Tác giả: Trương Minh Huy Vũ
Lý thuyết quan hệ quốc tế (LTQHQT) là một tập hợp các góc nhìn, cách tiếp cận, mô hình, cũng như những cách lý giải về các hiện tượng diễn ra trong nền chính trị thế giới.
Chia sẻ những đặc tính một lý thuyết khoa học phải có, các học giả của bộ môn quan hệ quốc tế đề cập đến ba phạm trù chính khi bàn về LTQHQT. Một là bản thể luận (ontology), hai là nhận thức luận (epistemology) và ba là phương pháp luận (methodology). Trong khi bản thể luận bàn về những gì trong thế giới khách quan mà con người có thể nhận thức được (thế giới quan), nhận thức luận tập trung vào phương thức mà con người nhận thức thế giới, hay nói cách khác là phương thức mà qua đó tri thức được tạo ra. Còn phương pháp luận đề cập đến các phương thức tiến hành thực nghiệm để kiểm chứng độ đúng sai của lý thuyết đó.
Lý thuyết là gì? |
Có nhiều cách hiểu và định nghĩa thế nào là một lý thuyết. Hiểu một cách đơn giản, lý thuyết là một giả định hay một hệ thống những giả định về một hiện tượng nào đó. Tuy vậy, không phải giả định nào cũng có thể xem là một lý thuyết. Một giả định mang tính lý thuyết cần không phụ thuộc vào một sự vật, sự việc hay một cá nhân cụ thể. Nói cách khác nó phải đảm bảo tính khái quát hóa, và thể hiện dưới dạng quy luật. |
Chẳng hạn liên quan đến bản thể luận, cuộc tranh luận đầu tiên trong LTQHQT giữa chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa hiện thực xoay quanh câu hỏi bản chất con người và thế giới họ đang tồn tại trong đó như thế nào. Các nhà lý tưởng mường tượng một mẫu người mang tính hợp tác, từ đó xây dựng nên một trật tự thế giới hòa bình, nơi các quốc gia có thể sống chung hòa bình, thân thiện với nhau. Nhiệm vụ đảm bảo trật tự chung sẽ là trách nhiệm của cộng đồng quốc tế thông qua những tổ chức và định chế. Ngược lại, các nhà hiện thực lại hoài nghi khả năng hợp tác của con người và mỗi quốc gia. Họ cho rằng trong con người luôn hiệu hữu “bản tính đam mê quyền lực” và mục tiêu của các nhà nước cũng tương tự. Lợi ích, thể diện quốc gia và việc theo đuổi quyền lực mới là động lực chính giải thích các hiện tượng cũng như lựa chọn của các nhà nước trong trật tự chính trị thế giới.
Nếu cuộc tranh luận đầu tiên là sự bất đồng về thế giới quan thuộc bản thể luận, cuộc tranh luận tiếp theo trong LTQHQT tập trung vào phạm trù nhận thức luận, tức là làm thế nào để tiếp cận tri thức từ một thế giới quan nào đó. Hai trường phái nổi lên trong những năm 1960-70. Những người theo chủ nghĩa hành vi (behavioralism) nhấn mạnh rằng các hiện tượng xã hội có cùng những đặc tính của hiện tượng tự nhiên, và để hiểu nó các nhà nghiên cứu cần quan sát hiện tượng theo nguyên tắc tìm hiểu những điểm đặc thù của từng trường hợp. Theo đó, các nhà nghiên cứu cần phát triển các mô hình và phương pháp để tổng hợp các yếu tố có khả năng tác động lên hiện tượng. Đặc biệt, cần phân biệt rạch ròi giữa những quan điểm mang tính chất “định tính” (value judgment) và những khẳng định thực tế, hoàn toàn có khả năng kiểm chứng được thông qua các phương thức thực nghiệm. Những người theo thuyết hành vi ủng hộ việc khoa học quan hệ quốc tế cần từ bỏ con đường thứ nhất, theo con đường thứ hai, đi tìm những khẳng định mang tính thực tế. Đáp lại thuyết hành vi, những người theo chủ nghĩa truyền thống (traditionalism) lập luận rằng, bất kỳ hiện tượng nào trong khoa học xã hội sẽ trở thành vô nghĩa nếu tách rời nó ra khỏi một quá trình lịch sử, hay các diễn dịch mang tính quá trình xung quanh nó. Cuộc tranh luận thứ hai dần đi vào hồi kết trong những năm 1970, khi cả hai trường phái đều nhận ra rằng thuyết hành vi và thuyết truyền thống không phải hoàn toàn xung khắc mà có thể bổ sung qua lại cho nhau.
Từ những năm 1980 trở về sau, LTQHQT chứng kiến thêm hai cuộc tranh luận lớn nữa. Những năm 80 của thế kỷ 20 khi hợp tác giữa các quốc gia trở thành xu thế chủ đạo của chính trị quốc tế, cuộc tranh luận giữa những nhà tân hiện thực và tân tự do xoay quanh vai trò và ảnh hưởng của các thể chế đến chính trị quốc tế (cuộc tranh luận này trong sách vở thường được biết đến với tên gọi “neo-neo debate”). Nhiều người cho rằng đây chỉ là sự nối dài của cuộc tranh luận đầu tiên giữa những nhà hiện thực và lý tưởng. Nhiều người khác lập luận rằng tranh luận giữa chủ nghĩa tân hiện thực và chủ nghĩa tân tự do khởi đầu cho một cuộc tranh luận mới trong tương lai về sự ra đời của “quản trị toàn cầu” (global governance), nơi một mặt mang đầy đủ các yếu tố mà chủ nghĩa tân tự do miêu tả như thể chế, hợp tác, pháp trị, xây dựng chuẩn tắc, nhưng mặt khác cũng tiềm tàng sự tranh giành lợi ích, sức mạnh, được thua trong góc nhìn của trường phái hiện thực.
Trong lịch sử nghiên cứu quan hệ quốc tế còn có một cuộc tranh luận thứ tư, bắt đầu từ khoảng những năm 1990 trở về sau, khi chủ nghĩa kiến tạo ra đời. Trường phái này vừa phần nào dựa vào tinh thần của chủ nghĩa tân hiện thực, vừa lại được coi là kẻ thù của nó. Chủ nghĩa kiến tạo không những mở ra một thế giới quan khác, một cách tiếp cận tri thức khác, mà còn cả phương pháp khoa học khác. Và cả ba điểm khác biệt này hoàn toàn đi ngược lại những nền tảng cơ bản của chủ nghĩa tân hiện thực.
Hiện nay các sách giáo khoa thường chia các LTQHQT ra làm tám trường phái chính. Đó là: (1) Chủ nghĩa hiện thực cổ điển, (2) Chủ nghĩa tân hiện thực, (3) Chủ nghĩa tự do, (4) Chủ nghĩa tân tự do (hay còn gọi là chủ nghĩa tự do thể chế), (5) Chủ nghĩa kiến tạo, (6) Chủ nghĩa Marx trong quan hệ quốc tế, (7) Trường phái Anh Quốc và (8) Lý thuyết phê phán (hay còn gọi là trường phái hậu hiện đại trong quan hệ quốc tế).
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]