Vì sao Mỹ không tiếp nhận thêm người tị nạn từ Syria?

Print Friendly, PDF & Email

20151017_BLP514

Nguồn: Why America does not take in more Syrian refugees?The Economist, 18/10/2015.

Biên dịch: Vũ Hồng Trang | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Theo Liên Hợp Quốc, hơn 12 triệu người Syria đã buộc phải rời mái ấm của họ do cuộc nội chiến ở đất nước này. Trong số đó, hơn 7,5 triệu người phải di chuyển chỗ ở trong chính Syria, thường là tới những vùng mà các tổ chức cứu trợ không thể tiếp cận được. Hơn 4 triệu người đã phải chạy ra nước ngoài, hầu hết là các nước láng giềng. Khoảng 1,9 triệu người ở Thổ Nhĩ Kỳ, 1,1 triệu người ở Li-băng và 650.000 người ở Jordan. Hàng trăm ngàn người đã tìm cách tị nạn ở châu Âu. Nếu như ban đầu Đức chào đón hàng chục ngàn người mới đến thì giờ đây đất nước này đang ngày càng miễn cưỡng tiếp nhận thêm. Đến cuối năm nay, đất nước này ước tính sẽ có khoảng 1,5 triệu người đến lánh nạn, đa phần là người Syria. Trong khi đó, Mỹ – với diện tích rộng gấp 26 lần và dân số đông gấp 4 lần nước Đức – mới chỉ tiếp nhận 1.500 người Syria kể từ khi cuộc nội chiến tại đất nước này nổ ra. Tại sao con số này lại thấp đến vậy?

Trước áp lực từ Đức và các nước đồng minh khác, Nhà Trắng gần đây đã hứa hẹn sẽ tăng tổng số người tị nạn mà Mỹ sẽ tiếp nhận lên 85.000 người trong năm tài khóa tới (trong đó có 10.000 người đến từ Syria) và 100.000 người trong năm kế tiếp. Ngay cả sự gia tăng rất khiêm tốn này vẫn còn gây tranh cãi. Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa của Hạ viện, đã đề xuất một dự luật nhằm “kiềm hãm” kế hoạch tiếp nhận thêm người tị nạn Syria của chính quyền Mỹ. Trả lời phỏng vấn Fox News, một kênh truyền hình bảo thủ, vị dân biểu Cộng hòa của tiểu bang Texas này nói, “Tôi không thể ủng hộ một chính sách cho phép dẫn lực lượng thánh chiến Hồi giáo tràn vào nước Mỹ.”

Đây là lời diễn đạt thẳng thắn về lý do nước Mỹ không muốn làm nơi lánh nạn cho nhiều người Syria hơn. Ngoài những lo ngại về chi phí tái định cư cho những người nghèo khổ mới đến Mỹ với vốn tiếng Anh hạn chế, Mỹ còn chần chừ trước nỗi lo khủng bố. Theo Eva Millona, giám đốc Liên minh Hỗ trợ Người tị nạn và Nhập cư Massachusetts, sau các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001, mọi dân nhập cư và những người mới đến Mỹ đều bị nhìn nhận qua lăng kính này.

Những thủ tục rà soát kỹ lưỡng hơn vốn được đặt ra sau các vụ tấn công này cũng rất tốn kém. Sau khi được Đại sứ quán Mỹ hay Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn chuyển tới, những người tị nạn đều được thẩm tra bởi Trung tâm Dịch vụ Tái định cư thuộc Bộ Ngoại giao ở nhiều nơi trên thế giới. Họ phải trải qua nhiều cuộc điều tra lý lịch; kiểm tra sinh trắc vân tay và ảnh; phỏng vấn kỹ lưỡng trước các quan chức Bộ An ninh Nội địa được đào tạo bài bản; khám sức khỏe và tiếp tục đối mặt với các cuộc điều tra của Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia và các cơ quan tình báo. Toàn bộ quá trình này có thể mất hơn ba năm.

Nếu quyết tâm vào lãnh thổ Mỹ để phá hoại, một phần tử khủng bố tiềm năng sẽ có nhiều cách nhanh và dễ dàng hơn thay vì trải qua quá trình tái định cư phức tạp dành cho người nhập cư. Trong số gần 750.000 người được tiếp nhận tới Mỹ kể từ sau sự kiện 11 tháng 9, chỉ có 2 người Iraq bị bắt với cáo buộc khủng bố; họ cũng không có âm mưu tấn công tại Mỹ mà chỉ trợ giúp al-Qaeda ở quê nhà. Người Syria ở Mỹ nhìn chung khấm khá hơn so với những nhóm tị nạn khác, hòa nhập nhanh hơn và tìm được công ăn việc làm. Một số còn thực sự thành đạt: cha của Steve Jobs, người sáng lập Apple, cũng là người tị nạn đến từ Syria. Mẹ của diễn viên hài kịch Jerry Seinfield cũng mang dòng máu Do Thái gốc Syria.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]