Chiếc bẫy của Nhà nước Hồi giáo dành cho châu Âu

Print Friendly, PDF & Email

ISIS-Global-Conquest-Map

Nguồn:  Harleen Gambhir , “The Islamic State’s trap for Europe”, The Washington Post, 15/11/2015.

Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân

Tuần trước, Tổng thống Obama nói rằng Nhà nước Hồi giáo (ISIS) đã được “kiềm chế” trong phạm vi Iraq và Syria, nhưng các cuộc tấn công của nhóm này ở Paris ngay sau đó cho thấy chúng đặt ra một mối đe dọa cho phương Tây lớn hơn bao giờ hết. Nhà nước Hồi giáo đang thực hiện một chiến lược toàn cầu để bảo vệ lãnh thổ của mình ở Iraq và Syria, nuôi dưỡng các chi nhánh ở các khu vực có người Hồi giáo chiếm đa số, cũng như khuyến khích và chỉ đạo các cuộc tấn công khủng bố trên khắp thế giới. Chúng đã xuất khẩu sự tàn bạo và các biện pháp quân sự sang cho các nhóm ở Libya, Ai Cập, Afghanistan và những nơi khác. Bây giờ chúng đang sử dụng các kỹ năng chiến thuật thu được tại chiến trường Trung Đông để khiêu khích một phản ứng chống Hồi giáo dữ dội, qua đó sẽ tạo ra thêm nhiều tân binh cho ISIS ngay trong các xã hội phương Tây. Hoa Kỳ và các đồng minh của mình phải nhanh chóng phản ứng với mối đe dọa này.

Chiến lược của Nhà nước Hồi giáo là phân cực xã hội phương Tây, để “phá hủy các vùng xám”, như cách nói của nó trong một ấn phẩm của mình. Nhóm này hy vọng rằng các cuộc tấn công thường xuyên có sức tàn phá lớn nhân danh mình sẽ gây nên các phản ứng thái quá từ các chính phủ châu Âu chống lại những người Hồi giáo vô tội, qua đó càng làm cô lập và cực đoan hóa cộng đồng người Hồi giáo trên khắp châu lục. Cuộc tấn công ở Paris chỉ là trường hợp gần đây nhất của chiến dịch đang tăng tốc này.

Kể từ tháng Giêng, các công dân châu Âu đang chiến đấu cho Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria đã cung cấp các hỗ trợ vật chất và trực tuyến cho các chiến dịch chết người ở Paris, Copenhagen và gần Lyon, Pháp, cũng như âm mưu tiến hành các cuộc tấn công bất thành ở London, Barcelona và gần Brussels. Các chiến binh Nhà nước Hồi giáo nhiều khả năng chịu trách nhiệm cho việc phá hủy chiếc máy bay Nga trên vùng trời bán đảo Sinai. Những cuộc tấn công này không phải là ngẫu nhiên, cũng không phải chủ yếu là nhằm ảnh hưởng đến chính sách của phương Tây ở Trung Đông. Thay vào đó, chúng là một phần chiến dịch của một tổ chức có năng lực quân sự nhằm huy động thêm các thành phần cực đoan đã ẩn nấp ở châu Âu và để tuyển mộ thêm các chiến binh mới.

Chiến lược này là rõ ràng. Nhà nước Hồi giáo giải thích sau các cuộc tấn công hồi tháng Giêng vào tạp chí Charlie Hebdo rằng các cuộc tấn công như vậy  “buộc những kẻ Thập tự chinh tự mình tiêu diệt các vùng xám…. Người  Hồi giáo ở phương Tây sẽ nhanh chóng buộc phải đối mặt với hai lựa chọn, hoặc là bỏ đạo. . . hoặc là phải di cư sang [vùng đất của] Nhà nước Hồi giáo để thoát khỏi sự bức hại từ những chính phủ và công dân Thập tự chinh”. ISIS tính toán rằng một số lượng nhỏ những kẻ tấn công cũng có thể làm thay đổi sâu sắc cách xã hội châu Âu nhìn nhận 44 triệu thành viên Hồi giáo của mình, và theo đó là cách mà người Hồi giáo châu Âu nhìn nhận bản thân họ. Thông qua hành động khiêu khích này, ISIS tìm cách hình thành các điều kiện cho một cuộc chiến kiểu ngày tận thế với phương Tây.

Thật không may, nhiều thành phần trong xã hội châu Âu đang phản ứng theo cách Nhà nước Hồi giáo mong muốn. Các đảng cực hữu giành thêm nhiều sức mạnh tại nhiều nước châu Âu. Mặt trận Quốc gia Pháp dự kiến ​​sẽ thống trị các cuộc bầu cử địa phương ở bắc Pháp trong mùa đông này. Hôm thứ Bảy, Marine Le Pen, lãnh đạo đảng này tuyên bố rằng “những ai duy trì liên kết với chủ nghĩa Hồi giáo” sẽ là “kẻ thù của nước Pháp.” Đảng Nhân dân Đan Mạch đã giành được 21 phần trăm số phiếu trong các cuộc bầu cử quốc gia hồi tháng Sáu nhờ vào cương lĩnh dân tộc chủ nghĩa và chống Hồi giáo. Đảng Dân chủ có tư tưởng bài ngoại của Thụy Điển cũng ngày càng được lòng dân.

Các cuộc tấn công ở Paris chắc chắn sẽ thúc đẩy một phản ứng chống Hồi giáo dữ dội, như đã thấy qua việc những người biểu tình mang theo một băng rôn ghi rõ “Hãy trục xuất người theo chủ nghĩa Hồi giáo” tới một buổi cầu nguyện tại Lille, Pháp. Nhà nước Hồi giáo không phải bịa ra những câu chuyện về sự hận thù của phương Tây: Họ chỉ cần đăng hình ảnh của chính trị gia người Hà Lan Geert Wilders, người gần đây tuyên bố rằng: “Càng ít Hồi giáo thì càng tốt.” Những kẻ phóng hỏa đã thực hiện hàng chục cuộc tấn công vào những người tị nạn và nơi tạm trú ở Đức trong năm nay, trong khi những phần tử cực đoan tiếp tục nhắm vào các công dân Hồi giáo ở Pháp. Dòng chảy liên tục của hàng trăm ngàn người tị nạn và người di cư từ Trung Đông và châu Phi tạo ra một môi trường hoàn hảo cho chiến dịch của Nhà nước Hồi giáo.

Không hoạt động chống Hồi giáo nào trong số này có thể biện minh cho những nỗi kinh hoàng mà Nhà nước Hồi giáo đã gây ra, và chúng cũng không gây ra những tội ác đó. Kể cả khi châu Âu vẫn khoan dung chào đón như bất cứ ai vẫn mong muốn thì Nhà nước Hồi giáo vẫn sẽ gửi các chiến binh tới châu Âu và tuyển mộ những người dân địa phương bất mãn. Nhưng phản ứng chống lại những người Hồi giáo không liên quan gì tới ý thức hệ và các hành động của Nhà nước Hồi giáo làm cho tình trạng càng tồi tệ hơn nhiều. Châu Âu phải tránh chiếc bẫy mà Nhà nước Hồi giáo đã đặt ra bằng cách tập trung ứng phó với các cuộc tấn công ở Paris, cũng như những kẻ thủ phạm và những người ủng hộ chúng.

Tuy nhiên, cấp bách nhất là Châu Âu và Hoa Kỳ phải chấp nhận thực tế rằng các cuộc xung đột phe phái kéo dài ở Trung Đông là một mối đe dọa rõ ràng và hiện hữu đối với an toàn và an ninh của họ ở trong nước. Những cuộc chiến tranh ở Syria và Iraq đang giúp huy động các phần tử cực đoan từ khắp nơi trên thế giới. Đó là những đấu trường nơi những kẻ khủng bố có thể tích lũy các kỹ năng chiến tranh và mang chúng trực tiếp về phương Tây. Sự tự mãn của chúng ta về các cuộc xung đột này phải chấm dứt. Chúng ta phải tránh được sự cám dỗ trong việc ủng hộ những nhà độc tài như Bashar al-Assad của Syria với hy vọng rằng những người này có thể đánh bại một kẻ thù mà chính họ đã giúp trỗi dậy, cũng như giúp kiềm chế một cuộc xung đột mà chính họ đã thúc đẩy.

Các cuộc tấn công Paris phải trở thành lời kêu gọi hành động để chấm dứt các cuộc chiến tranh đang xé nát Trung Đông và làm những người tị nạn tuyệt vọng tràn ngập thế giới. Các cuộc tấn công này cũng là một bằng chứng nữa chứng minh rằng chúng ta không thể sống trong hòa bình ở trong nước trong khi hàng triệu người ở nơi khác đang chìm trong chiến tranh.

Harleen Gambhir là một nhà phân tích về chống khủng bố tại Học viện Nghiên cứu Chiến tranh.

Xem thêm: ISIS: Nguồn gốc, tham vọng và tác động

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]