Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (09/12/2015)

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Các căn cứ tiền phương của Mỹ tại Châu Á – Thái Bình Dương đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì vị thế cường quốc của Washington tại khu vực. Kể từ Đạo luật Goldwater-Nicholas năm 1986, toàn bộ các quân chủng của quân đội Mỹ đã tiến hành tái cấu trúc và tăng cường khả năng thực hiện các chiến dịch hiệp đồng. Nền tảng của sức mạnh đó chính là các căn cứ không quân chiến lược tầm ngắn trên biển và trên đất liền của Mỹ được thiết lập xung quanh đối thủ, là cơ sở để các chiến dịch không quân được triển khai.

Tại Đông Á, lực lượng không quân Mỹ tập trung tại một số căn cứ chính ở Nhật Bản và đảo Guam. Những căn cứ này, vốn trước đây luôn được cho là an toàn và khó có thể bị tấn công, hiện tại đang bị đe doạ bởi chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận của Trung Quốc (A2/AD). Tầm bắn của các loại vũ khí tấn công chính xác và tên lửa đạn đạo hiện nay của quân đội Trung Quốc đã có khả năng bao phủ hầu hết các căn cứ này. Điều này dẫn tới khả năng một cuộc chiến tranh hạn chế với Trung Quốc, nếu xảy ra, có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh khu vực (thậm chí là toàn cầu). Lý do là hầu hết các căn cứ quân sự và trang thiết bị chiến đấu của Mỹ ở khu vực đều được đặt trên lãnh thổ của một nước khác, hoặc là nằm trong tầm ngắm của các tên lửa Trung Quốc.

Căn cứ không quân Kadena tại Okinawa, căn cứ không quân Andersen tại Guam và căn cứ không quân của thuỷ quân lục chiến tại Iwakuni (MCAS) là ba căn cứ quân sự quan trọng nhất của Mỹ tại Đông Á. Trong đó, Kadena và Andersen là hai căn cứ không quân lớn nhất thế giới của Mỹ đặt ở nước ngoài, tập trung hầu hết sức mạnh không quân của Mỹ ở khu vực. Các loại máy bay như máy bay cảnh báo sớm E3, máy bay tiếp dầu KC-135, máy bay chiến đấu F-15 hay F-22 thường xuyên được luân chuyển tới Kadena và MCAS Iwakuni là căn cứ của các trang thiết bị tối tân nhất của Thuỷ quân lục chiến Mỹ như F-18 “Ong bắp cày”, F-35B và một số máy bay hỗ trợ khác.

Andersen lại có một tầm quan trọng khác. Nằm trên đảo Guam thuộc lãnh thổ Mỹ, Andersen cùng với căn cứ Diego Garcia tại Ấn Độ Dương là căn cứ tiền phương cho các máy bay ném bom chiến lược của không quân. Hai căn cứ này cũng cung cấp hậu cần và hỗ trợ cho không quân trong trường hợp xung đột xảy ra ở Đông Á. Các máy bay B-52, B2 hay B1 đậu san sát, đó là chưa kể tới các loại máy bay tiếp dầu, cảnh báo trên không và các loại chiến đấu cơ khác.

Rõ ràng, trong trường hợp xung đột thực sự xảy ra với Trung Quốc ở khu vực, thì tất cả các căn cứ kể trên sẽ là điểm nóng dễ bị tấn công. Quân đội Mỹ phụ thuộc càng nhiều vào Kadena, Anderson hay Iwakuni, thì Trung Quốc càng có động lực để tiến hành tấn công phủ đầu vào các căn cứ này. Một cuộc tấn công như thế sẽ gây thiệt hại cực kỳ lớn tới các trang thiết bị quân sự của Mỹ, cũng như đe doạ mở rộng xung đột ra Đài Loan và quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, lôi kéo các quốc gia khác vào cuộc chiến và khiến cho rủi ro leo thang xung đột gia tăng.

Ví dụ, các máy bay cất cánh liên tục từ các căn cứ này để làm nhiệm vụ tại Đài Loan hay Trường Sa có thể buộc Trung Quốc sử dụng tên lửa hành trình hay tên lửa hạm để tấn công. Quân đội Trung Quốc có thể kết luận rằng cách duy nhất để loại bỏ các mối đe doạ trên không là tấn công máy bay khi chúng chưa cất cánh. Điều này hoàn toàn hợp lý với các xung đột tại Trường Sa, khi các sân bay mới được Trung Quốc xây dựng tại Gạc Ma hay Subi sẽ mở rộng năng lực tấn công của quân đội nước này.

Guam và Okinawa đều nằm trong tầm hoạt động của các loại tên lửa đạn đạo hiện đại nhất của Trung Quốc, cũng như các máy bay ném bom như H-6K vốn được trang bị tên lửa đối đất CJ-20. Một nghiên cứu của RAND Corporation cho biết Trung Quốc chỉ cần sử dụng 36 tên lửa đạn đạo là đủ để trì hoãn hoạt động của căn cứ Kadena trong vòng 4 ngày, và các hoạt động tiếp dầu trong 7 ngày. MCAS Iwakuni có thể hứng chịu một nửa số đợt tấn công. Vấn đề có thể tồi tệ hơn, theo Jane’s IHS, có đủ vũ khí để Trung Quốc có khả năng khiến cho Kadena hay Iwakuni không thể hoạt động trong vòng ít nhất một tháng.

Tấn công vào Okinawa chắc chắn sẽ lôi Nhật Bản vào xung đột, thậm chí ngay cả khi Tokyo mong muốn đứng ngoài đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc tại Đài Loan hay Biển Đông. Tấn công vào Anderson sẽ nguy hiểm hơn nữa vì một cuộc tấn công như vậy được coi là trực tiếp nhằm vào lãnh thổ Hoa Kỳ.

Để khắc phục rủi ro này, Đánh giá quốc phòng hàng quý năm 2014 của Lầu Năm Góc đã lưu ý rằng “Bộ Quốc phòng sẽ tiến hành phân tán lực lượng cả trên bộ và và trên biển tới các căn cứ khác, tăng cường năng lực triển khai và duy trì các máy bay tiền tuyến với khả năng hậu cần tối thiểu nhất”. Sự phân tán lực lượng này sẽ khiến cho tính toán của Bắc Kinh phải thay đổi, bởi vì cái giá của leo thang xung đột sẽ lớn hơn nhiều so với những lợi ích mà nó mang lại. Hơn nữa, Trung Quốc chỉ có đủ tên lửa để phá huỷ tối đa 3 căn cứ.

Tiếp theo, các máy bay chiến lược của Mỹ có thể cất cánh tại các căn cứ trên lục địa Hoa Kỳ, do khả năng mang các loại vũ khí thông thường ở khoảng cách lớn. Tuy nhiên, rủi ro xuất hiện là Trung Quốc có thể tấn công các căn cứ như vậy trên lục địa Hoa Kỳ. Trong trường hợp này, Bắc Kinh sẽ phải tính toán một cách cẩn thận giữa cái giả phải trả và lợi ích mà mình sẽ đạt được nếu tiến hành các cuộc tấn công như vậy.

Cuối cùng, hải quân Mỹ có thể cân nhắc sử dụng nhiều hơn hai nhóm tác chiến tàu sân bay để tiến hành các chiến dịch tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Điều này cho phép tập trung lực lượng và giảm gánh nặng điều phối. Rủi ro cho phương án này đến từ công nghệ tên lựa đạn đạo chống tàu của Trung Quốc. Tuy vậy, nếu hải quân Mỹ biết cách triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay một cách hiệu quả, với những khả năng chống do thám – chống giám sát được thực hiện khéo léo và sáng tạo thì sẽ tạo ra những thách thức lớn cho Trung Quốc.

Một số tin vắng quốc phòng đáng chú ý

Michael W. Pietrucha đã nhấn mạnh tới một bước tiến công nghệ vũ khí Mỹ mà ít người chú ý: lần đầu tiên một quả mìn từ trên không có định hướng được thử nghiệm. Không quân đã cải tiến một quả mìn “ngu” với các yếu tố dẫn đường “thông minh”, mở rộng một cách đáng kể tiềm năng của các loại mìn trên không. Điều này được đánh giá là mang tính cách mạng, tăng cường khả năng triển khai một cách chính xác các loại mìn và mức độ sống sót của chúng, đặc biệt tại các chiến trường trên biển.

Đô đốc Kamarulzaman A. Badaruddin của hải quân Malaysia đã kêu gọi mở rộng Hiệp ước Chạm trán ngoài ý muốn trên biển (Code of Unplanned Encounters at Sea – CUES) trong bài phát biểu mở đầu của ông tại hội thảo An ninh hàng hải và Giám sát bờ biển. Theo ông, CUES cần phải mở rộng áp dụng cho các cơ quan đảm bảo an ninh hàng hải khác, ví dụ như bảo vệ bờ biển. Bộ trưởng Quốc phòng Singapore cũng đã từng đề xuất mở rộng CUES cho cả các tàu dân sự cũng như cho máy bay.

Lực lượng không quân ném bom Trung Quốc vừa qua đã tiến hành các cuộc tuần tra bên ngoài phạm vi của Chuỗi đạo thứ nhất, theo lời Bộ Quốc phòng nước này. Các máy bay ném bom H-6K đã bay ra ngoài phạm vi của chuỗi đảo đến 600 dặm. Bên cạnh các máy bay H-6K là các máy bay cảnh báo sớm và chiến đấu cơ khác. Đây là hành động tuần tra xung quanh vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Bắc Kinh đã thiết lập tại Hoa Đông. Sự xuất hiện của H-6K và các máy bay hộ tống đã gửi thông điệp tới Mỹ và Nhật Bản rằng “hãy giữ khoảng cách”.