Phương Tây đoàn kết với Putin để chống khủng bố?

1027784751

Nguồn: Nina L. Khrushcheva, “United With Putin Against Terror?Project Syndicate, 18/11/2015.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa tuyên bố ông sẽ “tìm và trừng phạt” những kẻ chịu trách nhiệm cho việc sử dụng một quả bom tự tạo để hạ một máy bay Nga tại Ai Cập khiến 224 người thiệt mạng hồi tháng 10. Thời điểm ông đưa ra tuyên bố, chỉ vài ngày sau khi những kẻ khủng bố sử dụng bom tự sát và súng AK để sát hại 129 người ở Paris, không phải là tình cờ. Putin thấy một lối dẫn tới phương Tây, và ông muốn tận dụng lợi thế của nó. Phương Tây không nên từ chối Putin.

Trong nhiều tuần qua, chính phủ Nga dường như lúng túng tìm phản ứng thích hợp trước vụ tai nạn máy bay, như thể lo ngại rằng những cái chết kia sẽ được đổ lỗi cho quyết định can thiệp vào cuộc nội chiến Syria của mình. Tuy nhiên, cuộc đổ máu ở Pháp đã làm thay đổi hoàn toàn tính toán, hướng tới khả năng diễn ra một sự xích lại gần nhau giữa Nga và phương Tây. Bằng cách tấn công Paris, Nhà nước Hồi giáo đã biến cuộc chiến ở Syria thành một cuộc xung đột toàn cầu. Và như màn trình diễn của Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng tỏ, Nga chắc chắn đang tham chiến.

Cần lưu ý rằng mối quan hệ đối đầu với phương Tây không phải là một phần kế hoạch ban đầu của Putin. “Nga là một phần của văn hóa châu Âu,” ông Putin nói với BBC hồi năm 2000, ít lâu trước khi được bầu làm tổng thống. “Tôi không thể tưởng tượng ra đất nước mình trong cảnh cô lập với châu Âu và với những gì mà chúng ta thường gọi là thế giới văn minh. Thật khó mà hình dung ra NATO với tư cách kẻ thù.”

Chỉ đến năm 2002, sau khi NATO bắt đầu các cuộc đàm phán để kết nạp Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Romania, Slovakia, và Slovenia, quan hệ giữa Nga và phương Tây mới bắt đầu xấu đi. Như cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã mô tả bước ngoặt này trong cuốn hồi ký của ông, “Vladimir [Putin] sau đó bắt đầu tin rằng người Mỹ đã không công nhận vị trí xứng đáng của ông.”

Thái độ hiếu chiến của Putin sau này được củng cố bởi những lo ngại chính trị trong nước – một cuộc suy thoái (kinh tế) sâu sắc khiến Kremlin muốn chuyển hướng cơn giận dữ và hoàn cảnh khốn khó của cử tri sang nguyên nhân bàn tay can thiệp của Hoa Kỳ (Tổng thống Barack Obama từng gọi Putin là “đứa trẻ buồn chán ở cuối lớp”). Nhưng chỉ đến khi Nga can thiệp vào Ukraine và sáp nhập Crimea hồi tháng 3 năm 2014, Putin mới trở nên đối đầu công khai, mô tả đất nước ông như là nạn nhân của sự xâm lược.

Phương Tây đã “nói dối chúng ta nhiều lần, đưa ra các quyết định đằng sau lưng chúng ta, đặt chúng ta trước một sự đã rồi,” ông Putin nói trong một bài phát biểu trên truyền hình, ít lâu sau khi cuộc trưng cầu dân ý không minh bạch tại Crimea củng cố quyền kiểm soát của Nga ở khu vực này. “Điều này diễn ra với việc NATO mở rộng về phía Đông và triển khai cơ sở hạ tầng quân sự tại biên giới của chúng ta.” Putin từ đó có vẻ đã phản ứng lại lời mô tả của Obama rằng Nga chỉ đơn thuần là một “cường quốc khu vực” bằng cách cố gắng chứng tỏ khả năng hoạt động của điện Kremlin trên toàn cầu – đáng chú ý nhất là bằng cách can thiệp vào Syria.

Tuy nhiên, tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Thổ Nhĩ Kỳ, Putin đã thể hiện một tông giọng hoàn toàn khác, chìa ra một bàn tay mở: “Chúng tôi đã đề xuất hợp tác chống khủng bố; nhưng tiếc là các đối tác của chúng tôi tại Hoa Kỳ trong giai đoạn đầu lại đáp lại bằng một lời từ chối… [Nhưng bây giờ] tôi nhận ra có vẻ như tất cả mọi người đang bắt đầu nhận thức được rằng chỉ bằng cách làm việc cùng nhau chúng ta mới có thể tiến hành được một cuộc chiến hiệu quả… Nếu các đối tác của chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc thay đổi mối quan hệ thì chúng tôi rất hoan nghênh điều đó.”

Logic đằng sau lời đề nghị của Putin rất rõ ràng. Nga đã đạt được mục tiêu của mình ở Ukraine: một cuộc xung đột bị đóng băng đã đem lại cho điện Kremlin một vai trò liên tục trong nền chính trị của đất nước này. Mục tiêu của Putin bây giờ là thuyết phục phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Nga. Như các nhà phân tích tại Stratfor Global Intelligence đã nói: “Trừ khi điện Kremlin sẵn sàng để cho các công ty Nga vỡ nợ hoặc sẵn sàng cắt giảm mạnh hơn các hoạt động hiện tại hay các khoản đầu tư của họ trong những năm tới, Moskva sẽ cần phải thuyết phục châu Âu dỡ bỏ ít nhất là các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất.”

Các vụ tấn công ở Paris đã cho Putin cơ hội thể hiện các hoạt động quân sự ở Syria như một sự giúp đỡ đối với phương Tây, một ví dụ chứng tỏ Nga đã sẵn sàng thực hiện công việc khó khăn là tấn công Nhà nước Hồi giáo trong lãnh thổ của nó. Putin cũng đã nhượng bộ trong các lĩnh vực ngoại giao. Tại một hội nghị thượng đỉnh tại Vienna hôm 15 tháng 11, chỉ hai ngày sau khi diễn ra các cuộc tấn công ở Paris, Nga và Mỹ dường như đã gạt sang một bên một số khác biệt của họ về cách thức chấm dứt cuộc nội chiến của Syria, cùng đồng ý với lịch trình theo đó một chính phủ mới sẽ được bầu lên vào đầu năm 2017.

Mỹ và các đồng minh châu Âu đã bất ngờ giành được đòn bẩy ảnh hưởng lớn đối với điện Kremlin, và họ không nên e ngại sử dụng nó. Dù phương Tây không nên nhanh chóng dỡ bở các biện pháp trừng phạt của mình – bởi tranh chấp về Crimea sẽ không thể được giải quyết một cách nhanh chóng – nhưng việc khai thác mong muốn được công nhận như một cường quốc lớn trên toàn cầu của điện Kremlin là một chiến lược đúng đắn. Cuộc xung đột bị đóng băng ở miền Đông Ukraine có thể tan băng nếu phương Tây thuyết phục được Nga tuân thủ Nghị định thư Minsk, rút quân khỏi biên giới, và giúp tạo điều kiện cho các cuộc bầu cử địa phương theo tiêu chuẩn quốc tế.

Nếu Putin sẵn sàng thể hiện thiện chí bằng cách hợp tác ở Ukraine, phương Tây nên cân nhắc đưa ra một số nhượng bộ nhỏ để đáp lại. Sự tham gia của Nga trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo – và trở về với hàng ngũ các nước tuân thủ quy tắc luật pháp của cộng đồng quốc tế – có thể sẽ đáng giá.

Nina L. Khrushcheva, tác giả của các cuốn sách Imagining Nabokov: Russia Between Art and PoliticsThe Lost Khrushchev: A Journey into the Gulag of the Russian Mind, là Giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế và Phó Hiệu trưởng Trường Đại học The New School tại New York. Bà cũng là nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Chính sách Thế giới.

Copyright: Project Syndicate 2015 – United With Putin Against Terror?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]