Nguồn: “Top 10 Ancient Laws Way Ahead Of Their Time“, Toptenz.net, 24/03/2012.
Biên dịch: Hoàng Thảo Anh
Những bộ cổ luật đã được biên soạn bài bản từ cách đây hơn 4000 năm (từ khoảng những năm 2000 TCN). Đa số chúng thường có những quy định rất hà khắc và bị xem là man rợ, nhưng cũng có rất nhiều trường hợp, các luật lệ cổ xưa đó thực sự có tính từ bi và công bằng, thậm chí còn vượt trội nếu so với các nền pháp luật hiện hành.
9. Quyền động vật – Luật Brehon
“Việc cưỡi một con ngựa cho đến khi nó kiệt sức, bắt một con bò đau yếu làm việc quá mức hay hành hạ một con vật trong cơn giận dữ mà khiến nó gãy xương, là bất hợp pháp”
Nguồn: Luật Brehon (cổ luật của người Celtic, nay thuộc Ireland)
Giá trị của động vật thường được dựa trên lượng công việc chúng có thể làm cho đến trước lúc chết. Thông thường, chủ sở hữu khai thác triệt để sức lao động của súc vật với hy vọng thu về lợi nhuận cao. Luật Brehon đã được soạn thảo cách đây ít nhất 4000 năm, và nó khẳng định rằng sức lao động của động vật không phải để lạm dụng hoặc để khai thác lấy lời. Phải đến năm 1966, một đạo luật của Mỹ quy định điều tương tự – Đạo luật Bảo vệ Động vật mới được ban hành.
8. Không ai được phép đứng trên luật pháp – Luật Brehon
“Những mệnh lệnh của nhà vua không được có tính lừa dối, bắt buộc hay cưỡng chế . Ông ta phải công bằng với mọi người dân của mình, kể cả người yếu và kẻ mạnh.”
Nguồn: Luật Brehon
Trong lịch sử các nước châu Âu, chính quyền thường chỉ tồn tại dưới hình thức quân chủ với quyền lực tuyệt đối thuộc về hoàng đế. Thuyết Thần quyền đã khẳng định nhà vua được sự ủy thác của Chúa, và vì thế không phải chịu trách nhiệm gì về những hành động của mình. Là một trong những luật đầu tiên hạn chế quyền lực của nhà vua, từ cách đây gần 4000 năm, luật Brehon đã có các quy định chống lại quyền hạn của những kẻ thống trị. Nó khẳng định rằng nhà vua phải cai trị một cách công bằng, và phần sau của văn bản luật này đưa ra những trường hợp mà nhà vua có thể bị lật đổ nếu vi phạm.
7. Cấm chiếm dụng lương của người lao động – Bộ luật Mosaic
“Cần phải trả tiền lương cho công nhân đúng thời hạn. Không được giữ tiền lương của họ qua đêm cho đến sáng.”
Nguồn : Bộ luật Mosaic (cổ luật của người Do Thái)
Được viết vào khoảng năm 1400 TCN, quy định này của luật Mosaic cho rằng người sử dụng lao động phải trả lương cho công nhân của mình dựa trên số ngày mà họ làm công. Trong lịch sử, người lao động luôn phải hoàn thành công việc để rồi bị bòn rút khi nhận tiền công vào phút cuối. Đây là ghi chép đầu tiên về quy định đối với thu nhập của người lao động. Trước đó, không có cách nào để chứng minh một người lao động có được trả công đúng với công việc họ được thuê hay không. Nước Mỹ cũng không hề có quy định về thu nhập của người lao động mãi cho đến năm 1938 với sự ra đời của Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động Công bằng (Fair Labor Standards Act).
6. Xét xử công bằng theo Pháp luật – Bộ luật Mosaic
“Không được xuyên tạc công lý. Không được có sự đãi ngộ đặc biệt đối với người nghèo cũng như người giàu. Hãy xét xử người dân một cách công bằng.”
Nguồn: Bộ luật Mosaic
Về cơ bản, điều luật này khẳng định sự thiên vị bất kì bên nào trong quá trình xét xử là sai trái và không được phép xảy ra. Dù người phạm tội có hoàn cảnh bần cùng hay gia thế giàu có, mọi người dân đều phải được đối xử như nhau. Thực tế, sự công bằng lý tưởng như vậy không bao giờ xảy ra. Tuy nhiên, ghi nhận nó là một bước tiến đáng kể của các nhà lập pháp. Trên thế giới, luật về xét xử công bằng đã được nhắc đến trong nhiều văn bản luật, nhưng luật Mosaic là văn bản đầu tiên ghi chép về nó từ cách đây 3400 năm. Điều luật trên cũng tương tự với Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ, được công bố năm 1868[1].
5. Bảo hộ tự do tôn giáo – Sicut Judaeis
“Người Do Thái không cần phải chịu bất kì định kiến nào. Chúng ta, trên cả sự hiền hòa của đạo đức Kito giáo, để gìn giữ những gì thuộc về ký ức hạnh phúc mà các bậc tiền bối đã để lại, các thế hệ Giáo Hoàng La Mã gồm Calixtus, Eugene, Alexander, Clement, đã chấp nhận yêu cầu của họ (người Do Thái), và ban cho họ sự che chở từ sự bảo hộ của chúng ta.”
Nguồn: Các sắc lệnh của Giáo Hoàng Công giáo (Catholic papal bulls)
Những sắc lệnh quy định nội dung trên được soạn thảo vào đầu thế kỉ 12, trong thời đại mà người ta chém giết lẫn nhau chỉ vì niềm tin tôn giáo. Nếu bị nghi ngờ có tư tưởng báng bổ, hoặc thậm chí chỉ là không thờ phụng Chúa Jesus, bạn có thể bị sát hại. Nội dung sắc lệnh khẳng định người Do Thái nên được tôn trọng và được tự do tôn giáo trọn vẹn. Điều này cho thấy một sự rộng lượng khó có thể mong đợi tại thời điểm đó, và dường như là một bước tiến quan trọng đối với Giáo hội Công giáo. Đáng tiếc rằng lòng khoan dung của Giáo hội không kéo dài, thậm chí các đạo luật được ban hành sau này còn khẳng định điều ngược lại: người Do Thái phải bị phân biệt đối xử
4. Chống nạn nô lệ – Sublimus Dei [2]
“Người Anh-điêng và những dân tộc khác có thể sẽ được phát hiện sau này bởi người Cơ đốc giáo, không bị tước đoạt tự do hay tài sản thuộc sở hữu của mình, kể cả khi họ không thờ phụng Chúa Jesus. Họ có thể và nên được hưởng sự tự do, cũng như sở hữu tài sản của mình một cách tự do và hợp pháp, và không bị bắt làm nô lệ trong bất kì hoàn cảnh nào. Nếu điều ngược lại xảy ra, nó sẽ là vô giá trị và không có hiệu lực.”
Nguồn: Các sắc lệnh của Giáo Hoàng Công giáo
Được ban hành vào năm 1537, văn bản này được soạn thảo bởi Giáo Hoàng Paul III với nội dung cấm chế độ nô lệ. Mục đích chính của sắc lệnh là cấm nô dịch hóa người bản xứ ở Mỹ và vùng West Indies (Tây Ấn [3]). Nhưng nó cũng bao hàm những nhóm người khác không đáng phải chịu sự nô dịch vô lý – cũng có nghĩa là tất cả mọi người. Đáng tiếc là những kẻ thực dân đã từ chối, và Hoa Kỳ đã không cấm nô lệ mãi cho đến năm 1864, với sự ra đời của Tu chính án thứ 13 [4].
Không như người ta vẫn tưởng, Tuyên ngôn Giải phóng được thông qua trước đó vào năm 1862 của Tổng Thống Lincoln không khiến chế độ nô lệ trở nên bất hợp pháp. Nó chỉ trả tự do cho những nô lệ ở 10 bang thuộc phe Liên Minh, những bang mà không ai trong số đó muốn theo pháp luật của phía thù địch. Và vì thế, Tuyên ngôn Giải phóng chỉ được thông qua như một giải pháp tạm thời nhằm giúp phe Liên Minh chiến thắng trong cuộc Nội chiến
3. Làm việc để xóa nợ
“Trường hợp người nào không trả được nợ và phải bán mình, bán vợ, bán con để lấy tiền hoặc đưa những người đó đi lao động khổ sai, thì họ sẽ làm việc trong ba năm ở nhà của người đã mua họ, hoặc người chủ. Vào năm thứ tư, họ sẽ được trả tự do.”
Nguồn: Bộ luật Hammurabi
Điều luật này đảm bảo rằng nếu bạn không thể trả nợ, thay vì dễ dàng lâm vào tình thế khốn quẫn, bạn có thể làm việc để thoát khỏi nợ nần. Bạn có thể tự do lần nữa chỉ cần làm việc chăm chỉ. Con người luôn có lúc phạm sai lầm, với điều luật này thì một thất bại để trả hết nợ không bị chỉ trích.
2. Không ai sinh ra là Nô lệ – Hammurabi
“Nếu một nô lệ Nhà nước hoặc nô lệ của một người đàn ông tự do cưới con gái của một người tự do khác và sinh con, thì chủ của người nô lệ đó sẽ không có quyền biến đứa trẻ thành nô lệ.”
Nguồn: Bộ luật Hammurabi
Trước hết, ý tưởng về một nô lệ cưới một người không phải nô lệ luôn xuất hiện ở bất kỳ đâu lưu hành chế độ này. Những nô lệ ở Mỹ thậm chí không được kết hôn với nô lệ khác. Và hôn nhân khác chủng tộc từng bất hợp pháp ở nhiều bang mãi cho đến những năm sau 1960, chỉ mới cách đây khoảng 50 năm. Cổ luật Hammurabi không chỉ cho nô lệ quyền kết hôn với những ai mà họ muốn, mà còn hứa hẹn rằng con của họ sẽ được tự do.
1. Mức lương tối thiểu – Hammurabi
“Nếu ai thuê một người lao động làm đồng, thì phải trả cho người đó ít nhất tám gur ngô mỗi năm”
Nguồn: Bộ luật Hammurabi
Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng quả thật, đây chính là quy định đi trước thời đại nhất trong lịch sử pháp luật – sự thiết lập đầu tiên về mức lương tối thiểu. Theo đó, người sử dụng lao động không còn có thể trả lương một cách hú họa. Tám gur ngô mỗi năm có vẻ hơi thấp, nhưng chắc chắn là tốt hơn rất nhiều so với việc nhận một gur. Mặc dù luật pháp Australia đã có những quy định về tiền lương tối thiểu vào những năm 1890, sự thiết lập mức lương tối thiểu quốc gia chỉ mới xuất hiện ở Mỹ từ năm 1938. Bộ luật Hammurabi đã làm điều đó vào những năm 1700 TCN. Như vây, nước Mỹ đã chậm nhịp đến 3500 năm để thông qua chế định này nhằm bảo vệ người lao động. Và hiện tại, giới chính trị gia Hoa Kỳ vẫn đang tranh cãi về sự cần thiết tồn tại mức lương tối thiểu.
——————-
Chú giải của người dịch
[1] Khoàn 1, Tu chính án thứ XIII của Hoa Kỳ quy định: “Tất cả những người sinh ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ hoặc được nhập quốc tịch ở Hoa Kỳ và thuộc thẩm quyền tài phán ở đó, đều là công dân của Hoa Kỳ và của bang mà họ sinh sống. Không một bang nào được ban hành hoặc thực thi bất cứ đạo luật nào nhằm hạn chế đặc quyền hoặc quyền bất khả xâm phạm của công dân Hoa Kỳ. Cũng không một bang nào có thể tước đoạt sinh mệnh, tự do hoặc tài sản của một cá nhân mà không theo một quy trình do luật định. Cũng không thể phủ nhận quyền được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng của một cá nhân trong phạm vi thẩm quyền tài phán của bang đó”
[2] Tạm dịch từ “Sublimus Dei”: Từ Chúa ở cõi trên (From God on high) – wikipedia
[3] Hay còn gọi là quần đảo Tây Ấn, là một vùng thuộc bồn địa Caribe và Bắc Đại Tây Dương, bao gồm các quần đảo Antilles và quần đảo Lucayan.
[4] Khoản 1, Tu chính án thứ XIII của Hoa Kỳ quy định: “Không một chế độ nô lệ hoặc lao dịch cưỡng bức nào có thể tồn tại ở Hoa Kỳ hoặc ở một nơi nào thuộc thẩm quyền của Hoa Kỳ, trừ trường hợp trừng phạt thích đáng đối với tội phạm hình sự mà đương sự phạm phải.”
Nguồn: Luatkhoa.org
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]