Đánh giá việc Mỹ triển khai P-8 Poseidon ở Singapore

poseidon

Nguồn: Jermyn Chow, “See P-8 deployment in perspective”, The Straits Time, 09/12/2015.

Biên dịch: Lê Hồng Hiệp

Thông báo về việc Singapore cho phép Hoa Kỳ triển khai máy bay giám sát P-8 Poseidon ở nước này cho đến thứ hai tuần tới đã được giấu vào ở giữa một tuyên bố chung được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen gặp người đồng nhiệm Ashton Carter tại Lầu Năm Góc hôm thứ Hai vừa qua.

Nhưng các quan chức quốc phòng và các chuyên gia đang tìm hiểu về đợt triển khai luân phiên kéo dài một tuần này không thể bỏ qua thông điệp được gửi gắm, mặc dù tuyên bố tập trung nhiều hơn vào cách quân đội hai bên sẽ tăng cường quan hệ và đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới như hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, bảo vệ không gian mạng và an toàn sinh học.

Các nhà bình luận đã coi động thái này là dấu hiệu Singapore nghiêng về phía Mỹ, nước đang tìm cách thể hiện sức mạnh của mình ở châu Á trong bối cảnh căng thẳng tăng cao ở Biển Đông.

Cần phải nhìn nhận động thái này trong một bối cảnh rộng lớn hơn. Việc triển khai P-8 không phải là một sự thay đổi đáng kể về lập trường của Singapore, mà nên được xem như là một sự tiến hóa trong mối quan hệ quốc phòng vững mạnh giữa Singapore và Washington.

Đầu tiên, việc triển khai không phải là một phần của thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng được ký hôm thứ Hai vừa qua. Nó nằm trong phạm vi của Bản ghi nhớ năm 1990 và Hiệp định khung chiến lược được hai bên ký vào năm 2005.

Theo hai hiệp định này, Mỹ đã bắt đầu triển khai các tàu chiến ven bờ (LCS) tại Singapore kể từ năm 2013. Việc triển khai P-8 chỉ đơn giản là nhằm thực hiện những gì đã được thỏa thuận trước đó.

Nghiên cứu viên cao cấp William Choong tại Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược cho rằng việc triển khai P-8 cho thấy những tiến triển trong quan hệ Mỹ-Singapore và không phải là một động thái “nhắm vào Trung Quốc”. “Với đội tàu LCS đã được triển khai ở đây, sẽ vẫn luôn luôn còn chỗ cho việc triển khai thêm các tàu và thiết bị khác của Mỹ,” ông nói thêm.

Thứ hai, Singapore đã làm rõ rằng nước này không phải là một bên yêu sách trong các tranh chấp ở Biển Đông nhưng có lợi ích trong việc bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nơi vốn mà là một “huyết mạch quan trọng” đối với thương mại.

Các nhà lãnh đạo Singapore đã lặp đi lặp lại quan điểm này. Tháng trước, Thủ tướng Lý Hiển Long đã phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á rằng tất cả các bên phải tuân thủ nguyên tắc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Thứ ba, việc triển khai P-8 trong tuần này phù hợp với kế hoạch của Mỹ chi 425 triệu đô la để giúp các nước Đông Nam Á tăng cường khả năng hàng hải của họ thông qua việc diễn tập quân sự và mua sắm thiết bị.

Singapore đã tham gia cùng các nước đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Philippines trong việc cho phép người Mỹ triển khai máy bay P-8 từ các sân bay của họ. Nhưng Singapore không phải là một đồng minh hiệp ước của Mỹ.

Hợp tác song phương không chỉ dành riêng cho người Mỹ. Singapore cũng đã đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc, điều có thể thấy rõ ràng từ các thỏa thuận hợp tác thực chất được công bố trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Singapore hồi tháng trước.

Quan hệ quốc phòng song phương giữa hai bên cũng đã được tăng cường trong năm qua theo một thỏa thuận bốn điểm, bao gồm đẩy mạnh tần suất các đợt diễn tập chung, đồng thời tăng cường trao đổi và đối thoại giữa hai quân đội.

Như Tiến sĩ Ng đã phát biểu tại một diễn đàn quốc phòng ở Trung Quốc hồi tháng Mười, trọng lượng và tầm quan trọng chiến lược của Trung Quốc biến nước này trở thành một quốc gia dẫn dắt an ninh khu vực. Ông nói: “Chúng tôi sẽ cần nhiều hơn các sáng kiến như vậy và Singapore ủng hộ vai trò lãnh đạo của Trung Quốc nhằm thúc đẩy sự ổn định và an ninh ở châu Á.”

Thi thoảng các quan ngại về lòng trung thành của Singapore có thể được nêu ra, nhưng như Tiến sĩ Choong cho biết, đây là những cảm nhận sẽ không bao giờ mất đi.

Lập trường của Singapore là rõ ràng: Nước này muốn được gần gũi với cả Mỹ và Trung Quốc, không nghiêng cán cân quyền lực về bên nào hoặc làm cho cạnh tranh trong khu vực tăng cao.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]