Chủ nghĩa tân tự do (Neo-Liberalism)

Print Friendly, PDF & Email

igo

Tác giả: Trương Minh Huy Vũ

Chủ nghĩa tân tự do (neo-liberalism), còn được biết đến với tên gọi “chủ nghĩa tự do thể chế” (institutional liberalism), là một dòng nghiên cứu quan trọng trong các lý thuyết quan hệ quốc tế. Chủ nghĩa tân tự do ra đời trong những năm 1980, khi hợp tác giữa các quốc gia trở thành xu thế chủ đạo của chính trị quốc tế. Khác với trường phái tự do cổ điển tập trung vào câu hỏi chiến tranh hay hòa bình, chủ đề chính của chủ nghĩa tân tự do là các thể chế, định chế, quy tắc, luật pháp quốc tế và sự tương tác của các yếu tố này với lựa chọn chính sách của mỗi nhà nước.

Cùng chia sẻ giả định về một thế giới “vô chính phủ”, tức là không có một quyền lực vượt trội nào đóng vai trò “siêu nhà nước” để điều phối, tổ chức và chế tài quan hệ giữa các quốc gia, chủ nghĩa tân tự do đặt ra câu hỏi: tại sao các quốc gia lại đồng ý tổ chức và tham gia vào các thể chế quốc tế? Chúng ta biết rằng, việc gia nhập một tổ chức đồng nghĩa nhà nước phần nào phải chấp nhận từ bỏ một phần chủ quyền quốc gia và giới hạn khuôn khổ hành động của mình. Tại sao các nước lại đồng ý giao nạp chủ quyền của mình – khi không có một sức mạnh nào ép buộc – để theo đuổi con đường hợp tác quốc tế?

Để trả lời câu hỏi trên, các tác giả theo trường phái tân tự do đưa ra nhiều lập luận. Một trong những điểm quan trọng nhất là các chính phủ phải trả một cái giá cao hơn rất nhiều nếu không tham gia, hoặc quyết định tham gia trễ hơn vào hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ các thể chế quốc tế. Cơ sở lý thuyết cho lập luận này được mô phỏng qua lý thuyết trò chơi, với ví dụ điển hình là trò chơi “thế lưỡng nan của tù nhân”. Bài học từ trò chơi này cho thấy, cũng như những người tù trong trò chơi, các quốc gia cũng thường lâm vào các huống lưỡng nan trong quan hệ quốc tế liên quan đến vấn đề có nên tham gia hợp tác với các quốc gia khác hay không.

Vai trò của quốc gia bá quyền
Bá quyền là một thuật ngữ quan trọng trong chủ nghĩa tân tự do. Bá quyền là quốc gia mạnh nhất trong hệ thống. Thuyết ổn định nhờ bá quyền cho rằng quốc gia bá quyền giúp ổn định hệ thống quốc tế và thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia bằng cách chấp nhận chi trả cho các “hàng hóa công”, vốn là nền tảng giúp thúc đẩy hợp tác quốc tế nhưng tốn kém và ít quốc gia nào muốn chi trả phí tổn.

Theo đó, nếu các quốc gia tự giải quyết vấn đề một cách đơn phương có thể giữ lại chủ quyền tuyệt đối, nhưng hiệu quả công việc sẽ thấp hơn hoặc phí tổn bỏ ra cũng sẽ cao hơn rất nhiều trong trường hợp chấp nhận cùng các quốc gia khác thực hiện hợp tác. Ngược lại, nếu chấp nhận giới hạn phần nào chủ quyền hành động, các quốc gia có thể thúc đẩy hiệu năng công việc và giảm phí tổn gánh chịu một mình trong việc giải quyết vấn đề. Chính vì vậy để theo đuổi hợp tác quốc tế, các quốc gia cần chú trọng đạt được lợi phần tuyệt đối thay vì lợi phần tương đối như các nhà hiện thực đề nghị. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là làm sao có thể biết được rằng các quốc gia khác cũng sẽ hành động tương tự và tham gia hợp tác. Theo các nhà tân tự do, vấn đề này có thể được khắc phục thông qua việc hình thành các thể chế (institutions) và định chế (regimes) nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Thể chế hay các định chế đa phương – theo lập luận của một trong những tác giả đại diện chủ nghĩa tân tự do là Robert Keohane – có thể cung cấp thông tin cho các bên tham gia hợp tác, góp phần giảm tình trạng “thông tin bất đối xứng”, qua đó giúp các bên phần nào hiểu rõ nhau hơn và có thể xây dựng các kỳ vọng về hành vi của nhau. Mặt khác, các thể chế quốc tế cũng giúp giảm chi phí giao dịch trong quá trình giải quyết các vấn đề chung. Cuối cùng, các thể chế cũng giúp tạo ra một khuôn khổ mang tính pháp lý để điểu chỉnh hành vi của mỗi chủ thể tham gia trong chính trị quốc tế. Cần nhắc lại rằng, một trong những giả định quan trọng nhất của lý thuyết quan hệ quốc tế là nền chính trị thế giới không tồn tại một quyền lực siêu quốc gia với vai trò tương tự như nhà nước trong nền chính trị đối nội của các quốc gia. Chính vì vậy, việc hình thành, theo đuổi và giải quyết công việc thông qua các thể chế hay luật quốc pháp tế là một cách tiếp cận giúp tiến tới mô hình quản trị toàn cầu. Việc hình thành các thể chế quốc tế cũng thể hiện mong muốn của cộng đồng thế giới trong việc tạo ra một khung ứng xử cho các mối quan hệ quốc tế, với nền tảng là pháp luật quốc tế và các chuẩn tắc thay vì sức mạnh hay vũ lực.

Chủ nghĩa tân tự do và những lập luận dựa trên dòng tư tưởng này là đối tượng phê bình và phản biện của nhiều học thuyết quan hệ quốc tế khác từ những năm 1980 đến nay. Đáng kể nhất là cuộc tranh luận giữa chủ nghĩa tân tự do và chủ nghĩa tân hiện thực được biết đến với tên gọi  “Neo-Neo-Debate”. Hai học thuyết này bất đồng với nhau trên nhiều khía cạnh, từ tác động của tình trạng vô chính phủ, hiệu năng của các thể chế quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề, đến các ưu tiên và mục tiêu theo đuổi (lợi phần tuyệt đối và tương đối) của các quốc gia.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).