Putin, Giáo hoàng và Đức Thượng phụ

Print Friendly, PDF & Email

pope-meets-patriarch

Nguồn: Nina L. Khrushcheva, “Putin, the Pope, and the Patriarch”, Project Syndicate, 12/02/2016.

Biên dịch: Hiếu Minh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Những năm làm việc tại KGB dạy cho Tổng thống Nga Vladimir Putin cách lợi dụng người khác. Trong cuốn hồi ký xuất sắc mới ra, The New Tsar (Vị Sang hoàng mới), cựu trưởng văn phòng của tờ The New York Times tại Moskva Steven Lee Myers đã miêu tả cách Putin dùng điểm yếu của đối thủ để phục vụ cho các mục tiêu của Liên Xô trong thời gian Putin làm việc ở Đông Âu trong những năm suy tàn của chủ nghĩa cộng sản.

Cuộc gặp lịch sử hôm nay (12/2/2016) giữa Giáo hoàng Francis và Đức Thượng phụ Krill của Chính thống giáo Nga ở Cuba sẽ là một dịp khác Putin sẽ tận dụng nhằm đạt được mục đích của mình. Cuộc gặp này là cuộc gặp đầu tiên giữa một Giáo hoàng Công giáo La Mã và một Đức Thượng phụ Chính thống giáo Nga từ sau cuộc Đại ly giáo năm 1054, chia cắt Thiên chúa giáo thành hai nhánh Tây phương và Đông phương.

Từ đó, nhà thờ Chính thống giáo (Pravoslavie trong tiếng Nga, nghĩa đen là “việc thờ phụng đúng đắn”) được xem là hình thức Thiên chúa giáo duy nhất ở Nga. Các nhánh khác của Thiên chúa giáo bị phủ nhận vì chúng ủng hộ chủ nghĩa cá nhân và không tôn sùng đúng mức linh hồn con người.

Trong suốt gần một thiên niên kỷ, sự thù oán giữa hai nhánh tưởng như không thể vượt qua. Gần đây, những nỗ lực hàn gắn hai bên chỉ được đưa ra trước nguy cơ chiến tranh hạt nhân – và thậm chí khi đó, sự xích lại gần nhau chủ yếu được khởi xướng bởi chính quyền thế tục của Nga. Vào năm 1963, Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev, một người vô thần tận căn cốt, đă gửi con rể và cố vấn Alexei Adzhubei đến một cuộc hội kiến lịch sử với Giáo hoàng khi đó là John XXIII.

Tuy nhiên, bước đột phá thực sự chỉ đến vào năm 1989, khi Chủ tịch Soviet tối cao Mikhail Gorbachev gặp Giáo hoàng John Paul II, một tu sĩ Ba Lan, người đã định hình nhiệm kỳ Giáo hoàng của mình trong suốt một thập niên trước đó một phần bằng cách phản đối chế độ toàn trị vô thần của Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã, quan hệ song phương tiếp tục ấm dần lên khi Boris Yeltsin, tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga, thăm Vatican năm 1991 và 1998. Tuy nhiên, phản đối từ Giáo hội Chính thống giáo Nga đã cản trở Giáo hoàng chấp thuận lời mời thăm Nga.

Quan hệ giữa Nga và Vatican tiến lên một nấc mới sau khi Putin trở thành Tổng thống Nga. Không giống như những người Liên Xô vô thần chính thức, Putin làm việc sâu sát với Giáo hội Chính thống giáo, đấu tranh cho các giá trị xã hội bảo thủ ở trong nước và mở rộng ảnh hưởng của Nga ở nước ngoài.

Năm 2007, Giáo hội Chính thống giáo Nga hợp nhất với một nhánh ly khai, Giáo hội Chính thống giáo Nga ở hải ngoại, vốn đã tách ra để phản đối mối quan hệ gần gũi (giữa Giáo hội) với những người Bolshevik. “Sự tái thống nhất của Giáo hội là điều kiện quan trọng cho sự tái thống nhất của toàn thể ‘thế giới Nga’, với một trong những nền tảng chính là Chính thống giáo”, Putin phát biểu như vậy tại một buổi lễ đánh dấu sự kiện này.

Cuộc gặp tại Cuba tạo ra cơ hội cho Putin trở thành lãnh đạo Nga đầu tiên chứng kiến sự bắt đầu đối thoại giữa Giáo hội Công giáo và Chính thống giáo. Tầm quan trọng Putin dành cho sự kiện này được phản ánh ở những khó khăn trong việc dàn xếp cuộc gặp.

Dù sao đi nữa, Putin và Thượng phụ Krill đã dẫn dắt sự thù hằn tăng cao chống phương Tây và chuyển Giáo hội Chính thống giáo Nga về phía bảo thủ, chủ nghĩa dân tộc, và bất khoan dung. Đức Thượng phụ (có tin đồn từng làm việc trong KGB) đã gọi cuộc chiến ở Syria là “một cuộc đấu tranh thiêng liêng” , và thêm vào rằng “ngày nay đất nước chúng ta có lẽ là lực lượng chiến đấu tích cực nhất trong cuộc chiến đó”. Ngược lại, Giáo hoàng Francis không chỉ rất tiến bộ, thậm chí còn không phê phán những người đồng tính luyến ái; ông còn liên tiếp kêu gọi cho một giải pháp hoà bình ở Syria.

Qua việc cho phép cuộc gặp diễn ra – và chắc chắn Putin đã ủng hộ nó – Tổng thống Nga đang tìm kiếm sự hậu thuẫn tôn giáo và ủng hộ chính trị của người dân. Cuộc gặp cũng giúp Putin châm chọc phương Tây, những nước khiến ông giận dữ vì đã trừng phạt Nga do xung đột ở Ukraine và chỉ trích việc Putin can thiệp ở Syria.

Tổ chức cuộc gặp ở Cuba là một tính toán khôn khéo. Với việc phương Tây đang trừng phạt Nga, một cuộc gặp ở châu Âu là không khả thi. Cuba, nơi Liên Xô từng cung cấp viện trợ tài chính thiết yếu để đổi lại lòng trung thành tuyệt đối của Fidel Castro, là một cách nhắc lại mạnh mẽ những tuyên bố của Nga về vai trò quốc tế của nước này.

Lãnh đạo Cuba chưa bao giờ bác bỏ hoàn toàn Thiên chúa giáo như lãnh đạo Liên Xô, và trong 20 năm qua, 3 Giáo hoàng đã thăm Cuba: John Paul II năm 1998, Benedict XVI năm 2012 và Francis năm 2015. Raul Castro, em trai của Fidel Castro và là người nối nghiệp Fidel, đã mời Đức Thượng phụ thăm Cuba để ngài trực tiếp thấy rằng chủ nghĩa Cộng sản và Thiên chúa giáo có thể cùng tồn tại với nhau.

Với Putin, cuộc gặp diễn ra tại một thời điểm không thể tốt đẹp hơn. Giá dầu giảm, đồng rúp mất giá thảm hại, các lệnh trừng phạt đang diễn ra và những hình ảnh thảm khốc từ Syria đã khiến Putin tuyệt vọng tìm kiếm những tin tức tích cực. Còn hình ảnh nào đẹp hơn Đức Giáo hoàng đứng cạnh đồng minh tinh thần và chính trị của Putin?

Hàn gắn sự chia rẽ lâu đời nhất của Thiên chúa giáo là một mục tiêu cao cả. Nhưng khi Giáo hoàng Francis gặp Đức Thượng phụ của Putin, Giáo hoàng nên nhớ một câu ngạn ngữ Anh: “Ai ăn tối với Quỷ thì nên có một cái thìa dài”.[1]

Nina L. Khrushcheva, tác giả của các cuốn sách Imagining Nabokov: Russia Between Art and PoliticsThe Lost Khrushchev: A Journey into the Gulag of the Russian Mind, là Giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế và Phó Hiệu trưởng Trường Đại học The New School tại New York. Bà cũng là nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Chính sách Thế giới.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Putin, the Pope, and the Patriarch

————–

[1] Nguyên văn: “He who sups with the devil should have a long spoon”, nghĩa là khi tiếp xúc với những người nguy hiểm thì nên cẩn thận để không bị hại.

Xem thêm: Công giáo và Chính thống giáo khác nhau ra sao?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]