Nguồn: “Assad’s fate pivotal to resolving Syrian conflict”, The Straits Times, 24/11/2015.
Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân
Phần lớn thế giới đều đồng ý rằng Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (ISIS) phải bị tiêu diệt. Nhưng đạt được điều đó bằng cách nào và liệu loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad có giúp thúc đẩy hay cản trở tiến trình đó vẫn còn là một đề tài gây tranh cãi kịch liệt.
Các cuộc tấn công khủng bố tại Paris đã thúc đẩy các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết cuộc nội chiến ở Syria vốn góp phần dẫn tới sự trỗi dậy của ISIS, nhóm chiến binh chịu trách nhiệm về các cuộc tàn sát khiến 130 người thiệt mạng tại thủ đô nước Pháp.
Tuy nhiên, sau hơn 4 năm rưỡi, những trở ngại đối với hòa bình ở Syria vẫn không thay đổi, trong đó trở ngại lớn nhất là số phận của Tổng thống Bashar al-Assad.
Cuộc xung đột bắt đầu vào tháng 3 năm 2011 với các cuộc biểu tình ôn hòa, sau đó phát triển thành một cuộc nội chiến vốn đã hút các cường quốc thế giới tham gia vào. Một số cường quốc chia sẻ các mục tiêu lớn trong khi những quốc gia khác, như các đối thủ trong khu vực là Iran và Ả-rập Saudi, lại có xung đột lợi ích.
Iran do người Hồi giáo dòng Shia chiếm đa số và hỗ trợ ông Assad, người thuộc phái Alawite vốn là một nhánh của người Hồi giáo dòng Shia. Chế độ của ông từ lâu đã đàn áp những người Syria thuộc dòng Sunni, tạo cảm hứng cho phe đối lập trong nước và thu hút các chiến binh Sunni từng bị loại ra khỏi quân đội Iraq sau năm 2003 tham gia cuộc chiến, thường trong hàng ngũ của ISIS.
Ở phía bên kia của cuộc kình địch khu vực giữa các giáo phái là Ả-rập Saudi vốn có người Sunni chiếm đa số, và nước này ủng hộ các nhóm tìm cách hạ bệ ông Assad.
Nga khiến Hoa Kỳ bất ngờ vào cuối tháng Chín vừa qua với các cuộc không kích nhằm vào ISIS và các nhóm khác mà nước này coi là khủng bố.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phàn nàn rằng các mục tiêu không kích của Nga bao gồm cả các nhóm đối lập Syria được hỗ trợ bởi Washington. Ông nói rằng các hành động của Tổng thống Nga Vladimir Putin là “nhằm vực dậy chế độ Assad”.
Nhưng sau cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo bên lề thượng đỉnh nhóm G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tháng này, ông Putin nói hai bên đã “bắt đầu nhận ra rằng chúng tôi chỉ có thể chiến đấu hiệu quả nếu phối hợp cùng nhau”.
Một thỏa thuận giữa 17 quốc gia, bao gồm cả Iran và Nga, vốn gặp nhau tại Vienna vào ngày 14 tháng 11, đã đưa ra một khung thời gian để cho các nhóm đối lập Syria soạn thảo một bản hiến pháp và bầu ra một chính phủ mới vào năm 2017. Tuy nhiên, thỏa thuận Vienna vẫn còn để ngỏ nhiều vấn đề then chốt, bao gồm câu hỏi nhóm nào trong số hàng trăm nhóm đối lập sẽ được tham gia tiến trình chính trị này.
Thỏa thuân này không thể kết thúc chiến tranh, vì ISIS, Mặt trận Nusra thuộc Al-Qaeda và một số nhóm Hồi giáo khác đã bị loại trừ. Tuy nhiên, nó có thể dẫn đến một lệnh ngừng bắn giữa các lực lượng của Assad với một số nhóm phiến quân, và sau đó hai bên có thể hợp tác với nhau để chống ISIS.
Thỏa thuận Vienna cũng không xác định liệu một chính phủ mới sẽ có quyền hành pháp đầy đủ hay không. Đây là một đòi hỏi quan trọng đối với những người phản đối việc ông Assad đóng một vai trò nào đó trong quá trình quá độ.
Và liệu ông Assad có cam kết tham gia một tiến trình vốn có thể chấm dứt chế độ của ông hay không? Ông đã luôn tuyên bố rằng các thế lực bên ngoài không có quyền quyết định vấn đề đó và ông sẽ chỉ lắng nghe ý muốn người dân của mình. Nhưng trong các vùng thuộc Syria mà ông vẫn quản lý – gồm 60 phần trăm dân số và 25 phần trăm lãnh thổ cả nước – thì một cuộc bỏ phiếu tự do về tương lai của Assad là điều không thể xảy ra.
Assad nói với tạp chí Pháp Valeurs Actuelles hôm 12 tháng 11 rằng “Hiến pháp quy định chức Tổng thống, và (chỉ có) Hiến pháp mới có thể làm cho ông ta ra đi, thông qua Quốc hội, thông qua bầu cử, thông qua một cuộc trưng cầu dân ý, vv…”.
Và dù Mỹ và các đồng minh nói rằng các tổ chức quân sự và chính phủ Syria nên vẫn được giữ nguyên sau khi ông Assad ra đi, nhưng những người trung thành với ông vốn thống trị các thể chế này có thể gây bất ổn cho vị lãnh đạo nhà nước mới nào tìm cách sa thải họ.
“Assad đã tạo ra một nhà nước theo hình dung của mình”, Giáo sư Joshua Landis tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông thuộc Đại học Oklahoma nói. “Cái giá của sự thay đổi chế độ sẽ là sự hỗn loạn.”
Xem thêm: Người Hồi giáo Sunni và Shia khác nhau ở chỗ nào?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]