nước Mỹ thiếu tiết kiệm sẽ gặp khó khăn trong việc lấp đầy khoảng trống này.

Chính sách tiền tệ của Mỹ cho thấy một lớp khác của sự phụ thuộc lẫn nhau này. Bằng cách viện dẫn những quan ngại quốc tế – đặc biệt là về tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc – làm nguyên do chính để trì hoãn việc tăng lãi suất vào tháng Chín, điều vốn đã được chờ đợi từ lâu, Cục Dự trữ Liên bang đã cho thấy vai trò chính yếu của Trung Quốc trong việc duy trì sự phục hồi vốn còn mong manh của Mỹ.

Bằng chứng đã rất rõ ràng: Xuất khẩu của Mỹ, vốn đã đạt đến mức kỷ lục 13,7% tổng GDP trong Quý IV năm 2013 (Quý I năm 2009 chỉ chiếm 10,6%), lại giảm trở lại còn 12,7% tổng GDP vào giữa năm 2015. Với thực trạng nhu cầu trong nước vẫn còn rất thấp – mức tiêu thụ thực tế chỉ tăng trung bình ở tốc độ yếu là 1,4% trong suốt 7 năm rưỡi qua – Hoa Kỳ đang cần tăng trưởng xuất khẩu hơn bao giờ hết. Và do đó, triển vọng của Trung Quốc, với tư cách là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba và có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng nhất của Hoa Kỳ, là rất quan trọng đối với một Cục Dự trữ Liên bang vốn đã không thể phát huy nhiều tác dụng từ các chính sách tiền tệ trái lệ sau khủng hoảng tài chính.

Khía cạnh này của sự phụ thuộc lẫn nhau mang tính toàn cầu. Trong suốt thập niên qua, Trung Quốc đã luôn mang lại khoảng 1,6% tăng trưởng GDP toàn cầu – hơn gấp đôi mức 0,7% của các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới cộng lại. Và thậm chí nếu tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm xuống còn ở mức 6,8% trong năm nay, Trung Quốc vẫn sẽ đóng góp cho tăng trưởng toàn cầu nhỉnh hơn các nước phát triển của thế giới. Không mấy ngạc nhiên khi triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục là một mối quan tâm hàng đầu đối với các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới.

Tại buổi nói chuyện ở Seattle vào ngày 22 tháng 9, ông Tập nhấn mạnh việc Hoa Kỳ và Trung Quốc cần làm sâu sắc hơn “sự thấu hiểu các dự định chiến lược của nhau”, coi đó là một mục tiêu quan trọng cho quan hệ song phương. Tuy nhiên, những trao đổi của ông Tập với Tổng thống Barack Obama rõ ràng là thiếu đề cập đến khía cạnh đó. Chương trình nghị sự giữa hai bên được định hình bởi phần nhiều những vấn đề tách biệt nhau như an ninh mạng, biến đổi khí hậu, và tiếp cận thị trường hơn là sự quan tâm đến những thách thức chiến lược mà cả hai đều đang phải một mình hay cùng nhau đối mặt.

Hơn thế, không có nhiều dấu hiệu cho thấy sự tiến triển thực chất ngay cả trong những vấn đề mà Tập và Obama đã thảo luận. Cả hai bên đều ca ngợi cam kết mới đạt được trong việc trao đổi cấp cao về vấn đề an ninh mạng; tuy nhiên Hoa Kỳ sắp tới sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc thu lợi từ việc xâm nhập hệ thống máy tính bất hợp pháp. Tương tự, hai bên tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải có một hiệp định đầu tư song phương “tiêu chuẩn cao” nhưng lại ít có dấu hiệu cho thấy những bước đi nghiêm túc đối với những ngành công nghiệp sẽ được miễn trừ khỏi một thỏa thuận như vậy. Trung Quốc cũng đã công bố một thay đổi quan trọng trong chính sách môi trường: hệ thống hạn chế và buôn bán khí thải cắt giảm áp dụng trên toàn quốc và sẽ có hiệu lực vào năm 2017. Tuy nhiên, nếu không có những hành động tương tự xuất phát từ phía Hoa Kỳ, những bước đi của Trung Quốc khó có thể làm dịu đi những mối đe dọa do biến đổi khí hậu mang lại.

Bị kẹt trong một mạng lưới phụ thuộc lẫn nhau, mối quan hệ Mỹ – Trung đã trở nên đầy rẫy những xích mích và chỉ trích lẫn nhau. Trong hành vi của con người, kết cục của tình trạng này thường là một sự chia tay đau đớn. Cuộc gặp gỡ thượng đỉnh vừa mới kết thúc giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình đã không thể làm được gì nhiều để xua tan khả năng này.

Stephen S. Roach là cựu Chủ tịch và kinh tế trưởng của Tập đoàn Morgan Stanley chi nhánh châu Á – Thái Bình Dương. Ông còn là thành viên cấp cao tại Viện Jackson về các vấn đề toàn cầu của Đại học Yale, và là giảng viên cao cấp Trường Quản lý thuộc Đại học Yale. Ông là tác giả cuốn sách Unbalanced: The Codependency of America and China.

Copyright: Project Syndicate 2015 – The Sino-American Codependency Trap

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]