Nguồn: Shlomo Ben-Ami, “Blinded by ISIS”, Project Syndicate, 04/12/2015.
Biên dịch: Trần Văn Thắng | Hiệu đính: Nguyễn Thị Nhung
Kể từ cuộc tàn sát ở Paris tháng trước, trong cộng đồng quốc tế xuất hiện một ý kiến dường như đang được nhiều người tán đồng: Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) chỉ có thể bị đánh bại bằng một cuộc xâm lược trên mặt đất nhằm thẳng vào “nhà nước” của chúng. Niềm tin này là ảo tưởng. Ngay cả khi phương Tây và các đồng minh tại khu vực này (bao gồm người Kurd, phe đối lập Syria, Jordan và các quốc gia Ả-rập Sunni khác) có thể nhất trí về việc bên nào sẽ cung cấp lực lượng bộ binh chủ lực, thì ISIS đã thay đổi cơ cấu chiến lược của chúng rồi. Nhà nước Hồi giáo giờ đây đã là một tổ chức toàn cầu, với các chi nhánh cơ sở ở khắp mọi nơi, đủ khả năng tàn phá các thủ đô của phương Tây.
Trên thực tế, ISIS từ trước đến nay luôn là triệu chứng của một căn bệnh trầm kha hơn. Sự chia rẽ trong khu vực Trung Đông của người Ả-rập cho thấy khu vực này không tìm ra được cách trung hòa giữa một bên là chủ nghĩa dân tộc thế tục đã “phá sản”, thứ đã thống trị hệ thống nhà nước của khu vực kể từ khi giành được độc lập, và một bên là hình thức Hồi giáo cực đoan chống lại xã hội hiện đại. Hay nói cách khác, vấn đề cơ bản ở đây nằm gọn trong cuộc đấu tranh sinh tồn giữa các nhà nước rối loạn chức năng hoàn toàn với tình trạng cuồng tín thần quyền kích động bạo lực.
Cuộc đấu tranh đó đã khiến hầu hết các chính quyền trong khu vực bị cạn kiệt tính chính đáng vốn đã rất hạn chế của họ, và từ đó một trật tự khu vực kéo dài suốt một thế kỷ đang sụp đổ. Thực sự, Israel, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ – ba quốc gia mà người Ả-rập không chiếm đa số – có lẽ cũng là những quốc gia – dân tộc thực sự cố kết duy nhất của khu vực này.
Trong nhiều năm qua, các nước then chốt trong khu vực, trong số đó có cả những “đứa con cưng của phương Tây” như Saudi Arabia và Qatar, đã cơ bản trả tiền bảo kê cho các phần tử thánh chiến. Đúng vậy, các cuộc chiến tranh do Mỹ khởi xướng trong khu vực – với mức độ hủy diệt ngang với sự ngu xuẩn của chúng – là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hỗn loạn đang nhấn chìm khu vực Lưỡi liềm Phì nhiêu (hay vùng Lưỡng hà, gồm: Iraq, Syria, Liban, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Israel, Kuwait, và một số phần lãnh thổ của Iran -ND). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các chế độ quân chủ cực đoan Ả-rập có thể chối bỏ trách nhiệm, khi chính họ đã khơi dậy các tư tưởng kiểu thế kỷ thứ VII mà ISIS (và các nhóm khác) đang tìm cách tái hiện.
Đạo quân gồm những kẻ tâm thần và liều mạng của ISIS ra đời như một “công ty khởi nghiệp” do những tay trùm tư bản người Sunni ở Vùng Vịnh đầu tư. Họ ghen tỵ trước thành công của Iran khi nước này phát triển được nhóm khủng bố Hồi giáo Hezbollah (dòng Shia) tại Li-băng. Đây là sự kết hợp giữa một lý tưởng và tiền bạc để truyền bá lý tưởng đó, tạo ra con quái vật này và nuôi dưỡng tham vọng gây dựng một vương quốc Hồi giáo độc tài toàn trị.
Trong nhiều năm qua, những người theo Học thuyết Wahhabi của Saudi Arabia đã trở thành nguồn cơn tư tưởng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, đồng thời là kẻ hậu thuẫn và tài trợ cho các nhóm khủng bố trên toàn khu vực. Như lời phát biểu vào đầu năm nay của cựu Thượng Nghị sĩ Mỹ Bob Graham, tác giả chính của báo cáo mật của Thượng viện về các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, ISIS là một sản phẩm của “các lý tưởng Saudi” và “tiền bạc Saudi”. Quả thực, trang Wikileaks trích lời cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cáo buộc Qatar và Saudi Arabia cấu kết “với Al Qaeda, Taliban và các nhóm khủng bố khác”.
Điều đó dẫn đến một vấn đề nhãn tiền: Khi các chế độ trong khu vực này hợp tác với các nhóm khủng bố thì làm sao chúng ta có thể tin tưởng để hợp tác tình báo với họ, chưa nói đến thành lập một liên minh chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan? Các chế độ được cho là thân phương Tây ở Trung Đông của người Ả-rập thậm chí còn không hoàn toàn nhất trí với phương Tây về ý nghĩa và các tác động của cuộc chiến chống khủng bố, hay kể cả về khái niệm chủ nghĩa cực đoan bạo lực.
Đó chỉ là một nguyên nhân lý giải tại sao kế hoạch đổ quân vào lãnh thổ do ISIS kiểm soát, sử dụng các đội quân khu vực tấn công kết hợp với các cuộc không kích của phương Tây, có thể gây ra những hậu quả tàn phá không thể lường trước. Hãy nghĩ về cuộc xâm lược Iraq của George W. Bush. Thực sự, ngay cả khi các bên thống nhất được việc phân chia nhiệm vụ như vậy, thì một cuộc xâm lược trên mặt đất nhằm đẩy lùi ISIS ra khỏi lãnh thổ của chúng ở Iraq và Syria sẽ chỉ thúc đẩy lực lượng này chuyển mục tiêu sang một khu vực vốn đang sụp đổ thành những vùng đất không bóng người mà thôi.
Đến lúc đó, “Vua Hồi” Abu Bakr al-Baghdadi (của ISIS), hoặc một số vua Hồi tương lai, sẽ luôn luôn gắn tình trạng hỗn loạn về quản trị đang ngày càng nghiêm trọng trong khu vực với một chiến dịch thánh chiến toàn cầu, và thực tế, với những gì chúng ta đã trông thấy ở Paris và các nơi khác, quá trình này đã bắt đầu rồi. Dù giữa ISIS và Al Qaeda vẫn tồn tại chia rẽ về tư tưởng và chiến lược, nhưng như vậy không có nghĩa là hai bên không thể hình thành một liên minh chống lại kẻ thù chung là các chính quyền Ả-rập đương nhiệm và phương Tây. Osama Bin Laden khi còn sống không bao giờ loại bỏ ý tưởng thành lập một vương quốc Hồi giáo. Thực chất, những hành vi khủng bố của hắn mới chỉ là khúc dạo đầu.
Cùng lúc đó, trước tình thế hỗn loạn không thể tránh khỏi như vậy, Syria và Iran có thể tận dụng tình hình để mở rộng ảnh hưởng ở Iraq; và tất cả các bên, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ phản đối vai trò trung tâm của người Kurd. Người Kurd đã chứng minh họ là những chiến binh rất đáng tin cậy và có năng lực, chính những trận chiến giải phóng các thành phố Kobani và Sinjar khỏi sự kiểm soát của ISIS đã cho thấy điều đó. Tuy nhiên, cũng không nên nghĩ rằng họ có thể là công cụ của phương Tây trong việc chinh phục vùng đất trung tâm của người Sunni ở Iraq và Syria.
Hiện cũng chưa rõ liệu phương Tây có đủ khả năng tưởng thưởng cho công sức của các chiến binh người Kurd bằng cách trao cho họ tư cách một quốc gia chính thức hay không. Các hạn chế địa chính trị từng ngăn cản người Kurd độc lập trong nhiều thế kỷ qua đến nay càng nổi bật hơn.
Nếu các nước Ả-rập quyết định tiến hành một cuộc xâm lược ISIS với sự hậu thuẫn của phương Tây, thì chúng ta có thể dễ dàng lường trước một vài hậu quả “ngoài dự tính” của nó. Cuộc chiến này cuối cùng sẽ khơi dậy sự cảm thông của công chúng trong toàn khu vực dành cho ISIS, do đó đem lại cho ISIS một chiến thắng trên mặt trận tuyên truyền, và trở thành lời hiệu triệu cho các thanh niên Hồi giáo vốn đang bị cô lập trong xã hội châu Âu và các nơi khác đứng lên, chống lại đạo quân Thập tự chinh và những kẻ phản bội Đạo Hồi thông đồng với họ.
Giải pháp thực tế duy nhất hiện nay không mới. Đó là các bên phải tiếp tục nỗ lực và kiên quyết để ngăn chặn sự bành trướng của ISIS, cắt các nguồn tài chính của chúng, tăng cường và mở rộng hợp tác tình báo giữa các đồng minh đáng tin cậy, chấm dứt mối cấu kết của các chế độ quân chủ với các nhóm khủng bố, và khuyến khích cải cách (mà không tham gia vào các kế hoạch xây dựng nhà nước vĩ mô).
Khu vực Trung Đông của người Ả-rập khó có thể ổn định trong ngày một ngày hai. Nó đòi hỏi sự thay đổi nội tại sâu sắc, và để làm được điều đó, có thể sẽ phải mất hơn nửa thế kỷ. Còn hiện tại, phương án tốt nhất mà chúng ta có thể hy vọng là chuyển hóa ISIS thành một nhà nước thất bại khác trong khu vực mà thôi.
Shlomo Ben-Ami, cựu Ngoại trưởng Israeli, là Phó Chủ tịch của Trung tâm Quốc tế vì Hòa bình Toledo. Ông là tác giả các cuốn sách Scars of War, Wounds of Peace: The Israeli-Arab Tragedy.
Copyright: Project Syndicate 2015 – Blinded by ISIS
Xem thêm:
http://nghiencuuquocte.net/2015/11/16/chiec-bay-cua-nha-nuoc-hoi-giao-danh-cho-chau-au/
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]