Tác giả: Nguyễn Thế Phương
Trung Quốc tiến hành cải tổ lớn quân đội nhằm xây dựng lực lượng theo hướng chính quy, hiện đại. Theo đó, trong một cuộc họp về cải tổ cơ cấu quân đội ở Bắc Kinh ngày 26-11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu cần phải có những đột phá trong công cuộc xây dựng quân đội (PLA) trước năm 2020.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc tái khẳng định mục đích của cải tổ là nhằm tổ chức lại cơ cấu quản lý quân sự hiện nay và bộ máy chỉ huy. Trong đó, Quân uỷ Trung ương Trung Quốc giữ vai trò quản lý, chỉ huy mọi hoạt động của PLA.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Yang Yuijun nhấn mạnh công cuộc cải tổ sẽ được tiến hành từ trên xuống dưới, từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất. “Chúng tôi dự định sẽ hoàn thành cải tổ ngành quốc phòng và quân đội trước năm 2020. Chúng tôi đảm bảo những cải tổ sẽ được triển khai nhằm duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu của quân đội và giúp quân đội đủ khả năng hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào được giao bởi Đảng và nhân dân ở bất kỳ thời điểm nào”.
Hiện tại, PLA có tất cả 7 đại quân khu với cơ cấu tổ chức chỉ huy riêng biệt. Điều này dẫn đến sự khó khăn trong hiệp đồng tác chiến giữa các đại quân khu. Mặc dù không công bố chi tiết những nội dung sẽ cải tổ, song giới quan sát nhận định đây chỉ là bước đầu trong công cuộc cải tổ sâu rộng PLA theo hướng một đội quân hiện đại tầm vóc quốc tế.
Trong khi Trung Quốc tiến hành cải tổ quân đội theo hướng hiện đại, thì Nhật Bản, quốc gia đối thủ của Bắc Kinh tại khu vực Đông Á, lại thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng. Trong lúc báo chí phương Tây tập trung chủ yếu vào dự luật an ninh quốc gia mới gây nhiều tranh cãi của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thì Tokyo đã thành lập một cơ quan chuyên xúc tiến xuất khẩu vũ khí (viết tắt là ATLA) trực thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Đây được xem là một cách tiếp cận mới của Tokyo đối với thị trường vũ khí thế giới.
Không dừng lại đó, nhiệm vụ của ATLA còn bao gồm cả quản lý các bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D), mua sắm và xuất khẩu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, loại bỏ tình trạng quan liêu và lãng phí nhân lực. Nếu so với các cơ quan tương tự ở các nước có nền công nghiệp quốc phòng tương đương Nhật Bản là Anh và Pháp thì quy mô của ATLA được xem còn khá khiêm tốn khi chỉ có 1.800 nhân viên với ngân sách khoảng 2 nghìn tỉ Yên (tương đương 16,3 tỉ USD). Tuy nhiên, đối với Nhật Bản, ATLA là một cơ quan thật sự lớn, chiếm gần 1/3 tổng ngân sách dành cho Bộ Quốc phòng. ATLA được xem là động thái mới nhất của Bộ Quốc phòng cho thấy sự thay đổi từ chính sách phát triển hàng hoá nội địa thập niên 1970 sang chiến lược mới được gọi là “Chiến lược phát triển sản phẩm quốc phòng và nền tảng công nghệ” (“Strategy for Defense Production and Technological Bases”).
Việc thành lập ATLA có sự liên quan mật thiết đến những thay đổi gần đây trong chính sách an ninh của Nhật Bản, đặc biệt là chính sách nới lỏng xuất khẩu vũ khí. Câu chuyện bắt đầu vào năm 1967 khi Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Eisaku Sato đưa ra “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí và những chính sách hướng dẫn liên quan”. Các quốc gia Cộng sản, các nước bị cấm vận vũ khí theo nghị quyết của Liên Hợp Quốc và những nước can dự vào các xung đột quốc tế đều nằm trong diện cấm xuất khẩu vũ khí của Tokyo. Đến năm 1976, cơ hội để vũ khí Nhật Bản gia nhập thị trường thế giới bằng không khi Thủ tướng Takeo Miki tuyên bố Tokyo sẽ không thúc đẩy xuất khẩu vũ khí, bất kể đó là quốc gia nào.
Cho đến tháng 12 năm 2013, chính sách này đã thay đổi khi Nhật Bản lần đầu tiên công bố Chiến lược An ninh Quốc gia, trong đó có đề cập đến việc sẽ xem xét lại lệnh cấm xuất khẩu vũ khí. Đến tháng 4 năm 2014, chính quyền ông Abe cuối cùng đã sửa đổi Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí, thậm chí còn đổi tên thành “Ba nguyên tắc chuyển giao thiết bị quốc phòng”. Theo đó, vũ khí Nhật Bản sẽ được xuất khẩu nếu nó đảm bảo hoà bình thế giới và bảo vệ lợi ích quốc gia Nhật Bản.
Tuy nhiên, có 5 thách thức mà ATLA đang phải đối mặt. Một là, phải làm sao để kết hợp một cách trơn tru tất cả các nhân viên đến từ nhiều bộ phận khác nhau của Hải – Lục – Không quân. Hai là, quá trình giám sát dân sự trong mua sắm trang thiết bị vũ khí. Ba là trình tự thủ tục xin phép phức tạp, phải thông qua nhiều bộ ngành và Hội đồng An ninh Quốc gia. Và cuối cùng là mức độ sẵn lòng của các nhà thầu Nhật Bản trong việc đánh đổi giữa uy tín, hình ảnh thương hiệu và xuất khẩu vũ khí.
Chuyển sang một diễn biến khác có liên quan trên biển Đông, Hải quân Trung Quốc dường như đã có được quyền truy nhập đến cảng Kota Kinabalu của Malaysia. Đây là khu vực nằm rất gần với quần đảo Palawan của Philippines và nằm về phía Nam của quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nhiều khả năng thoả thuận đã được thông qua trong chuyến thăm của Đô đốc – Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Wu Shengli đến Malaysia ngày 10 tháng 11 vừa qua. Đây là lần đầu tiên một Tư lệnh Hải quân Trung Quốc đến thăm Malaysia.
Một vài chi tiết cụ thể của bản thoả thuận đã được công bố, song theo các phương tiện truyền thông Malaysia, dường như đã có một thoả thuận khác được thông qua giữa hai bên cho phép Hải quân Trung Quốc có quyền sử dụng cảng Kota Kinabalu như là một trong những biện pháp tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Cũng cần phải nhắc lại, ý tưởng về việc Hải quân Trung Quốc có quyền tiếp cận cảng Kota Kinabalu không phải là điều mới mẻ. Tháng 8 năm 2013 một tàu huấn luyện của Hải quân Trung Quốc là Zhenghe đã neo đậu ở cảng Kota Kinabalu, bắt đầu chuyến thăm thiện chí Malaysia kéo dài 5 ngày. Vì vậy, thoả thuận vừa đạt được chỉ là bước đệm khoác lên tính chính thức cho việc truy cập của tàu chiến Trung Quốc đến cảng.
Tuy nhiên, việc tàu chiến Trung Quốc giờ đây có thể đàng hoàng cập cảng Kota Kinabalu lại là một vấn đề khác. Nhất là khi bến cảng nằm ở vị trí thuận lợi, hướng ra biển Đông và rất gần với các khu vực đang tranh chấp. Thêm vào đó, bản thân Malaysia cũng đã từng bị Trung Quốc “nhòm ngó” vùng biển khi đưa tàu đến tận bãi Luconia để thực hiện cái gọi là “tuần tra chấp pháp”.
Một số tin vắn quốc phòng đáng chú ý
Trung Quốc đã tiến hành thành công chuyến bay thử nghiệm lần thứ sáu của thiết bị phóng siêu thanh DF-ZF (trước đây có mã hiệu là WU-14). DF-ZF được coi là một loại tên lửa siêu thanh có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ dựa trên các loại tên lửa đánh chặn. Đầu đạn của DF-ZF được đưa lên độ cao giữa không gian và khí quyển của Trái đất, ở khoảng cách 100 km. Khi đã đạt tới độ cao xác định, DF-ZF sẽ “lướt” trên không với một quỹ đạo thẳng với vận tốc Mach 10 (gấp 10 lần vận tốc âm thanh).
Philippines tiếp nhận các máy bay chiến đấu thế hệ mới đầu tiên. Ngày 28 tháng 11, tại căn cứ không quân Clark, Không quân Philippines đã tiếp nhận 2 máy bay chiến đấu mới do Hàn Quốc sản xuất. Đây được xem là nỗ lực nhằm củng cố năng lực quốc phòng Philippines trong bối cảnh các tranh chấp gần đây trên biển đang có nhiều diễn biến phức tạp. Theo hợp đồng, Manila mua 12 máy bay chiến đấu huấn luyện FA-50 từ Hàn Quốc để đảm nhiệm luôn vai trò tiêm kích chiến đấu đa năng. Hợp đồng chưa bao gồm vũ khí, bom và tên lửa cho máy bay.
Philippines thông qua gói ngân sách quốc phòng gần 1 tỷ USD. Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã chỉ định Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin sử dụng gói ngân sách trị giá 44 tỷ Peso (tương đương 936 triệu USD) để sắm thêm các trang thiết bị quân sự mới. Cụ thể sẽ dành để mua 2 tàu khu trục cho hải quân, trực thăng chống ngầm, các phương tiện tấn công đổ bộ cho thuỷ quân lục chiến và máy bay tuần tra tầm xa, cũng như đạn dược cho các máy bay FA-50 và radar giám sát cho không quân. Theo kế hoạch, các trang thiết bị mới sẽ bắt đầu được thương thảo và mua từ đây cho đến năm 2018.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]