Hợp tác (Cooperation)

Print Friendly, PDF & Email

Cooperation

Tác giả: Hoàng Thanh Hằng

Theo Robert Axelrod và Robert O. Keohane, sự hợp tác diễn ra khi các chủ thể điều chỉnh hành vi của họ trước các mong muốn thực tế hoặc dự đoán về mong muốn của những người khác. Sự hợp tác không đồng nghĩa với sự hài hòa. Sự hài hòa đòi hỏi sự đồng nhất hoàn toàn của các lợi ích. Sự hợp tác diễn ra trong bối cảnh chứa đựng nhiều mâu thuẫn đối ngược và bổ sung nhau.

Mong muốn của mỗi chủ thể dựa trên những nhận định của họ về lợi ích. Việc lợi ích tương đồng nhiều hay ít tác động đến việc các chủ thể có hợp tác với nhau hay không. Khi lợi ích tương đồng các quốc gia dễ dàng hợp tác cùng nhau hơn, và khó hợp tác hơn khi lợi ích cách biệt nhau.

Một vấn đề khác liên quan đến lợi ích cũng tác động tới quyết định hợp tác của các quốc gia, đó là những nhận thức về lợi phần tương đối và lợi phần tuyệt đối. Các nhà hiện thực coi lợi phần tương đối, tức lợi ích mà mình thu được so với lợi ích mà người khác thu được nếu hai bên cùng hợp tác, quan trọng hơn, và do đó các quốc gia chỉ nên hợp tác nếu thu được nhiều lợi ích hơn so với các quốc gia khác.

Do đó nhận thức về lợi phần tương đối của chủ nghĩa hiện thực cản trở hợp tác quốc tế, vì hợp tác quốc tế khó có thể mang lại lợi ích đồng đều cho tất cả các bên. Trong khi đó các nhà tự do đề cao lợi phần tuyệt đối, tức lợi ích mà một quốc gia thu được khi hợp tác với các quốc gia khác mà không cần so với lợi ích mà các quốc gia cùng tham gia hợp tác thu được như thế nào. Theo đó, lợi ích thu được từ hành vi hợp tác dù lớn hơn hay nhỏ hơn lợi ích của quốc gia khác thì vẫn là một mục tiêu đáng theo đuổi, đơn giản vì quốc gia đó sẽ không thu được lợi ích nào nếu không tiến hành hợp tác. Chính vì vậy, nhận thức về lợi phần tuyệt đối theo tư tưởng của chủ nghĩa tự do tạo thuận lợi cho việc hợp tác giữa các quốc gia.

Ngoài ra, Lý thuyết trò chơi cũng giải thích cho những động lực thúc đẩy hoặc ngăn cản hợp tác. Các trò chơi như Thế lưỡng nan của tù nhân (Prisoner Dilemma), Săn hươu (Stag Hunt) hay Gà (Chicken)… thể hiện những đặc điểm của hợp tác trong quan hệ quốc tế. Bối cảnh của trò chơi quyết định các khả năng của sự hợp tác và kết quả của trò chơi.

Ví dụ, trong trò chơi Thế lưỡng nan của tù nhân, các chủ thể được cho là những người tối đa hóa lợi ích cá nhân, mỗi cá thể chỉ có thể di chuyển một lần trong một trò chơi, và mỗi người có một sự lựa chọn: hợp tác hay bất hợp tác. Mỗi cá thể sẽ có lợi nếu như bất hợp tác, bất kể người kia làm gì. Nhưng nếu cả hai đều bất hợp tác thì kết quả nhận được sẽ nhỏ hơn nếu cả hai hợp tác. Tuy nhiên, tình thế lưỡng nan ở đây nằm ở nếu một bên hợp tác nhưng đối tác bất hợp tác thì bên hợp tác sẽ gánh hậu quả, trong khi bên bất hợp tác giành lợi ích. Tình thế này ngăn cản việc hợp tác mặc dù rõ ràng nếu hai bên cùng hợp tác thì lợi ích chung đạt được lớn hơn so với các lựa chọn khác.

Khác với trò chơi nêu trên khi các bên chỉ được quyền thực hiện quyết định một lần, nếu tham gia vào những trao đổi có tính lặp đi lặp lại, các chủ thể có thể có những mong đợi, kỳ vọng trùng lặp nhau. Sự tương đồng về kỳ vọng mang lại sự hợp tác. Nhưng vấn đề là trong một số lĩnh vực trong quan hệ quốc tế có thể có sự tương đồng về kỳ vọng nhưng một số lĩnh vực lại không. Mặc khác, trong quan hệ quốc tế sự hợp tác còn bị cản trở bởi trong hệ thống quan hệ quốc tế vô chính phủ, không có một chính phủ đứng ra để đưa ra luật pháp, các chuẩn mực cho việc hợp tác. Vì vậy, các thể chế quốc tế góp phần tạo thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế vì tạo ra những kỳ vọng, mong đợi chung và những luật pháp, chế tài cho việc không hợp tác.

Sự lặp đi lặp lại trong tương tác giữa các quốc gia cũng cho phép các quốc gia đưa ra các đe dọa hay cam kết, đồng thời làm cho vấn đề uy tín trở nên quan trọng. Bên cạnh việc phát triển uy tín, các quốc gia cũng có thể phát triển chiến lược của mình phù hợp với sự lựa chọn của quốc gia khác. Chiến lược này bao gồm việc sẵn sàng hợp tác vì lợi ích chung nếu như bên kia hợp tác, hoặc trả đũa nếu bên kia không hợp tác.

Trong bối cảnh quốc tế ngày nay khi toàn cầu hóa trở thành một thực tế không thể đảo ngược và xuất hiện ngày càng nhiều những vấn đề toàn cầu mà một quốc gia riêng lẻ không thể giải quyết được thì hợp tác giữa các quốc gia trở thành một lựa chọn gần như bắt buộc. Các tổ chức quốc tế, các cơ chế pháp lý… cũng xuất hiện ngày càng nhiều nhằm điều phối và tạo thuận lợi cho hợp tác giữa các quốc gia.

Kể từ khi thực hiện chính sách Đổi mới, Việt Nam cũng đã chú trọng tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại, thúc đẩy hợp tác quốc tế. Theo đó, Việt Nam cam kết thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế. Việt Nam cũng chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác, hướng tới mục tiêu “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực.”

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).