Nguồn: “What to call Islamic State”, The Economist, 15/11/2015.
Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang
Chỉ vài giờ sau khi Pháp và Mỹ cam kết mạnh tay hơn trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi Giáo (Islamic State – IS) để đáp trả lại những cuộc tấn công ở Paris đã làm 129 người chết và hơn 350 người bị thương, các máy bay chiến đấu của Pháp đã bắt đầu không kích thành trì của tổ chức này tại Raqqa, thuộc miền đông bắc Syria. Chiến dịch này được phối hợp tiến hành cùng với các lực lượng của Mỹ. Pháp và Mỹ dường như cũng thống nhất trong việc gọi tên hiểm họa khủng bố này. Khi tuyên bố về các cuộc không kích, bộ quốc phòng Pháp nhắc đến một mục tiêu “được Daesh sử dụng làm trạm chỉ huy”. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng sử dụng tên gọi này khi phát biểu tại một hội nghị cấp cao của G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ, về việc tăng gấp đôi những nỗ lực để “tạo sự chuyển tiếp quyền lực ôn hòa tại Syria và loại bỏ mối đe dọa Daesh, một thế lực có thể gây ra rất nhiều đau thương cho người dân ở Paris, ở Ankara, và ở nhiều nơi trên toàn cầu”. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng gọi IS là Daesh trong một cuộc họp ở Vienna. Tổ chức này cũng đã từng được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như ISIS, ISIL, IS và SIC. Tại sao là có nhiều tên gọi như vậy?
Lý do một phần là vì tổ chức này đã thay đổi theo thời gian, và theo đó cũng thay đổi tên gọi của mình. Tổ chức này khởi đầu là một bộ phận nhỏ nhưng hiệu quả dữ dội của phong trào của người Hồi Giáo dòng Sunni chống lại cuộc xâm lược Iraq của Mỹ năm 2003, và tự xưng là al-Qaeda ở Iraq (al-Qaeda in Iraq – AQI). Năm 2007, sau cái chết của nhân vật sáng lập ra tổ chức (và sau khi bị chính al-Qaeda chỉ trích vì quá khát máu), AQI đã đổi tên thành Nhà nước Hồi Giáo ở Iraq (Islamic State in Iraq – ISI). ISI đã vấp phải nhiều trở ngại tại Iraq, song khi Syria chìm vào nội chiến từ năm 2011 thì đã thấy được cơ hội. Đến năm 2013, tổ chức này đã thâm nhập vào miền đông Syria và đặt một cái tên mới cho phù hợp: Nhà nước Hồi Giáo ở Iraq và Syria (Islamic State in Iraq and Syria – ISIS). ISIS đã lại đổi tên vào năm 2014 khiến nhiều người thêm khó hiểu, lần này thành Nhà nước Caliphate Hồi Giáo (State of the Islamic Caliphate – SIC), tên gọi thể hiện tham vọng của tổ chức muốn cai trị mọi tín đồ Hồi Giáo ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Việc biên dịch cũng tạo điều kiện cho nhiều tên gọi mới nảy sinh. Khi còn mang tên ISIS, tổ chức này đã thách thức những biên giới được kiến tạo bởi “những kẻ thực dân” bằng cách sử dụng một thuật ngữ địa lý cổ của người Arab – al-Sham – dùng để chỉ thủ đô Syria là Damascus hoặc toàn bộ vùng Levant (vùng Đông Địa Trung Hải); do đó tên gọi chính thức được người Mỹ sử dụng là Nhà nước Hồi Giáo Iraq và vùng Levant (Islamic State of Iraq and the Levant – ISIL), thay vì ISIS. Tên này trong tiếng Arab là al-Dawla al-Islamiya fil ’Iraq wal-Sham, viết tắt là Daesh, cũng giống như tên gọi của tổ chức Hamas (nghĩa là “nhiệt huyết”) ở Palestine là viết tắt cho Harakat al-Muqawama al-Islamiya (“Phong trào Kháng chiến Hồi Giáo”). Daesh là cái tên được phần lớn cộng đồng người Arab sử dụng, tuy nhiên thành viên của tổ chức này chỉ tự gọi bằng cái tên ngắn gọn al-Dawla (“Nhà nước”), và đe dọa sẽ trừng phạt những ai dùng tên gọi Daesh bằng roi da.
Đã có nhiều trường hợp trong lịch sử người ta gắn những tên gọi không mấy dễ chịu cho những kẻ khó ưa. Gần giống như việc cái tên Nazi (“Quốc Xã”, viết tắt của từ Nationalsozialistische – “Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa” – trong cụm từ Nationalsozialistische Deutsche Arbeiterpartei – “Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa”) được sử dụng phổ biến trong tiếng Anh vì nghe gần giống từ “nasty” (“kinh tởm”), Daesh được người Arab ưa chuộng vì nó gần giống với một từ có nghĩa là dẫm đạp lên, đập nát, nghiền nhỏ, hoặc chà đạp. Nắm bắt được điều này, Pháp đã sử dụng tên gọi Daesh một cách chính thức; ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius giải thích rằng việc dùng cái tên Daesh còn có lợi vì không cho phép tổ chức này được gọi là một nhà nước. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng chia sẻ quan điểm công kích này, ông đã nói rằng IS “không phải nhà nước và cũng chẳng phải Hồi Giáo” (“Non-Islamic Non-State”). Nhưng thay vì sử dụng chữ viết tắt tương ứng là NINS, hiện tại chúng tôi sẽ tiếp tục gọi tổ chức này bằng cái tên đơn giản là Nhà nước Hồi Giáo (IS).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]